cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 34/2010/NQ-HĐND ngày 22/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Về Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2015 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 34/2010/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Ngày ban hành: 22-12-2010
  • Ngày có hiệu lực: 26-12-2010
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 10-05-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3057 ngày (8 năm 4 tháng 17 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 10-05-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 10-05-2019, Nghị quyết số 34/2010/NQ-HĐND ngày 22/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Về Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2015 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1202/QĐ-UBND ngày 10/05/2019 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2010/NQ-HĐND

Vĩnh Yên, ngày 22 tháng 12 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHOÁ XIV KỲ HỌP THỨ 22

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15/6/2004;

Căn cứ Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;

Căn cứ Quyết định số 84/2009/QĐ-TTg ngày 4/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg ngày 22/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em;

Trên cơ sở Tờ trình số 180/TTr-UBND ngày 18/11/2010 của UBND tỉnh về Chương trình hành động vì trẻ em Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 - 2015, báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá- Xã hội HĐND tỉnh và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Chương trình hành động vì trẻ em Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2015 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu tổng quát

Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em và thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của trẻ em. Bảo đảm cho mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục một cách tốt nhất; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em và giảm thiểu sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển giữa các nhóm trẻ và trẻ em giữa các vùng miền, thông qua việc mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ phúc lợi xã hội dành cho trẻ em; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ thống bảo vệ trẻ em và phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe:

Tạo cơ hội cho mọi trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản và từng bước tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao một cách bình đẳng; đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý cho trẻ.

* Chỉ tiêu đến năm 2015:

- Giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi xuống 5‰, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 7‰.

- Giảm đến mức thấp nhất bà mẹ tử vong liên quan đến thai sản (10/100.000 ca đẻ sống).

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân xuống 10%; thể thấp còi xuống 19%.

b) Về nước sạch và vệ sinh môi trường:

Đảm bảo mọi trẻ em được sử dụng nước sạch và thiết bị vệ sinh ở trường học, nơi công cộng và ở nhà.

* Chỉ tiêu đến năm 2015:

- 100% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 82,5% dân cư đô thị được cấp nước sạch; Trên 70% hộ gia đình ở nông thôn, 97,5% hộ gia đình ở thành thị sử dụng hố xí hợp vệ sinh.

- Tăng tỷ lệ trường học có công trình nước sạch đạt 88%; tỷ lệ trường học có công trình vệ sinh đạt yêu cầu đạt 97,5%.

c) Về giáo dục:

Tạo cơ hội cho mọi trẻ em được tiếp cận với các loại hình giáo dục phù hợp và bình đẳng, tăng số trẻ em đi học mẫu giáo, tiểu học đúng độ tuổi; từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực nông thôn, miền núi. Đẩy mạnh giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV/AIDS và trẻ em rối nhiễu tâm trí.

* Chỉ tiêu đến năm 2015:

- Giáo dục mầm non: Huy động 59% số trẻ em từ 1 đến dưới 3 tuổi ra nhà trẻ, nhóm trẻ; 98% số trẻ em từ 3-5 tuổi đi mẫu giáo; 99,9% trẻ 5 tuổi được hưởng chương trình giáo dục mầm non trước khi vào lớp 1.

- Giáo dục tiểu học: Tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi 99,9%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học 99,9%; 100% số học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6; trên 95,7% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khuyết tật có đủ điều kiện được đi học.

- Giáo dục trung học cơ sở: Tỷ lệ trẻ em tốt nghiệp trung học cơ sở 99,9%.

d) Về bảo vệ trẻ em

Bảo vệ trẻ em tránh khỏi các hình thức ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột, sao nhãng; giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Đảm bảo mọi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị tổn hại được chăm sóc, trợ giúp, tái hoà nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển bình đẳng.

* Chỉ tiêu đến năm 2015:

- 100% trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa được chăm sóc tại cộng đồng và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

- 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khuyết tật được hỗ trợ, chăm sóc, phẫu thuật, phục hồi chức năng tại cộng đồng và được tư vấn thích hợp.

- 100% trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc, điều trị.

- Phòng ngừa để giảm đến mức thấp nhất trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em bị xâm hại, trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc xa gia đình, trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.

- Không có tình trạng thương mại hoá trong việc cho, nhận trẻ em làm con nuôi người nước ngoài. Không để xảy ra tình trạng buôn bán trẻ em.

- 100% trẻ em được khai sinh đúng luật định.

e) Về văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em:

Tạo điều kiện cho trẻ em được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh và bổ ích phù hợp với lứa tuổi, giới tính và đặc thù của các vùng miền trong tỉnh. Tăng cường giáo dục trẻ em bản sắc văn hóa, lối sống truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt coi trọng các trò chơi truyền thống mang tính giáo dục và tiết kiệm chi phí. Hạn chế tình trạng trẻ em tiếp xúc với các ấn phẩm văn hóa mang tính bạo lực và khiêu dâm trẻ em.

* Chỉ tiêu đến năm 2015:

- 93,5% thôn, làng có điểm vui chơi cho trẻ em; 95,6% xã, phường, thị trấn dành đất xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em. Từng bước trang bị cơ sở vật chất cho các điểm vui chơi trẻ em.

- 8 huyện, thị xã có Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi cấp huyện, thị xã.

f) Về xã, phường phù hợp với trẻ em.

- Tăng tỷ lệ xã, phường phù hợp với trẻ em lên 70%.

g) Về sự tham gia của trẻ em:

Tạo cơ hội cho trẻ em được tiếp cận với thông tin, được tham gia vào các hoạt động xã hội và được bày tỏ ý kiến của mình về những vấn đề có liên quan đến trẻ em thông qua các Diễn đàn trẻ em hoặc đối thoại giữa trẻ em với các cơ quan quản lý, các đại biểu Quốc hội và HĐND.

* Chỉ tiêu đến năm 2015:

- 09 huyện, thị, thành phố có nhóm trẻ em nòng cốt hoạt động.

- Trên 60% các xã, phường, thị trấn có nhóm trẻ em nòng cốt hoạt động.

- Cấp tỉnh tổ chức Diễn đàn trẻ em hàng năm, mỗi năm 01 lần.

3. Các giải pháp chính

a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; nâng cao trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu Chương trình hành động vì trẻ em. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện, biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt công tác này, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quyền trẻ em.

b) Đẩy mạnh công tác truyền thông làm cho mọi người, mọi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Kết hợp tốt ba môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội. Chú trọng hình thức tư vấn, tham vấn, công tác xã hội và vận động trực tiếp gia đình, cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tập trung hoạt động truyền thông, giáo dục vào những vùng dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và những nhóm đối tượng còn hạn chế trong thực hiện trách nhiệm của mình đối với trẻ em.

c) Đẩy mạnh xã hội hoá công tác Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thực hiện tốt các chương trình quốc gia có liên quan đến trẻ em.

d) Phối hợp lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế hộ gia đình. Xây dựng hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản cho gia đình và trẻ em.

e) Tổ chức tốt công tác vận động xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em, ngoài ngân sách Nhà nước hỗ trợ có mục đích theo từng thời kỳ, cần đa dạng hoá các hình thức vận động, đóng góp tự nguyện của mọi người, mọi gia đình, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các lực lượng xã hội, các tổ chức quốc tế và các hình thức vận động khác.

f) Kinh phí để thực hiện các mục tiêu Chương trình hành động vì trẻ em: Ngoài nguồn kinh phí chi ngân sách đã giao của các sở, ngành có liên quan để thực hiện các mục tiêu chương trình, hàng năm UBND tỉnh dành từ 5 tỷ đồng trở lên giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương, UBND các cấp quyết định kinh phí đảm bảo cho Chương trình hành động vì trẻ em theo hướng cấp huyện 200 triệu đồng/năm, cấp xã 20 triệu đồng/năm và giao cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động sự nghiệp Bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

g) Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ; tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, nhất là cấp cơ sở.

h) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các quyền của trẻ em và các mục tiêu của Chương trình hành động vì trẻ em.

Điều 2: Tổ chức thực hiện

- Giao cho UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện, hàng năm báo cáo kết quả với HĐND tỉnh.

- Thường trực HĐND tỉnh, các Ban và Đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

- Nghị quyết có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khoá XIV kỳ họp thứ 22 thông qua ngày 16 tháng 12 năm 2010./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Chức