cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐND ngày 22/03/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 01/2006/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
  • Ngày ban hành: 22-03-2006
  • Ngày có hiệu lực: 01-04-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-04-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2936 ngày (8 năm 16 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 15-04-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-04-2014, Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐND ngày 22/03/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 538/QĐ-UBND ngày 15/04/2014 Công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành từ ngày 01/01/1977-31/12/2013”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2006/NQ-HĐND

Long Xuyên, ngày 22 tháng 3 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2006 - 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KHÓA VII KỲ HỌP THỨ
6

(Ngày 22 tháng 3 năm 2006)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Chỉ thị số 33/2004/CT-TTg ngày 23 tháng 9 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010;

Sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 (có danh mục dự án kèm theo) và nhất trí khẳng định:

1. Năm năm qua, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng nhờ sự chỉ đạo, điều hành nhanh nhạy của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực phấn đấu rất cao của các ngành, các cấp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng nhanh, nhiều chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Nhiều thành tựu nổi bật về sản xuất nông nghiệp, thủy sản, tổ chức lại sản xuất, xúc tiến thương mại, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo. Kinh tế nông thôn ngày càng phát triển; đời sống nhiều vùng dân cư, vùng đồng bào dân tộc đã cải thiện đáng kể. An ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Kinh tế có phát triển, nhưng chưa ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; ngành dịch vụ, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Việc đổi mới doanh nghiệp chuyển biến chậm. Chi đầu tư bằng ngân sách còn hạn hẹp, thời gian qua những công trình cấp bách buộc ngân sách phải vay để đảm bảo cho nhu cầu phát triển. Chưa tạo điều kiện kích thích thu hút các nguồn lực đầu tư như ODA, FDI. Xã hội hóa trên các lĩnh giáo dục, văn hóa, thể thao chưa mạnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp so với bình quân cả nước. Nhiều chỉ tiêu xã hội còn ở mức thấp so với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Công tác cải cách hành chính tuy có chuyển biến nhưng chưa đạt so với yêu cầu.

2. Nhiệm vụ 5 năm 2006-2010:

a. Các chỉ tiêu chủ yếu:

- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 5 năm 2006 - 2010 đạt 12%, trong đó khu vực dịch vụ tăng 15,3%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 16,7%, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,6%.

- Cơ cấu kinh tế đến năm 2010 dự kiến: khu vực dịch vụ khoảng 59,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng khoảng 15,5%; khu vực nông, lâm, nghiệp khoảng 24,8%.

- Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm 16,3%. Đến năm 2010 phấn đấu đạt 700 triệu USD.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 66.160 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm gần 20%, chiếm 43,6% GDP; Tỷ lệ động viên GDP vào ngân sách gần 8,8%.

- Quy mô dân số đến 2010 là 2,3 triệu người; Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên vào năm 2 010 khoảng 1,19%.

- GDP bình quân đầu người (giá thực tế) đến năm 2010 trên 17,3 triệu đồng, gấp đôi năm 2005.

- Đến năm 2007 có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Năm 2006 đạt phổ cập giáo dục mẫu giáo 5 tuổi.

- Tạo việc làm, giải quyết thêm việc làm bình quân hàng năm trên 30.000 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 30% (trong đó đào tạo nghề là 23%). Đến năm 2010 có trên 10 ngàn lao động thường xuyên làm việc ở nước ngoài.

- Đến năm 2010 cơ bản đạt:

+ 85% hộ sử dụng nước sạch.

+ Tất cả hộ dân đều được sử dụng điện.

+ Giảm tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn mới) xuống còn dưới 5,0%.

+ Thanh toán cơ bản bệnh sốt rét và các bệnh rối loạn do thiếu I-ốt.

+ Đến năm 2008 các trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu. Đến năm 2010 phần lớn các trường đạt chuẩn quốc gia, sinh viên đại học và cao đẳng đạt 150 người/10.000 dân.

b. Một số nhiệm vụ và giải pháp chính:

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm cao hơn kế hoạch 5 năm trước và có bước chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm tiếp theo. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, tăng nhanh hàm lượng công nghệ trong sản phẩm. Tạo bước chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh các sản phẩm của các doanh nghiệp; nâng cao vai trò của khoa học công nghệ, đóng góp vào sự phát triển nhanh và bền vững. Tăng cường quản lý và bảo vệ tài nguyên và môi trường.

- Tập trung phát triển mạnh thương mại dịch vụ, trong đó tập trung cho phát triển du lịch, kinh tế biên giới và các ngành dịch vụ có giá trị cao.

- Khẩn trương hoàn thành các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để phát triển và tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

- Thực hiện tốt công tác quy hoạch, gắn công tác quy hoạch với đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng.

- Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và công tác xã hội hoá để huy động mọi nguồn lực từ xã hội, tăng nhanh vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chuyển dịch cơ cấu đầu tư theo hướng tăng chất lượng, nâng cao năng lực, giá trị cạnh tranh và hiệu quả kinh tế. Hoàn chỉnh một bước cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng. Hỗ trợ đầu tư nhiều hơn cho các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Chủ động và khẩn trương phát triển thị trường trong và ngoài nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để tăng nhanh xuất khẩu; xác định lộ trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng nhân lực có trình độ cao, cán bộ quản lý giỏi và công nhân kỹ thuật lành nghề góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học; tập trung phát triển đào tạo nghề cho xã hội, trong đó chú trọng đáp ứng cho yêu cầu xuất khẩu lao động. Cải thiện rõ rệt trình độ công nghệ trong nền kinh tế.

- Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn; đảm bảo xóa đói, giảm nhanh số hộ nghèo theo chuẩn quốc tế, nhất là ở những vùng đặc biệt khó khăn. Phát triển mạng lưới an sinh xã hội, trợ giúp người nghèo; xây dựng kết cấu xã hội theo hướng bền vững.

- Phát triển sự nghiệp y tế, thể dục thể thao và văn hóa - thông tin đảm bảo sức khỏe và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Hạn chế tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tiếp tục phát triển nền văn hoá tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc; giải quyết có hiệu quả và cơ bản những vấn đề xã hội đang bức xúc, nhất là tình trạng tội phạm ma túy, HIV/AIDS và tai nạn giao thông. Thực hiện bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ.

- Hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; phát triển và nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế nhà nước, đồng thời phát triển mạnh các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

- Tạo được bước chuyển biến toàn diện và sâu sắc trong việc cải cách hành chính; đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Phát huy dân chủ cơ sở, tăng cường kỷ cương, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

- Củng cố an ninh quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị - xã hội, chú trọng khu vực biên giới, dân tộc, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

- Tập trung chỉ đạo, điều hành các ngành, các cấp; triển khai và thực hiện có hiệu quả 13 chương trình trọng điểm của tỉnh bằng các dự án cụ thể (có danh mục dự án kèm theo).

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, điều hành, chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường trách nhiệm phối hợp hành động để đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết.

Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tăng cường giám sát, đôn đốc các ngành, các cấp và vận động nhân dân tích cực thực hiện Nghị quyết.

Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang khoá VII - kỳ họp lần 6 kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phát huy thành tích đạt được, nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, tận dụng thời cơ thuận lợi, khai thác mọi tiềm năng thế mạnh của tỉnh nhà, đoàn kết thống nhất, chung sức chung lòng thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết 5 năm 2006 - 2010.

Điều 3. Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang khóa VII kỳ họp thứ 6 thông qua và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Võ Thanh Khiết