cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 15/2007/NQ-HĐND ngày 07/12/2007 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng Về đẩy mạnh phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 tại thành phố Hải Phòng

  • Số hiệu văn bản: 15/2007/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Ngày ban hành: 07-12-2007
  • Ngày có hiệu lực: 17-12-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 31-01-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4794 ngày (13 năm 1 tháng 19 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 31-01-2021
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 31-01-2021, Nghị quyết số 15/2007/NQ-HĐND ngày 07/12/2007 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng Về đẩy mạnh phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 tại thành phố Hải Phòng bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 298/QĐ-UBND ngày 31/01/2021 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực năm 2020 do thành phố Hải Phòng ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2007/NQ-HĐND

Hải Phòng, ngày 07 tháng 12 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐẨY MẠNH PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
KHÓA XIII KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày 30/6/1989; Luật Phòng, chống HIV/AIDS ngày 12/7/2006 và các văn bản pháp luật có liên quan;

Sau khi xem xét Tờ trình số 43/TTr-UBND ngày 23/11/2007 và Đề án số 6882/ĐA-UBND ngày 23/11/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 tại thành phố Hải Phòng, Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020

1. Mục tiêu tổng quát

Hạn chế sự gia tăng của đại dịch HIV/AIDS, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu tối đa tác động của HIV/AIDS đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, làm chậm quá trình tiến triển từ HIV thành AIDS; nâng cao hơn nữa nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của mọi người dân về phòng, chống HIV/AIDS; tăng tỷ lệ người dân thực hiện hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV; nâng cao chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV/AIDS, tạo môi trường thuận lợi để người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2010

- Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,61%. Giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao và từ nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng.

- Tăng cường và mở rộng các dịch vụ điều trị, chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV; 70% người lớn, 100% trẻ em nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn được điều trị thuốc kháng vi rút (ARV), 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng cho con.

- Nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các cấp và tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS.

3. Định hướng đến năm 2020

Giữ vững thành quả đã đạt được, khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư bảo đảm không tăng sau năm 2020; giảm tối đa tác động của HIV/AIDS đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; chăm sóc và điều trị toàn diện người nhiễm HIV/AIDS.

Điều 2. Giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020:

1- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp trong phòng, chống HIV/AIDS; quán triệt sâu sắc Luật Phòng chống HIV/AIDS, Luật Phòng chống ma túy, Chỉ thị số 54-CT/TW ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 30/10/2006 của Ban Thường vụ Thành ủy và các văn bản pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, với sự tham gia có trách nhiệm, có cam kết của các ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội. Đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS thành mục tiêu ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của mỗi địa phương, đơn vị. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị; gắn công tác phòng chống HIV/AIDS với phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm; với các phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, làng văn hóa sức khoẻ. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS; có hình thức biểu dương, khen thưởng những địa phương giữ vững danh hiệu lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm; đồng thời kiên quyết xử lý những sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống HIV/AIDS.

2- Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông hướng tới cộng đồng, tới mọi gia đình, đặc biệt giới trẻ, phù hợp với từng ngành, từng đối tượng, chú trọng vùng xa, nơi còn nhiều tư tưởng kỳ thị, phân biệt đối xử nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, kiến thức, thay đổi hành vi để ngăn chặn, giảm thiểu tối đa số người nhiễm HIV mới. Xây dựng quy định cụ thể để khắc phục sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ. Huy động mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, tôn giáo quan tâm, hỗ trợ vật chất và tinh thần đối với người nhiễm HIV và gia đình, đồng thời vận động người nhiễm HIV cùng gia đình tích cực hưởng ứng hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Khuyến khích việc thành lập và hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm tự lực của những người có HIV, bị ảnh hưởng HIV/AIDS, các tình nguyện viên, các tổ chức xã hội tham gia tư vấn, giúp đỡ người nhiễm HIV và thân nhân tự vươn lên ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thành lập Hội Phòng chống HIV/AIDS thành phố.

3- Các địa phương, đơn vị có trách nhiệm quản lý người nghiện ma túy, mại dâm, người nhiễm HIV/AIDS ở địa phương, đơn vị mình. Nâng cao chất lượng, hiệu quả cai nghiện ma túy tập trung và ở cộng đồng. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm nguy cơ cao: tăng tỷ lệ sử dụng bao cao su để phòng tránh lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tiếp tục duy trì và mở thêm một số điểm phát bơm kim tiêm và bao cao su, triển khai đề án thí điểm điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

4- Củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS từ thành phố đến cơ sở để đủ năng lực thực hiện các hoạt động phòng, chống và kiểm soát dịch HIV/AIDS, đặc biệt ở nơi trọng điểm về HIV/AIDS. Năm 2008, thành lập bộ phận chuyên trách tại Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố và bố trí công chức chuyên trách tại Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện theo tinh thần Quyết định số 50/2007/QĐ-TTg ngày 12/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

5- Tăng cường nguồn lực đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS: quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí phòng, chống HIV/AIDS; tăng mức đầu tư kinh phí hàng năm cho công tác phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với mức tăng thu ngân sách. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tranh thủ hỗ trợ đầu tư của các tổ chức quốc tế; có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện, tôn giáo, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và toàn thể cộng đồng... viện trợ, hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Năm 2008 thành lập Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDSSSS của thành phố theo Quyết định số 60/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

6- Khẩn trương hoàn thành Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 để tiếp nhận học viên vào năm 2008. Xúc tiến việc xây dựng Khu chăm sóc, điều trị người bệnh AIDS tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi; Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em nhiễm HIV mồ côi; Trung tâm cai nghiện tự nguyện trước năm 2010. Trước mắt, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, các trung tâm giáo dục lao động xã hội, hệ thống cơ sở y tế và mạng lưới phòng chống HIV/AIDS từ thành phố đến cơ sở; bố trí tạm thời cơ sở tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em nhiễm HIV mồ côi; thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS theo quy định của nhà nước, tạo điều kiện giúp đỡ người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng.

7- Đảm bảo thực hiện tốt các chỉ tiêu về phòng, chống HIV/AIDS trong lĩnh vực y tế, thực hiện an toàn tuyệt đối trong truyền máu và các dịch vụ y tế, tổ chức tốt điều trị phơi nhiễm, nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS tại các cơ sở y tế và cộng đồng. Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách của Nhà nước đối với người làm công tác phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên tích cực động viên các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 07/12/2007./.

 

 

CHỦ TỊCH HĐND THÀNH PHỐ




Nguyễn Văn Thuận