cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 07/2010/NQ-HĐND ngày 09/07/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk Về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2010-2015 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 07/2010/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Ngày ban hành: 09-07-2010
  • Ngày có hiệu lực: 19-07-2010
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 18-07-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1460 ngày (4 năm )
  • Ngày hết hiệu lực: 18-07-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 18-07-2014, Nghị quyết số 07/2010/NQ-HĐND ngày 09/07/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk Về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2010-2015 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị quyết số 123/NQ-HĐND ngày 18/07/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật được rà soát, hệ thống hóa năm 2013”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2010/NQ-HĐND

Buôn Ma Thuột, ngày 09 tháng 7 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, SƠ CHẾ, TIÊU THỤ RAU AN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK, GIAI ĐOẠN 2010 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn đến năm 2015; Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN ngày 15/10/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định quản lý, sản xuất, kinh doanh rau quả và chè an toàn;

Xét Tờ trình số 54/TTr-UBND, ngày 10/6/2010 của UBND tỉnh về đề nghị ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2010 - 2015; Báo cáo thẩm tra số 24/BC-HĐND ngày 05/7/2010 của Ban KTNS của HĐND tỉnh và ý kiến của các vị Đại biểu HĐND tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành, thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2010 - 2015, với các nội dung cụ thể như sau.

I. Mục tiêu:

1) Mục tiêu chung.

Sản xuất rau an toàn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng hiệu quả kinh tế, đảm bảo cho sức khỏe của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

2) Mục tiêu cụ thể đến năm 2015.

a- 30% diện tích rau tại vùng sản xuất tập trung đáp ứng yêu cầu sản xuất theo hướng VietGAP.

b- 30% tổng sản phẩm rau, quả tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, làm nguyên liệu cho sơ chế và tiêu thụ là sản phẩm được chứng nhận và công bố sản xuất, sơ chế phù hợp VietGAP.

II. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn:

1. Đối tượng áp dụng.

a- Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có đầu tư phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phù hợp theo quy trình VietGAP. Đối tượng đã được hưởng theo chính sách này thì không được hưởng các mức hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 06/2009/NQ-HĐND ngày 10/7/2009 về một số chính sách phát triển kinh tế trang trại tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2010 - 2015.

b- Quy mô vùng sản xuất rau an toàn tập trung: Phải có diện tích từ 2 ha trở lên.

2. Chính sách.

Để khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đầu tư, phát triển sản xuất, sơ chế rau an toàn theo hướng hình thành các vùng sản xuất có quy mô lớn và tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thì ngoài các chính sách của Trung ương còn được hưởng các chính sách ưu đãi của tỉnh, cụ thể:

a) Chính sách đào tạo tập huấn:

- Hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất rau, chế biến rau phù hợp theo quy trình VietGAP.

- Mức hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nhưng không quá 500 ngàn đồng/hộ sản xuất/năm khi tham gia lớp đào tạo, tập huấn, thời gian hỗ trợ là 05 năm.

b) Chính sách hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật:

- Hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ mới vào một số mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP.

- Mức hỗ trợ cho xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn được xếp vào các chương trình khuyến nông theo Nghị định 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông, cụ thể: Hỗ trợ tối đa 100% chi phí mua giống và 50% chi phí mua vật tư thiết yếu nhưng tối đa không quá 25 triệu đồng/mô hình. Quy mô mô hình khoảng 1.000m2.

c) Chính sách hỗ trợ về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau an toàn và chứng nhận quá trình sản xuất, sơ chế rau an toàn phù hợp VietGAP:

- Hỗ trợ cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đủ điền kiện sản xuất, sơ chế rau an toàn. Mức hỗ trợ 100% kinh phí cho các thủ tục cần thiết để cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau an toàn;

- Hỗ trợ kinh phí chứng nhận sản phẩm rau an toàn cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, sơ chế rau phù hợp theo quy trình VietGAP. Mức hỗ trợ chi phí cho kiểm tra giám sát, phân tích mẫu đất, nước và rau, nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/ha, thời gian hỗ trợ là 05 năm.

d) Chính sách hỗ trợ xây dựng, cải tạo và phục vụ trực tiếp sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn:

- Xây dựng nhà sơ chế: Dựa vào quy mô vùng sản xuất và chủng loại sản phẩm để xây dựng nhà sơ chế cho phù hợp, diện tích nhà sơ chế khoảng từ 50 - 150m2. Khu sơ chế gồm bể rửa nước sạch, máy ly tâm làm ráo nước, bàn đóng gói và nhà lạnh bảo quản sản phẩm. Mức hỗ trợ 40% chi phí xây dựng nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/nhà sơ chế;

- Xây dựng bể chứa chất thải vật tư nông nghiệp trên đồng ruộng: Cứ 02 ha trồng rau tiến hành xây dựng bể chứa để thu gom chất thải vật tư nông nghiệp. Bể có dung tích lớn 1-1,5m3. Mức hỗ trợ 40% kinh phí xây dựng nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng/bể chứa;

- Xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm:

+ Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc xây dựng cửa hàng để bán rau an toàn tại các chợ, khu dân cư ở các địa phương. Mức hỗ trợ 40% chi phí xây dựng cửa hàng bán rau an toàn, nhưng tối đa không quá 12 triệu đồng/cửa hàng;

+ Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc thuê gian hàng để bán rau an toàn tại các chợ, khu dân cư ở địa phương. Mức hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng/năm/cửa hàng, thời gian hỗ trợ là 05 năm.

đ) Chính sách về đất đai:

Vùng sản xuất rau an toàn mới được hình thành được miễn tiền thuê đất 11 năm kể từ ngày đưa vào hoạt động ở địa bàn các huyện và thị xã Buôn Hồ, (trừ thành phố Buôn Ma Thuột) theo quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 14 nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

e) Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại:

- Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có đầu tư phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn được tham gia tổ chức gian hàng hội chợ nhằm quảng bá thương hiệu, chất lượng sản phẩm rau an toàn. Mức hỗ trợ 100% kinh phí thuê gian hàng tham gia các hội chợ nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/1 lần tham gia hội chợ. Nguồn kinh phí hỗ trợ lấy từ quỹ hỗ trợ xúc tiến thương mại được bố trí hàng năm cho Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Đắk Lắk;

- Hội thảo, hội nghị khách hàng: Hàng năm tổ chức 01 đến 02 lần hội thảo, hội nghị khách hàng. Mức hỗ trợ 100% nhưng tối đa không quá 15 triệu đồng/1 lần hội thảo, hội nghị, thời gian hỗ trợ 05 năm;

- Hỗ trợ kinh phí để xây dựng chuyên đề: Hàng năm xây dựng chuyên đề, phóng sự để tuyên truyền cho công tác sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn. Mức hỗ trợ 100% kinh phí, nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng /chuyên đề, thời gian hỗ trợ là 05 năm.

f) Chính sách tín dụng:

Đối tượng áp dụng:

+ Có đăng ký sản xuất, sơ chế rau an toàn.

+ Chưa được vay ưu đãi từ quỹ đầu tư phát triển của tỉnh.

- Hỗ trợ lãi suất vay:

Các nguồn vốn vay được hỗ trợ lãi suất: Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có đầu tư phát triển sản xuất, sơ chế rau an toàn vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

Điều kiện được hỗ trợ lãi suất vay: Có phương án sản xuất, sơ chế rau an toàn được các tổ chức tín dụng chấp thuận và hợp đồng vay có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn.

- Mức hỗ trợ lãi suất tiền vay:

+ Ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có đầu tư phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn ở phạm vi vay tối đa từ 200 triệu đồng trở xuống và chỉ được hỗ trợ lãi suất duy nhất 01 lần vay.

+ Thời gian hỗ trợ lãi suất: Theo dự án của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có đầu tư phát triển sản xuất, sơ chế rau an toàn được phê duyệt tối đa không quá 36 tháng.

III. Giải pháp:

1. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn.

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển sản xuất, sơ chế rau an toàn để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất rau an toàn yên tâm đầu tư phát triển mở rộng sản xuất.

b) Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc dồn điền đổi thửa, chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê đất để tích tụ ruộng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, tăng hiệu quả đầu tư để phát triển vùng sản xuất, sơ chế rau an toàn.

2. Rà soát quy hoạch vùng sản xuất, sơ chế rau an toàn trên địa bàn tỉnh để xây dựng vùng sản xuất tập trung, đảm bảo sản xuất rau an toàn đạt hiệu quả cao, thu hút lao động tại cơ sở.

3. Xây dựng mô hình và tổ chức nhân rộng mô hình.

Hàng năm mỗi huyện cần hỗ trợ kinh phí xây dựng từ 1-2 mô hình, riêng thành phố Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ mỗi năm xây dựng 2 - 3 mô hình sản xuất rau an toàn phù hợp tại địa phương, tổ chức giới thiệu nhân rộng mô hình, tham quan học tập và trao đổi kinh nghiệm trong quá trình thực hiện mô hình.

4. Tiếp tục đào tạo nâng cao chuyên môn cho cán bộ khoa học kỹ thuật để thực hiện tốt công tác đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thật cho nông dân về sản xuất, sơ chế rau an toàn.

5. Tiến hành tổng kết, sơ kết đúc rút kinh nghiệm về công tác tổ chức, quản lý và triển khai các mô hình sản xuất rau có hiệu quả cao trong từng giai đoạn để nhân rộng trên địa bàn.

6. Tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách về phát triển sản xuất, sơ chế rau an toàn.

Điều 2. Kinh phí thực hiện: Trên cơ sở phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh lập dự toán trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt kinh phí trong tổng dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho UBND tỉnh triển khai thực hiện và báo cáo kết quả tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Giao cho thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND và các vị Đại biểu HĐND tỉnh phối hợp giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa VII, Kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 09/7/2010./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ủy ban Thường Vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ: TC, KHĐT, Y tế, TNMT, NNPTNT;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn đại biểu QH tỉnh;
- UBMTTQTQVN tỉnh;
- Sở: Tài chính, KHĐT, Tư pháp;
- Báo Đắk Lắk, Đài PTTH tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, Phòng CtácHĐND.

CHỦ TỊCH




Niê Thuật