Nghị quyết số 10b/2008/NQ-HĐND ngày 11/07/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Về chính sách hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng cán bộ công, viên chức thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 10b/2008/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Ngày ban hành: 11-07-2008
- Ngày có hiệu lực: 21-07-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2013
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1625 ngày (4 năm 5 tháng 15 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-01-2013
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10b/2008/NQ-HĐND | Huế, ngày 11 tháng 7 năm 2008 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THUỘC TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA V, KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2002;
Căn cứ Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg ngày 04/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;
Căn cứ Thông tư số 51/2008/TT-BTC ngày 16/6/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước;
Sau khi xem xét Tờ trình số 3465/TTr-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về Đề án: “Quy định một số chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế”; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành và thông qua Đề án: “Quy định một số chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế” với các nội dung sau:
1. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng:
Bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, công chức dự bị, lao động hợp đồng không xác định thời hạn đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập; đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp; cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong nước (gọi chung là học viên).
2. Phạm vi đào tạo, bồi dưỡng:
Bao gồm các lớp lý luận chính trị, quản lý hành chính, tiền công vụ, các lớp nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể; đào tạo tiếng dân tộc; bồi dưỡng tin học; ngoại ngữ; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng; đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành; đào tạo chuẩn hoá; đào tạo sau đại học và tương đương theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt (gọi chung là các lớp đào tạo, bồi dưỡng).
3. Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo cho học viên học các lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị, quản lý hành chính, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, nghiệp vụ quản lý và bồi dưỡng nghiệp vụ:
3.1. Được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp;
3.2. Tiền học phí: được thanh toán 100% theo chứng từ hợp lệ;
3.3. Trường hợp học ngoài tỉnh:
a) Thanh toán tiền tàu, xe: đối với các lớp đào tạo dài hạn được thanh toán tiền tàu, xe mỗi năm 2 kỳ: nghỉ hè và nghỉ Tết theo chế độ công tác phí hiện hành; đối với các lớp đào tạo ngắn hạn được thanh toán tiền tàu, xe lượt đi và lượt về cho mỗi đợt học theo chế độ công tác phí hiện hành;
b) Tiền tài liệu: thanh toán 100% theo chứng từ hợp lệ;
c) Hỗ trợ tiền ăn: 20.000đồng/người/ngày;
d) Trợ cấp cho học viên: 300.000đồng/người/tháng. Riêng học viên là đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn không hưởng lương từ ngân sách và cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn, được trợ cấp 400.000đồng/người/tháng;
e) Thanh toán tiền thuê chỗ nghỉ cho học viên trong những ngày đi học tập trung tại cơ sở đào tạo theo chế độ được quy định tại Thông tư 51/2008/TT-BTC ngày 16/6/2008 của Bộ Tài chính trong trường hợp cơ sở đào tạo xác nhận không bố trí được chỗ nghỉ.
3.4. Trường hợp học trong tỉnh:
a) Tiền tài liệu: thanh toán 100% theo chứng từ hợp lệ;
b) Trợ cấp cho học viên: 20.000đồng/người/ngày đối với học viên học tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng do các cơ sở đào tạo của tỉnh tổ chức; 15.000đ/người/ngày đối với học viên học tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng do các cơ sở đào tạo của huyện, thành phố Huế tổ chức;
c) Tiền tàu, xe lượt đi và lượt về cho mỗi đợt học theo chế độ công tác phí hiện hành.
4. Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo cho học viên học các lớp cao cấp lý luận chính trị và đại học chuyên ngành công tác xây dựng Đảng tại các Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia và khu vực, hệ tập trung và tại chức từ 30 ngày trở lên:
4.1. Được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp;
4.2. Trợ cấp theo Hướng dẫn số 38 HD/BTCTW ngày 30/3/2005 của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện trợ cấp đối với học viên đi học tại các trường chính trị;
4.3. Thanh toán tiền tàu, xe mỗi năm 02 kỳ: nghỉ hè và nghỉ Tết theo chế độ công tác phí hiện hành;
4.4. Hỗ trợ tiền ăn: 20.000đồng/người/ngày;
4.5. Tiền tài liệu: thanh toán 100% theo chứng từ hợp lệ;
4.6. Trường hợp học viên học tại chức tại tỉnh được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo như quy định tại mục 3, điểm 3.4 nêu trên.
5. Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo cho học viên học đại học chuyên ngành phù hợp với yêu cầu công tác, bao gồm đào tạo chuẩn hoá và bằng đại học thứ 2:
5.1. Được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp;
5.2. Được thanh toán 50% các khoản học phí, tiền tài liệu học tập, lệ phí thi tuyển và lệ phí thi tốt nghiệp theo chứng từ hợp lệ. Cá nhân tự lo các khoản chi phí khác.
6. Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo cho học viên học các lớp đào tạo sau đại học theo quy hoạch của tỉnh:
6.1. Được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp;
6.2. Tiền học phí: thanh toán 100% theo chứng từ hợp lệ;
6.3. Chi phí khoán cho một khóa đào tạo gồm: lệ phí thi tuyển, lệ phí thi tốt nghiệp, tiền tài liệu, giáo trình và các khoản chi khác như sau:
- Thạc sĩ: 5.000.000đồng/người;
- Tiến sĩ: 10.000.000đồng/người;
- Bác sĩ và dược sĩ chuyên khoa cấp 1: 4.000.000đồng/người;
- Bác sĩ và dược sĩ chuyên khoa cấp 2: 8.000.000đồng/người.
- Chi phí khoán cho một khóa đào tạo được thanh toán 2 lần: giữa khóa đào tạo và cuối khóa đào tạo.
6.4. Khi nhận được bằng thạc sĩ, tiến sĩ; bác sĩ và dược sĩ chuyên khoa cấp 1; bác sĩ và dược sĩ chuyên khoa cấp 2 được trợ cấp đặc biệt như sau:
- Thạc sĩ: 15.000.000đồng/người;
- Tiến sĩ: 25.000.000đồng/người;
- Bác sĩ và dược sĩ chuyên khoa cấp 1: 10.000.000đồng/người;
- Bác sĩ và dược sĩ chuyên khoa cấp 2: 20.000.000đồng/người.
6.5. Trường hợp học ngoài tỉnh: được thanh toán tiền tàu, xe mỗi năm 2 kỳ: nghỉ hè và nghỉ Tết theo chế độ công tác phí hiện hành và được hỗ trợ tiền ăn, ở: 20.000đồng/người/ngày;
6.6. Trường hợp học trong tỉnh: được thanh toán tiền tàu, xe lượt đi và lượt về cho mỗi đợt học theo chế độ công tác phí hiện hành; được hỗ trợ tiền ăn, ở: 10.000đ/người/ngày, áp dụng cho học viên các huyện về học tại thành phố Huế mà khoảng cách từ nơi cư trú của học viên đến cơ sở đào tạo từ 30 km trở lên.
7. Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo cho học viên học các lớp đào tạo sau đại học theo quy hoạch của ngành và của các huyện, thành phố Huế:
7.1. Đối với học viên thuộc diện quy hoạch của các huyện, thành phố Huế: giao cho Uỷ ban Nhân dân các huyện, thành phố Huế thống nhất với Thường trực Hội đồng Nhân dân cùng cấp, căn cứ vào nhu cầu đào tạo, khả năng cân đối ngân sách để quyết định mức hỗ trợ cụ thể, nhưng không vượt quá mức quy định tại khoản 6 điều 1 nói trên.
7.2. Đối với học viên thuộc diện quy hoạch của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh: giao cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ cụ thể căn cứ vào kế hoạch đào tạo và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, nhưng không vượt quá mức hỗ trợ quy định tại khoản 6, điều 1 nói trên.
8. Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo cho học viên nữ và học viên người dân tộc thiêu số:
Ngoài các chế độ trên, học viên nữ và học viên người dân tộc thiểu số được trợ cấp thêm 150.000đồng/người/tháng (trừ trường hợp đi học tập trung các lớp cao cấp chính trị và đại học chuyên ngành ở Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia và khu vực đã có quy định riêng).
9. Tổ chức thực hiện:
Hàng năm, các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố Huế lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gửi về Ban Tổ chức Tỉnh ủy (đối với các cơ quan Đảng, Mặt trận, Đoàn thể) hoặc Sở Nội vụ để tổng hợp, cân đối nhu cầu đào tạo và khả năng đảm bảo kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để xây dựng kế hoạch đào tạo trình Thường vụ Tỉnh ủy, Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt hoặc ủy quyền cho các cơ quan chức năng phê duyệt theo phân cấp quản lý cán bộ và phù hợp với từng loại hình, thời gian đào tạo, bồi dưỡng.
Căn cứ vào các chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế nói trên, giao cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh quy định cụ thể nguồn kinh phí và chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo sử dụng có hiệu quả kinh phí hỗ trợ đào tạo của ngân sách nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên đi học.
Điều 2. Giao Uỷ ban Nhân dân tỉnh triển khai nghị quyết; giao Thường trực, các Ban, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiến hành phổ biến, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện nghị quyết theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.
Nghị quyết này đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa V, kỳ họp thứ 10 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |