cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 09/2009/NQ-HĐND ngày 17/07/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng Về chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 09/2009/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Cao Bằng
  • Ngày ban hành: 17-07-2009
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-2010
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-12-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1815 ngày (4 năm 11 tháng 25 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-12-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-12-2014, Nghị quyết số 09/2009/NQ-HĐND ngày 17/07/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng Về chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị quyết số 30/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng Về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2009/NQ-HĐND

Cao Bằng, ngày 17 tháng 7 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ, NÂNG CAO NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM VÀ XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP CHO CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHÓA XIV KỲ HỌP THỨ 17

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 119/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 1999 của Chính phủ về một số chính sách và cơ chế khuyến khích các Doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Doanh nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 214/2005/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển thị trường công nghệ;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 2341/TTLT/BKHCNMT-BTC ngày 28 tháng 11 năm 2000 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 119/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 1999 của Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các Doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ;

Xét Tờ trình số 1266/TTr-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng;

Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách, ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng với những nội dung chính như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

- Quy định này quy định về cơ chế tài chính hỗ trợ các hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các Doanh nghiệp;

- Quy định này được áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế (sau đây gọi tắt là Doanh nghiệp) hoạt động theo pháp luật Việt Nam;

- Không áp dụng đối với Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

2. Các hoạt động được khuyến khích, hỗ trợ

- Ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến do chuyển giao công nghệ;

- Đổi mới công nghệ, hoàn thiện công nghệ hoặc cải tiến đáng kể công nghệ đã có;

- Xác lập quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp ở trong và ngoài nước: thiết kế, đăng ký bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển giá trị nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế và chỉ dẫn địa lý;

- Hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa: áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tham gia các giải thưởng chất lượng Quốc gia, các giải thưởng chất lượng khu vực và Quốc tế; có sản phẩm được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Quốc gia và Quốc tế.

3. Điều kiện hỗ trợ kinh phí

a) Các tổ chức được xét hỗ trợ tài chính, phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có ít nhất một trong các hoạt động nêu tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 2 của quy định này;

- Hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký sản xuất kinh doanh và thực hiện chế độ hạch toán, kế toán theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và chính sách đối với người lao động;

- Không bị cơ quan có thẩm quyền kết luận tình hình tài chính không lành mạnh, đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ đọng không có khả năng chi trả, đang trong quá trình giải thể;

- Có trụ sở chính đặt tại tỉnh Cao Bằng.

b) Các cá nhân được xét hỗ trợ tài chính, phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Pháp luật;

- Không bị truy cứu tránh nhiệm hình sự;

- Có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Cao Bằng.

4. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện cơ chế chính sách trên trích trong tổng kinh phí sự nghiệp Khoa học và Công nghệ hàng năm của tỉnh (tối đa không quá 10% tổng kinh phí sự nghiệp Khoa học và Công nghệ hàng năm), từ Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh và từ các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Mức hỗ trợ tài chính cho hoạt động đổi mới công nghệ

a) Đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ

- Hợp đồng chuyển giao công nghệ có giá trị trên 1.000.000.000 đồng được hỗ trợ đến 15% giá trị hợp đồng, nhưng tối đa không quá 300.000.000 đồng;

- Hợp đồng chuyển giao công nghệ có giá trị trên 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng được hỗ trợ đến 20% giá trị hợp đồng, nhưng không quá 150.000.000 đồng;

- Hợp đồng chuyển giao công nghệ có giá trị từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng được hỗ trợ đến 30% giá trị hợp đồng, nhưng không quá 100.000.000 đồng.

b) Đối với đổi mới công nghệ hoặc hoàn thiện công nghệ

- Đổi mới công nghệ hoặc hoàn thiện công nghệ có giá trị trên 1.000.000.000 đồng được hỗ trợ đến 10% giá trị công nghệ theo dự toán đã được thẩm định, phê duyệt nhưng tối đa không quá 200.000.000 đồng;

- Đổi mới công nghệ hoặc hoàn thiện công nghệ có giá trị trên 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng được hỗ trợ đến 20% giá trị công nghệ theo dự toán đã được thẩm định, phê duyệt nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng;

- Đổi mới công nghệ hoặc hoàn thiện công nghệ có giá trị từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng được hỗ trợ đến 30% giá trị công nghệ theo dự toán đã được thẩm định phê duyệt, nhưng tối đa không quá 100.000.000 đồng.

2. Mức hỗ trợ tài chính để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

a) Hỗ trợ 30.000.000 đồng/01 hệ thống quản lý chất lượng đối với Doanh nghiệp

b) Các Doanh nghiệp đạt được giải thưởng chất lượng được hỗ trợ tính theo một lần đoạt giải

- Giải Bạc chất lượng Quốc gia: 15.000.000 đồng;

- Giải Vàng chất lượng Quốc gia: 20.000.000 đồng;

- Giải thưởng chất lượng khu vực: 30.000.000 đồng;

- Giải thưởng chất lượng Quốc tế: 30.000.000 đồng.

c) Các Doanh nghiệp có sản phẩm được các tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, được hỗ trợ tính theo đầu sản phẩm.

- Phù hợp Tiêu chuẩn Quốc gia: 10.000.000 đồng;

- Phù hợp Tiêu chuẩn Quốc tế: 20.000.000 đồng.

3. Mức hỗ trợ tài chính xác lập quyền sở hữu công nghiệp

a) Xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong nước

- Đối với kiểu dáng công nghiệp: mỗi Doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí xác lập quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm nhưng tối đa không quá 10 kiểu dáng công nghiệp. Mức hỗ trợ cho 01 kiểu dáng công nghiệp là 5.000.000 đồng;

- Đối với nhãn hiệu hàng hóa: mỗi Doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ cho sản phẩm nhưng tối đa không quá 10 nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ. Mức hỗ trợ cho 01 nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ là 3.000.000 đồng;

- Đối với nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể mức hỗ trợ cho 01 nhãn hiệu tập thể là 10.000.000 đồng;

- Đối với nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận mức hỗ trợ cho 01 nhãn hiệu chứng nhận là 10.000.000 đồng;

- Đối với sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích mức hỗ trợ cho 01 giải pháp hữu ích là 10.000.000 đồng;

- Đối với sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế mức hỗ trợ cho 01 sáng chế là 15.000.000 đồng;

- Đối với chỉ dẫn địa lý: mức hỗ trợ cho 01 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là 200.000.000 đồng.

b) Xác lập quyền sở hữu công nghiệp ở nước ngoài

Mỗi Doanh nghiệp được hỗ trợ không quá 02 đối tượng sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu hàng hóa hoặc kiểu dáng công nghiệp) ở một quốc gia nơi doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, hàng hóa. Mức hỗ trợ 100% lệ phí quốc gia (lệ phí đăng ký và lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo hộ) nước chỉ định đăng ký bảo hộ.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 4. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khóa XIV kỳ họp thứ 17 thông qua./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đàm Văn Eng