cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 13/2009/NQ-HĐND ngày 11/12/2009 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Ban hành Quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 13/2009/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Ngày ban hành: 11-12-2009
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-2010
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-08-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1673 ngày (4 năm 7 tháng 3 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-08-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-08-2014, Nghị quyết số 13/2009/NQ-HĐND ngày 11/12/2009 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Ban hành Quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị quyết số 05/2014/NQ-HĐND ngày 09/07/2014 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Bãi bỏ phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 13/2009/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH CÁC QUY ĐỊNH THU PHÍ, LỆ PHÍ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI THUỘC THẨM QUYỀN CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHOÁ XIII, KỲ HỌP THỨ 19

(Từ ngày 8/12 đến ngày 11 /12 năm 2009)

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh phí, lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 6/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 97/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 92/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 17/10/2008 của Liên bộ: Bộ Tài chính-Bộ Tư pháp hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực;
Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 59/TTr-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2009 của UBND Thành phố về các đề án thu phí, lệ phí được xây dựng mới và bổ sung sửa đổi các quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân Thành phố; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND Thành phố; ý kiến của đại biểu HĐND Thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua nội dung Tờ trình của UBND Thành phố về xây dựng mới và bổ sung, sửa đổi các quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hà Nội, thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố, (có phụ lục kèm theo)

Điều 2. Giao UBND Thành phố:

- Ban hành Quyết định đối với từng khoản phí, lệ phí mới và các loại phí, lệ phí sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết này theo đúng quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện từ ngày 01/01/2010.

- Tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là phí trông giữ ôtô, xe máy, xe đạp trên địa bàn Thành phố; sớm thực hiện rà soát quy hoạch các vị trí tạm thời trông giữ phương tiện giao thông trên vỉa hè, lề đường tại tất cả các quận, huyện, thị xã để cấp phép cho các doanh nghiệp, tổ chức trông giữ theo quy định; xây dựng phương án trình HĐND Thành phố tại kỳ họp gần nhất để chuyển toàn bộ việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lề đường sang thu theo mét vuông sử dụng, thực hiện xong trong 6 tháng đầu năm 2010.

- Tăng cường quản lý việc thu, sử dụng nguồn phí để lại cho các đơn vị được thu phí. Tiếp tục xây dựng đủ các loại phí, lệ phí theo quy định, đồng thời rà soát, điều chỉnh những loại phí đang bất hợp lý để trình HĐND Thành phố phê chuẩn.

Điều 3. Giao Thường trực HĐND Thành phố, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND Thành phố đôn đốc và giám sát thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được thông qua tại kỳ họp thứ 19 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Khoá XIII./.

 

 

Nơi nhận:
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Ban công tác đại biểu của Quốc hội;
- VP Quốc hội; VP Chính phủ;
- Bộ Tài chính; Tổng cục thuế; Bộ Tư pháp;
- TT Thành uỷ;
- Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội;
- TT HĐND TP; UBND TP; UB MTTQ TP;
- Đại biểu HĐND TP;
- Các Sở, ban , ngành TP liên quan;
- VP TU, các ban Đảng;
- VP ĐĐBQH&HĐNDTP; VP UBNDTP;
- TT HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã;
- Lưu .

CHỦ TỊCH




Ngô Thị Doãn Thanh

 

DANH MỤC

CÁC KHOẢN PHÍ, LỆ PHÍ
(Phụ lục kèm theo Nghị quyết số 13 /2009/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2009 của HĐND Thành phố)

I. CÁC KHOẢN PHÍ SỬA ĐỔI, BỐ SUNG.

Phí sử dụng hè, lề đường, bến, bãi, mặt nước.

1.1. Phạm vi áp dụng: Áp dụng hình thức thu phí thống nhất theo mét vuông (m2) sử dụng hè, lề đường đối với các tổ chức, cá nhân được sử dụng tạm thời vỉa hè, lề đường địa bàn quận Hoàn Kiếm.

1.2. Đối tượng nộp phí: Các tổ chức, cá nhân được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng tạm thời vỉa hè, lề đường để trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô theo mô hình "khoán quản" trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

1.3. Mức thu phí:

- Mức thu phí sử dụng hè, lề đường:

+ Đối với 17 tuyến phố (Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Lý Thái Tổ, Hàng Bài, Phố Huế, Bà Triệu, Quán Sứ, Phủ Doãn, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng): 45.000 đồng/m2/tháng.

+ Các tuyến phố còn lại: 25.000 đồng/m2/tháng.

1.4. Đơn vị thu phí:

- Sở Giao thông vận tải: thu phí sử dụng tạm thời lề đường để tạm dừng, đỗ ô tô, trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô.

- UBND quận Hoàn Kiếm: thu phí sử dụng tạm thời hè đường để trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô.

1.5. Quản lý, sử dụng tiền phí thu được:

- UBND quận Hoàn Kiếm được để lại 100% tổng số phí sử dụng hè đường do Quận thu được của các doanh nghiệp tham gia thí điểm mô hình “khoán quản” để sử dụng theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/07/2002 và Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính và cho công tác quản lý, giữ gìn trật tự công theo Đề án “khoán quản” trên địa bàn Quận.

- Đơn vị thu phí phải quản lý, sử dụng, quyết toán số tiền phí thu được theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/07/2002 và Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính.

Những nội dung khác vẫn thực hiện theo Quyết định số 23/2009/QĐ-UBND ngày 09/01/2009 UBND Thành phố Hà Nội về việc thu phí sử dụng hè, lề đường, bến, bãi, mặt nước trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Đối với phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử.

Sửa đổi, bổ sung mức thu phí như sau:

Bãi bỏ phí chùa Trăm Gian.

Bổ sung mức phí thắng cảnh Thiên Sơn- Suối Ngà :

- Người lớn: 10.000 đồng/lần/người.

- Trẻ em : 5.000 đồng/lần/người.

Những nội dung khác tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 22/2009/QĐ-UBND ngày 09/01/2009 của UBND thành phố Hà Nội về việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn thành phố Hà Nội.

3. Đối với phí qua đò.

3.1. Phạm vi bổ sung: Bổ sung mức phí đò dọc đối với đò chất lượng cao tại Chùa Hương:

3.2. Nội dung bổ sung:

Mức thu phí đò chất lượng cao là:

Phí qua đò dọc tuyến Hương Tích (7km): 35.000 đồng/người (2 lượt vào ra).

Phí qua đò dọc tuyến Long Vân, Tuyết Sơn (5km): 25.000 đồng/người (2 lượt vào ra). Việc áp dụng mức phí trên chỉ được triển khai thực hiện khi UBND Thành phố phê duyệt phương án nâng cao chất lượng đò dọc thuộc quần thể khu di tích thắng cảnh Chùa Hương, đảm bảo điều kiện về hạ tầng bến bãi, phân luồng giao thông và các biện pháp quản lý phù hợp để đảm bảo phục vụ tốt du khách đến thăm quan thắng cảnh.

Những nội dung khác tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 19/2009/QĐ-UBND ngày 09/01/2009 của UBND thành phố Hà Nội về việc thu phí qua đò trên địa bàn thành phố Hà Nội.

II. LỆ PHÍ.

Lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực.   

Tên gọi:

Lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực.

2. Đối tượng nộp lệ phí:

Cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.

3. Mức thu lệ phí:

3.1. Lệ phí cấp bản sao từ sổ gốc: 3.000 đồng/bản.

3.2. Lệ phí chứng thực bản sao từ bản chính: 2.000 đồng/ trang; từ trang thứ 3 trở lên thì mỗi trang thu 1.000 đồng/trang, tối đa thu không quá 100.000 đồng/bản.

3.3 Lệ phí chứng thực chữ ký: 10.000 đồng/trường hợp.

4. Đơn vị thu lệ phí:

4.1. Đối với lệ phí cấp bản sao từ sổ gốc: Các cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc.

4.2. Đối với lệ phí chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký: Phòng Tư pháp các quận, huyện, thị xã; Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.

5. Chứng từ thu lệ phí:

Sử dụng biên lai thu phí, lệ phí do cơ quan Thuế phát hành.

6. Quản lý, sử dụng lệ phí thu được:

Đơn vị thu phí có trách nhiệm quản lý, sử dụng số tiền lệ phí thu được theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 92/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 17/10/2008 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp; Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/07/2002 và Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/05/2006 của Bộ Tài chính: Đơn vị thu lệ phí phải nộp đầy đủ, kịp thời 100% số lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước./.