Nghị quyết số 23/2009/NQ-HĐND ngày 11/12/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh Quy định chức danh, số lượng, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, bản, khu phố theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 23/2009/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
- Ngày ban hành: 11-12-2009
- Ngày có hiệu lực: 01-01-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 22-12-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1816 ngày (4 năm 11 tháng 26 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 22-12-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2009/NQ-HĐND | Hạ Long, ngày 11 tháng 12 năm 2009 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC DANH, SỐ LƯỢNG, MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở CẤP XÃ VÀ THÔN, BẢN, KHU PHỐ THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 92/2009/NĐ-CP NGÀY 22/10/2009 CỦA CHÍNH PHỦ
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XI – KỲ HỌP THỨ 17
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
Sau khi xem xét Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu tại kỳ họp về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua nội dung về việc quy định chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, bản, khu phố theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ do Ủy ban nhân dân tỉnh trình tại Tờ trình số 4825/TTr-UBND ngày 04/12/2009, cụ thể như sau:
1. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thực hiện mức khoán:
- Đơn vị hành chính cấp xã loại 1: Bố trí không quá 19 người;
- Đơn vị hành chính cấp xã loại 2: Bố trí không quá 17 người;
- Đơn vị hành chính cấp xã loại 3: Bố trí không quá 16 người;
- Đơn vị hành chính cấp xã đặc thù thì giao UBND tỉnh hướng dẫn, quyết định cụ thể.
2. Các chức danh những người hoạt động không chuyên trách cấp xã:
Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc bố trí những người hoạt động không chuyên trách theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã trong số các chức danh dưới đây, nhưng tổng số không quá số lượng quy định cho một đơn vị cấp xã theo mức khoán:
- Những chức danh phải có người đảm nhiệm: Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra hoặc Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra nếu Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra là cán bộ, công chức cấp xã; Phụ trách công tác tuyên truyền của cấp ủy; Chủ tịch Hội chữ thập đỏ; Chủ tịch Hội người cao tuổi; Phó trưởng công an (nơi chưa bố trí lực lượng công an chính quy); Phó chỉ huy trưởng quân sự; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Phó các đoàn thể: Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh và Hội Nông dân (đối với những đơn vị hành chính cấp xã có quy mô lớn về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp); phụ trách một số công tác xã hội (Dân số, gia đình và trẻ em, xóa đói giảm nghèo…).
- Những chức danh khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định theo điều kiện thực tiễn của cơ sở, bao gồm các lĩnh vực công tác: Kế hoạch, Giao thông-thủy lợi, Nông, lâm, ngư nghiệp (đối với những đơn vị hành chính cấp xã có quy mô lớn về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp); Thủ quỹ, văn thư-lưu trữ, tạp vụ (cho cả Văn phòng cấp ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã).
3. Số lượng và chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố:
Mỗi thôn, bản, khu phố được bố trí 03 người hoạt động không chuyên trách gồm các chức danh sau:
- Bí thư chi bộ;
- Trưởng thôn, bản, khu phố;
- Trưởng Ban công tác Mặt trận Tổ quốc.
Tiếp tục thực hiện chính sách đối với các chức danh Phó trưởng thôn, bản, khu phố đến hết năm 2010.
4. Mức phụ cấp:
- Phụ cấp hàng tháng: Những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Bí thư chi bộ; Trưởng thôn, bản khu phố được hưởng mức phụ cấp bằng 1,0 mức lương tối thiểu chung; Trưởng Ban công tác Mặt trận Tổ quốc hưởng mức phụ cấp bằng 0,8 mức lương tối thiểu chung. Khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu chung thì mức phụ cấp đối với các đối tượng này cũng được điều chỉnh theo tương ứng.
- Phụ cấp kiêm nhiệm: Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, bản, khu phố nếu kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách khác thì kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 20% mức phụ cấp hiện hưởng. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 20%.
5. Số định suất những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã chưa bố trí hết theo mức quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP sẽ được xét bố trí cho các đơn vị xã, phường, thị trấn có tính đặc thù dân số đông, địa bàn rộng, khu phố lớn, phức tạp… Giao Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cụ thể theo nguyên tắc khoán đến cấp huyện sau khi thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh.
6. Các chế độ, chính sách khác (như đào tạo, bồi dưỡng…) đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, bản, khu phố thực hiện theo quy định của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ và các quy định của pháp luật.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh cần giải quyết kịp thời, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để thực hiện cụ thể.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XI - kỳ họp thứ 17 thông qua ngày 11/12/2009 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2010.
| CHỦ TỊCH |