Nghị quyết số 63/2006/NQ-HĐND ngày 17/05/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ Quy hoạch tổng thể phát triển bưu chính, viễn thông tỉnh Phú Thọ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020
- Số hiệu văn bản: 63/2006/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Phú Thọ
- Ngày ban hành: 17-05-2006
- Ngày có hiệu lực: 22-05-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 26-01-2022
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5728 ngày (15 năm 8 tháng 13 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 26-01-2022
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 63/2006/NQ-HĐND | Việt Trì, ngày 17 tháng 5 năm 2006 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHOÁ XVI, KỲ HỌP THỨ BẢY
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;
Căn cứ Quyết định số 158/2001/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Bưu chính, Viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 236/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển Bưu chính Việt Nam đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 32/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển Viễn thông và Internet Việt Nam đến năm 2010;
Sau khi xem xét Tờ trình số 424/TTr-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về Quy hoạch tổng thể phát triển bưu chính, viễn thông tỉnh Phú Thọ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách; và thảo luận,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1: Tán thành thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển bưu chính, viễn thông tỉnh Phú Thọ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nội dung sau:
1. Đánh giá hiện trạng bưu chính, viễn thông tỉnh Phú Thọ
Mạng lưới bưu chính, viễn thông tỉnh Phú Thọ cơ bản có độ phủ tốt, chất lượng cao, công nghệ hiện đại, có khả năng nâng cấp để đáp ứng các dịch vụ mới. 100% số xã có máy điện thoại, điểm phục vụ bưu chính, viễn thông và có báo đến trong ngày. Các loại hình dịch vụ đầy đủ, phong phú, một số chỉ tiêu chất lượng dịch vụ vượt mức bình quân chung của cả nước; trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông hoạt động. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bưu chính, viễn thông đã được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp huyện và đạt được những kết quả tốt.
Tuy nhiên, đa số các chỉ tiêu về bưu chính, viễn thông của tỉnh Phú Thọ còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước; mật độ người sử dụng và chất lượng dịch vụ còn chưa cao và chưa đồng đều; Hoạt động của các điểm bưu điện văn hoá xã còn hạn chế.
2. Quy hoạch tổng thể phát triển bưu chính, viễn thông đến năm 2010
2.1. Về bưu chính
2.1.1. Quan điểm
Phổ cập đa dịch vụ đến các bưu cục, điểm bưu điện văn hoá xã. Phát triển bưu chính theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, kết hợp dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại và chuyển đổi bưu chính trở thành ngành kinh tế hoạt động độc lập có hiệu quả.
Phát triển mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ bưu chính trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.
Đẩy mạnh cơ giới hoá, tự động hoá và tin học hoá trong lĩnh vực bưu chính.
2.1.2. Mục tiêu
Đến năm 2010, tỉnh Phú Thọ nằm trong nhóm các tỉnh phát triển tiên tiến về lĩnh vực bưu chính.
2.1.3. Các chỉ tiêu chủ yếu
- 100% số xã có báo đến trong ngày.
- Giảm mức độ phục vụ bình quân dưới 3.500 người/1 điểm phục vụ, bán kính phục vụ bình quân của một điểm phục vụ nhỏ hơn 1,7km, tổng số điểm phục vụ toàn tỉnh đến năm 2010 là 400 điểm.
- Năm 2007 tăng tần suất vận chuyển của các tuyến đường thư cấp II lên 2 chuyến/ngày.
- Dịch vụ bưu phẩm thường duy trì tốc độ tăng trưởng 5-10%, dịch vụ phát hành báo chí tăng 20%, dịch vụ chuyển phát nhanh và tiết kiệm bưu điện tăng hàng năm 30-40%; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...
2.2. Về viễn thông
2.2.1 Quan điểm
Phát triển viễn thông đồng bộ với cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội và là điều kiện quan trọng để phát triển các ngành kinh tế khác. Phát triển viễn thông trong xu thế hội tụ với công nghệ thông tin và truyền thông trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao.
Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông có công nghệ hiện đại, độ phủ rộng khắp với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao. Phát triển viễn thông cần chú trọng đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin. Phổ cập các dịch vụ viễn thông cơ bản và Internet, ưu tiên phát triển nhanh các dịch vụ mới, dịch vụ gia tăng giá trị. Giảm mức độ chênh lệch về bưu chính, viễn thông giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Phát huy mọi nguồn nội lực để mở rộng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông. Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển viễn thông.
2.2.2. Mục tiêu
Đến năm 2010, tỉnh Phú Thọ nằm trong nhóm các tỉnh phát triển trung bình trong cả nước về lĩnh vực viễn thông.
2.2.3. Các chỉ tiêu chủ yếu
- Mật độ điện thoại đạt 35 máy/100 dân (trong đó: Mật độ điện thoại cố định là 15 máy/100 dân, di động là 20 máy/100 dân).
- 100% số xã có máy điện thoại và điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.
- 100% người sử dụng dịch vụ được truy nhập miễn phí các dịch vụ viễn thông bắt buộc.
- 100% các huyện và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (theo quy định của Thủ tướng Chính phủ) đạt mật độ điện thoại cố định từ 5 máy/100 dân trở lên.
- 70% số xã có điểm truy nhập Internet công cộng.
- 100% các điểm bưu điện văn hoá xã được kết nối Internet, trong đó có 70-80% được kết nối thông qua công nghệ Internet băng thông rộng.
- 100% các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông; 50% các trường Tiểu học; 100% bệnh viện tuyến tỉnh và huyện có kết nối Internet.
- Mật độ thuê bao Internet đạt 10% và có 25% dân số sử dụng Internet.
- Thực hiện cáp quang hoá toàn tỉnh, phát triển cáp quang đến tất cả các trạm viễn thông, trạm truy nhập.
- Ngầm hoá mạng cáp ngoại vi viễn thông tại 100% trung tâm huyện, thành, thị, các khu công nghiệp và khu đô thị mới.
3. Định hướng phát triển bưu chính, viễn thông đến năm 2020
3.1. Về bưu chính
Đến năm 2020, tỉnh Phú Thọ nằm trong nhóm các tỉnh phát triển tiên tiến về lĩnh vực bưu chính trong cả nước.
3.2. Về viễn thông
Đến năm 2020, tỉnh Phú Thọ nằm trong nhóm các tỉnh phát triển trung bình khá về lĩnh vực viễn thông và Internet trong cả nước.
4. Giải pháp thực hiện
Tăng cường công tác quản lý nhà nước lĩnh vực bưu chính, viễn thông. Tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý ngành bưu chính, viễn thông có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. Thiết lập và duy trì môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch trong hoạt động bưu chính, viễn thông.
Phát huy mọi nguồn lực; khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển bưu chính, viễn thông.
Đẩy mạnh phát triển thị trường dịch vụ bưu chính, viễn thông. Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông. Thực hiện các chương trình công ích nhằm phổ cập dịch vụ và rút ngắn khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị.
Thu hút các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực bưu chính, viễn thông. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao về bưu chính, viễn thông.
Nghiên cứu, triển khai và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào lĩnh vực bưu chính, viễn thông.
Điều 2: Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3: Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ Khoá XVI, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 12 tháng 5 năm 2006./.
| CHỦ TỊCH |