cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 11/2000/NQ-CP về một số giải pháp điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2000 do Chính phủ ban hành

  • Số hiệu văn bản: 11/2000/NQ-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Chính phủ
  • Ngày ban hành: 31-07-2000
  • Ngày có hiệu lực: 15-08-2000
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11/2000/NQ-CP

Hà Nội , ngày 31 tháng 7 năm 2000

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 11/2000/NQ-CP NGÀY 31 THÁNG 7 NĂM 2000 VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐIỀU HÀNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2000

Trong 3 ngày từ 12 đến 14 tháng 7 năm 2000, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 và tháng 7 năm 2000 để bàn một số chủ trương, biện pháp cần tập trung điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2000.

Để đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm cao hơn 6 tháng đầu năm 2000, bên cạnh các giải pháp đã có, từ nay đến cuối năm 2000, Chính phủ quyết định tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp sau đây:

I. CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY SẢN XUẤT

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại và Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2000 của Chính phủ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và tiêu thụ hàng hoá nông sản, đặc biệt quan tâm chỉ đạo tốt việc xuất khẩu gạo. Tiếp tục mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo xuất khẩu theo kế hoạch trước đây và mua tạm trữ thêm 40 vạn tấn gạo, toàn bộ số gạo này được bù lãi suất đến hết tháng 10 năm 2000.

Các ngành, các địa phương khẩn trương thực hiện công tác kiểm tra đê, kè cống, tu bổ, xử lý các vị trí xung yếu; có phương án cụ thể phòng, chống lụt bão, bảo đảm an toàn đê kè, an toàn dân cư và sản xuất; có kế hoạch di dời dân vùng xung yếu thường có thiên tai nặng nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi có sự cố xảy ra.

Tập trung sức chỉ đạo chống lũ lụt xảy ra sớm ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trợ giúp những vùng gặp khó khăn. Trong 6 tháng cuối năm 2000, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Thuỷ sản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ về quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp theo hướng tận dụng các lợi thế so sánh và đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

2. Bộ Thương mại có biện pháp và hướng dẫn các Bộ, ngành và doanh nghiệp tìm thêm thị trường mới cho xuất khẩu lương thực, kể cả xuất khẩu theo phương thức trả chậm; mở rộng thị trường xuất khẩu thuỷ, hải sản, các sản phẩm dệt may, hàng thủ công, mỹ nghệ và các loại hàng tiêu dùng khác sang thị trường EU, Trung Đông, Bắc Phi và Cu Ba theo các cam kết của Chính phủ; tích cực chuẩn bị các điều kiện, phương án khai thác thị trường Mỹ.

3. Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Thương mại chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao và đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài thăm dò, tìm kiếm thị trường, cung cấp thông tin nhanh nhạy, kịp thời về thương nhân và nhu cầu thị trường sở tại, phục vụ tốt hơn hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại bám sát thị trường khu vực nông thôn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục cho nông dân vay vốn để đầu tư nuôi trồng thuỷ, hải sản (đặc biệt là nuôi tôm xuất khẩu), chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển kinh tế trang trại, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi gặp thiên tai gây thiệt hại lớn, có biện pháp khoanh nợ để cho vay tiếp.

5. Bộ Công nghiệp chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan đánh giá việc thực hiện chương trình hỗ trợ cơ khí trong thời gian qua, đề xuất các giải pháp về tổ chức, cơ chế thực hiện nguồn vốn để đẩy mạnh sản xuất cơ khí trong thời gian tới. Cho các doanh nghiệp cơ khí được vay tín dụng từ quỹ hỗ trợ phát triển với lãi suất ưu đãi 3,5% (bằng 50% lãi suất tín dụng Nhà nước), thời gian vay là 12 năm, 2 năm đầu không phải trả lãi và bắt đầu trả nợ từ năm thứ 5. Giao Bộ Công nghiệp chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quỹ hỗ trợ phát triển công bố danh mục các sản phẩm cơ khí được hưởng ưu đãi theo quy định này.

Các Bộ, ngành và các địa phương xem xét, lựa chọn các sản phẩm có lợi thế, có điều kiện phát triển như xi măng, sắt thép, các loại vật liệu xây dựng, giày dép, hàng may mặc, máy động lực nhỏ, cơ khí tiêu dùng, điện tử dân dụng,...; nhanh chóng đề xuất các giải pháp hỗ trợ để mở rộng sản xuất. Tìm biện pháp đẩy mạnh khai thác dầu khí nhằm đạt sản lượng khai thác như dự kiến kế hoạch đầu năm.

6. Tổng cục Hải quan chủ trì cùng Bộ Thương mại, Bộ Công an, các ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng các giải pháp để đẩy mạnh chống buôn lậu và gian lận thương mại có kết quả, tập trung vào công tác giám định chất lượng hàng hoá nhập khẩu; phân định rõ trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát các cửa khẩu trên đất liền và ngoài biển. Trong quý III năm 2000, Tổng cục Hải quan trình Thủ tướng Chính phủ xém xét các giải pháp nêu trên.

7. Trong tháng 8 năm 2000 các Bộ: Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Công an, Văn hoá - Thông tin, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục ngành, nghề cụ thể cấm kinh doanh; các Bộ: Tư pháp, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quy chế về cấp chứng chỉ hành nghề để triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp.

Trước ngày 01 thánh 10 năm 2000, các Bộ, ngành công bố danh mục các ngành, nghề kinh doanh phải có điều kiện do Luật, Pháp lệnh và Nghị định quy định và các điều kiện kinh doanh tương ứng đối với các ngành nghề đó; đồng thời, công bố các quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, điều kiện, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, thời hạn, hiệu lực và lệ phí đối với từng loại giấy phép.

Trong quý III năm 2000, Thanh tra Nhà nước chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về thanh tra chuyên ngành cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp và thường xuyên kiểm tra sau đăng ký kinh doanh theo hướng đảm bảo giám sát được việc thực hiện các điều kiện kinh doanh nhưng không gây phiền hà cho doanh nghiệp.

8. Những Bộ, ngành và địa phương chưa xây dựng xong đề án sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, cần khẩn trương chỉ đạo hoàn thành phương án sắp xếp để trình Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy mạnh công tác cổ phần hoá và các hình thức giao, bán, khoán, cho thuê đối với doanh nghiệp Nhà nước có quy mô nhỏ và kinh doanh thua lỗ.

9. Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế bán trả góp về nhà ở để trình Thủ tướng Chính phủ.

10. Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam tập trung sức nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và khắc phục việc chậm trễ, bỏ chuyến bay.

II. CÁC GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH TIẾN ĐỘ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

1. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhanh chóng triển khai phân bổ số vốn bổ sung theo Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 77 BKH/TH, ngày 30 tháng 6 năm 2000 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và gửi kế hoạch phân bổ về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi làm căn cứ cấp phát.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện hết vốn đầu tư phát triển (vốn theo kế hoạch đầu năm và vốn bổ sung). Trường hợp xét thấy không thực hiện hết nguồn vốn đầu tư được giao, phải kiến nghị việc điều chuyển vốn cho công trình khác, không để chuyển sang năm 2001. Giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định việc điều chuyển vốn theo đề nghị của các Bộ, ngành và địa phương.

2. Tập trung chỉ đạo, điều hành, bố trí đủ vốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng để hoàn thành ngay trong năm 2000 và đầu năm 2001 một số dự án quan trọng: quốc lộ 1 (đoạn Hà Nội - Vinh, thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Hà Nội - Lạng Sơn), nhà ga T1 sân bay Nội Bài, sân bay Đà Nẵng, cảng Hải Phòng (giai đoạn 1), cảng Sài Gòn, đường ống - kho - cảng LPG (thuộc hệ thống khí Bạch Hổ), dự án khôi phục hệ thống thuỷ lợi và chống lũ (hệ thống sông Chu, Bắc Nghệ An, đê Hà Nội), dự án khôi phục hệ thống thuỷ lợi đồng bằng Sông Hồng (ADB2), dự án A Zun hạ, đê biển đồng bằng sông Cửu Long, hồ Sông Tiệm, hồ Truồi, hồ An Mã, hồ Cam Ranh, hồ Cà Giây, hồ Việt An, nâng cấp hồ Phú Ninh (giai đoạn 1), các công trình thoát lũ và ngăn mặn vùng tứ giác Long Xuyên (kênh Lung Lớn 2, kênh cầu số 9, T3-Ba Hòn, hệ thống thuỷ lợi ven biển Tây), nhà máy thuỷ điện Ya Ly (tổ máy số 2), nhà máy thuỷ điện Hàm Thuận - Đa Mi, nhà máy xi măng Nghi Sơn, xi măng Hoàng Mai, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện đa khoa Thái Nguyên, Đại học Quốc gia Hà Nội (giai đoạn 1), Học viện Quốc phòng, đề án đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật tại các cơ sở đào tạo nước ngoài bằng ngân sách nhà nước,v.v...

Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để khởi công hoặc chuẩn bị khởi công một số dự án quan trọng trong năm 2000 và đầu năm 2001: đường hầm qua đèo Hải Vân, cầu Cần Thơ, cầu Thanh Trì, cầu Bãi Cháy, cầu Bính, công trình Rào Quán, Tả Trạch, hồ Định Bình, cống đập Ba Lai, Thảo Long, Cửa Đạt, thuỷ lợi đồng bằng sông Cửu Long (WB2), cải tạo nhà máy xi măng Bỉm Sơn, nhà máy xi măng Hải Phòng (mới), khu liên hợp thể thao Quốc gia, trung tâm sản xuất chương trình truyền hình, Trung tâm thu phát truyền hình qua vệ tinh, hệ thống giống nông nghiệp, nhà máy điện Cần Đơn, nhà máy điện Na Dương, khí Nam Côn Sơn...

3. Bộ Tài chính và các địa phương thực hiện tạm ứng từ 60% - 70% khối lượng vốn xây lắp còn lại của kế hoạch năm 2000 cho các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước (kể cả vốn của các chương trình quốc gia); khi đã có khối lượng thực hiện, chủ đầu tư phải tổ chức nghiệm thu ngay và làm thủ tục để thanh toán; khi nhận được phiếu giá của chủ dự án, cơ quan giải quyết vốn làm ngay thủ tục thanh toán, nếu có vướng mắc thì tạm cấp 70 - 80% khối lượng đã thực hiện trong kế hoạch, sau khi xử lý xong vướng mắc thì thanh toán tiếp khối lượng còn lại.

4. Trong quý III năm 2000, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính tìm thêm nguồn để bổ sung vốn đầu tư cho một số công trình quan trọng, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư một số công trình lớn của các năm sau.

5. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao Thông vận tải, Công nghiệp và Tổng Công ty Điện lực Việt Nam phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố liên quan có trách nhiệm thực hiện nhanh việc di dân, tái định cư và xử lý các vướng mắc để giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các công trình, đặc biệt đối với các dự án ODA sau đây: Dự án khôi phục thuỷ lợi và chống lũ, dự án thuỷ lợi đồng bằng Sông Hồng, dự án khôi phục thuỷ lợi miền Trung và công trình Hóc Môn - Bắc Bình Chánh (ở chạm bơm Đông Hưng, kênh Thọ Sơn, Nghi Phú, Nghi Đức); dự án cải tạo và phát triển lưới điện Hà Nội - Hải Phòng - Nam Định, các thành phố, thị xã; Quốc lộ 1 (đoạn Hà Nội - Lạng Sơn, đoạn Pháp Vân - Văn Điển), dự án giao thông đô thị Hà Nội, dự án thoát nước Hà Nội, dự án hạ tầng đô thị giai đoạn 1 Hà Nội, dự án khôi phục cầu trên Quốc lộ 1A (cầu Bắc Giang, cầu Tân Thịnh, cầu Đáp Cầu, cầu Đuống).

6. Tổng cục Địa chính cải tiến giảm thiểu các thủ tục cấp đất, giao hoặc cho thuê đất tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.

7. Quỹ hỗ trợ phát triển tập trung triển khai nhanh các hoạt động về bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển khẩn trương phối hợp với các ngân hàng để xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện quy chế phối hợp giữa Quỹ với các ngân hàng trong việc cùng cho vay đối với một dự án; quy trình, thủ tục bảo lãnh và phương pháp xác định mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với dự án thuộc đối tượng quy định tại Nghị định số 43/CP/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1999 của Chính phủ, kể cả hỗ trợ lãi suất đối với các dự án vay vốn bằng ngoại tệ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành xác định dự án trọng điểm vay ngoại tệ với mức khoảng 200 triệu USD từ các ngân hàng thương mại theo cơ chế tại Quyết định số 118/1999/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ để nhập vật tư, thiết bị mới thuộc lĩnh vực điện, dầu khí, hàng không, xi măng... Các đầu mối cho vay chịu trách nhiệm thẩm định và cân đối vốn cho từng dự án. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét , quyết định cho từng dự án có nhu cầu vay vốn. Nghiên cứu việc cho Tổng Công ty Dầu khí vay để đầu tư ra nước ngoài.

8. Trong quý III năm 2000, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn để thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài.

III. CÁC GIẢI PHÁP VỀ TÀI CHÍNH, TÍN DỤNG

1. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan rà soát lại các khoản thu ngân sách Nhà nước, tích cực chống thất thu phấn đấu tăng khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm. Nguồn thu tăng thêm này sử dụng để: tăng vốn đầu tư, thực hiện chi trả một lần cho người có công với cách mạng, chi hỗ trợ nhà ở đối với người hoạt động cách mạng trước năm 1945, bù lỗ nhiên liệu nhập khẩu, bổ sung vốn cho doanh nghiệp, tăng dự trữ tài chính và những nhiệm vụ chi đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Từ ngày 15 tháng 8 năm 2000 tạm thời chưa thu thuế đối với hoạt động buôn chuyến hàng nông sản, để thúc đẩy lưu thông hàng hoá, đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản.

3. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh giá thóc tính thuế sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với giá thị trường.

4. Giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ chế độ thưởng nhằm khuyến khích doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm sau cao hơn năm trước, phù hợp với pháp luật hiện hành.

5. Quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách Nhà nước, thực hành tiết kiệm. Tăng cường công tác giám sát thi công đối với các công trình xây dựng cơ bản, nhằm bảo đảm chất lượng và chống lãng phí, tiêu cực. Ban hành cơ chế thí điểm khoán chi hành chính, cơ chế hỗ trợ ngân sách đối với các tổ chức sự nghiệp có thu, như bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu,...

6. Về cơ chế bảo đảm tiền vay, trong khi chờ hướng dẫn và tổ chức triển khai của các Bộ, ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện một số quy định trong Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng như sau:

a. Chưa thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các hợp đồng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh cho đến khi các Bộ, ngành liên quan thành lập cơ quan đăng ký và hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo.

b. Đối với khách hàng vay là doanh nghiệp, khi cầm cố tài sản là dây chuyền máy móc, thiết bị mà pháp luật không quy định hay chưa quy định phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu thì chỉ cần có giấy tờ chứng minh là tài sản hợp pháp, cam kết với tổ chức tín dụng là tài sản đó thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của doanh nghiệp và không có tranh chấp.

c. Đối với doanh nghiệp được giao đất, thuê đất có đủ điều kiện để thế chấp vay vốn ngân hàng theo quy định của pháp luật đất đai nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cho phép tổ chức tín dụng căn cứ vào quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất, giấy nộp tiền sử dụng đất để cho vay.

d. Cho phép các tổ chức tín dụng cho vay không có đảm bảo bằng tài sản đối với các doanh nghiệp Nhà nước chưa đáp ứng được điều kiện "có kết quả sản xuất kinh doanh có lãi 2 năm liền kề", nếu doanh nghiệp Nhà nước không thuộc diện yếu kém theo phương án sắp xếp của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, khắc phục được lỗ trong thời hạn nhất định và được các tổ chức tín dụng cho vay công nhận; cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có lỗ theo kế hoạch do mới đi vào hoạt động tại Việt Nam chưa quá 3 năm.

đ. Cho phép áp dụng tỷ lệ mức vốn tự có tham gia vào dự án và giá trị tài sản bảo đảm tiền vay bằng các biện pháp cầm cố thế chấp quy định trong Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ theo mức tối thiểu là 30% vốn đầu tư của dự án.

7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại xem xét nâng mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản lên trên mức 10 triệu đồng đối với các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm kinh tế trang trại mang tính chất sản xuất hàng hoá trên cơ sở người vay có phương án sản xuất hiệu quả, có khả năng trả nợ ngân hàng.

8. Mở rộng các đối tượng cho vay ngoại tệ so với các đối tượng quy định tại Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối để đẩy mạnh cho vay bằng ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, có khả năng tái tạo lại ngoại tệ, các cá nhân người lao động có nhu cầu vay vốn để đi lao động ở nước ngoài.

9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Ngân hàng phục vụ người nghèo bổ sung cơ chế cho vay và tổ chức thực hiện tốt việc cho vay đối với các hộ nghèo; Uỷ ban nhân dân các cấp không thu lệ phí chứng thư đối với tất cả các loại hồ sơ vay vốn Ngân hàng phục vụ người nghèo của các hộ nghèo.

10. Trong quý III, Bộ Tài chính đẩy nhanh việc thành lập và hoàn chỉnh cơ chế hoạt động các quỹ: Quỹ bảo hiểm xuất khẩu theo ngành hàng, Quỹ bảo lãnh tín dụng; bổ sung chức năng của Quỹ hỗ trợ xuất khẩu để thúc đẩy đầu tư, đẩy nhanh sản xuất, xuất khẩu, bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý nợ đối với các doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi sở hữu; lập Công ty tài chính xử lý nợ tồn đọng và các giải pháp để thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường bất động sản. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xúc tiến trình Chính phủ việc thành lập Công ty mua bán nợ tồn đọng của Ngân hàng, ban hành cơ chế tổ chức và hoạt động của Công ty tài chính, Công ty cho thuê tài chính, Ngân hàng chính sách để tạo điều kiện đẩy nhanh việc cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh, lành mạnh hoá tài chính và ổn định hoạt động của hệ thống ngân hàng.

IV. CÁC GIẢI PHÁP VỀ XÃ HỘI

1. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì cùng các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai hướng dẫn thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ; có giải pháp đổi mới cơ chế quản lý khoa học - công nghệ; xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm; hoàn chỉnh đề án phát triển công nghệ phần mềm để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2000; đồng thời, triển khai xây dựng chiến lược phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2001-2005.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2000; khẩn trương triển khai đề án đưa cán bộ khoa học - kỹ thuật đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước; phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tìm mọi biện pháp để khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.

3. Bộ Văn hoá - Thông tin chỉ đạo triển khai quy hoạch báo chí đã được phê duyệt; đánh giá tình hình quản lý xuất bản, báo chí, thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; tiếp tục triển khai kiểm tra hoạt động dịch vụ văn hoá và kinh doanh văn hoá phẩm trong cả nước.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý và đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại theo tinh thần Chỉ thị số 10/2000/CT-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan bổ sung, sửa đổi việc hướng dẫn cho vay Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm và lập Quỹ giải quyết việc làm ở địa phương theo hướng mở rộng đối tượng cho vay, đơn giản các thủ tục vay vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn Chương trình quốc gia giải quyết việc làm; thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, chuyên gia, có biện pháp chấn chỉnh quản lý và nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc xuất khẩu lao động, xây dựng cơ chế quản lý nhà nước về đào tạo lao động để xuất khẩu; củng cố, nâng cao chất lượng dạy nghề và lập quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề ở Trung ương và địa phương; xây dựng chính sách đối với lao động dôi dư do tổ chức lại các doanh nghiệp nhà nước; phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan tổ chức, vận động thực hiện "Ngày làm việc vì người nghèo" (ngày 17 tháng 10) hàng năm; tiếp tục thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo và tiêu chí hộ nghèo áp dụng trong những năm 2001-2005; nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một số chính sách về lao động và bảo hiểm xã hội cho phù hợp với tình hình hiện nay.

5. Bộ Y tế chủ trì các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện các đề án về chương trình hành động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo hiểm y tế trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III năm 2000.

6. Thực hiện chi trả một lần cho người có công với cách mạng theo Pháp lệnh số 19/2000/PL-UBTVQH10 ngày 04 tháng 02 năm 2000 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; chi hỗ trợ nhà ở đối với người hoạt động cách mạng trước năm 1945 theo Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ.

7. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm lồng ghép, hoàn tất các thủ tục về đầu tư, thực hiện hết vốn các chương trình quốc gia trên địa bàn theo mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch được giao. Hết quý III, nếu không triển khai thực hiện (không có dự án khả thi), thì điều vốn cho các dự án khác thuộc chương trình đã giao. Các Bộ, cơ quan chức năng, chủ quản Chương trình tăng cường kiểm tra việc thực hiện các Chương trình ở địa phương.

8. Tiếp tục triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn ma tuý, mại dâm, đặc biệt chú trọng xây dựng chương trình hành động phòng, chống ma tuý và chương trình hành động phòng chống tệ nạn mại dâm năm 2001-2005; sau khi Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định sửa đổi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/1996/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ theo hướng tinh giản thủ tục xét duyệt đưa đi chữa trị cai nghiện ma tuý, giảm độ tuổi cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm và kéo dài thêm thời gian cai nghiện, tạo điều kiện để cai nghiện đạt hiệu quả cao. Tổ chức và nâng cấp các trung tâm cai nghiện tập trung, kết hợp với cai nghiện tại cộng đồng; kết hợp giáo dục với lao động, dạy nghề, tạo việc làm...

Các cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức nghiện ma tuý cần kiên quyết vận động và tạo điều kiện giúp họ tự giác cai nghiện, nếu sau một thời gian nhất định không cai được thì đưa ra khỏi biên chế nhà nước.

9. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các cấp chính quyền địa phương cần có giải pháp tích cực và hữu hiệu để giảm tai nạn giao thông.

10. Các cấp chính quyền cần tập trung giải quyết các khiếu kiện của dân. Thanh tra Nhà nước cùng Văn phòng Chính phủ tổng hợp tình hình khiếu tố trong 2 năm gần đây, làm rõ thực trạng, nguyên nhân và đề ra giải pháp tháo gỡ. Đối với những việc đã có quyết định xử lý của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Nhà nước và Văn phòng Chính phủ kiểm tra kết quả thực hiện, đánh giá mức độ chấp hành của các cơ quan hành chính các cấp, báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người không làm đúng trách nhiệm, để khiếu kiện kéo dài.

Đối với các vụ khiếu kiện tập thể, phức tạp kéo dài, giao Thanh tra Nhà nước chủ trì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập đoàn liên ngành đến kiểm tra và đôn đốc xử lý, tiến hành phân loại các vụ khiếu kiện để có giải pháp xử lý thích hợp.

Các cấp chính quyền phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, ý kiến chỉ đạo của cấp trên, thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ ở cơ sở.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)