Nghị quyết số 12/2008/NQ-HĐND ngày 11/07/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang Về việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh An Giang
- Số hiệu văn bản: 12/2008/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
- Ngày ban hành: 11-07-2008
- Ngày có hiệu lực: 21-07-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-05-2020
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4316 ngày (11 năm 10 tháng 1 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-05-2020
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2008/NQ-HĐND | Long Xuyên, ngày 11 tháng 7 năm 2008 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ SỰ NGHIỆP MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KHÓA VII KỲ HỌP THỨ 12
(Từ ngày 10 đến ngày 11/7/2008)
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 114/2006/TTLT-BTC-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2006 của liên Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường;
Sau khi xem xét Tờ trình số 30/TTr-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành quy định về quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh theo các nội dung quy định tại Điều 2, Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Nghị quyết này.
Điều 2. Hàng năm, ngân sách tỉnh bố trí kinh phí chi cho sự nghiệp môi trường đảm bảo không thấp hơn 01% tổng chi ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ chi như sau:
1. Nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh:
a) Chi cho hoạt động của hệ thống quan trắc và phân tích môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý (bao gồm cả mạng lưới trạm quan trắc và phân tích môi trường); chi cho việc xây dựng, thực hiện các chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh.
b) Chi điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường, đánh giá tác động môi trường tổng hợp, dự báo diễn biến môi trường; điều tra, thống kê, đánh giá chất thải, tình hình ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh.
c) Điều tra nghiên cứu thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ về bảo vệ môi trường; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật, quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
d) Chi cho các hoạt động xây dựng năng lực cảnh báo, dự báo và phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong tỉnh, kể cả hỗ trợ trang thiết bị và hoạt động về ứng cứu các sự cố môi trường.
đ) Hỗ trợ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: các kho thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu; các khu vực tồn lưu chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; các bãi rác đã đóng cửa; các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc danh mục theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng"; các cơ sở qua thanh, kiểm tra có gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hàng năm.
e) Hỗ trợ hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý giảm thiểu, tái chế, chôn lấp chất thải thông thường và chất thải nguy hại do các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh; vận hành hoạt động các bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh; hỗ trợ mua sắm các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải.
g) Hỗ trợ xử lý chất thải cho một số bệnh viện, cơ sở y tế, trường học của nhà nước do tỉnh quản lý không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp.
h) Chi cho việc ngăn chặn sự xâm nhập của sinh vật ngoại lai, sinh vật biến đổi gen gây ảnh hưởng xấu đến môi trường; điều tra, khảo sát, đánh giá và bảo tồn các giống loài động vật, thực vật, vi sinh vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng trong danh mục cần bảo vệ thuộc thẩm quyền của tỉnh; chi cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước.
i) Chi cho các hoạt động giải quyết sự cố môi trường không xác định được quy mô xảy ra.
k) Chi cho việc xây dựng và duy trì hoạt động hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường (bao gồm thu thập, xử lý và trao đổi thông tin); hệ thống thông tin cảnh báo môi trường cộng đồng.
l) Chi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường.
m) Chi hoạt động nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
n) Chi hoạt động của Ban chỉ đạo, Ban điều hành, văn phòng thường trực về bảo vệ môi trường.
o) Chi khen thưởng kể cả giải thưởng về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân có thành tích đóng góp trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền quyết định.
p) Chi cho hoạt động triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án trong chương trình trọng điểm của tỉnh về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
q) Chi các nhiệm vụ liên tịch về bảo vệ môi trường giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các sở, ngành, cơ quan đoàn thể cấp tỉnh.
r) Chi các hoạt động khác có liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với từng trường hợp cụ thể.
2. Nhiệm vụ chi của ngân sách huyện, thị xã, thành phố:
a) Chi điều tra, thống kê, đánh giá chất thải, tình hình ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện).
b) Chi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường.
c) Hỗ trợ hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý giảm thiểu, tái chế, chôn lấp chất thải thông thường theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh và thực hiện các mô hình thí điểm do Ủy ban nhân dân tỉnh, sở Tài nguyên và Môi trường giao.
d) Hỗ trợ xử lý chất thải cho các cơ sở y tế, trường học của nhà nước do cấp huyện quản lý không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp.
đ) Chi hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân để xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu công nghiệp tập trung trên địa bàn tùy theo từng dự án, đề án.
e) Chi hoạt động kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.
g) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch; xây dựng và thẩm định các dự án, đề án về bảo vệ môi trường trên địa bàn.
h) Điều tra nghiên cứu thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ về bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý.
i) Chi các nhiệm vụ phối hợp về bảo vệ môi trường giữa phòng Tài nguyên và
Môi trường với các cơ quan, đoàn thể cấp huyện.
k) Chi các hoạt động khác có liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với từng trường hợp cụ thể.
3. Nhiệm vụ chi của ngân sách xã, phường, thị trấn:
a) Chi về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường trên địa bàn xã, phường, thị trấn (cấp xã).
b) Chi hoạt động kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
c) Hỗ trợ hoạt động thu gom rác thải thông thường trên địa bàn quản lý.
Điều 3. Nguyên tắc chi và mức chi cụ thể:
1. Nguyên tắc chi:
a) Không chi hai lần cho cùng một hoạt động bảo vệ môi trường.
b) Việc chi, quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường phải thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 114/2006/TTLT-BTC-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường và các quy định có liên quan khác của Nhà nước.
2. Cụ thể hóa một số mức chi:
a) Xây dựng đề cương dự án, đề án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường mức chi 750.000 đồng/đề cương.
b) Việc lấy ý kiến thẩm định đề án, dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường bằng văn bản của chuyên gia và nhà quản lý đối với trường hợp không thành lập Hội đồng, mức chi 150.000 đồng/bài.
c) Báo cáo phân tích, đánh giá theo chuyên đề, mức chi 4.000.000 đồng/báo cáo kết quả chuyên đề.
d) Báo cáo tổng kết dự án, đề án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường (bao gồm báo cáo chính và báo cáo tóm tắt):
Mức chi 5.000.000 đồng/báo cáo chính dưới 100 trang giấy khổ A4;
Mức chi 8.500.000 đồng/báo cáo chính từ 100 trang giấy khổ A4 trở lên.
đ) Mức chi cho công tác liên tịch, phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các sở ngành liên quan, cơ quan đoàn thể cấp tỉnh; phối hợp giữa phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thị xã, thành phố với các cơ quan liên quan cùng cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường mà Thông tư liên tịch số 114/2006/TTLT-BTC-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2006 của liên Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa quy định thì được chi trên cơ sở nội dung thực hiện trong kế hoạch liên tịch hoặc kế hoạch phối hợp do các bên ký kết và được Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt theo thẩm quyền.
e) Trường hợp các dự án, đề án, mô hình, kế hoạch, chương trình về bảo vệ môi trường (gọi chung là dự án, đề án) đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, trong đó có nội dung chi về xây dựng cơ bản, mua sắm, sữa chữa thì cũng được thực hiện chi theo định mức kinh tế kỹ thuật hiện hành.
Điều 4. Lập dự toán chi hoạt động bảo vệ môi trường:
1. Vào đầu quý III hàng năm, các sở ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào nhiệm vụ chi ngân sách về bảo vệ môi trường của cấp mình, lập dự toán chi về bảo vệ môi trường theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
2. Căn cứ lập dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên cơ sở quy định tại điểm a khoản 3 Phần II Thông tư liên tịch số 114/2006/TTLT-BTC- BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2006 của liên Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường và các quy định khác có liên quan về hướng dẫn lập dự toán, chế độ, tiêu chuẩn, định mức hiện hành của nhà nước và của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 5. Chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách chi hoạt động bảo vệ môi trường
1. Việc chấp hành dự toán, hạch toán kế toán và quyết toán ngân sách thực hiện theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước và mục lục ngân sách nhà nước hiện
hành.
2. Kinh phí chi sự nghiệp môi trường được phản ảnh và quyết toán vào chương, loại, khoản tương ứng và chi tiết theo Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
Điều 6. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện các nội dung theo quy định tại Nghị quyết này.
Điều 7. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ giám sát việc triển khai, thực hiện
Nghị quyết này theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 11 tháng 7 năm 2008 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.
| CHỦ TỊCH |