cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 6g/2008/NQCD-HĐND ngày 04/04/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Thông qua quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 6g/2008/NQCD-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Ngày ban hành: 04-04-2008
  • Ngày có hiệu lực: 14-04-2008
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 05-05-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2577 ngày (7 năm 22 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 05-05-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 05-05-2015, Nghị quyết số 6g/2008/NQCD-HĐND ngày 04/04/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Thông qua quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 25/04/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Về quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6g/2008/NQCĐ-HĐND

Huế, ngày 04 tháng 4 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHOÁ V, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ LẦN THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược giáo dục giai đoạn 2001-2010;

Căn cứ Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 1511/TTr-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa-Xã hội và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành và thông qua quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm quy hoạch:

a. Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, hư­ớng vào mục tiêu phát triển toàn diện con ngư­ời, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh gắn liền với phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

b. Phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020. Xem giáo dục - đào tạo là một lĩnh vực dịch vụ quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế để đóng góp ngày càng cao vào giá trị GDP của tỉnh;

c. Phát triển giáo dục và đào tạo theo h­ướng hiện đại, hội nhập quốc tế, liên thông trong hệ thống giáo dục từ mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến cao đẳng, đại học;

d. Nhà n­ước giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp các dịch vụ giáo dục cơ bản, ưu tiên đầu tư­ ngân sách nhà nước cho hệ thống giáo dục cấp cơ sở, các cơ sở giáo dục chất l­ượng cao, vùng kinh tế khó khăn, khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số;

đ. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn tỉnh có hiệu quả.

2. Mục tiêu quy hoạch:

Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng đáng là trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và chất lượng cao của miền Trung và cả nước. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, gắn giáo dục - đào tạo với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực và cả nước; phát triển tổng thể Đại học Huế trọng điểm đến năm 2015. Phát huy nội lực gắn với hội nhập và hợp tác quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục - đào tạo gắn với liên doanh, liên kết, hợp tác quốc tế để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực huy động vốn đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo.

3. Các chỉ tiêu phát triển:

a. Giáo dục mầm non:

- Đến năm 2010 toàn tỉnh có 221 - 224 trường mầm non; mỗi xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có ít nhất 01 trường công lập làm nòng cốt.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo số phòng học kiên cố đúng qui cách đạt 75% năm 2015, 95% năm 2020;

Số trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 30% năm 2010, 65 - 70% năm 2015, 90 - 95% năm 2020;

- Tỷ lệ trẻ em đi nhà trẻ đạt 18% năm 2010, 23 - 34% năm 2015, 61,2% năm 2020. Tỷ lệ trẻ 3 - 5 tuổi học mẫu giáo đạt 70% năm 2010, 77% năm 2015, 90 - 98% năm 2020.

b. Giáo dục phổ thông:

Tiểu học:

- Đến năm 2012 đảm bảo đủ phòng học cho học sinh học 02 buổi/ngày;

Số phòng học kiên cố, đúng quy cách đạt 60% năm 2010, 85% năm 2015, 100% năm 2020;

Số trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 35% năm 2010, 70 - 75% năm 2015, 95 - 100% năm 2020;

Mỗi huyện, thành phố có từ 2 - 3 trường trọng điểm chất lượng cao;

- Tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi đạt 99,5% năm 2010, 100% năm 2015. Tỷ lệ học sinh ngoài công lập chiếm 1,2% - 1,5% năm 2010 và 2,3 - 3,5% năm 2020.

Trung học cơ sở:

- Số phòng học kiên cố, đúng quy cách đạt 70 - 75% năm 2010, 100% năm 2020;

Số trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 30 - 40% năm 2010, 50 - 60% năm 2015, 70 - 80% năm 2020;

Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 trường trọng điểm chất lượng cao.

- Tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi đạt 95% năm 2010, 99% năm 2015, 100% năm 2020. Tỷ lệ học sinh ngoài công lập chiếm 3,5% năm 2010, 4,5 - 5% năm 2020.

Trung học phổ thông:

- Đến năm 2010 có 50 trường.

Số trường ngoài công lập: 10 trường năm 2010, 18 trường năm 2020;

Số trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 25% năm 2010, 100% năm 2020;

Số trường trọng điểm chất lượng cao: 1 - 2 trường năm 2010, 4 - 5 trường năm 2020;

Phát triển các trường năng khiếu TDTT, trường THPT kỹ thuật; thành lập trường THPT thực hành sư phạm thuộc trường Đại học Sư phạm Huế.

- Tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi đạt 68% năm 2010, 75% năm 2015, 85% năm 2020. Tỷ lệ học sinh ngoài công lập chiếm 40% năm 2010, 50% năm 2020.

Các trường dân tộc nội trú:

Tiếp tục đầu tư phát triển và mở rộng quy mô. Xây dựng 03 trường dân tộc nội trú hiện có đạt chuẩn quốc gia vào năm 2010. Hình thành một số cơ sở trường bán trú dân nuôi ở các trung tâm cụm xã cho cấp tiểu học hoặc trường nhiều cấp học.

c. Giáo dục nghề nghiệp:

Giai đoạn 2008 - 2015: Mở rộng mạng lưới và nâng cấp các trường trung học chuyên nghiệp, trung học nghề. Đến năm 2012 tất cả 9 huyện, thành phố Huế đều có trung tâm đào tạo nghề, những nơi có điều kiện hình thành hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp và trường đào tạo nghề.

Giai đoạn 2016 - 2020: Phát triển hệ thống giáo dục chuyên nghiệp và đào tạo nghề, tạo điều kiện xây dựng và nâng cấp 7 trường trung cấp chuyên nghiệp, 5 trường cao đẳng nghề, 10 trường trung cấp nghề, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch - dịch vụ và xuất khẩu lao động. Thu hút đầu tư để tiếp tục đa dạng hoá hệ thống các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40% năm 2010, 55% - 60% năm 2020.

d. Giáo dục đại học:

Đại học Huế phát triển thành đại học trọng điểm vào năm 2015, trở thành cơ sở đào tạo nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chất lượng cao của miền Trung và cả nước.

Về hệ thống các trường đại học: ngoài các trường đại học thành viên, viện nghiên cứu và các trung tâm thực hành hiện có của Đại học Huế, Đại học Dân lập Phú Xuân, Học viện Âm nhạc Huế, xúc tiến thành lập thêm Đại học Du lịch, Đại học Công nghiệp, Phân hiệu Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia, Đại học Xây dựng và Kiến trúc, Đại học Luật, Trung tâm đào tạo Tài chính Ngân hàng... Thu hút đầu tư và liên kết xây dựng các trường đại học đạt chuẩn quốc tế.

Thúc đẩy việc xây dựng, nâng cấp hệ thống các trường cao đẳng, đặc biệt chú trọng các trường cao đẳng chuyên ngành về công nghệ và ứng dụng.

Phấn đấu đạt và vượt một số chỉ tiêu theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đại học và cao đẳng cả nước giai đoạn 2006 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2007.

4. Các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo:

a. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phát triển giáo dục đào tạo.

b. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

c. Tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục.

- Lồng ghép các nguồn lực nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đầu t­ư cho giáo dục đào tạo: khoảng 2,5 - 3% tổng nhu cầu đầu t­ư xã hội toàn tỉnh.

- Đảm bảo diện tích đất cho xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo.

- Huy động các nguồn vốn từ ngân sách tập trung, nguồn thu từ quỹ đất, vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, NGOs và các nguồn vốn khác đầu tư cho giáo dục và đào tạo.

- Đẩy mạnh các giải pháp xã hội hoá trong việc xây dựng cơ sở vật chất trường học.

d. Đổi mới công tác quản lý giáo dục.

e. Nâng cao chất lượng học tập của học sinh, sinh viên.

g. Phát triển quan hệ đối ngoại trong giáo dục - đào tạo.

h. Xúc tiến thực hiện các đề án phát triển đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trường đào tạo nghề.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Uỷ ban Nhân dân tỉnh tiếp thu và hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch theo nghị quyết Hội đồng Nhân dân đã thông qua. Đồng thời, tiến hành triển khai thực hiện quy hoạch theo chức năng, thẩm quyền. Quá trình thực hiện, Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của quy hoạch khi cần thiết, nhưng phải đảm bảo theo đúng quan điểm và mục tiêu, báo cáo Hội đồng Nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

2. Giao Thường trực, các Ban và các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiến hành kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện quy hoạch. Cuối mỗi kỳ kế hoạch tổ chức đánh giá tình hình thực hiện để tiếp tục bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đạt mục tiêu đề ra.

Nghị quyết này đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa V, kỳ họp chuyên đề lần thứ 6 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cường