Nghị quyết số 88/2006/NQ-HĐND ngày 08/12/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ Hỗ trợ chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm năm 2007-2010 tỉnh Phú Thọ (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 88/2006/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Phú Thọ
- Ngày ban hành: 08-12-2006
- Ngày có hiệu lực: 18-12-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-04-2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 859 ngày (2 năm 4 tháng 9 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 25-04-2009
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 88/2006/NQ-HĐND | Việt Trì, ngày 08 tháng 12 năm 2006 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRỌNG ĐIỂM TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2007 - 2010
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ CHÍN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Sau khi xem xét Tờ trình số 2249/TTr-UBND ngày 09 tháng 11 năm 2006 của UBND tỉnh về các chính sách hỗ trợ chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2007 - 2010; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách; thảo luận,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành thông qua chính sách hỗ trợ chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2007 - 2010. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nội dung sau:
I - ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRỌNG ĐIỂM CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN 2001 - 2006
Kết quả triển khai 6 chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2001 - 2006 đã đem lại hiệu quả tích cực, nhiều chương trình tạo được sự chuyển biến mang tính đột phá, tạo hướng đi mới trong khai thác tiềm năng thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Một số chương trình nông nghiệp trọng điểm đạt và vượt mục tiêu đề ra:
- Lương thực: Sản lượng lương thực cây có hạt đạt 43,07 vạn tấn, tăng 10,58 vạn tấn so với năm 2000. Lương thực bình quân đầu người tăng từ 254,8kg lên 324,2kg.
- Phát triển chè: Diện tích đạt 12,62 ngàn ha, tăng 59,9%; sản lượng chè búp tươi tăng 40,2 ngàn tấn; chè qua chế biến tăng 18,29 ngàn tấn, so với năm 2000.
- Cây ăn quả: Diện tích trồng mới được 215ha, 6 tháng đầu năm 2006 trồng mới được 216ha. Dự kiến vụ thu năm 2006 trồng 150 - 200ha.
- Lâm nghiệp: Trồng mới được 27,7 ngàn ha rừng tập trung; khoanh nuôi, bảo vệ 38 - 40 ngàn ha, nâng độ che phủ rừng từ 35,8% năm 2000 lên 45,2% năm 2005.
- Chăn nuôi: Phát triển khá, tổng đàn bò tăng 28,6%, phong trào chăn nuôi bò thịt bước đầu thu được kết quả, có triển vọng phát triển tốt; đàn lợn tăng 26,7%, so với năm 2000.
- Thủy sản: Diện tích nuôi trồng tăng 57,6%, sản lượng nuôi trồng tăng 66,3%, so năm 2000.
Kinh phí thực hiện giai đoạn 2001 - 2006 là 51,009 tỷ đồng. Kết quả đạt được:
Quan hệ sản xuất được củng cố và đổi mới, kinh tế trang trại phát triển; công tác dịch vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đáp ứng cho tốc độ tăng trưởng của sản xuất, sâu bệnh, dịch hại được khắc phục kịp thời.
Sản xuất nông nghiệp phát triển đã góp phần phát triển kinh tế, ổn định tình hình chính trị - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện còn tồn tại bất cập, triển khai dự án còn dàn trải chưa trọng tâm, không căn cứ vào nguồn lực do đó không chủ động được kinh phí. Chính sách hỗ trợ lãi suất đối với chương trình bò sữa, lợn xuất khẩu, phát triển chè bộc lộ sự bất hợp lý. Chưa có được những mô hình ứng dụng công nghệ cao, những điển hình sản xuất nổi trội, nhiều mô hình chậm được tổng kết đánh giá để có giải pháp nhân rộng trong sản xuất. Cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp - nông thôn còn thiếu, yếu chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa.
II - CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRỌNG ĐIỂM GIAI ĐOẠN 2007 - 2010:
A - Các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2007 - 2010 được hỗ trợ
1. Chương trình sản xuất lương thực;
2. Chương trình phát triển cây chè;
3. Chương trình phát triển cây ăn quả;
4. Chương trình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao;
5. Chương trình phát triển thủy sản.
B - Chính sách hỗ trợ:
Định hướng xây dựng chính sách hỗ trợ của tỉnh chủ yếu theo nguyên tắc như sau:
- Hỗ trợ về kỹ thuật;
- Hỗ trợ về giống;
- Hỗ trợ về công tác phòng trừ dịch bệnh;
- Hỗ trợ công tác khuyến nông;
- Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho: Chỉ hỗ trợ cho chương trình phát triển cây ăn quả, chương trình phát triển thủy sản hàng hóa, chương trình phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao.
Các chính sách cụ thể:
1. Chương trình sản xuất lương thực:
- Trợ giá giống lúa lai, ngô lai, lúa nguyên chủng cho các hộ nông dân thuộc các xã đặc biệt khó khăn, ATK và các bản động vùng cao.
- Trợ giá giống lúa chất lượng cao cho các hộ nông dân thuộc các xã vùng đồng bằng và trung du.
- Hỗ trợ sản xuất hạt giống lúa siêu nguyên chủng, sản xuất hạt giống lúa lai F1, ngô lai F1 cho cơ sở sản xuất giống đủ điều kiện (mức hỗ trợ 5.000 đồng/kg).
2. Chương trình phát triển cây chè:
2.1. Đối tượng được hưởng chính sách:
Các hộ nông dân thuộc vùng dự án phát triển chè các huyện: Hạ Hòa, Thanh Ba, Đoan Hùng, Phù Ninh, Cẩm Khê, Thanh Sơn, Thanh Thủy và Yên Lập sử dụng bầu chè giống mới (do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định) để trồng mới mở rộng diện tích, trồng lại diện tích chè cằn xấu và trồng dặm diện tích bị mất khoảng, có quy mô diện tích từ 0,1ha trở lên.
2.2. Chính sách hỗ trợ:
+ Hỗ trợ giá bầu chè giống: 200 đ/bầu; định mức số bầu chè giống hỗ trợ cho trồng mới, trồng lại tối đa là 20.000 bầu/ha; trồng dặm từ 6.000 - 10.000 bầu/ha (tương đương tỷ lệ trồng dặm từ 30 - 50%).
+ Hỗ trợ công tác khuyến nông cho Ban quản lý dự án huyện 200.000 đồng/ha; áp dụng cho cả diện tích trồng mới và trồng dặm.
3. Chương trình phát triển cây ăn quả:
3.1. Đối tượng hưởng chính sách:
Các hộ nông dân, các HTX, các doanh nghiệp thuộc quy hoạch vùng dự án, trồng mới hoặc cải tạo vườn tạp để trồng bưởi đặc sản Đoan Hùng, hồng không hạt (hồng Gia Thanh, hồng Hạc Trì), có quy mô diện tích từ 0,3ha trở lên.
3.2. Chính sách hỗ trợ:
- Hỗ trợ đầu tư: Đối với cây bưởi đặc sản Đoan Hùng là 05 triệu đồng/ha, cây hồng không hạt là 03 triệu đồng/ha.
- Trợ giá 50% giá cây giống;
- Hỗ trợ công tác khuyến nông cho BQL dự án huyện: 300.000 đồng/ha.
3.3. Thời gian thực hiện chính sách đối với cây bưởi đặc sản Đoan Hùng hết năm 2007.
4. Chương trình phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao:
Ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao cho vùng trọng điểm (mỗi huyện chọn một số xã làm vùng trọng điểm để triển khai dự án).
4.1. Đối tượng hưởng chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao bao gồm:
Các hộ gia đình, chủ trang trại, HTX, các doanh nghiệp trực tiếp chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong vùng quy hoạch trọng điểm đạt quy mô nuôi thường xuyên, nuôi bò cái địa phương đủ tiêu chuẩn, bò cái nền lai sind (F1) đủ tiêu chuẩn để phối giống bằng thụ tinh nhân tạo hoặc được phối giống trực tiếp từ bò đực giống ngoại, bò đực giống 3/4 nhóm máu Zê bu với quy mô 5 con trở lên/hộ; 30 con trở lên/tổ chức.
4.2. Chính sách được hưởng:
- Hỗ trợ một lần 100.000 đồng/01 bò cái lai sind đủ tiêu chuẩn (bò có trọng lượng 220kg trở lên) đã có chửa sau khi được phối giống bằng tinh bò thịt ngoại cao sản như tinh bò Brahman, Charolais...
- Đối với các hộ nuôi bò đực giống lai 3/4 máu Zê bu được hỗ trợ 01 lần 04 triệu đồng/con (tính từ thời điểm được nghiệm thu).
- Được cấp miễn phí vắc xin tiêm phòng các bệnh nguy hiểm như: Lở mồm, long móng, nhiệt thán, dịch tả, tụ huyết trùng để phòng chống dịch bệnh.
- Được cấp miễn phí tinh bò thịt, Ni tơ lỏng và chi phí vận chuyển tinh, Ni tơ để phục vụ phối giống cho bò cái nền lai sind tạo bò lai hướng thịt chất lượng cao.
- Mỗi xã trong vùng dự án (đảm bảo có ít nhất 30 hộ chăn nuôi bò với quy mô 5 con trở lên/hộ) được trả phụ cấp cho 1 thú y viên cơ sở tham gia dự án với mức 250.000 đồng/người/tháng.
- Hỗ trợ xây dựng chuồng trại đối với các hộ chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp quy mô 30 con bò thịt chất lượng cao trở lên, được hỗ trợ một lần 03 triệu đồng.
5. Chương trình phát triển thủy sản:
5.1. Đối tượng được hưởng chính sách:
Các hộ gia đình, cá nhân, HTX, doanh nghiệp trong vùng quy hoạch phát triển thủy sản hàng hóa. Có diện tích 01ha trở lên với hộ gia đình hoặc 05ha trở lên đối với đơn vị tập thể (nếu nuôi chuyên tôm công nghiệp thì diện tích 01ha trở lên).
5.2. Chính sách hỗ trợ:
- Được hỗ trợ lần đầu 04 triệu đồng/01ha cho hộ gia đình, cá nhân, HTX, doanh nghiệp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện tích trồng trọt kém hiệu quả chuyển sang nuôi chuyên thủy sản và mua giống chất lượng cao;
- Hỗ trợ 50% chi phí tham gia hội chợ, triển lãm sản phẩm thủy sản; miễn phí cho hoạt động quảng cáo, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm thủy sản.
Các hỗ trợ khác:
- Căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực của tỉnh, hàng năm dành một phần kinh phí để hỗ trợ cho công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các cơ sở đáp ứng nhiệm vụ được giao, hỗ trợ khắc phục thiên tai, địch họa trong sản xuất nông nghiệp...
- Căn cứ vào quy mô của từng dự án; hiệu quả kinh tế đạt được, khả năng ngân sách cấp huyện và cấp xã cân đối kinh phí hỗ trợ cho Ban quản lý các dự án phát triển nông nghiệp trọng điểm để hoạt động.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết;
- Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát, kiểm tra thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XVI, kỳ họp thứ chín thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2006.
| CHỦ TỊCH |