cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 57/2003/NQ-HĐND ngày 17/07/2003 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ Về tiêu chuẩn chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 57/2003/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Ngày ban hành: 17-07-2003
  • Ngày có hiệu lực: 01-09-2003
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 27-07-2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2156 ngày (5 năm 11 tháng 1 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 27-07-2009
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 27-07-2009, Nghị quyết số 57/2003/NQ-HĐND ngày 17/07/2003 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ Về tiêu chuẩn chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị quyết số 186/2009/NQ-HĐND ngày 24/07/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ Về Tiêu chuẩn chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/2003/NQ-HĐND-KXV

Ngày 17 tháng 7 năm 2003

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ CHÍN

(Từ ngày 14/7 đến ngày 17/7/2003)

NGHỊ QUYẾT

VỀ TIÊU CHUẨN CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi), ngày 21/6/1994;

- Để có cơ sở đánh giá, phân loại chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh và xây dựng mục tiêu phấn đấu của chính quyền cơ sở hàng năm;

- Sau khi xem xét Tờ trình số: 1496/TT-UB ngày 26/6/2003 của UBND tỉnh Phú Thọ về "Quy định tiêu chuẩn chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh", báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế và thảo luận;

QUYẾT NGHỊ:

I. Tán thành Tờ trình của UBND tỉnh về “Tiêu chuẩn chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh”, có 5 tiêu chuẩn như sau:

1. Về kinh tế.

- Thực hiện đạt kế hoạch kinh tế hàng năm, thu nhập bình quân đầu người, năm sau cao hơn năm trước.Đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để có giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác năm sau cao hơn năm trước; phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, làng nghề.

- Hoàn thành kế hoạch thu ngân sách, phấn đấu đảm bảo yêu cầu chi các hoạt động chủ yếu, chi ngân sách theo đúng qui định của Nhà nước.

- Động viên và huy động sự đóng góp của nhân dân theo đúng qui định của Nhà nước, quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn đóng góp của nhân dân và các nguồn vốn khác vào phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời công khai để nhân dân biết, dân bàn và thực hiện.

- Phát triển và quản lý tốt giao thông nông thôn.

- Hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước: Các chỉ tiêu thu thuế, trả nợ và các nghĩa vụ khác trong năm.

2. Về Giáo dục, Y tế, Văn hoá -xã hội.

a. Về Giáo dục:

- Thực hiện tốt chương trình kiên cố hoá trường học, hoàn thành và giữ vững kết quả phổ cập trung học cơ sở, xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phát triển giáo dục mầm non và có trung tâm học tập cộng đồng vào năm 2005.

- Có đủ lớp học, đảm bảo hàng năm huy động 60% trẻ em từ 3 đến 5 tuổi ra lớp mẫu giáo, riêng trẻ em 5 tuổi huy động 95% trở lên.

- Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giảm tỷ lệ học sinh các cấp bỏ học, tăng tỷ lệ lên lớp phản ánh đúng chất lượng. Có học sinh giỏi qua các năm ở các cấp học; tỷ lệ học sinh vào trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề ngày càng nhiều; không có học sinh vi phạm pháp luật và nghiện ma tuý. Công tác giáo dục đạt loại khá trở lên.

b. Về Y tế:

Tăng cường hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu và khám chữa bệnh cho nhân dân. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng hàng năm 2,5%, không có trẻ em suy dinh dưỡng độ 3.

- Chủ động thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS, phòng chống các bệnh xã hội và các bệnh dịch nguy hiểm.

- Có trạm y tế được kiên cố hoá và được trang bị dụng cụ, thiết bị cần thiết tối thiểu phục vụ khám chữa bệnh.

- Phấn đấu có 80% hộ gia đình (miền núi 60%) được sử dụng nước sạch và có nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh.

- Làm tốt công tác quản lý Nhà nước về các hoạt động Y , Dược tư nhân.

Đảm bảo 100% khu dân cư có nhân viên Y tế hoạt động

c. Về Văn hoá xã hội.

Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình hạnh phúc, số hộ gia đình văn hoá đạt tỷ lệ:

Miền núi : 60%

Đồng bằng và Trung du : 70%

Đô thị: 75%

- Xây dựng, quản lý, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hoá thông tin-thể thao ở các khu dân cư, có 65% số khu dân cư đạt loại khu dân cư văn hoá.

- Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội và sinh hoạt cộng đồng theo quy ước, hương ước của địa phương.

- Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Tôn tạo và bảo vệ các di tích lịch sử - văn hoá , danh lam thắng cảnh ở địa phương.

- Thực hiện tốt chương trình về giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, tỷ lệ hộ đói nghèo hàng năm giảm 2,5%. Không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, khuyến khích các hình thức làm giầu chính đáng, tỷ lệ hộ giàu năm sau cao hơn năm trước.

- Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện ma tuý, mại dâm và các hủ tục mê tín dị đoan ở từng địa phương, từng khu dân cư và từng gia đình.

- Thực hiện đạt các chỉ tiêu về dân số kế hoạch hoá gia đình, tỷ lệ người sinh con thứ 3 năm sau giảm hơn năm trước.

- Thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng và các đối tượng được hưởng các chính sách xã hội khác.

3. Về an ninh, trật tự an toàn xã hội và quân sự địa phương.

a. Về an ninh, trật tự an toàn xã hội.

- Có nhiều mô hình phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc đạt từ loại khá trở lên.

- Giữ vững, ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, không để xẩy ra các vụ trọng án, giảm các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn.

- Làm tốt công tác hoà giải, không để xẩy ra điểm nóng, các vụ khiếu kiện đông người gây mất ổn định xã hội.

b. Về quân sự địa phương.

- Làm tốt công tác giáo dục quốc phòng toàn dân, tổ chức và huấn luyện dân quân và lực lượng dự bị động viên theo đúng pháp luật của Nhà nước.

- Hoàn thành chỉ tiêu tuyển quân, giao quân, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng.

- Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và làm tốt công tác quân sự địa phương.

- Xây dựng làng, xã chiến đấu, có phương án tác chiến theo kế hoạch phòng thủ và chủ động xử lý các tình huống xẩy ra.

4. Xây dựng chính quyền và cải cách hành chính.

a. Hoạt động của HĐND.

Hoạt động của HĐND, tổ đại biểu và đại biểu HĐND theo đúng quy định của pháp luật. 100% đại biểu HĐND được xếp loại khá trở lên.

- Nghị quyết của HĐND phải phù hợp với tình hình địa phương, không trái với chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

- Thực hiện được vai trò giám sát của HĐND theo quy định của pháp luật.

b. Hoạt động của UBND.

- Có qui hoạch, kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng sử dụng đội ngũ cán bộ, xây dựng bộ máy vững mạnh, hoạt động có hiệu quả đảm bảo đúng pháp luật. Đảm bảo 100% cán bộ chủ chốt được bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước; cán bộ chuyên môn được đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, không có cán bộ vi phạm pháp luật.

- Xây dựng và thực hiện đạt kế hoạch hàng năm và 5 năm về phát triển kinh tế xã hội.

- Quản lý và sử dụng đất đai theo đúng quy định pháp luật.

- Làm tốt công tác quản lý và đăng ký hộ tịch, hộ khẩu.

- Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật, có tủ sách pháp lý, ban hành văn bản đúng trình tự, thủ tục theo qui định của pháp luật.

- Thực hiện tốt công tác thi hành án Dân sự ở địa phương.

- Thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính.

- Thực hiện chế độ thường trực tiếp dân, giải quyết kịp thời 100% đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền. Duy trì thực hiện tốt qui chế dân chủ ở cơ sở.

- Các ngành chuyên môn của chính quyền được cấp trên xếp loại khá trở lên.

- Giữ mối quan hệ tốt với các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn.

5. Về mối quan hệ công tác với MTTQ và các đoàn thể nhân dân.

Xây dựng và thực hiện có hiệu quả qui chế phối hợp giữa HĐND, UBND với MTTQ và các đoàn thể nhân dân, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

II. Tổ chức thực hiện.

Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Hàng năm UBND các cấp báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết với HĐND cùng cấp.

Thường trực HĐND, các Ban và đại biểu HĐND tỉnh tăng cường giám sát thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Phú Thọ thông qua ngày 17/7/2003 và thay thế Nghị quyết số 09/NQ ngày 14/8/1997 của HĐND tỉnh Phú Thọ khoá XIV, có hiệu lực thi hành từ 01/9/2003./.

 

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Tăng