Nghị quyết liên tịch số 01/2003/NQLT-HPN-UBATGTQG ngày 21/05/2003 Về việc tổ chức cuộc vận động Phụ nữ cả nước tích cực tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam-Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ban hành
- Số hiệu văn bản: 01/2003/NQLT-HPN-UBATGTQG
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia
- Ngày ban hành: 21-05-2003
- Ngày có hiệu lực: 05-06-2003
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 7844 ngày (21 năm 5 tháng 29 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI LIÊN HIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2003/NQLT-HPN-UBATGTQG | Hà Nội, ngày 21 tháng 05 năm 2003 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC TỔ CHỨC CUỘC VẬN ĐỘNG "PHỤ NỮ CẢ NƯỚC TÍCH CỰC THAM GIA GIỮ GÌN TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ"
Để thực hiện có hiệu quả Luật Giao thông đường bộ, Chỉ thị số 22/CT-TW ngày 24/2/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn giao thông và Nghị quyết 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục, vận động các tầng lớp phụ nữ thực hiện đường lối chính sách của Đàng và pháp luật của Nhà nước của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và chức năng nhiệm vụ của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia;
Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia thống nhất tổ chức cuộc vận động "Phụ nữ cả nước tích cực tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị" với những nội dung dưới đây.
1 - MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Nâng cao hiểu biết, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông trong toàn thể cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ cả nước.
2. Phát huy vai trò của tổ chức Hội phụ nữ các cấp trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ gương mẫu thực hiện, giáo dục con em và động viên chồng, người thân trong gia đình và khu dân cư thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông
3. Động viên phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị.
II. NỘI DUNG CUỘC VẬN ĐỘNG
1 . Phụ nữ và gia đình gương mẫu chấp hành và tích cực tham gia các hoạt động về giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; vận động mọi người trong khu dân cư cùng thực hiện tốt các quy định, pháp luật về an toàn giao thông và trật tự đô thị.
2. Phụ nữ cùng nhân dân tích cực đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị.
3. Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tăng cường chức năng tuyên truyền giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện pháp luật về trật tự an toàn giao thông và thực hiện quyền giám sát của mình đối với việc thực hiện pháp luật này.
III CÁC HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP
1 Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật về trật tự an toàn giao thông của Hội phụ nữ.
2. Tập huấn kiến thức về an toàn giao thông, phương thức tổ chức các hình thức vận động phụ nữ và chồng con, người thân và khu dân cư thực hiện các quy đinh về an toàn giao thông, tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông... cho đội ngũ tuyên truyền viên của Hội.
3. Tuyên truyền phổ biến Luật giao thông đường bộ, Chỉ thị số 22/CT-TW của Ban Bí thư TW Đảng, Nghị quyết 13/2002/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật khác về an toàn giao thông cho cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ.
4. Biên soạn tài liệu tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn giao thông phù hợp với các đối tượng của cuộc vận động này.
5. Điều tra, khảo sát nhận thức, thái độ, hành vi của phụ nữ trong lĩnh vực an toàn giao thông và trật tự đô thị ở một số điểm.
6. Tổ chức các hình thức vận động cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ gương mẫu chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị bằng các hình thức phong phú đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương và các tầng lớp phụ nữ.
7. Tăng cường trách nhiệm của Hội liên hiệp phụ nữ các cấp trong việc giám sát các cơ quan Nhà nước thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị
IV- PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm:
1 Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết liên tịch.
2. Lồng ghép cuộc vận động “phụ nữ cả nước tích cực tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị" với các chương trình hoạt động của Hội
3. Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật về trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị của Hội liên hiệp phụ nữ.
4. Phát huy tính chủ động sáng tạo của các cấp Hội trong công tác vận động các tầng lớp phụ nữ và khu dân cư tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị
5. Định kỳ theo quý, 6 tháng, 1 năm thông tin, báo cáo kết quả hoạt động tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị của Hội với Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia.
6. Phối hợp với Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các cấp tổ chức thực hiện các hoạt động phối hợp tại phần III của Nghị quyết liên tịch này .
Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia có trách nhiệm:
1 Chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan thành viên của Uỷ ban, Ban An toàn giao thông các tỉnh/thành phố trực thuộc TW phối hợp với các cấp Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam thực hiện Nghị quyết liên tịch.
2. Thường xuyên cung cấp thông tin, tài liệu, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về trật tự an toàn giao thông cho Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam
3. Hỗ trợ kinh phí cho TW Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam chỉ đạo, tổ chức các hoạt động theo quy định của Nghị quyết liên tịch.
4. Chỉ đạo Ban an toàn giao thông các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ kinh phí, tài liệu và các điều kiện cần thiết khác cho Hội phụ nữ cùng cấp để triển khai Nghị quyết Liên tịch.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1 Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết liên tịch.
2. Hai bên thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để đôn đốc các cấp thực hiện Nghị quyết liên tịch và các kế hoạch công tác đã đề ra.
3. Sáu tháng, hàng năm Hội liên hiệp phụ nữ Việt nam và Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết liên tịch, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch.
4. Giao cho Ban Gia đình-xã hội, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Văn phòng Thường trực Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia là cơ quan Thường trực giúp Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện Nghị quyết liên tịch này.
TM. UỶ BAN ATGT QUỐC GIA | TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH HỘI LHPNVN |
Nơi nhận
Thường trực Ban Bí thư (Để báo cáo)
Ban Dân vận trung ương (Để báo cáo)
Thủ tướng Chính phủ (Để báo cáo)
Hội phụ nữ các tỉnh/thành phố (Để thực hiện)
Các Uỷ viên Đoàn chủ tịch (Để thực hiện)
Các Ban TW Hội (Để thực hiện)
Các thành viên UBATGTQG (Để thực hiện)
Lưu văn phòng