cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 47/2005/NQ-HĐND ngày 12/10/2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre Về đề án cải cách hành chính giai đoạn II, từ năm 2006-2010 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 47/2005/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Ngày ban hành: 12-10-2005
  • Ngày có hiệu lực: 22-10-2005
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 05-12-2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2966 ngày (8 năm 1 tháng 16 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 05-12-2013
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 05-12-2013, Nghị quyết số 47/2005/NQ-HĐND ngày 12/10/2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre Về đề án cải cách hành chính giai đoạn II, từ năm 2006-2010 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 05/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre Bãi bỏ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/2005/NQ-HĐND

Bến Tre, ngày 12 tháng 10 năm 2005

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐỀ ÁN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN II, TỪ NĂM 2006 - 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHOÁ VII - KỲ HỌP THỨ 5

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

- Sau khi nghe Phó Giám đốc Sở Nội vụ được sự uỷ nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh trình bày đề án tiếp tục thực hiện chương trình cải cách hành chính giai đoạn II, từ 2006 – 2010 tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân tỉnh – khoá VII,

QUYẾT NGHỊ:

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với đề án tiếp tục thực hiện chương trình cải cách hành chính giai đoạn II, từ năm 2006 – 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

I- Đánh giá tình hình thực hiện chương trình cải cách hành chính tỉnh Bến Tre giai đoạn I, từ năm 2001 – 2005:

Trong 5 năm qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã vận dụng các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành tương đối đồng bộ các cơ chế, chính sách trong cải cách nền hành chính ở địa phương. Bộ máy quản lý hành chính nhà nước cấp tỉnh, huyện giảm, sắp xếp hợp lý, tinh gọn biên chế, năng lực và trách nhiệm công vụ của cán bộ công chức được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành, quản lý ngành và địa phương. Trật tự, kỷ cương được củng cố, các cơ quan Nhà nước thực hiện cam kết với tổ chức và công dân ngày càng tốt hơn. Thủ tục hành chính được cải tiến tích cực, giảm bớt phiền hà, tiết kiệm thời gian và công sức của tổ chức và công dân, nhất là thủ tục trên các lĩnh vực: cấp phép đầu tư trong, ngoài nước; cấp phép đăng ký kinh doanh; xây dựng nhà ở; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng đất đai; công chức, hộ tịch, hộ khẩu; trình tự giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân. Tỉnh đã sớm triển khai đồng loạt cơ chế “một cửa” ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Việc khoán biên chế, khoán chi hành chính ở các cơ quan Nhà nước, Đảng, đoàn thể mang lại nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế: nhận thức về công tác cải cách hành chính chưa đầy đủ; triển khai thực hiện chưa toàn diện, phân lớn cơ quan, đơn vị chỉ tập trung vào việc khoán biên chế, khoán chi hành chính và có biểu hiện thoã mãn với công việc này; cơ chế “một cửa” cũng mới bước đầu. việc giải quyết công việc còn đùn đẩy, chưa xác lập mối quan hệ rõ ràng giữa các cơ quan cùng cấp, giữa cấp trên và cấp dưới trong giải quyết thủ tục hành chính; cán bộ của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hầu hết là kiêm nhiệm, phương tiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu; một số nơi xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cải cách hành chính chưa cụ thể; bộ máy quản lý hành chính nhà nước ở một số cơ quan chậm đổi mới về chất; việc tuyển dụng, bố trí cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, hiêu quả hoạt động còn hạn chế; công tác quản lý, điều hành còn nặng tính sự vụ; hội họp vẫn còn chiếm khá nhiều thời gian, việc chỉ đạo uốn nắn về trách nhiệm, kỷ cương chưa thường xuyên.

II- Đề án cải cách hành chính giai đoạn II, từ năm 2006 – 2010:

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với đề án tiếp tục thực hiện chương trình cải cách hành chính giai đoạn II từ năm 2006 – 2010. Trong đó cần tập trung vào những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sau đây:

1- Mục tiêu đến năm 2010:

- Từng bước hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, trước hết là các thể chế về kinh tế, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính. Đổi mới quy trình soạn thảo và ban hành văn bản quy phạp pháp luật; phát huy dân chủ; huy động trí tuệ của nhân dân trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Xoá bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà nhân dân; thực hiện đồng bộ cơ chế “một cửa”, công khai, đơn giản và thuận tiện cho nhân dân.

- Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước. Xác định và thực hiện phân cấp quản lý hành chính Nhà nước giữa tỉnh và địa phương là nội dung cốt lỏi, đảm bảo quản lý Nhà nước được thống nhất.

- Đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, chuyên nghiệp, hiện đại, có phẩm chất tốt và đủ năng lực thi hành công vụ, tận tụy, phục vụ vì sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phục vụ nhân dân.

- Đổi mới cơ chế tài chính công thích hợp với tính chất của từng cơ quan, kiên quyết không để xảy ra tiêu cực.

- Cơ bản hoàn chỉnh đề án tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước, xem đây là bước đột phá.

2- Nội dung cải cách hành chính 2006 – 2010.

2.1- Cải cách thể chế hành chính:

- Triển khai thực hiện hệ thống quản lý chất lượng ISO ở một số dịch vụ hành chính công trên các lĩnh vực: đầu tư, tài chính, thủ tục đất đai, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại các sở, ngành tỉnh, huyện, thị xã và 3 đề án: Đề án thí điểm áp dụng hệ thống quản lý theo kết quả (PMS) trong hai lĩnh vực quản lý nhà nước là tổ chức cán bộ và nông nghiệp & phát triển nông thôn; Đề án thí điểm thực hiện cơ chế “một cửa” liên thông ba cấp chính quyền; Đề án thí điểm phân cấp chuyển giao các Trạm Khuyến nông, Khuyến ngư, Thú y và Bảo vệ thực vật dưới sự quản lý của Uỷ ban nhân dân huyện.

- Cải tiến nhanh và đồng bộ thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, nhà đất, tư pháp, hộ tịch, hộ khẩu, xây dựng, thủ tục đầu tư, chính sách xã hội.

- Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần tuân thủ trình tự, thủ tục ban hành, đảm bảo có hiệu lực cao; rà soát, hệ thống hoá các văn bản pháp quy đã ban hành. Cải tiến công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật; sơ kết rút kinh nghiệp chương trình cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, nâng chất và bổ sung một số lĩnh vực khác vào cơ chế “một cửa” tại các ngành, các cấp.

2.2- Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước:

- Tiếp tục sắp xếp các đơn vị trực thuộc, sở ngành theo hướng tinh gọn đầu mối phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức; hoàn thiện, nâng chất bộ máy cán bộ cấp xã. Khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với 6 đơn vị còn lại.

- Điều chỉnh, bổ sung phân cấp quản lý Nhà nước theo hướng giao quyền chủ động cho sở ngành tỉnh, huyện và cơ sở. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; cải tiến lề lối, phong cách làm việc; giảm hội họp và giấy tờ hành chính; tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan; thực hiện cải cách hành chính gắn với việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

2.3- Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức:

- Tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, gắn với quy hoạch và đào tạo đội ngũ kế thừa, cán bộ khoa học kỹ thuật đầu đàn của tỉnh; nâng cao trách nhiệm cá nhân trong lãnh đạo, điều hành. Xử lý nghiêm minh công chức vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ, đùn đẩy, nhũng nhiễu khi thi hành công vụ. Điều chỉnh, bổ sung, phân cấp quản lý và chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Thực hiện tốt chủ trương tuyển dụng, luân chuyển, đổi chất cán bộ, tăng cường cán bộ có năng lực cho cơ sở.

- Chọn một đơn vị hành chính cấp tỉnh, một đơn vị cấp huyện và một xã, phường, thị trấn làm điểm cải cách hành chính toàn diện trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức.

2.4- Cải cách tài chính công:

Phân cấp sâu rộng nguồn thu và nhiệm vụ chi đi đôi với mở rộng quyền hạn về phân cấp quản lý kinh tế - xã hội. Xây dựng và triển khai đề án khoán chi hành chính trên địa bàn theo hướng tách quỹ lương ra khỏi khoán chi hành chính, nhưng có xem xét đến các điều kiện đặc thù của từng cơ quan. Tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp trên cả 3 mặt: nhiệm vụ; tổ chức bộ máy và tài chính.

2.5- Hiện đại hoá nền hành chính Nhà nước:

Xây dựng, nâng cấp trụ sở làm việc, nhất là cấp huyện và cấp cơ sở. Triển khai đề án tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước ở các sở, ban ngành tỉnh đến huyện, thị xã và cơ sở theo hướng: trang bị mạng LAN cho các sở, ngành tỉnh đến huyện thị: khai thác, sử dụng các dịch vụ của Trung tâm tích hợp dữ liệu tai Văn phòng ban nhân dân tỉnh; triển khai mô hình hệ thống thông tin hành chính điện tử tại Uỷ ban nhân dân thị xã. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và cơ sở dữ liệu đầu tư xây dựng cơ bản; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước.

3- Các giải pháp chủ yếu:

- Bố trí một khoản kinh phí nhất định cho công tác cải cách hành chính, trên cơ sở đề nghị hợp lý của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính.

- Định kỳ thanh tra, kiểm tra và tiến hành sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, khen thưởng, biểu dương những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt; đồng thời xử lý những đơn vị, cá nhân thực hiện không tốt.

III- Tổ chức thực hiện:

Hội đồng nhân dân tỉnh giao Uỷ ban nhân dân tỉnh cụ thể hoá và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giúp Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này ở các ngành, các cấp trong tỉnh.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá VII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12 tháng 10 năm 2005/.

 

 

CHỦ TỊCH




Huỳnh Văn Be