cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 31/2008/NQ-HĐND ngày 09/12/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng Về chương trình Dân số-kế hoạch hóa gia đình năm 2009-2010 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 31/2008/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Ngày ban hành: 09-12-2008
  • Ngày có hiệu lực: 19-12-2008
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 08-04-2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1571 ngày (4 năm 3 tháng 21 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 08-04-2013
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 08-04-2013, Nghị quyết số 31/2008/NQ-HĐND ngày 09/12/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng Về chương trình Dân số-kế hoạch hóa gia đình năm 2009-2010 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 254/QĐHC-CTUBND ngày 08/04/2013 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng hết hiệu lực thi hành”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2008/NQ-HĐND

Sóc Trăng, ngày 09 tháng 12 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TỈNH SÓC TRĂNG, NĂM 2009 - 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số và kế hoạch hóa gia đình;

Căn cứ Thông báo số 160-TB/TW ngày 04 tháng 6 năm 2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tình hình thực hiện chính sách Dân số và kế hoạch hóa gia đình và một số giải pháp cấp bách;

Căn cứ Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số và kế hoạch hóa gia đình;

Căn cứ Công văn số 1545/TTg-KGVX ngày 17 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về công tác Dân số và Kế hoạch hóa gia đình;

Sau khi xem xét Tờ trình số 44/TTr-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về Chương trình Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2009 - 2010;

Qua Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội, ý kiến thảo luận đóng góp của các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và phát biểu giải trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Chương trình Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sóc Trăng, năm 2009 - 2010 theo Tờ trình số 44/TTr-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, với nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung:

Thực hiện gia đình ít con, mạnh khỏe và tiến tới ổn định quy mô dân số một cách hợp lý để cuộc sống gia đình được ấm no, hạnh phúc. Nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần vào sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

b) Các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2010:

- Đạt mức sinh thay thế;

- Mức giảm tỉ lệ sinh 0,3‰;

- Tỷ suất sinh thô 15,32%;

- Tỷ lệ phát triển dân số 1,18%;

- Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên không quá 5,4%;

- Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại 75%;

- Quy mô dân số toàn tỉnh là 1.326.200 – 1.333.200 người;

- Giảm tỷ lệ nạo phá thai dưới 5%;

- Thu nhập bình quân đầu người đạt 900 USD/năm;

- Tuổi thọ bình quân: 72 tuổi;

- Số năm học trung bình: 9 năm;

- Mục tiêu về cơ cấu dân số và nâng cao chất lượng dân số:

+ Thực hiện tốt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, phấn đấu đến năm 2010 đạt chỉ số phát triển con người (HDI) ngang bằng các tỉnh trong khu vực;

+ Phấn đấu giảm số trẻ khi sinh ra không mất cân bằng giới tính.

2. Các nhiệm vụ và giải pháp:

a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền:

- Tiếp tục triển khai quán triệt sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình trong các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và toàn dân về tầm quan trọng của công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình, xem công tác này là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng gia đình và của toàn xã hội;

- Tăng cường sự chỉ đạo thực hiện công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình của chính quyền các cấp; nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm về sự giảm sút, yếu kém trong thực hiện công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình thời gian qua; khắc phục triệt để tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, buông lỏng trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình, nhất là ở cơ sở;

- Đưa công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình trở thành nội dung quan trọng trong chương trình công tác thường kỳ, lấy kết quả thực hiện tốt mục tiêu chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình làm một trong những tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân và tập thể. Cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu đi đầu, tích cực vận động gia đình và toàn dân thực hiện tốt chính sách Dân số - kế hoạch hóa gia đình. Xử lý nghiêm trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách Dân số - kế hoạch hóa gia đình theo đúng quy định hiện hành.

b) Về tổ chức bộ máy và quản lý công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình:

 - Thành lập Ban chỉ đạo công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình cấp tỉnh, huyện và Ban Dân số - kế hoạch hóa gia đình cấp xã, tổ chức bộ máy chuyên ngành đủ mạnh và huy động sự tham gia của toàn xã hội;

 - Kiện toàn tổ chức bộ máy Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình và Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình các huyện, thành phố, đáp ứng yêu cầu công tác trước mắt và lâu dài;

- Thực hiện rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ Dân số - kế hoạch hóa gia đình xã, phường và cộng tác viên Dân số - kế hoạch hóa gia đình; từng bước thực hiện chuyển cán bộ chuyên trách Dân số - kế hoạch hóa gia đình thành viên chức y tế ở trạm y tế theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 05/2008/TT-BYT của Bộ Y tế.

c) Tăng cường công tác truyền thông giáo dục:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong toàn xã hội về dân số -kế hoạch hóa gia đình bằng các hình thức và nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng; tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ở vùng đông dân có mức sinh cao, vùng có tỷ lệ sinh con thứ 3 và vùng có tỷ số giới tính khi sinh còn cao, vùng sâu và vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, nhằm tăng số người chuyển đổi hành vi về dân số - kế hoạch hóa gia đình một cách bền vững;

- Tăng cường công tác truyền thông giáo dục về giới tính cho vị thành niên - thanh niên trong và ngoài nhà trường; tổ chức các mô hình sinh hoạt ngoại khoá để bảo đảm tính bền vững của chương trình;

- Các cơ quan truyền thông đại chúng tăng cường thời lượng phát sóng, số lượng bài viết và nâng cao chất lượng nội dung, hình thức tuyên truyền về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình trong các chuyên trang, chuyên mục.

d) Tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình:

Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, đa dạng hóa các biện pháp tránh thai; mở rộng dịch vụ tiếp thị xã hội, bán thuốc viên tránh thai và bao cao su cho đối tượng có nhu cầu sử dụng. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.

e) Thực hiện chính sách và tăng cường đầu tư nguồn lực:

Bố trí hợp lý ngân sách địa phương để tăng cường đầu tư cho công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình ở cơ sở, nhất là vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn; thực hiện tốt các chính sách khuyến khích vật chất và tinh thần đối với cộng đồng, gia đình, cá nhân làm tốt công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình; hướng dẫn và khuyến khích xây dựng quy ước tại khu, ấp nhằm tạo phong trào toàn xã hội thực hiện chính sách Dân số - kế hoạch hóa gia đình.

f) Nâng cao chất lượng hệ thống thông tin chuyên ngành:

- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thu thập, xử lý thông tin, dữ liệu thống kê về Dân số - kế hoạch hóa gia đình; kết hợp điều tra biến động dân số hàng năm, bảo đảm cung cấp số liệu đầy đủ, kịp thời, tin cậy, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

- Thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ đúng thời gian, đủ số lượng chỉ tiêu và đảm bảo chất lượng; thu thập, cập nhật thông tin biến động về Dân số - kế hoạch hóa gia đình các hộ gia đình trên địa bàn vào sổ hộ gia đình của cộng tác viên Dân số - kế hoạch hóa gia đình xã, phường, thị trấn.

Điều 2.

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Y tế và các Sở ngành có liên quan phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện tốt Nghị quyết này. Trong quá trình thực hiện, định kỳ 06 tháng sơ kết rút kinh nghiệm, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, cuối năm tổng kết báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh.

Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình Dân số tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2006 - 2010.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng khóa VII, kỳ họp thứ 15 thông qua.

 

 

CHỦ TỊCH




Võ Minh Chiến