cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 01/2008/NQ-HĐND ngày 28/03/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng Về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020

  • Số hiệu văn bản: 01/2008/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Ngày ban hành: 28-03-2008
  • Ngày có hiệu lực: 07-04-2008
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 24-01-2022
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5040 ngày (13 năm 9 tháng 25 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 24-01-2022
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 24-01-2022, Nghị quyết số 01/2008/NQ-HĐND ngày 28/03/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng Về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 187/QĐ-UBND ngày 24/01/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng năm 2021”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2008/NQ-HĐND

Sóc Trăng, ngày 28 tháng 3 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH SÓC TRĂNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 của cả nước được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 9;

Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010;

Sau khi xem xét Tờ trình số 03/TTr-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020; qua Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận, đóng góp của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và phát biểu giải trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, chi tiết theo phụ lục đính kèm.

Điều 2.

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh lập thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá VII, kỳ họp thứ 12 thông qua.

 

 

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Lệ Hồng

 

PHỤ LỤC

NỘI DUNG CHỦ YẾU QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH SÓC TRĂNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2008/NQ-HĐND ngày 28 tháng 3 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh SócTrăng, khóa VII )

1. Mục tiêu chung:

Khai thác tối đa lợi thế và thời cơ, nâng cao sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, cải thiện và bảo vệ môi trường, bảo đảm giữ vững quốc phòng - an ninh. Đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa để trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu:

a. Chỉ tiêu về kinh tế:

- Tăng trưởng bình quân đạt 13,5 - 14%, 14,5 - 15% và 14 - 14,5% tương ứng trong các giai đoạn 2006 - 2010, 2011 - 2015 và 2016 - 2020.

- GDP bình quân đầu người đạt trên 900 USD, 1.800 USD và 3.600 USD tương ứng vào các năm 2010, năm 2015 và năm 2020.

- Cơ cấu khu vực I - II - III trong GDP:

+ Năm 2010: 39,6% - 30% - 30,4%;

+ Năm 2015: 28% - 35,5% - 36,5%;

+ Năm 2020: 20% - 39,5% - 40,5%.

- Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 21%, 09 - 10% và 6,5 - 7,5% trong các giai đoạn 2006 - 2010, 2011 - 2015, 2016 - 2020 và đạt giá trị 700 - 750 USD, 1,1 - 1,2 tỷ USD, 1,6 - 1,7 tỷ USD vào các năm 2010, 2015, 2020.

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hàng năm tăng bình quân 17 - 18% trong các giai đoạn 2006 - 2010 và 2011- 2020 và đạt 1.400 tỷ đồng, 3.200 tỷ đồng, 7.200 tỷ đồng vào các năm 2010, 2015, 2020.

b. Chỉ tiêu về xã hội:

- Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,17%; 1,13% và 1,1% tương ứng vào năm 2010, năm 2015 và năm 2020. Quy mô dân số khoảng 1,35 triệu người, 1,43 triệu người và 1,5 triệu người vào các năm 2010, năm 2015 và năm 2020.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo (tiêu chí năm 2005) xuống dưới 12,02% vào năm 2010, sau năm 2010 áp dụng tiêu chí mới theo Chỉ thị số 04/2008/CT-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.

- Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 30%, 45% và 60%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 25%, 40% và 55% vào các năm 2010, năm 2015 và năm 2020.

- Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị xuống 4,23%, 4% và 3% vào các năm 2010, năm 2015 và năm 2020.

- Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010; ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục trung học phổ thông vào năm 2020.

- Tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa đạt trên 80%, 85% và 90% vào các năm 2010, năm 2015 và năm 2020.

- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống dưới 17%, 15% và 12% vào các năm 2010, năm 2015 và năm 2020.

- Tỷ lệ hộ sử dụng điện trên 90%, 96% và 98% vào các năm 2010, năm 2015 và năm 2020.

- Tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt 88%, 95% và 98% vào các năm 2010, năm 2015 và năm 2020.

c. Chỉ tiêu về môi trường:

- Tỷ lệ che phủ của rừng và cây lâu năm đạt 17% và 21- 22% vào năm 2010 và giai đoạn 2015- 2020.

- Tỷ lệ thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường rác thải khu vực đô thị đạt 80% và 100% vào năm 2010 và năm 2015; khu vực nông thôn đạt 40% và 80% vào năm 2010 và năm 2015. Tỷ lệ thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường rác thải y tế đạt 100% vào năm 2010.

- Có 100% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn qui định vệ sinh môi trường vào giai đoạn 2010 - 2015.

3. Một số giải pháp chủ yếu:

a. Tăng cường huy động vốn đầu tư:

Rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách nâng cao sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, chú trọng cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy lợi thế và khắc phục điều kiện hạn chế về thu hút đầu tư của tỉnh. Xây dựng quan hệ đối tác với các nhà đầu tư tiềm năng như các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn trong nước và nước ngoài. Mở rộng hợp tác thu hút đầu tư với các tỉnh, thành phố lân cận và trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Phối hợp với các Bộ ngành Trung ương xây dựng các đề án huy động nguồn vốn đầu tư từ thị trường tài chính trong nước, quốc tế để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực. Củng cố và phát triển hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng để tăng cường năng lực huy động vốn.

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng nông thôn, phát triển quỹ nhà ở đô thị, xã hội hóa các dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo nghề, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ để khai thác các nguồn lực trong xã hội.

b. Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, vai trò quản lý nhà nước:

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tham gia và giám sát của nhân dân; kiện toàn và phát huy vai trò của bộ máy chính quyền các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở trong xây dựng chủ trương, đường lối và chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung rà soát các quy trình, thủ tục hành chính, loại bỏ các thủ tục không cần thiết. Phổ biến công khai, minh bạch cơ chế, chính sách quản lý, quy trình, thủ tục hành chính. Triển khai và áp dụng đồng bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng Việt Nam ISO 9001: 2000 vào các cơ quan hành chính nhà nước.

c. Phát triển nguồn nhân lực:

Tăng cường đầu tư chiều sâu cho đào tạo và dạy nghề để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho lực lượng lao động. Nghiên cứu và phát triển mô hình giáo dục, đào tạo với chương trình giảng dạy phù hợp với đặc điểm của tỉnh. Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài trong các lĩnh vực và ngành nghề.

Phát động phong trào và cổ vũ, tôn vinh sự sáng tạo và trách nhiệm của các cá nhân, tập thể trong lập nghiệp, lao động. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và tham gia các hoạt động xã hội. Thường xuyên tổng kết và nhân rộng các mô hình vượt khó, mô hình lập nghiệp, mô hình sản xuất giỏi của cá nhân, doanh nghiệp trong xã hội.

d. Phát triển doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh hội nhập:

Nhanh chóng áp dụng hệ thống kiểm soát và quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề mới, sản phẩm mới thông qua các chính sách giảm chi phí cho doanh nghiệp. Xây dựng đề án hỗ trợ thành lập và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thực hiện chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm của địa phương, kết hợp với các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng quỹ xúc tiến thương mại, hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

đ. Triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu:

Phân công phân nhiệm cụ thể các ngành, các cấp tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu để hỗ trợ các ngành, lĩnh vực cần đẩy mạnh phát triển trong từng giai đoạn. Tập trung cho các chương trình trọng điểm như hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, đổi mới quản lý, phát triển nông thôn, giáo dục - đào tạo, giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

e. Phát triển đồng bộ các loại thị trường:

Kết hợp các biện pháp chính sách khuyến khích cung - cầu đẩy mạnh phát triển các loại thị trường bao gồm thị trường hàng hóa và dịch vụ, thị trường lao động, thị trường công nghệ, thị trường bất động sản và thị trường tài chính. Tạo môi trường bình đẳng, cạnh tranh để thúc đẩy kinh doanh, phát triển sản xuất và mở mang các ngành nghề mới, khai thác tối đa tiềm năng, nguồn lực phát triển trong xã hội.