Nghị quyết số 133/2009/NQ-HĐND16 ngày 23/04/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận danh hiệu và khen thưởng đối với làng nghề, thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 133/2009/NQ-HĐND16
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
- Ngày ban hành: 23-04-2009
- Ngày có hiệu lực: 01-05-2009
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 22-07-2013
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1543 ngày (4 năm 2 tháng 23 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 22-07-2013
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 133/2009/NQ-HĐND16 | Bắc Ninh, ngày 23 tháng 4 năm 2009 |
NGHỊ QUYẾT
V/V QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC XÉT DANH HIỆU VÀ KHEN THƯỞNG ĐỐI VỚI LÀNG NGHỀ, THỢ GIỎI, NGHỆ NHÂN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ CÔNG ĐƯA NGHỀ MỚI VỀ CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG TỈNH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 17
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07/7/2006 về phát triển ngành nghề nông thôn; Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ;
Sau khi xem xét Tờ trình số 11/TTr-UBND ngày 15/4/2009 của UBND tỉnh “V/v Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận danh hiệu và khen thưởng đối với làng nghề, thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh”; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến thảo luận của đại biểu,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Tờ trình của UBND tỉnh "V/v Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận danh hiệu và khen thưởng đối với làng nghề, thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh" với những nội dung chủ yếu sau:
I. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
1. Đối với các làng nghề: Quy định này áp dụng cho tất cả các làng nghề, làng nghề truyền thống thuộc mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong tỉnh Bắc Ninh.
2. Đối với thợ giỏi, nghệ nhân: Là công dân có hộ khẩu thường trú tại Bắc Ninh, làm việc trong các ngành nghề sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
3. Đối với tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh: Bao gồm tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
II. Tiêu chuẩn, trách nhiệm và quyền lợi của làng nghề:
1. Tiêu chuẩn làng nghề:
1.1. Tiêu chuẩn làng nghề:
+ Chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.
+ Có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành nghề.
+ Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận.
1.2. Tiêu chuẩn làng nghề truyền thống:
Làng nghề truyền thống phải đạt các tiêu chuẩn của làng nghề và đảm bảo một trong các tiêu chí sau: Có ít nhất một nghề sản xuất truyền thống tối thiểu là 50 năm, có nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc, có nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.
2. Trách nhiệm của làng nghề:
Tích cực đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, quan tâm cải tiến công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh. Bám sát nhu cầu thị trường để sản xuất mặt hàng mới, du nhập nghề mới, đồng thời chú trọng đảm bảo môi trường sinh thái, duy trì sự phát triển bền vững.
3. Quyền lợi của làng nghề:
3.1. Các hộ gia đình, cơ sở sản xuất trong làng nghề do UBND tỉnh công nhận được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ và các chế độ ưu đãi nghề và làng nghề của UBND tỉnh.
3.2. Mỗi một làng nghề đạt tiêu chuẩn được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận và tặng Biểu tượng làng nghề Bắc Ninh.
4. Thu hồi danh hiệu làng nghề:
Làng nghề mới được công nhận sau 05 năm không đạt các tiêu chí quy định sẽ bị thu hồi Bằng công nhận và Biểu tượng làng nghề.
III. Tiêu chuẩn, trách nhiệm và quyền lợi của thợ giỏi, nghệ nhân và tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh:
1. Tiêu chuẩn xét công nhận danh hiệu thợ giỏi cấp tỉnh:
1.1. Là thợ lành nghề, có trình độ kỹ thuật, kỹ xảo nghề nghiệp giỏi, có khả năng sáng tác mẫu mã đạt trình độ cao mà người thợ bình thường không làm được, những mẫu mã sản phẩm này được áp dụng rộng rãi trong sản xuất, được thị trường chấp nhận.
1.2. Làm việc có năng suất, chất lượng cao; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Có phẩm chất đạo đức tốt được nhân dân và những người cùng làm việc trong nghề (tổ chức Hội nghề nghiệp) thừa nhận.
1.3. Có sản phẩm đoạt giải từ giải 3 trở lên trong các cuộc thi tay nghề, thi thợ giỏi cấp tỉnh, khu vực hoặc cấp quốc gia.
2. Tiêu chuẩn xét công nhận danh hiệu nghệ nhân cấp tỉnh:
2.1. Là người có trình độ kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp điêu luyện; có khả năng sáng tác mẫu mã đạt trình độ nghệ thuật cao mà người thợ lành nghề khác không làm được.
2.2. Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất đạo đức, lối sống được những người trong nghề, lĩnh vực người đó hoạt động (tổ chức Hội nghề nghiệp) tôn vinh, thừa nhận.
2.3. Có tác phẩm do mình tạo ra đoạt huy chương vàng, huy chương bạc, hoặc cá nhân được phong tặng bàn tay vàng hay các danh hiệu cao quý khác trong các cuộc thi, triển lãm quốc gia hoặc quốc tế.
2.4. Có công đóng góp trong việc giữ gìn, phát triển, đào tạo và truyền, dạy nghề cho thế hệ trẻ.
3. Tiêu chuẩn xét công nhận tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh:
3.1. Nghề được du nhập vào các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh là nghề mới ở địa phương chưa có, sản phẩm phải có giá trị, hiệu quả kinh tế và được thị trường chấp nhận.
3.2. Nghề có khả năng thu hút được tối thiểu 150 lao động tại địa phương.
3.3. Thời gian duy trì và phát triển nghề mới tối thiểu là 2 năm trở lên.
4. Chế độ khen thưởng:
4.1. Đối với thợ giỏi:
+ Được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận danh hiệu thợ giỏi và được thưởng một lần bằng tiền hoặc hiện vật trị giá 1 (một) triệu đồng;
+ Được tổ chức truyền, dạy nghề theo quy định của pháp luật;
+ Được tham gia các cuộc thi tay nghề, thi thợ giỏi, do các tổ chức kinh tế, xã hội, Hội nghề nghiệp đứng ra tổ chức.
4.2. Đối với nghệ nhân:
+ Được UBND tỉnh cấp Bằng chứng nhận danh hiệu và tặng Biểu tượng nghệ nhân Bắc Ninh đồng thời được thưởng một lần bằng tiền hoặc hiện vật trị giá 5 (năm) triệu đồng;
+ Được tổ chức truyền, dạy nghề theo quy định của pháp luật;
+ Được mời tham gia các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, cải tiến mẫu mã, tạo dáng sản phẩm, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh;
+ Được mời tham gia làm tư vấn cho Hội đồng xét thợ giỏi cấp tỉnh;
+ Được Nhà nước bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp với những sản phẩm làm ra theo Luật Sở hữu trí tuệ;
+ Khi đạt các tiêu chuẩn của nghệ nhân cấp Nhà nước, sẽ được UBND tỉnh đề nghị Hội đồng cấp Trung ương xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân cấp Nhà nước.
4.3. Đối với tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh:
Được UBND tỉnh tặng Bằng khen và thưởng một lần bằng tiền hoặc bằng hiện vật, trị giá từ 10 đến 20 triệu đồng tùy theo hiệu quả kinh tế - xã hội do nghề mới mang lại (mức thưởng do Hội đồng cấp tỉnh xem xét, trình UBND tỉnh quyết định).
Điều 2. UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp HĐND tỉnh phiên họp thường kỳ cuối năm.
Điều 3. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/5/2009.
Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm giám sát, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được HĐND tỉnh Bắc Ninh khóa XVI, kỳ họp thứ 17 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |