cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 10/2008/NQ-HĐND ngày 24/07/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị Thông qua đề án thành lập thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 10/2008/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Ngày ban hành: 24-07-2008
  • Ngày có hiệu lực: 03-08-2008
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-09-2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 788 ngày (2 năm 1 tháng 28 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 30-09-2010
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 30-09-2010, Nghị quyết số 10/2008/NQ-HĐND ngày 24/07/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị Thông qua đề án thành lập thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1855/QĐ-UBND ngày 30/09/2010 Công bố Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị ban hành từ 01/01/2007 đến 31/12/2009 hết hiệu lực pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2008/NQ-HĐND

Đông Hà, ngày 24 tháng 7 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN THÀNH LẬP THỊ TRẤN CỬA TÙNG, HUYỆN VĨNH LINH, TỈNH QUẢNG TRỊ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA V, KỲ HỌP THỨ 13

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Sau khi xem xét Tờ trình số 1722/TTr-UBND ngày 10 tháng 7 năm 2008 của UBND tỉnh về việc Thông qua Đề án Thành lập thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án Thành lập thị trấn Cửa Tùng, với các nội dung cụ thể như sau:

1. Thành lập thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh bao gồm toàn bộ 240,70ha diện tích tự nhiên, 5.428 nhân khẩu của xã Vĩnh Quang và 228,70ha diện tích tự nhiên, 828 nhân khẩu của 4 thôn Thạch Bàn, Thạch Bắc, Thạch Nam, Thạch Trung của xã Vĩnh Thạch.

Quy mô: Thị trấn có diện tích 469,40ha; 6.256 nhân khẩu với 11 thôn.

2. Tên gọi: Thị trấn Cửa Tùng.

3. Giới hạn:

- Phía Bắc giáp xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh;

- Phía Nam giáp xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh và xã Trung Giang, huyện Gio Linh;

- Phía Đông giáp Biển Đông;

- Phía Tây giáp xã Vĩnh Tân và xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh.

4. Về địa giới hành chính: Địa giới hành chính của Thị trấn Cửa Tùng với các xã có liên quan được mô tả trên cơ sở địa giới hành chính trước đây của xã Vĩnh Quang với các xã có liên quan thể hiện trong bộ hồ sơ, bản đồ, mốc địa giới hành chính trong quá trình thực hiện Chỉ thị 364/CT ngày 06/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Nay là Thủ tướng Chính phủ) và mô tả thêm phần địa giới hành chính của thị trấn với các xã Vĩnh Tân và xã Vĩnh Thạch sau khi sáp nhập 4 thôn: Thạch Bắc, Thạch Nam, Thạch Bàn, Thạch Trung của xã Vĩnh Thạch.

5. Quy mô địa giới hành chính: Xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Trị sau khi thành lập thị trấn Cửa Tùng:

- Xã Vĩnh Thạch còn lại: 1.068,51ha diện tích tự nhiên, 3.445 nhân khẩu, 942 hộ với 10 thôn;

- Huyện Vĩnh Linh có 22 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó: 03 thị trấn và 19 xã (Giảm 01 xã, tăng 01 thị trấn);

- Tỉnh Quảng Trị có 141 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó: 13 phường, 11 thị trấn, 117 xã (Tăng 01 thị trấn, giảm 01 xã).

Điều 2. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh hoàn tất thủ tục theo quy định của pháp luật về thành lập mới thị trấn trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Điều 3. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khóa V, kỳ họp thứ 13 thông qua ngày 24 tháng 7 năm 2008 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua Nghị quyết./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Viết Nên

 

BÁO CÁO TÓM TẮT

ĐỀ ÁN THÀNH LẬP THỊ TRẤN CỬA TÙNG, HUYỆN VĨNH LINH - TỈNH QUẢNG TRỊ

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ khóa XIV về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06/NQ-TU khóa XIII và Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐND tỉnh ngày 12/4/2007 của HĐND tỉnh về Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị tỉnh Quảng Trị đến năm 2010, chiến lược đến năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Vĩnh Linh phối hợp với các ngành chức năng tiến hành xây dựng Đề án Thành lập thị trấn Cửa Tùng.

Ngày 27 tháng 6 năm 2008, UBND huyện Vĩnh Linh đã có Tờ trình số 394/TTr- UBND về việc Đề nghị Thành lập thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh. Để đại biểu rõ hơn về nội dung, trước khi thảo luận thông qua Nghị quyết, UBND tỉnh báo cáo tóm tắt đề án như sau:

A. LÝ DO THÀNH LẬP THỊ TRẤN CỬA TÙNG

1. Thành lập thị trấn Cửa Tùng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đô thị đến năm 2020 của Chính phủ, quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh Quảng Trị và huyện Vĩnh Linh:

Tại Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg ngày 23/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020, mục tiêu đưa ra là: Tỷ lệ dân số đô thị đến năm 2010 đạt 33%, đến năm 2020 là 45%. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIV) về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06/NQ-TU (Khóa XIII) và Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐND ngày 12/4/2007 của HĐND tỉnh Quảng trị về Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị tỉnh Quảng Trị đến năm 2010, chiến lược đến năm 2020 cũng đã xác định: Lập đề án quy hoạch chung xây dựng đô thị mới Cửa Tùng, nghiên cứu quy hoạch phát triển khu vực Cửa Tùng thành thị trấn trong năm 2007.

Trong quy hoạch tổng thể huyện Vĩnh Linh giai đoạn 1998- 2010 cũng đã xác định 3 vùng của huyện: Vùng núi, vùng đồng bằng- trung du và vùng biển, với các trung tâm kinh tế xã hội thúc đẩy kinh tế vùng (Vùng núi có thị trấn Bến Quan, vùng đồng bằng- trung du có thị trấn Hồ Xá và vùng biển có khu vực Cửa Tùng) được xác định là khu vực phát triển kinh tế- xã hội toàn diện đóng vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng Đông- Nam của huyện Vĩnh Linh, đặc biệt là phát triển thương mại, dịch vụ- du lịch, đánh bắt và chế biến thủy sản.

2. Thành lập thị trấn Cửa Tùng (Đô thị loại V) để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn: Với những lợi thế về tự nhiên, xã Vĩnh Quang có bãi tắm Cửa Tùng sạch và đẹp, khí hậu trong lành phù hợp cho nghỉ mát và du lịch, lại nằm trong tuyến du lịch Cửa Việt- Cửa Tùng- Vịnh Mốc- Cồn Cỏ; cầu Hiền Lương thuận tiện về đường giao thông thủy, bộ, tốc độ đô thị hóa tại khu vực tăng nhanh, các khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn 2, 3 sao đã được xây dựng dọc bờ biển phục vụ du lịch, nghỉ mát tắm biển. Đời sống của nhân dân trong khu vực, đặc biệt là nhân dân xã Vĩnh Quang ngày càng được nâng cao và có rất nhiều hộ giàu. Cơ cấu ngành nghề thay đổi từ sản xuất ngư nghiệp là chủ yếu sang trao đổi thương mại, dịch vụ, du lịch và chế biến (Thương mại, dịch vụ, du lịch và chế biến chiếm 45,54% cơ cấu kinh tế, số lao động sản xuất phi nông nghiệp chiếm 76,64%), các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, quy mô dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp...đã đạt các tiêu chí đô thị loại V, được quy định tại Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001 của Chính phủ về Phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị; vấn đề quản lý dân số, lao động, môi trường, tình hình an ninh trật tự...đều mang tính đô thị. Vì vậy đòi hỏi bộ máy quản lý nhà nước phải phù hợp với tính chất quản lý đô thị, do đó việc chuyển tổ chức bộ máy hành chính xã sang quản lý đô thị (Thị trấn) là đòi hỏi khách quan và cần thiết.

3. Thành lập thị trấn Cửa Tùng để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trong vùng và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân: Thành lập thị trấn Cửa Tùng với tính chất chuyên ngành là thị trấn dịch vụ, du lịch nên rất phù hợp để UBND tỉnh, UBND huyện Vĩnh Linh tập trung quy hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế- xã hội đưa thị trấn trở thành trung tâm dịch vụ- du lịch có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của vùng phía Đông- Nam của huyện Vĩnh Linh và các xã vùng Đông- Bắc của huyện Gio Linh và huyện đảo Cồn Cỏ, phù hợp với nguyện vọng của chính quyền và nhân dân trong vùng cũng như huyện Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Trị.

B. CÁC PHƯƠNG ÁN THÀNH LẬP THỊ TRẤN

Huyện Vĩnh Linh đã xây dựng 2 phương án, như sau:

1. Phương án 1: Thành lập thị trấn, thuộc huyện Vĩnh Linh trên cơ sở điều chỉnh 228,70ha diện tích tự nhiên, 828 nhân khẩu của 4 thôn Thạch Bàn, Thạch Bắc, Thạch Nam, Thạch Trung, thuộc xã Vĩnh Thạch và toàn bộ 240,70ha diện tích tự nhiên, 5.428 nhân khẩu của xã Vĩnh Quang.

1.1. Quy mô: Theo phương án này thị trấn có 469,40ha diện tích tự nhiên, 6.256 nhân khẩu, 11 thôn, trong đó:

- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp 2.562/3.609 lao động, chiếm 70,99% tổng số lao động;

- Tỷ lệ lao động sản xuất nông nghiệp 1.047/3.609 lao động, chiếm 29,01% lao động;

- Mật độ dân số 2.713 người/km2 (Tính theo diện tích đất phi nông nghiệp);

- Cơ cấu kinh tế định hướng của thị trấn: Thương mại, dịch vụ- du lịch- nông, ngư nghiệp và chế biến tiểu thủ công nghiệp.

Dự kiến đến năm 2010 dân số sẽ đạt 7.000 nhân khẩu, năm 2015 dân số đạt 8.000 nhân khẩu, năm 2020 dân số đạt 9.000 nhân khẩu, trong đó: Số lao động sản xuất phi nông nghiệp từ 80- 85%;

1.2. Tên gọi thị trấn: Thị trấn có tên gọi là: Thị trấn Cửa Tùng;

1.3. Giới hạn của thị trấn:

- Phía Bắc giáp xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh;

- Phía Nam giáp xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh và xã Trung Giang, huyện Gio Linh;

- Phía Đông giáp biển Đông;

- Phía Tây giáp xã Vĩnh Tân và xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh;

1.4. Cơ sở chọn phương án:

a) Ưu điểm:

- Thị trấn có quy mô 469,40ha, nên đảm bảo về quỹ đất để quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội và giải quyết các vấn đề môi sinh, môi trường, bố trí các dự án đầu tư phát triển theo hướng chuyên ngành;

- Đảm bảo thực hiện được Quy hoạch chung xây đựng Khu Dịch vụ- Du lịch tuyến Cửa Tùng- Vịnh Mốc đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 850/QĐ-UBND ngày 31/3/2004 và Quyết định số 29/2007/QĐ-UBND ngày 25/12/2007 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Dịch vụ- Du lịch Cửa Tùng đến năm 2010- 2020;

- Thị trấn mới có bãi biển dài 4,66 km, khu vực dân cư sinh sống và khu dịch vụ- du lịch tắm biển- nghỉ mát được phân chia làm 2 khu vực rõ rệt, rất có điều kiện để đầu tư phát triển thị trấn chuyên ngành dịch vụ, du lịch - tắm biển nghỉ mát;

- Các tiêu chí về đô thị theo quy định tại Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001 của Chính phủ về Phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị, phương án thành lập thị trấn đã đạt tiêu chuẩn theo quy định, cụ thể:

+ Về đô thị chức năng thị trấn được xác định là thị trấn chuyên ngành dịch vụ - du lịch với định hướng cơ cấu thị trấn theo hướng thương mại, dịch vụ- du lịch, nông, ngư nghiệp và chế biến, tiểu thủ công nghiệp đạt 17/25 điểm;

+ Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp 20/20 điểm;

+ Cơ sở hạ tầng được xây dựng khá hoàn thiện và đang được quy hoạch xây dựng, phát triển đạt 26,3/30 điểm;

+ Quy mô dân số 15/15 điểm;

+ Mật độ dân số đạt 10/10 điểm;

Tổng số điểm đạt 88,3 điểm/100 điểm (Theo quy định đối với thị trấn có chức năng nghỉ mát, du lịch chỉ cần đạt 70% mức quy định);

- Phương án điều chỉnh 4 thôn của xã Vĩnh Thạch sáp nhập vào xã Vĩnh Quang thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và được chính quyền và nhân dân các xã thống nhất cao;

Sau khi thành lập thị trấn bộ máy mới ít xáo trộn, nên thuận tiện cho việc tổ chức sắp xếp lại cán bộ, cũng như công tác quản lý điều hành của cấp ủy chính quyền của thị trấn.

b) Nhược điểm:

- Theo phương án này, trước mắt một số cơ sở hạ tầng như: Chợ, bưu điện, ngân hàng, trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông còn thiếu- các cơ sở hạ tầng trên đã được xây dựng tại thôn An Du Đông 2, xã Vĩnh Tân (Phần dự kiến sáp nhập vào thị trấn theo phương án 2). Do đó khi quy hoạch phát triển thị trấn mới cần quan tâm xây dựng hợp lý cơ sở hạ tầng, để phát triển thị trấn theo đúng chuyên ngành dịch vụ- du lịch;

- Việc sáp nhập 4 thôn: Thạch Bắc, Thạch Bàn, Thạch Trung, Thạch Nam của xã Vĩnh Thạch để thành lập thị trấn rất có điều kiện về quỹ đất bãi tắm tự nhiên dài ...để phát triển thị trấn chuyên ngành dịch vụ- du lịch. Tuy nhiên, phần lớn diện tích và nhân dân 4 thôn trên chủ yêu là sản xuất nông nghiệp; thu nhập thấp, tỷ lệ đói nghèo cao. Vì vậy, khi sáp nhập vào thị trấn, tỉnh, huyện và thị trấn cần tập trung giải quyết tốt về vấn đề chính sách đất đai, quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất; có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, đào tạo việc làm chuyển đổi ngành nghề tăng thu nhập nâng cao đời sống cho nhân dân để đảm bảo sự ổn định và tạo điều kiện thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế- xã hội của thị trấn;

1.5. Huyện Vĩnh Linh sau khi thành lập thị trấn Cửa Tùng:

Sau khi thành lập thị trấn Cửa Tùng theo phương án 1 , huyện Vĩnh Linh có 19 xã và 03 thị trấn (Giảm 1 xã, tăng 1 thị trấn);

Trong đó xã Vĩnh thạch còn lại diện tích l.068,51 ha diện tích tự nhiên, 3.445 nhân khẩu, với 10 thôn.

2. Phương án 2: Thành lập thị trấn, thuộc huyện Vĩnh Linh trên cơ sở điều chỉnh:

228,70ha diện tích tự nhiên, 828 nhân khẩu 4 thôn: Thạch Bàn, Thạch Bắc, Thạch Nam, Thạch Trung của xã Vĩnh Thạch; 8,80ha diện tích tự nhiên, 152 nhân khẩu (Một phần thôn Tân An) của xã Vĩnh Giang; 51,60 ha diện tích tự nhiên, 390 nhân khẩu (Một phần thôn An Du Đông 2) của xã Vĩnh Tân và toàn bộ 240,70ha diện tích tự nhiên, 5.428 nhân khẩu của xã Vĩnh Quang.

2.1. Quy mô: Theo phương án này thị trấn có diện tích 529,80ha, 6.798 nhân khẩu, 1.718 hộ, 13 thôn. Trong đó:

- Số lao động sản xuất phi nông nghiệp: 2.626/3.807 người, chiếm 68,98% tổng số lao động;

- Số lao động sản xuất nông nghiệp: 1.181/3.807 người, chiếm 31,02% tổng số lao động;

- Mật độ dân số 2.567 người/km2 (Theo diện tích đất phi nông nghiệp);

- Cơ cấu kinh tế định hướng của thị trấn: Thương mại, dịch vụ- du lịch, ngư nghiệp và chế biến, tiểu thủ công nghiệp.

Dự kiến đến năm 2010 dân số sẽ đạt 7.500 nhân khẩu, đến năm 2015 dân số đạt 8.000 nhân khẩu, năm 2020 dân số đạt 9.000 khẩu; trong đó: Số lao động sản xuất phi nông nghiệp đạt 80- 85%;

2.2. Tên gọi thị trấn: Thị trấn có tên gọi là: Thị trấn Cửa Tùng;

2.3. Giới hạn của thị trấn theo phương án 2:

- Phía Bắc giáp xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh;

- Phía Nam giáp xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh và xã Trung Giang huyện Gio Linh;

- Phía Đông giáp biển Đông;

- Phía Tây giáp xã Vĩnh Tân và Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh;

2.4. Cơ sở chọn phương án:

a) Ưu điểm:

- Thị trấn có quy mô 529,80ha, nên đảm bảo về quỹ đất để quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội và giải quyết các vấn đề môi sinh, môi trường bố trí các dự án đầu tư phát triển theo hướng chuyên ngành;

- Đảm bảo thực hiện được Quy hoạch chung xây dựng Khu Dịch vụ- Du lịch tuyến Cửa Tùng- Vịnh Mốc đã được UBND tỉnh phê duyệt;

- Theo phương án này các tiêu chí như: Cơ sở hạ tầng được đầu tư và xây dựng khá đồng bộ mật độ dân số, tỷ lệ lao động ngành nghề, tính chất đô thị ...đều đạt các tiêu chí về đô thị loại V được quy định tại Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001 của Chính phủ về Phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị, cụ thể: Đô thị chức năng đạt 17/25 điểm, lao động phi nông nghiệp 16/20 điểm, cơ sở hạ tầng 26,8/30 điểm, quy mô dân số 15/15 điểm mật độ dân số 10/10 điểm, tổng số dạt 84,3 điểm/100 điểm (Theo quy định đối với thị trấn có chức năng nghỉ mát, du lịch chỉ cần đạt 70% mức quy định);

b) Nhược điểm:

- Các phần điều chỉnh về thị trấn manh mún, chia cắt các thôn, như: Sáp nhập 1 phần thôn Tân An của xã Vĩnh Giang và 1 phần thôn An Du Đông 2 của xã Vĩnh Tân nên nhân dân và chính quyền các xã chưa đồng tình cao;

- Việc sáp nhập các cơ sở vật chất như: Chợ, Bưu điện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khu vực, trường Trung học cơ sở nằm tại thôn An Du Đông 2 của xã Vĩnh Tân, bước đầu tạo cho thị trấn có cơ sở vật chất khá hoàn thiện và đồng bộ. Tuy nhiên, đây là khu vực trung tâm tập trung đông dân cư và vùng nghĩa địa nhân dân của xã Vĩnh Tân (Xóm Cát), nếu sáp nhập phần đất trên vào thị trấn sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ cấu kinh tế của xã Vĩnh Tân, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm và tâm linh của nhân dân trong xã, vì vậy nhân dân và chính quyền xã Vĩnh Tân chưa đồng tình;

Phần diện tích và dân số của một phần thôn Tân An, xã Vĩnh Giang sáp nhập vào thị trấn chỉ có tác dụng tăng dân số về mặt cơ học cho thị trấn, chứ không có điều kiện quy hoạch phát triển, do quỹ đất đã hết;

- Việc sáp nhập không nguyên thôn, đường ranh giới không rõ ràng (Do nhân dân ở đan xen) trước mắt rất khó cho các cấp chính quyền xác định, phân vạch địa giới hành chính theo Quyết định 77/QĐ-KT ngày 12/5/1993 của Tổng Cục trưởng Đo đạc bản đồ nhà nước. Về lâu dài, công tác quản lý hành chính trên địa bàn sẽ khó khăn, dễ xảy ra tranh chấp địa giới hành chính;

2.5. Huyện Vĩnh Linh sau khi thành lập thị trấn Cửa Tùng

Sau khi thành lập thị trấn Cửa Tùng theo phương án 2, huyện Vĩnh Linh có 22 đơn vị hành chính, trong đó có 03 thị trấn và 19 xã (Giảm 1 xã, tăng 1 thị trấn);

Xã Vĩnh Thạch còn lại 1.068,51ha diện tích tự nhiên, 3.445 nhân khẩu, 942 hộ với 10 thôn. Xã Vĩnh Tân, còn lại 504,70ha diện tích tự nhiên, 2.260 nhân khẩu, 585 hộ với 5 thôn. Xã Vĩnh Giang, còn lại 925.76ha diện tích tự nhiên, 5.058 nhân khẩu, 1.272 hộ, 6 thôn.

C. KẾT QUẢ LẤY Ý KIẾN CỦA NHÂN DÂN VÀ THÔNG QUA HĐND CÁC CẤP

1. Tại xã Vĩnh Thạch

- Đã triển khai lấy ý kiến 4 thôn: Thạch Bắc, Thạch Nam, Thạch Bàn, Thạch Trung của xã Vĩnh Thạch: Tổng số 168 hộ/244 hộ dự họp (Tỷ lệ 68,89%);

Trong đó:

+ Số hộ đồng ý phương án 1: 165/168 hộ (Tỷ lệ 98,21%);

+ Số hộ không đồng ý: 03/168 hộ (Tỷ lệ 1,79%).

- Ngày 04/4/2008, HĐND xã Vĩnh Thạch đã họp với 25 đại biểu tham dự. Kết quả 25/25 vị đồng ý chủ trương thành lập thị trấn Cửa Tùng và sáp nhập 4 thôn của xã Vĩnh Thạch vào thị trấn (Tỷ lệ 100%).

2. Tại xã Vĩnh Quang

Đã triển khai lấy ý kiến 7/7 thôn trong xã và đã có 1150/1336 hộ đại diện hộ gia đình tham dự họp (Tỷ lệ 86,08%). Trong đó:

- Số hộ đồng ý phương án 1: 979/1150 hộ (Tỷ lệ 85,13%);

- Số hộ đồng ý phương án 2: 171/1150 hộ (Tỷ lệ 14,87%);

Ngày 23/6/2008 HĐND xã Vĩnh Quang đã họp, có 22/23 đại biểu dự họp. 22/22 đại biểu dự họp nhất trí chủ trương thành lập thị trấn Cửa Tùng và đã đồng ý chọn phương án 1 với 22/22 đại biểu (Đạt tỷ lệ 100%).

3. Tại xã Vĩnh Tân

Đã triển khai lấy ý kiến toàn thôn An Du Đông 2 (Thôn có 168 hộ, dự kiến sáp nhập 85 hộ vào thị trấn). Đã có 92/160 đại biểu hộ dự họp (Tỷ lệ 57,50%). Trong đó:

- Số hộ đồng ý phương án 2: 01/92 hộ (Tỷ lệ 1,09%);

- Số hộ không đồng ý phương án 2: 91/92 hộ (Tỷ lệ 98/91%);

Ngày 24/6/2008, HĐND xã Vĩnh Tân đã họp, có 24/24 đại biểu đồng ý chọn phương án 1 (Đạt tỷ lệ 100%).

4. Tại xã Vĩnh Giang

Đã triển khai lấy ý kiến toàn thôn Tân An (Thôn có 110 hộ, dự kiến sáp nhập 53 hộ vào thị trấn). Đã có 64/103 đại diện hộ dự họp (Tỷ lên 62,14%). Trong đó:

- Số hộ đồng ý phương án 2: 16/64 hộ (Tỷ lệ 25,00%);

- Số hộ không đồng ý phương án 2: 48/64 hộ (Tỷ lệ 75,00%);

Ngày 24/6/2008, HĐND xã Vĩnh Giang đã họp, có 20/23 đại biểu dự họp. 20/20 đại biểu dự họp đồng ý chọn phương án 1 (Tỷ lệ 100%).

5. HĐND huyện Vĩnh Linh

Ngày 26/6/2008 HĐND huyện Vĩnh Linh đã họp, có 24/29 đại biểu dự họp. 24/24 đại biểu dự họp đồng ý chọn phương án 1 (Đạt tỷ lệ 100%).

D. Ý KIẾN CỦA UBND TỈNH

Với 02 phương án thành lập thị trấn Cửa Tùng do UBND huyện Vĩnh Linh xây dựng, UBND tỉnh thấy rằng:

- Quá trình xây dựng Đề án Thành lập thị trấn Cửa Tùng, UBND huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo và tiến hành các bước theo đúng trình tự, đảm bảo dân chủ, đúng thủ tục theo quy định của Nhà nước về thành lập mới đơn vị hành chính;

- Nhìn chung cả hai phương án đề nghị thành lập thị trấn Cửa Tùng với chuyên ngành dịch vụ- du lịch đều đạt các chỉ tiêu quy định về chức năng đô thị, quy mô dân số, mật độ dân số tỷ lệ lao động phi nông nghiệp và cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định của nhà nước về thành lập thị trấn (Đô thị loại V).

Phương án 1, thực hiện sáp nhập nguyên trạng 4 thôn của xã Vĩnh Thạch vào xã Vĩnh Quang để thành lập thị trấn đảm bảo nguyên tắc về phân vạch địa giới hành chính (Nguyên thôn), không thay đổi cơ cấu của các xã có liên quan, cho nên tạo được sự thống nhất cao của chính quyền và sự đồng tình của nhân dân.

Phương án 2, do các phần điều chỉnh manh mún, chia cắt các thôn: Sáp nhập 1 phần thôn Tân An của xã Vĩnh Giang và 1 phần thôn An Du Đông 2 của xã Vĩnh Tân nên nhân dân và Chính quyền các xã chưa đồng tình cao. Mặt khác, do phần sáp nhập của xã Vĩnh Tân vào thị trấn (Theo phương án 2) là khu vực tập trung dân cư và cơ sở vật chất: Chợ, trường học, bưu điện...và phần lớn số hộ lao động phi nông nghiệp của xã Vĩnh Tân. Giá trị sản xuất tại đây chiếm khoảng 30% tổng giá trị sản xuất toàn xã; đây cũng là khu vực nghĩa địa nhân dân của xã Vĩnh Tân. Nếu sáp nhập phần đất trên vào thị trấn sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ cấu sản xuất của xã, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, tâm linh của nhân dân trong xã, nên nhân dân và chính quyền xã Vĩnh Tân chưa đồng tình.

Qua tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và thông qua HĐND các cấp đều nhất trí cao phương án 1. Vì vậy, UBND tỉnh thống nhất đề nghị HĐND tỉnh xem xét trình Chính phủ thành lập thị trấn Cửa Tùng, thuộc huyện Vĩnh Linh trên cơ sở điều chỉnh 228,70ha diện tích tự nhiên, 828 nhân khẩu thuộc xã Vĩnh Thạch (Của 4 thôn: Thạch Bàn, Thạch Bắc, Thạch Nam, Thạch Trung) và toàn bộ 240,70ha diện tích tự nhiên, 5,428 nhân khẩu của xã Vĩnh Quang (Theo phương án 1) để thị trấn Cửa Tùng có quy mô 469,40ha diện tích tự nhiên, 6.256 nhân khẩu.

Kính đề nghị HĐND tỉnh xem xét và quyết định./.