Nghị quyết số 162/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 162/2010/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Hòa Bình
- Ngày ban hành: 10-12-2010
- Ngày có hiệu lực: 20-12-2010
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 04-07-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 23-07-2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 581 ngày (1 năm 7 tháng 6 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 23-07-2012
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 162/2010/NQ-HĐND | Hoà Bình, ngày 10 tháng 12 năm 2010 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2011
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HOÀ BÌNH
KHOÁ XIV - KỲ HỌP THỨ 21
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Chỉ thị số 854/CT-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011;
Căn cứ Nghị quyết số 144/2010/NQ-HĐND ngày 21 tháng 07 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015;
Sau khi xem xét Tờ trình số 1856/TTr-UBND ngày 26/11/2010 và Dự thảo nghị quyết của Uỷ ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 tỉnh Hoà Bình; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; Ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh Quyết định Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011. (Có Kế hoạch chi tiết kèm theo)
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức thực hiện Nghị quyết.
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hoà Bình khoá XIV- Kỳ họp thứ 21 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2011
( Ban hành kèm theo Nghị quyết số 162/2010/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình)
1. Mục tiêu chủ yếu
Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 với mục tiêu:
Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, trên cơ sở ưu tiên tập trung cho các ngành, các vùng động lực tăng trưởng đồng thời đảm bảo nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững; phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, đô thị, kết nối các vùng trong tỉnh với vùng động lực; xoá bỏ các rào cản đối với sự liên kết kinh tế, trao đổi hàng hoá và thu hút lao động.
Từng bước thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; tiếp tục thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất văn hoá tinh thần cho nhân dân, giữ gìn và phát huy các nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng, an ninh và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu
Trên cơ sở mục tiêu chủ yếu, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2011 như sau:
(1) Các chỉ tiêu kinh tế:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2011 dự kiến đạt 13%. Trong đó: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 4%; công nghiệp - xây dựng tăng 19,3% (công nghiệp tăng 22%; xây dựng tăng 12,5%); dịch vụ tăng 14,5%.
- Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 32,5%; công nghiệp - xây dựng 33,2%; dịch vụ 34,3%.
- Sản lượng lương thực có hạt: 34,5 vạn tấn.
- GDP theo giá hiện hành: 12.319 tỷ đồng.
- GDP bình quân đầu người: 15,3 triệu đồng.
- Tổng đầu tư toàn xã hội: 5.953 tỷ đồng.
- Tổng thu ngân sách nhà nước: 1.500 tỷ đồng
- Tổng chi ngân sách địa phương: 4.287 tỷ đồng
- Giá trị xuất khẩu: 56 triệu USD. Giá trị nhập khẩu: 38,5 triệu USD.
- Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng 6.000 tỷ đồng.
- Chỉ số giá tiêu dùng tăng < 10%.
(2) Các chỉ tiêu xã hội:
- Giảm tỷ lệ sinh 0,3‰; quy mô dân số 802,6 nghìn người.
- Tạo việc làm cho trên 16.500 lao động.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 29%.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,5%/năm
- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống 22%.
- Giảm tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi xuống 16,8%o .
- Giảm tỷ lệ chết trẻ em dưới 5 tuổi xuống 20,85%o.
- Số giường bệnh/1 vạn dân: 21,4 giường.
- Số bác sĩ/1 vạn dân: 6,69 bác sĩ.
- Tỷ lệ hộ sử dụng điện: 95,4%.
(3) Các chỉ tiêu môi trường :
- Cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh: 83,5%
- Tỷ lệ chất thải bệnh viện được xử lý: 100%.
- Tỷ lệ các khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường: 40%.
- Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom: 86,7%.
- Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường: 26,3%.
- Trồng rừng mới 8.000ha; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 46%.
3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
3.1. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh huy động, thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững, đồng thời chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập và mức sống cho nhân dân.
Để thực hiện được mục tiêu như trên, tỉnh tập trung vào công tác cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh (PCI), tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư bên ngoài, phát huy các nguồn lực trong tỉnh phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ngay trong năm 2011 đồng thời đặt nền móng cho tăng trưởng nhanh và bền vững và những năm tiếp theo, trong đó thực hiện các nhiệu vụ chủ yếu:
Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục liên quan đến thu hút đầu tư, môi trường kinh doanh, quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch, quản lý đất đai. Tập trung đầu tư hiện đại hóa nền hành chính nhà nước theo hướng áp dụng rộng và sâu công nghệ thông tin. Tạo bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt liên quan đến đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh, quản lý sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Đây mạnh phân cấp quản lý để nâng cao tính chủ động sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của từng cấp từng ngành.
Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, nhanh chóng đưa các dự án hoàn thành vào sử dụng phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội. Thực hiện cơ cấu lại đầu tư ngân sách theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư cho hạ tầng công nghiệp và dịch vụ. Phân tách rõ các chương trình hỗ trợ của ngân sách Trung ương cho xóa đói giảm nghèo, các vấn đề văn hóa, xã hội và nguồn của tỉnh tập trung đầu tư cho hạ tầng kinh tế, kỹ thuật phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Thúc đẩy công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đồng thời cơ cấu lại đầu tư, cơ chế chính sách để phát triển nguồn nhân lực địa phương trước mắt cũng như trong dài hạn, vừa phục vụ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Tăng cường các biện pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc như giải phóng mặt bằng, thực hiện tốt các quy định về đầu tư, kinh doanh nhằm huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh vào phát triển kinh tế, xã hội. Tổ chức tốt việc xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư trong năm 2011.
3.2. Các giải pháp phát triển vùng động lực, ngành mũi nhọn về kinh tế
Năm 2011 tiến hành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng động lực, đồng thời xây dựng cơ chế, bố trí các nguồn lực đầu tư cho vùng động lực kinh tế (thành phố Hòa Bình, Kỳ Sơn, Lương Sơn, bắc Lạc Thủy).
Tiến hành quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, thu hút đầu tư, hỗ trợ đầu tư cho 7 khu công nghiệp (Yên Quang, Lương Sơn, Nhuận Trạch, Nam Lương Sơn, Thanh Hà, Bờ trái sông Đà, Mông Hóa) và 8 cụm công nghiệp: Hòa Sơn, VITACO, Cao Thắng, Thanh Nông, Phú Thành I, Phú Thành II, Phú Minh, Thái Bình).
Tiếp tục đầu tư hạ tầng các thành phố Hòa Bình, thị trấn Lương Sơn, đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình. Kiến nghị Trung ương đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng Quốc lộ 6 đoạn Hà Đông – Hòa Bình.
Quy hoạch và nghiên cứu cơ chế phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ mũi nhọn của tỉnh (sản xuất vật liệu xây dựng, trước hết là quy hoạch sản xuất xi măng, gạch, đá…, các ngành công nghiệp điện tử, may mặc, lắp ráp linh kiện ô tô, xe máy, rượu bia và nước giải khát…, chế biến nông, lâm sản; các lĩnh vực du lịch, thương mại, vận tải,...).
3.3. Thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn
Phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện theo hướng đảm bảo nâng cao đời sống nhân dân vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp: Đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, nhất là vùng sâu, vùng xa; phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả gắn với vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến, gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; phát triển sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn; phát triển ngành nghề nông thôn; phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; thực hiện tốt trồng rừng và bảo vệ rừng bền vững.
Thực hiện tốt Nghị quyết 26-NQ/TW về chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 và các chương của nhà nước dành cho vùng nông thôn, tập trung vào các nội dung chủ yếu: Quy hoạch xây dựng nông thôn mới; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, điện, y tế, văn hóa thể thao, giáo dục, trụ sở xã, thủy lợi) ở thôn, xã; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế (khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, phát triển làng nghề truyền thống, đào tạo nghề cho nông dân); thực hiện giảm nghèo và an sinh xã hội; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; phát triển giáo dục đào tạo; phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe; xây dựng đời sống văn hóa, thông tin phong phú, hấp dẫn; cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
3.4. Phát triển các lĩnh vực xã hội, xóa đói giảm nghèo
Đảm bảo các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo phát triển ổn định, từng bước nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Tập trung vào các giải pháp chủ yếu :
Tổ chức thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án giai đoạn 2011 - 2015 nhằm phát triển các lĩnh vực xã hội, xóa đói giảm nghèo. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội.
Quản lý tốt các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể chất và đời sống tinh thần cho nhân dân.
Đẩy mạnh các hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội, nhanh chóng đưa các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao vào sử dụng phục vụ hoạt động dạy và học, khám chữa bệnh, phục vụ nhu cầu văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho lĩnh vực xã hội theo phương châm xã hội hóa các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, xóa đói giảm nghèo.
3.5. Đổi mới quản lý nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch và đẩy mạnh phân cấp nhiệm vụ, phân cấp quản lý ngân sách và quản lý đầu tư xây dựng
Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch theo hướng tăng cường nghiên cứu cơ bản, đổi mới tư duy, tăng cường sự tham gia trong công tác quy hoạch, kế hoạch. Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng bám sát quy hoạch, kế hoạch đã xây dựng, quy tụ các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, cơ chế chính sách để thực hiện kế hoạch, trước hết là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Cải tiến công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đảm bảo theo dõi, đánh giá thường xuyên, nâng cao chất lượng theo dõi, đánh giá phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Tiến hành đổi mới cơ chế, đào tạo nâng cao năng lực quản lý kế hoạch, quản lý tài chính, quản lý đầu tư cho cán bộ cấp xã, huyện để tăng cường phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước, quản lý ngân sách, quản lý đầu tư xây dựng cho chính quyền cấp huyện, xã phù hợp với xu hướng phân cấp hiện nay (giai đoạn 2011 - 2015, thời kỳ ổn định ngân sách mới sẽ phân cấp mạnh, vai trò của cấp xã rất lớn, nếu không nâng cao năng lực, khó có thể thực hiện được).
Xây dựng cơ chế tăng cường sự tham gia cả người dân, của các cơ quan, tổ chức, của cán bộ trong công tác hoạch định và thực hiện chiến lược phát triển, các quy hoạch, kế hoạch, trong công tác quản lý nhà nước, quản lý tài chính, quản lý đầu tư,... nhằm tạo sự minh bạch, thống nhất tư tưởng, đồng thuận cao trong xã hội để thực hiện các mục tiêu trước mắt cũng như dài hạn.
3.6. Tài nguyên, môi trường
Quản lý và sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về tài nguyên và môi trường. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo phục vụ phòng chống thiên tai.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường. Tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các khu đô thị, đặc biệt là thành phố Hoà Bình.
3.7. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, nòng cốt là xây dựng các lực lượng đủ mạnh sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế và xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.
Chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên các lĩnh vực, không ngừng nâng cao cảnh giác cho cán bộ và nhân dân về âm mưu chống phá “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.
Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa đấu tranh, kiềm chế các loại tội phạm, vi phạm pháp luật. Tập trung làm tốt công tác điều tra, truy tố, xét sử, thi hành án và bổ trợ tư pháp theo chiến lược cải cách tư pháp./.