Nghị quyết số 14/2010/NQ-HĐND ngày 16/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái Ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 14/2010/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Yên Bái
- Ngày ban hành: 16-12-2010
- Ngày có hiệu lực: 26-12-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-02-2016
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1863 ngày (5 năm 1 tháng 8 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-02-2016
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2010/NQ-HĐND | Yên Bái, ngày 16 tháng 12 năm 2010 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC BAN HÀNH CÁC NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN BẰNG NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHÓA XVI - KỲ HỌP THỨ 20
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015;
Sau khi xem xét Tờ trình số 181/TTr-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015; nghe báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015, với nội dung như sau:
1. Các ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư phát triển tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015
Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước của tỉnh Yên Bái được bố trí để chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án của các ngành, lĩnh vực dưới đây:
a) Nông, lâm nghiệp và thủy sản: Xây dựng, cải tạo và nâng cấp các công trình, dự án thủy lợi, đê điều và phòng chống lụt bão; các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản; cơ sở vật chất quản lý nhà nước về cây trồng, vật nuôi và dịch hại, bảo vệ và phát triển rừng; hạ tầng nuôi trồng thủy sản;
b) Công nghiệp: Đầu tư hạ tầng các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, điện chiếu sáng của các đô thị, mạng lưới điện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn khó khăn;
c) Giao thông vận tải: Xây dựng và nâng cấp các công trình, dự án giao thông đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường giao thông nông thôn và cảng (sông, hồ Thác Bà);
d) Cấp nước và xử lý rác thải, nước thải: Xây dựng, cải tạo và nâng cấp các công trình, dự án cấp, thoát nước, xử lý chất thải;
đ) kho tàng: Xây dựng, cải tạo và nâng cấp các công trình thuộc hệ thống kho tàng, lưu trữ hồ sơ, tài liệu, kho vật chứng, bến bãi lưu giữ hàng dự trữ quốc gia theo phân cấp;
e) Văn hóa: Xây dựng và cải tạo các công trình, dự án bảo tồn, bảo tàng, điện ảnh, thư viện, nhà văn hóa;
g) Thể thao: Xây dựng và cải tạo các công trình, dự án thuộc lĩnh vực thể dục, thể thao;
h) Thông tin và truyền thông: Xây dựng và cải tạo các công trình, dự án phục vụ hoạt động xuất bản, thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc; các công trình viễn thông phục vụ mục tiêu quốc phòng, an ninh và các dự án cụ thể được phê duyệt của cấp có thẩm quyền;
i) Khoa học, công nghệ và công nghệ thông tin: Xây dựng và cải tạo các công trình, dự án thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, như xây dựng mới, nâng cấp, đầu tư chiều sâu các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ, các Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh; các trạm, trại thực nghiệm; xây dựng và cải tạo các công trình công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu và xây dựng cổng thông tin;
k) Giáo dục và Đào tạo: Xây dựng và cải tạo các công trình, dự án hạ tầng cho các cấp giáo dục và đào tạo mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học nghề nghiệp, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng;
l) Y tế và vệ sinh an toàn thực phẩm: Xây dựng và cải tạo các công trình, dự án trạm y tế xã, phường, thị trấn; bệnh viện đa khoa tỉnh; bệnh viện chuyên khoa tỉnh; bệnh viện tuyến huyện, liên huyện; các trung tâm y tế; trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình cấp huyện; xây dựng các khu cách ly gia súc, gia cầm trong công tác kiểm dịch; phòng kiểm nghiệm và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm;
m) Xã hội: Xây dựng và cải tạo các công trình, dự án phục vụ mục tiêu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, thương bệnh binh, người già, người tàn tật, chăm sóc, điều dưỡng sức khỏe; cai nghiện và các công trình trợ giúp xã hội khác;
n) Tài nguyên và Môi trường: Xây dựng và cải tạo các công trình, dự án quan trắc cảnh báo môi trường; xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường;
o) Quản lý nhà nước: Xây dựng và cải tạo trụ sở, nơi làm việc của cơ quan Đảng, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp; trụ sở các sở, ban, ngành, trụ sở một số đoàn thể, hội;
p) Quốc phòng, an ninh: Hỗ trợ đầu tư xây dựng và cải tạo các công trình, dự án quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật.
2. Nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các sở, ban, ngành thuộc tỉnh
a) Các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc tỉnh được sử dụng vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015, gồm:
- Cơ quan của Tỉnh ủy;
- Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Các sở, ban, ngành và các cơ quan trực thuộc tỉnh;
- Các tổ chức chính trị - xã hội;
- Đối với các tổ chức xã hội, hiệp hội và các tổ chức khác, việc bố trí vốn sẽ được xem xét cụ thể từng công trình, dự án phục vụ cho các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể vì lợi ích công được Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
b) Bố trí vốn đầu tư cho các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc tỉnh
Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các sở, ban, ngành, cơ quan của tỉnh dựa trên cơ sở nhu cầu và khả năng cân đối cho từng ngành, lĩnh vực phù hợp với mục tiêu phát triển và kế hoạch đầu tư trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015;
Chỉ bố trí cho các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp và phục vụ lợi ích công. Việc phân bổ vốn thực hiện dự án cho các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc tỉnh theo ngành, lĩnh vực phải trên cơ sở các dự án có trong quy hoạch, các dự án có đủ thủ tục đầu tư theo quy định.
c) Nguyên tắc bố trí vốn cho các công trình dự án của các sở, ban, ngành, cơ quan trực thuộc tỉnh
Các sở, ban, ngành, cơ quan đề xuất việc phân bổ vốn cho các công trình, dự án cụ thể theo các nguyên tắc sau:
- Các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được bố trí vốn phải phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ngành đề ra;
- Các công trình, dự án được bố trí vốn phải nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt, có đủ thủ tục đầu tư theo các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng;
- Bố trí vốn tập trung, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Ưu tiên bố trí cho các dự án công trình trọng điểm, các dự án quan trọng, các công trình dự án hoàn thành, vốn đối ứng cho các dự án ODA; đảm bảo thời gian từ khi khởi công đến khi hoàn thành các dự án nhóm B không quá 5 năm, dự án nhóm C không quá 3 năm; không bố trí ngân sách nhà nước cho các dự án khi chưa xác định rõ nguồn vốn.
- Phải dành một phần vốn để thanh toán các khoản nợ và ứng trước năm kế hoạch;
- Bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng trong phân bổ vốn đầu tư phát triển.
3. Nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước trong cân đối do các huyện, thị xã, thành phố quản lý
a) Nguyên tắc xây dựng các tiêu chí và định mức phân bổ vốn
- Thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển được xây dựng cho năm 2011, là cơ sở để xác định số bổ sung cân đối của ngân sách cấp tỉnh cho ngân sách cấp huyện, thành phố, thị xã được ổn định trong 5 năm của giai đoạn 2011-2015;
- Bảo đảm tương quan hợp lý giữa việc phục vụ các mục tiêu phát triển trung tâm chính trị, kinh tế của tỉnh; vùng kinh tế phía Đông và vùng kinh tế phía Tây với việc ưu tiên hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc, các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng cao và các xã khó khăn khác để góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các huyện trong tỉnh;
- Bảo đảm sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của ngân sách nhà nước, tạo điều kiện để thu hút tối đa các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển;
- Bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng trong việc phân bổ vốn đầu tư phát triển;
- Mức vốn đầu tư phát triển trong cân đối (không bao gồm đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất) năm 2011 năm đầu của thời kỳ ổn định 2011-2015 của từng huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh được áp dụng cho giai đoạn 2011-2015, các năm tiếp theo căn cứ vào khả năng ngân sách sẽ điều chỉnh mức vốn cho các huyện, thành phố, thị xã nhưng không thấp hơn mức phân bổ năm 2011.
b) Nguyên tắc phân bổ vốn trong cân đối của các huyện, thành phố, thị xã cho các dự án
Hàng năm, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã căn cứ vào tổng mức vốn được giao theo thời kỳ ổn định ngân sách, xác định nhu cầu đầu tư, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và xây dựng phương án trình Hội đồng nhân dân huyện, thành phố, thị xã quyết định. Riêng kế hoạch đầu tư phát triển năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định chỉ tiêu kế hoạch vốn của các danh mục dự án do các huyện, thành phố, thị xã làm chủ đầu tư với nguyên tắc: ưu tiên thanh toán cho các dự án hoàn thành, các dự án chuyển tiếp cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong năm 2011, bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA, chỉ khởi công đối với những dự án thật sự cấp bách, có đủ thủ tục đầu tư theo quy định. Việc xác định nhu cầu đầu tư cho các danh mục dự án và việc phân bổ vốn cho các công trình, dự án phải được thực hiện trên các nguyên tắc sau:
- Các công trình, dự án được bố trí vốn phải nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt, có đủ thủ tục đầu tư theo các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng;
- Ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực kết cấu hạ tầng nông thôn, miền núi, phúc lợi xã hội; các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa; đảm bảo thời gian từ khi khởi công đến khi hoàn thành các dự án nhóm B không quá 5 năm, dự án nhóm C không quá 3 năm;
- Bảo đảm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, tạo sức hấp dẫn nhằm thu hút các nguồn vốn khác để đảm bảo mục tiêu huy động cao nhất các nguồn vốn đầu tư trong toàn xã hội nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế;
- Hàng năm, để đảm bảo mức vốn bố trí từ ngân sách địa phương cho các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; khoa học, công nghệ và công nghệ thông tin của tỉnh Yên Bái không thấp hơn mức dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao; Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, giao cơ cấu cho các huyện, thành phố, thị xã để các địa phương chủ động trong công tác chuẩn bị dự án và đề xuất nhu cầu đầu tư;
- Phải dành một phần vốn để thanh toán các khoản nợ và ứng trước năm kế hoạch;
- Bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng trong phân bổ vốn đầu tư phát triển.
c) Các tiêu chí phân bổ vốn
- Tiêu chí dân số, gồm: Số dân trung bình và số người dân tộc thiểu số của các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
- Tiêu chí về trình độ phát triển, gồm: Tỷ lệ hộ nghèo, thu nội địa (không bao gồm số thu tiền sử dụng từ đất);
- Tiêu chí về diện tích, gồm: Diện tích đất tự nhiên của các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
- Tiêu chí về đơn vị hành chính: Số đơn vị hành chính cấp xã, số xã đặc biệt khó khăn, số xã vùng cao;
- Các tiêu chí bổ sung:
+ Tiêu chí thành phố trung tâm tỉnh lỵ: Thành phố Yên Bái;
+ Tiêu chí huyện là trung tâm động lực phát triển của khu vực trong tỉnh: Huyện Văn Chấn;
+ Tiêu chí xây dựng thị xã là trung tâm văn hóa, thương mại, dịch vụ của khu vực trong tỉnh: Thị xã Nghĩa Lộ.
d) Xác định số điểm của từng tiêu chí cụ thể:
- Tiêu chí dân số: Bao gồm số dân trung bình và số người dân tộc thiểu số thực hiện năm 2009, cách tính cụ thể như sau:
Điểm của tiêu chí dân số trung bình
Số dân trung bình | Điểm |
Dưới 50.000 người | 10 điểm |
Trên 50.000 người, cứ tăng thêm 10.000 người được thêm | 1 điểm |
Dân số trung bình của các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để tính toán điểm được xác định căn cứ vào số liệu công bố của Cục Thống kê năm 2009.
Điểm của tiêu chí người dân tộc thiểu số
Số dân | Điểm |
Dưới 10.000 người không tính điểm |
|
Đến 10.000 người | 5 điểm |
Trên 10.000 người, cứ tăng thêm 5.000 người được thêm | 1 điểm |
Số người dân tộc thiểu số của các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để tính toán điểm được xác định căn cứ vào số liệu công bố của Cục Thống kê năm 2009.
- Tiêu chí về trình độ phát triển bao gồm: Tỷ lệ hộ nghèo, thu nội địa (không bao gồm số thu tiền sử dụng từ đất) của các huyện, thị xã, thành phố.
Điểm của tiêu chí hộ nghèo
Tỷ lệ hộ nghèo | Điểm |
Dưới 5% hộ nghèo thì không tính điểm cho tiêu chí này |
|
5% hộ nghèo | 5 điểm |
Trên 5% hộ nghèo, cứ tăng thêm 5% hộ nghèo cộng thêm | 1 điểm |
Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để tính toán điểm được xác định căn cứ vào số liệu báo cáo năm 2009 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Điểm của tiêu chí thu nội địa
Thu nội địa | Điểm |
Dưới 10 tỷ đồng | 5 điểm |
Từ 10 tỷ đồng đến 40 tỷ đồng, cứ 5 tỷ đồng tăng thêm được tính thêm | 1 điểm |
Trên 40 tỷ đồng, cứ 5 tỷ đồng tăng thêm được tính thêm | 1,2 điểm |
Số thu nội địa của các huyện, thành phố, thị xã (không bao gồm các khoản thu từ sử dụng đất, thuế nhập khẩu, XSKT, thu trái phiếu, thu kết dư ngân sách, thu chuyển nguồn) thuộc tỉnh để tính toán điểm được xác định căn cứ vào số liệu báo cáo quyết toán năm 2009 của Sở Tài chính;
- Tiêu chí về diện tích: Gồm diện tích đất tự nhiên của các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Điểm của tiêu chí diện tích đất tự nhiên
Diện tích đất tự nhiên | Điểm |
Dưới 50.000 ha | 10 điểm |
Từ 50.000 ha đến 100.000 ha, cứ tăng thêm 10.000 ha được tính thêm | 3 điểm |
Trên 100.000 ha cứ tăng thêm 10.000 ha được tính thêm | 1 điểm |
- Tiêu chí về đơn vị hành chính: Gồm số đơn vị hành chính cấp xã, số xã đặc biệt khó khăn, số xã vùng cao.
Điểm của tiêu chí đơn vị hành chính cấp xã
Đơn vị hành chính cấp xã | Điểm |
Mỗi xã được tính | 1 điểm |
Điểm của tiêu chí đơn vị hành chính cấp xã đặc biệt khó khăn
Đơn vị hành chính cấp xã đặc biệt khó khăn | Điểm |
Mỗi xã được tính | 1 điểm |
Điểm của tiêu chí đơn vị hành chính cấp xã vùng cao
Đơn vị hành chính cấp xã vùng cao | Điểm |
Mỗi xã được tính | 1 điểm |
- Tiêu chí bổ sung:
Địa phương | Điểm |
Thành phố trung tâm tỉnh lỵ | 30 điểm |
Huyện là trung tâm động lực phát triển của khu vực trong tỉnh: Huyện Văn Chấn | 20 điểm |
Thị xã là trung tâm văn hóa, thương mại, dịch vụ của khu vực trong tỉnh: Thị xã Nghĩa Lộ | 25 điểm |
e) Xác định mức phân bổ vốn
- Căn cứ vào tiêu chí quy định trên đây để tính ra số điểm của từng huyện, thị xã, thành phố; từ đó xác định được tổng số điểm của toàn tỉnh, là cơ sở để phân bổ vốn đầu tư trong cân đối.
Gọi tổng số điểm của 9 huyện, thị xã, thành phố là Q.
Tổng số điểm toàn tỉnh: Q = 946,33 điểm
Trong đó: Thành phố Yên Bái 93,48 điểm; thị xã Nghĩa Lộ 71,18 điểm; huyện Trấn Yên 77,90 điểm; huyện Văn Yên 121,95 điểm; huyện Yên Bình 94,78 điểm; huyện Lục Yên 119,37 điểm; huyện Văn Chấn 171,37 điểm; huyện Mù Cang Chải 108,30 điểm; huyện Trạm Tấu 87,99 điểm.
Số vốn định mức phân bổ cho 1 điểm được tính theo công thức:
Gọi K là tổng vốn trong cân đối ngân sách tỉnh dự kiến phân bổ cho các huyện, thành phố, thị xã:
Gọi G là số vốn định mức cho 1 điểm phân bổ vốn đầu tư trong cân đối, ta có: G = K/Q
- Tổng số vốn trong cân đối ngân sách tỉnh phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố (K) được xác định: Căn cứ mức vốn đầu tư trong cân đối được Chính phủ giao cho tỉnh Yên Bái và ổn định trong thời kỳ 2011 - 2015, sau khi đã trừ các khoản sau: Trả nợ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển (vốn vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước) để thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương và phát triển giao thông nông thôn do tỉnh vay từ 2010 trở về trước (từ kế hoạch năm 2011 trở đi, nếu địa phương nào có đăng ký vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển để thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương và phát triển giao thông nông thôn thì số vốn trả nợ vay sẽ trừ vào kế hoạch vốn hàng năm phân bổ cho địa phương đó); trả nợ Kho bạc nhà nước và các khoản nợ khác do tỉnh vay; trừ khoản trích để thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh: thành lập hoặc bổ sung vốn Điều lệ Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã,...; trừ vốn đầu tư cho các dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, vốn đầu tư thực hiện chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Yên Bái, dự án công trình trọng điểm, dự án khác do các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc tỉnh làm chủ đầu tư được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: được tính bằng 35% của phần ngân sách ổn định trong cân đối sau khi đã trừ các khoản (1), (2), (3) của mục này.
- Tổng số vốn trong cân đối ngân sách của từng huyện, thành phố, thị xã được xác định: Bằng G x số điểm của từng huyện, thị xã thành phố.
4. Hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách tỉnh cho các huyện, thị xã, thành phố
a) Những công trình hoàn thành, chuyển tiếp trong danh mục kế hoạch năm 2010 trở về trước, ngân sách tỉnh tiếp tục bố trí vốn hỗ trợ để thanh toán cho các công trình.
b) Hỗ trợ vốn từ nguồn xổ số kiến thiết cho các dự án phúc lợi xã hội của các huyện, thị xã, thành phố.
c) Những công trình do thiên tai, hạn hán, khắc phục hậu quả mưu lũ, những công trình quan trọng của địa phương có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh không nằm trong kế hoạch đầu tư của huyện, thị xã, thành phố nhưng cần triển khai gấp thì ngân sách tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí để thực hiện.
5. Cân đối từ nguồn thu sử dụng đất
a) Thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; đối với nguồn thu sử dụng đất do cấp huyện thực hiện đưa vào cân đối chi đầu tư xây dựng cơ bản, gồm: Chi thành lập Quỹ phát triển đất, trích để thực hiện công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bố trí vốn cho các danh mục công trình dự án do cấp huyện (Huyện ủy, Ủy ban nhân dân cấp huyện, hoặc đơn vị cấp dưới trực tiếp của Ủy ban nhân dân cấp huyện) làm chủ đầu tư. Đối với nguồn thu tiền sử dụng đất của cấp tỉnh đưa vào cân đối chi đầu tư xây dựng cơ bản, gồm: Chi thành lập Quỹ phát triển đất; chi cho các dự án do các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc tỉnh làm chủ đầu tư; chi hỗ trợ cho các dự án do cấp huyện làm chủ đầu tư.
b) Hàng năm, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào dự toán được Ủy ban nhân dân tỉnh giao; xác định nhu cầu đầu tư và xây dựng phương án trình Hội đồng nhân dân huyện, thị xã, thành phố quyết định. Riêng kế hoạch đầu tư phát triển năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định chỉ tiêu kế hoạch vốn của các danh mục dự án do các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư với nguyên tắc: Ưu tiên thanh toán cho các dự án hoàn thành, các dự án chuyển tiếp cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong năm 2011, bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA, chỉ khởi công đối với những dự án thật sự cấp bách, có đủ thủ tục đầu tư theo quy định.
6. Phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia và vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương
a) Chương trình mục tiêu Quốc gia: Thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2011 - 2015.
b) Vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện bố trí cho các dự án theo quy định tại Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ, gồm:
- Đầu tư thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2004 của Bộ Chính trị;
- Chương trình phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản;
- Đầu tư cho 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ;
- Chương trình di dân định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số;
- Chương trình bố trí di dân, định canh, định cư;
- Hỗ trợ Khu công nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn;
- Hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn;
- Hỗ trợ đầu tư phát triển rừng và bảo vệ rừng bền vững;
- Hỗ trợ đối ứng các dự án ODA do địa phương quản lý;
- Hỗ trợ đầu tư các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh;
- Hỗ trợ đầu tư có mục tiêu cho các dự án cấp bách mà ngân sách địa phương không cân đối được;
- Chương trình tìm kiếm cứu nạn;
- Hỗ trợ đầu tư các trung tâm giáo dục, lao động xã hội;
- Đầu tư theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp;
- Hỗ trợ đầu tư xây dựng các trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch.
Điều 2. Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này. Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề phát sinh, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất ý kiến với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để xem xét, quyết định và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.
Điều 3. Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVI, kỳ họp thứ 20 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |