cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 56/2006/NQ-HĐND ngày 29/12/2006 Về việc tình hình kinh tế-xã hội năm 2006 và kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2007 ban hành bởi Hội đồng nhân dân huyện Cần Giờ (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 56/2006/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 29-12-2006
  • Ngày có hiệu lực: 05-01-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-09-2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2072 ngày (5 năm 8 tháng 7 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 07-09-2012
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 07-09-2012, Nghị quyết số 56/2006/NQ-HĐND ngày 29/12/2006 Về việc tình hình kinh tế-xã hội năm 2006 và kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2007 ban hành bởi Hội đồng nhân dân huyện Cần Giờ (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1283/QĐ-UBND ngày 07/09/2012 Công bố văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành từ ngày 01/01/2000 đến hết ngày 30/9/2011 đã hết hiệu lực thi hành toàn bộ văn bản”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
HUYỆN CẦN GIỜ
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 56/2006/NQ-HĐND

Cần Giờ, ngày 29 tháng 12 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2006 VÀ KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2007

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN CẦN GIỜ KHÓA IX KỲ HỌP LẦN THỨ 10

Căn cứ Điều 50, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ kết quả thảo luận các báo cáo của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Xã hội và ý kiến đóng góp của đại biểu,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2006

+ Tổng giá trị sản xuất (giá cố định năm 1994) toàn huyện đạt 1.844 tỷ đồng, giảm 23,5% so cùng kỳ năm 2005, đạt 68% kế hoạch. Trong đó: Thủy sản tăng 13%, đạt 97% kế hoạch; Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giảm 8,5%, đạt 89% kế hoạch; Nông - lâm nghiệp giảm 5,5%, đạt 103% kế hoạch; Giao thông - bưu điện tăng 36%, đạt 117% kế hoạch; Đầu tư xây dựng giảm 56%, đạt 39% kế hoạch; Thương mại - dịch vụ tăng 14%, đạt 106% kế hoạch.

+ Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 32.800 triệu đồng, tăng 2,5 lần so cùng kỳ và tăng 157 % dự toán Thành phố giao, tăng 33% so với dự toán điều chỉnh.

+ Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên 1,163%, giảm 0,108%, so năm trước và giảm 0,09% so với kế hoạch. Giải quyết việc làm cho 4.612 lao động, đạt 102% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn 6 triệu đồng/nhân khẩu) còn 24%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn 4 triệu đồng/hộ còn 3,99%. Tỷ lệ dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên 16,7%, tăng 0,6%. Huy động lao động công ích 41.500 ngày công, đạt 83% kế hoạch. Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn 9%. Tỷ lệ phổ cập giáo dục bậc trung học đạt 55,57%. Huy động trẻ 5 tuổi ra mẫu giáo 92,78%, trẻ 6 tuổi vào lớp một đạt 100%, hoàn tất chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,61%, tốt nghiệp trung học cơ sở vào lớp 10 đạt 94,53%. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng đạt 100%. Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch 95%. Tỷ lệ hộ dân được mắc điện kế 87%.

+ Tình hình an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, công tác phòng chống lụt bão được tăng cường, góp phần ổn định xã hội, tạo điều kiện đầu tư phát triển kinh tế. Đặc biệt là thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, chủ động, tích cực trong công tác phòng tránh và khắc phục khẩn trương, có hiệu quả các thiệt hại cơn bão số 9 vừa qua.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số vấn đề cơ bản:

- Nghề nuôi trồng thủy sản chưa được phát triển bền vững do yếu tố bất lợi về môi trường, thời tiết.

- Đầu tư phát triển còn chậm so với yêu cầu, nhiều dự án chuẩn bị đầu tư chậm hoàn thành, chậm khởi công, một số công trình thi công kéo dài tiến độ, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn, một số công trình thi công kém chất lượng, cơ chế xử lý các vi phạm trên lĩnh vực đầu tư xây dựng thiếu kiên quyết.

- Kết quả thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục bậc trung học, huy động học sinh vào các lớp bổ túc và đào tạo nghề còn nhiều khó khăn, hoạt động văn hóa trên địa bàn còn hạn chế.

- Chương trình thực hiện Năm Cải cách hành chính, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tuy đạt được những kết quả bước đầu; song, mức độ quan liêu, nhũng nhiễu, lãng phí chưa có chuyển biến giảm rõ nét, hồ sơ giải quyết tranh chấp, khiếu nại của công dân còn tồn đọng nhiều.

- Cơ chế và sự vận hành của bộ máy chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn còn biểu hiện chậm chạp, chưa thật thông suốt, một bộ phận cán bộ công chức làm việc tại các xã, thị trấn, phòng ban chưa đạt tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và kỹ năng thực hành công vụ.

Điều 2. Thông qua mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2007, như sau:

Mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao để ổn định mức phát triển trong 2 năm đầu của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp bền vững, huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển năng lực sản xuất - kinh doanh, tăng cường quản lý, bảo vệ và khai thác tốt cảnh quan môi trường, hệ sinh thái rừng ngập mặn. Tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm lo sự nghiệp y tế, tăng cường các hoạt động văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở; thực hiện mục tiêu giảm hộ nghèo, giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, môi trường sống ở nông thôn. Quyết tâm thực hiện cải cách hành chính, phát huy dân chủ cơ sở, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đảm bảo giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Thống nhất tiếp tục chọn năm 2007 là “Năm Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm”.

Các chỉ tiêu kinh tế:

* Tổng giá trị sản xuất (tính theo giá cố định năm 1994) tăng 29%; trong đó Thủy sản tăng 8%; Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 5%; Nông, lâm nghiệp tăng 10%; Giao thông bưu điện tăng 29%; Thương mại dịch vụ tăng 20%; Đầu tư xây dựng tăng 67%.

* Tổng mức huy động vốn đầu tư toàn xã hội 1.163 tỷ đồng.

* Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 29,5 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với dự toán thu năm 2006.

* Tổng thu ngân sách huyện: 132,748 tỷ đồng.

* Tổng chi ngân sách huyện: 132,748 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu xã hội:

* Nâng cao chất lượng, hiệu suất và hiệu quả giáo dục bằng hoặc cao hơn năm học trước.

* Phổ cập giáo dục bậc trung học trong độ tuổi đạt trên 65%. Phấn đấu đến năm 2008 đạt trên 70%.

* Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 1,26%.

* Giải quyết việc làm cho 4.000 lượt lao động.

* Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo: 18,5%.

* Giảm hộ nghèo còn 15%; trong đó cơ bản không còn hộ nghèo thuộc diện hộ chính sách có công.

* Tỷ lệ trẻ (dưới 5 tuổi) suy dinh dưỡng 7%.

* Tỷ lệ dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên 18%.

* Tỷ lệ hộ dân mắc điện kế đạt 92%.

* Kiên cố hóa nhà ở 1.500 căn, trong đó xây mới 900 căn.

Chỉ tiêu môi trường:

* Tỉ lệ dân số được cung cấp nước sạch 97%.

* Các khu dân cư tập trung đảm bảo có 100% hộ dân được mắc đồng hồ nước.

* Tỉ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý 70%.

* Tỉ lệ hộ dân có nhà vệ sinh hợp quy cách đạt 75% trên từng xã, thị trấn.

Điều 3. Cơ bản thống nhất các giải pháp điều hành tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân huyện.

Đề nghị Ủy ban nhân dân huyện xây dựng chương trình cụ thể để thực hiện, tạo điều kiện huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, phát triển huyện, tạo sự đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý hành chính Nhà nước ở huyện, xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu của nhân dân, tổ chức. Tiếp tục có biện pháp tích cực, hiệu quả triển khai thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tập trung chỉ đạo khẩn trương giải quyết các kiến nghị chính đáng, phù hợp của cử tri, có giải pháp thực hiện có hiệu quả (dứt điểm) các kiến nghị đã kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong nhân dân.

Điều 4. Giao Ủy ban nhân dân huyện triển khai và chỉ đạo điều hành các phòng ban, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện Nghị quyết này với kết quả cao nhất ngay trong tháng 01 năm 2007.

Tập trung các biện pháp nhằm chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần nhân dịp Tết Đinh Hợi 2007 cho các tầng lớp nhân dân ở huyện, nhất là các gia đình chính sách, đồng bào nghèo tại các xã, thị trấn bị ảnh hưởng do cơn bão số 9 gây ra.

Điều 5. Thường trực và các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân huyện giám sát thực hiện Nghị quyết này.

Hội đồng nhân dân huyện kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, phấn đấu quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2007.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân huyện khóa IX, kỳ họp lần thứ 10, ngày 27 tháng 12 năm 2006 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Kim Dung