cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/03/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội Về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 388/2003/NQ-UBTVQH11
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
  • Ngày ban hành: 17-03-2003
  • Ngày có hiệu lực: 01-04-2003
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2467 ngày (6 năm 9 tháng 7 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-01-2010
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-01-2010, Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/03/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội Về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 35/2009/QH12 ngày 18/06/2009 của Quốc Hội (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 388/2003/NQ-UBTVQH11

Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 2003

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI CHO NGƯỜI BỊ OAN DO NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ GÂY RA

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Để khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Bộ luật tố tụng hình sự;
Căn cứ vào Bộ luật dân sự;
Căn cứ vào Nghị quyết số 12/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ hai về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XI (2002 - 2007) và năm 2003,

QUYẾT NGHỊ:

Mục 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Các trường hợp được bồi thường thiệt hại

1. Những người thuộc các trường hợp sau đây được bồi thường thiệt hại:

a) Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

b) Người bị tạm giam mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giam vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

c) Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, đã bị kết án tử hình mà có bản án, quyết định của Toà án có thẩm quyền xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

d) Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội.

2. Những người thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nếu có tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu mà bị thiệt hại thì được bồi thường.

Điều 2. Các trường hợp không được bồi thường thiệt hại

1. Những người thuộc các trường hợp sau đây không được bồi thường thiệt hại:

a) Người được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;

b) Người bị xử lý về hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự được Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 6 năm 1985 đã được sửa đổi, bổ sung theo các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự được Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 12 năm 1989, ngày 12 tháng 8 năm 1991, ngày 22 tháng 12 năm 1992 và ngày 10 tháng 5 năm 1997, nhưng nay theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 thì không phải chịu trách nhiệm hình sự;

c) Những người thuộc các trường hợp quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này mà cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng khác sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm.

2. Những người thuộc các trường hợp quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này mà bị tổn hại về sức khoẻ, tính mạng, tài sản do lỗi của chính mình hoặc do sự kiện bất khả kháng thì không được bồi thường thiệt hại đó.

Điều 3. Nguyên tắc giải quyết bồi thường thiệt hại

Việc giải quyết bồi thường thiệt hại trong các trường hợp bị oan phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:

1. Kịp thời, công khai và đúng pháp luật;

2. Tạo điều kiện thuận lợi để người bị oan, thân nhân của người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ thực hiện quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị oan, thân nhân của người bị oan; người bị oan được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

3. Thiệt hại được bồi thường bao gồm thiệt hại về tinh thần và thiệt hại về vật chất theo các quy định tại Nghị quyết này và quy định tại văn bản pháp luật có liên quan;

4. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại chủ động giải quyết bồi thường cho người bị oan, thân nhân của người bị oan theo quy định của pháp luật;

5. Việc bồi thường thiệt hại được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại với người bị oan, thân nhân của người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ; nếu không thương lượng được thì người bị oan, thân nhân của người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

Mục 2:

KHÔI PHỤC DANH DỰ, XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI VÀ MỨC BỒI THƯỜNG

Điều 4. Khôi phục danh dự

1. Người bị oan được khôi phục danh dự.

Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải xin lỗi, cải chính công khai cho người bị oan.

2. Việc xin lỗi, cải chính công khai được thực hiện bằng các hình thức sau đây:

a) Trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị oan có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị oan cư trú, đại diện cơ quan nơi người bị oan làm việc, đại diện của một tổ chức chính trị - xã hội mà người bị oan là thành viên;

b) Đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp, trừ trường hợp người bị oan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu không đăng báo.

3. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị oan, cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 5. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần

1. Việc bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là mỗi ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được bồi thường ba ngày lương tính theo mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

2. Những người bị oan quy định tại khoản 1 Điều này mà bị chết thì vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, người trực tiếp nuôi dưỡng người bị oan được bồi thường chung một khoản tiền bù đắp về tinh thần là ba trăm sáu mươi tháng lương tính theo mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

3. Việc bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần cho những người bị oan không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được xác định là mỗi ngày bị oan được bồi thường một ngày lương tính theo mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường. Thời gian để tính bồi thường thiệt hại được xác định kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can cho đến ngày có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội.

Điều 6. Thiệt hại về vật chất trong trường hợp người bị oan chết

Thiệt hại về vật chất trong trường hợp người bị oan chết được bồi thường bao gồm:

1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị oan trước khi chết;

2. Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

3. Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị oan đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Điều 7. Thiệt hại về vật chất trong trường hợp người bị oan bị tổn hại về sức khoẻ

Thiệt hại về vật chất trong trường hợp người bị oan bị tổn hại về sức khoẻ được bồi thường bao gồm:

1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị oan;

2. Chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị oan trong thời gian điều trị;

3. Trong trường hợp người bị oan mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc, thì thiệt hại được bồi thường bao gồm chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị oan và khoản cấp dưỡng cho những người mà người bị oan đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Điều 8. Trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại trong trường hợp tài sản bị xâm phạm

1. Tài sản của người bị oan bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu phải được trả lại ngay.

2. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp tài sản của người bị oan bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu bị xâm phạm được quy định như sau:

a) Trong trường hợp tài sản đã bị phát mại, bị mất, bị hư hỏng, bị huỷ hoại thì thiệt hại được xác định tương đương với giá trị tài sản bị thiệt hại tại thời điểm giải quyết bồi thường;

b) Trong trường hợp có thiệt hại phát sinh từ việc không được sử dụng, khai thác tài sản thì thiệt hại được xác định là thiệt hại thực tế; trong trường hợp tài sản bị kê biên được giao cho người bị oan hoặc thân nhân của họ quản lý thì chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại về tài sản được xác định là những thiệt hại thực tế.

3. Các khoản tiền bị tịch thu, thi hành án, khoản tiền đã đặt để bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự được hoàn trả cho người bị oan hoặc thân nhân của người bị oan; trường hợp khoản tiền đó là khoản vay có lãi thì phải hoàn trả cả khoản lãi hợp pháp; trong trường hợp khoản tiền đó không phải là khoản vay có lãi thì phải hoàn trả cho người bị oan hoặc thân nhân của người bị oan cả khoản lãi theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Điều 9. Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất của người bị oan

Người bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù có thu nhập ổn định nhưng đã bị mất do bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường khoản thu nhập đó.

Mục 3:

TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI, THẨM QUYỀN VÀ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Điều 10. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã ra quyết định khởi tố bị can có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì người bị khởi tố không thực hiện hành vi phạm tội.

2. Cơ quan đã ra lệnh tạm giữ, tạm giam có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp việc tạm giữ bị huỷ bỏ vì người bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật hoặc việc tạm giam bị huỷ bỏ vì người bị tạm giam không thực hiện hành vi phạm tội; nếu việc tạm giữ, tạm giam có phê chuẩn của Viện kiểm sát, thì Viện kiểm sát đã phê chuẩn có trách nhiệm bồi thường.

3. Viện kiểm sát đã ra quyết định truy tố có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

a) Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội và bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật;

b) Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội;

c) Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội và sau đó Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn giữ nguyên bản án, quyết định của Toà án phúc thẩm tuyên bị cáo không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.

4. Toà án cấp sơ thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

a) Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo có tội nhưng Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội hoặc huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội hoặc huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên bố là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội;

b) Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo có tội, bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

c) Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo có tội, bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội;

d) Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo có tội, bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên bố là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.

5. Toà án cấp phúc thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

a) Toà án cấp phúc thẩm tuyên bố bị cáo có tội, nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

b) Toà án cấp phúc thẩm tuyên bố bị cáo có tội, nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội;

c) Toà án cấp phúc thẩm tuyên bố bị cáo có tội, nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên bố là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.

6. Toà án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm giữ nguyên bản án của Toà án cấp dưới tuyên bị cáo có tội trong các trường hợp sau đây:

a) Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

b) Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội;

c) Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên bố là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.

7. Toà án nhân dân tối cao có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi các Toà có thẩm quyền thuộc cơ cấu tổ chức của Toà án nhân dân tối cao (gọi chung là Toà có thẩm quyền) xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm giữ nguyên bản án của Toà án cấp dưới tuyên bị cáo có tội trong các trường hợp sau đây:

a) Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa có thẩm quyền thuộc Toà án nhân dân tối cao và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

b) Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa có thẩm quyền thuộc Toà án nhân dân tối cao để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội;

c) Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa có thẩm quyền thuộc Toà án nhân dân tối cao để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên bố là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.

8. Cơ quan đã ra quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu tài sản có trách nhiệm bồi thường cho những người thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết này có tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu mà bị thiệt hại.

9. Cơ quan thi hành án có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp có quyết định của cơ quan có thẩm quyền xác định việc thi hành án không đúng nội dung bản án, quyết định phải thi hành và gây thiệt hại cho người đã chấp hành án.

Điều 11. Giải quyết bồi thường thiệt hại bằng thương lượng

Việc giải quyết bồi thường thiệt hại bằng thương lượng được thực hiện như sau:

1. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị oan hoặc thân nhân của người bị oan, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tiến hành thương lượng với người bị oan hoặc thân nhân của người bị oan về việc bồi thường; khi tiến hành thương lượng phải lập biên bản;

2. Trong trường hợp thương lượng thành thì chậm nhất là bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản thương lượng thành, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải ra quyết định bồi thường;

3. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại không tiến hành thương lượng hoặc trong trường hợp thương lượng không thành thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này hoặc kể từ ngày lập biên bản thương lượng không thành, trừ trường hợp bất khả kháng, người bị oan hoặc thân nhân của người bị oan có quyền yêu cầu Toà án có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Nghị quyết này giải quyết.

Điều 12. Thẩm quyền và thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại tại Toà án

1. Toà án có thẩm quyền giải quyết bồi thường thiệt hại là Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi người bị oan cư trú hoặc làm việc.

2. Thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại tại Toà án được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Mục 4:

KINH PHÍ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Điều 13. Kinh phí bồi thường thiệt hại

Kinh phí bồi thường thiệt hại là một khoản trong ngân sách nhà nước.

Điều 14. Quản lý, cấp phát và quyết toán kinh phí bồi thường thiệt hại

Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý, cấp phát và quyết toán kinh phí bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 15. Chi trả bồi thường thiệt hại

1. Căn cứ vào bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị oan trong các trường hợp quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này và quyết định của cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thương lượng thành hoặc bản án, quyết định của Toà án về việc bồi thường thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm chi trả phải trả tiền cho người bị oan hoặc thân nhân của người bị oan.

2. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định được quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan có trách nhiệm chi trả thực hiện việc trả tiền cho người bị oan hoặc thân nhân của người bị oan. Việc chi trả được thực hiện một lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thoả thuận khác.

Mục 5:

NGHĨA VỤ HOÀN TRẢ

Điều 16. Người có nghĩa vụ hoàn trả

Người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây oan do lỗi của mình trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự có nghĩa vụ hoàn trả theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Người có thẩm quyền quyết định việc hoàn trả

1. Thủ trưởng cơ quan đã thực hiện việc bồi thường thiệt hại có trách nhiệm quyết định mức hoàn trả, phương thức hoàn trả mà người có nghĩa vụ hoàn trả phải thực hiện.

Trong trường hợp thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là người có nghĩa vụ hoàn trả, thì thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người đó có trách nhiệm quyết định mức hoàn trả, phương thức hoàn trả.

2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ hoàn trả không đồng ý với quyết định về việc hoàn trả thì có quyền khiếu nại với thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định về việc hoàn trả. Quyết định giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cấp trên trực tiếp là quyết định cuối cùng.

3. Việc xác định mức hoàn trả và phương thức hoàn trả được thực hiện theo quy định của pháp luật về trách nhiệm vật chất của cán bộ, công chức.

Mục 6

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Áp dụng Nghị quyết để giải quyết bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan

1. Nghị quyết này được áp dụng để giải quyết bồi thường thiệt hại đối với những người thuộc các trường hợp quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này mà có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật từ ngày 01 tháng 7 năm 1996 của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó bị oan.

2. Đối với những người thuộc các trường hợp quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này mà có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trước ngày 01 tháng 7 năm 1996 của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó bị oan mà đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị oan hoặc thân nhân của người bị oan đã được cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự tiếp nhận trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết, thì áp dụng Nghị quyết này để giải quyết.

3. Đối với những người bị oan đã được bồi thường thiệt hại trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thì không áp dụng Nghị quyết này để giải quyết lại.

Điều 19. Thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại

1. Đối với những người thuộc các trường hợp quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này, trong thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 1996 cho đến trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực mà có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định bị oan, thì thời hiệu yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại giải quyết việc bồi thường là hai năm, kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực.

2. Đối với những người có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định bị oan từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực, thì thời hiệu yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại giải quyết việc bồi thường là hai năm, kể từ ngày bản án, quyết định trên có hiệu lực pháp luật.

Điều 20. Không áp dụng án phí, lệ phí, các loại phí khác và thuế

1. Người bị oan hoặc thân nhân của người bị oan khi có yêu cầu cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu Toà án giải quyết việc bồi thường thiệt hại không phải nộp án phí, lệ phí và các loại phí khác.

2. Không áp dụng thuế đối với khoản tiền bồi thường mà người bị oan hoặc thân nhân của người bị oan được nhận.

Điều 21. Điều khoản thi hành

1. Những quy định trước đây trái với Nghị quyết này đều bãi bỏ.

2. Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.

 

 

Nguyễn Văn An

(Đã ký)