cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 108-CP ngày 13/05/1978 của Hội đồng Chính phủ Về trách nhiệm, quyền hạn quản lý tài chính và ngân sách của chính quyền nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 108-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 13-05-1978
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-1978
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 108-CP

Hà Nội, ngày 13 tháng 05 năm 1978 

 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ NGÂN SÁCH CỦA CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC CẤP TỈNH VÀ CẤP HUYỆN

Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “Nhiệm vụ cơ bản về tài chính là làm chủ các nguồn vốn để thực hiện đường lối và kế hoạch phát triển kinh tế. Xây dựng một quan hệ hợp lý giữa quỹ tiêu dùng và quỹ tích lũy. Tài chính phải làm tốt vai trò kiểm tra mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh, phát huy tác dụng tích cực của tài chính thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động xã hội. Xây dựng một ngân sách tích cực nhằm bảo đảm tốt kế hoạch phát triển kinh tế, mở mang các hoạt động văn hóa-xã hội, bảo đảm quốc phòng và giữ gìn an ninh. Quản lý chặt chẽ thu chi tài chính thống nhất trong các cấp ngân sách, đồng thời xác định đúng đắn quyền hạn về thu chi tài chính của các cấp chính quyền địa phương tương ứng với nhiệm vụ về quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước của mỗi cấp”.

Việc mở rộng trách nhiệm, quyền hạn quản lý tài chính của địa phương được thực hiện từ năm 1967 đến nay đã có tác dụng đề cao một bước vai trò và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc quản lý kinh tế, tài chính ở địa phương, thúc đẩy địa phương tích cực xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa và chăm lo đời sống của nhân dân, thực hiện nhiệm vụ hậu cần tại chỗ trong chiến tranh.

Bên cạnh những thành tích và kết quả đạt được, việc phân cấp quản lý tài chính cho chính quyền Nhà nước cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có một số khuyết điểm và nhược điểm:

- Chưa bảo đảm chặt chẽ yêu cầu quản lý tài chính Nhà nước thống nhất và tập trung phục vụ tốt nhiệm vụ kế hoạch, đồng thời chưa phát huy được trách nhiệm và tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương.

- Chưa phục vụ và thúc đẩy sự quản lý toàn diện của chính quyền địa phương đối với các mặt hoạt động trong địa phương, chưa phát huy đầy đủ vai trò của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra đôn đốc và giúp đỡ các xí nghiệp trung ương; mặt khác, chưa phát huy trách nhiệm của các Bộ, Tổng cục phụ trách đầy đủ công tác quản lý ngành trong cả nước, bao gồm cả xí nghiệp trung ương và xí nghiệp địa phương thuộc ngành.

- Quản lý tài chính và tín dụng có phần tách rời quản lý kinh tế, chưa khắc phục được khuynh hướng ỷ lại, cục bộ, bản vị; vai trò của tín dụng chưa được đề cao đúng mức.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng, trong thời gian tới, cần phải ra sức khắc phục những khuyết điểm và nhược điểm nói trên, đồng thời phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm và mở rộng hơn nữa quyền hạn quản lý tài chính và ngân sách của chính quyền địa phương, nhằm đáp ứng những yêu cầu sau đây:

1. Tăng cường sự lãnh đạo và quản lý tập trung thống nhất của trung ương về đường lối, chính sách, kế hoạch, chế độ trong cả nước trên các mặt tài chính, tín dụng, tiền tệ, giá cả, tiền lương; gắn chặt công tác kế hoạch hóa và quản lý tài chính Nhà nước với công tác kế hoạch hóa và quản lý kinh tế; kết hợp công tác kế hoạch hóa và quản lý theo ngành với công tác kế hoạch hóa và quản lý theo địa phương và theo vùng lãnh thổ, bảo đảm cho nền kinh tế quốc dân trong cả nước phát triển nhịp nhàng, cân đối, với tốc độ nhanh và hiệu quả kinh tế cao; nâng cao vai trò và trách nhiệm kế hoạch hóa và quản lý thống nhất trong cả nước của các ngành kinh tế - kỹ thuật.

2. Phát huy mạnh mẽ tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm toàn diện của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp huyện trong việc khai thác tốt nhất tiềm lực về lao động, đất đai, tài nguyên và mọi tài sản ở từng tỉnh, từng huyện, để phát triển mạnh mẽ kinh tế địa phương, kết kợp chặt chẽ kinh tế trung ương với kinh tế địa phương trên địa bàn tỉnh, huyện, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân và cải thiện đời sống của nhân dân.

Góp phần xây dựng những ngành kinh tế-kỹ thuật, những vùng kinh tế cơ bản và những cơ cấu kinh tế địa phương thích hợp với điều kiện tự nhiên và yêu cầu của cả nước, xây dựng các tỉnh thành những đơn vị kinh tế công-nông nghiệp phát triển, xây dựng các huyện thành những đơn vị kinh tế nông-công nghiệp vững mạnh, xây dựng chính quyền Nhà nước cấp tỉnh, thành phố và cấp huyện thành những cấp quản lý toàn diện.

3. Bảo đảm cho Nhà nước-thông qua ngân sách Nhà nước là khâu chủ đạo trong hệ thống tài chính xã hội chủ nghĩa thống nhất – tập trung một bộ phận ngày càng quan trọng thu nhập quốc dân sáng tạo ra hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ thực hiện kế hoạch Nhà nước theo đường lối của Đảng; làm cho chính quyền Nhà nước cấp tỉnh, thành phố và cấp huyện đều có trách nhiệm, quyền hạn quản lý tài chính Nhà nước và ngân sách Nhà nước trên địa bàn quản lý của mình, làm chủ được ngân sách tỉnh, thành phố và ngân sách huyện, công cụ để bảo đảm việc hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch của chính quyền địa phương.

I. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC CẤP TỈNH, THÀNH PHỐ VẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH TỈNH, THÀNH PHỐ

A. Về quản lý tài chính Nhà nước và ngân sách Nhà nước của chính quyền cấp tỉnh, thành phố: tiếp theo nghị định số 24-CP ngày 02-02-1976 của Hội đồng Chính phủ (điều 13 và 14), nay quy định cụ thể thêm như sau:

1. Đối với các xí nghiệp quốc doanh địa phương và các ngành do chính quyền địa phương quản lý, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có nhiệm vụ:

- Chỉ đạo công tác kế hoạch hóa và quản lý tài chính gắn liền với công tác chỉ đạo kế hoạch hóa và quản lý kinh tế-kỹ thuật của ngành, bảo  đảm thống nhất kế hoạch hiện vật với kế hoạch giá trị; thực hiện ngày càng hoàn chỉnh chế độ hạch toán kinh tế, thúc đẩy việc khai thác tiềm lực sẵn có để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành và phí lưu thông, tăng tích lũy cho ngân sách Nhà nước;

- Chỉ đạo công tác kế toán-thống kê ở xí nghiệp theo chế độ thống nhất của Nhà nước;

- Kiểm tra tài chính và kiểm tra kế toán thường xuyên và theo định kỳ để bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, đưa việc quản lý vào nguyên tắc, chế độ chặt chẽ; giữ vững kỷ luật về quản lý tài chính, tiền tệ, giá cả…, chống lãng  phí, tham ô.

2. Đối với các xí nghiệp quốc doanh trung ương hoạt động trên địa bàn tỉnh, thành phố, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có nhiệm vụ:

- Sử dụng Ty, Sở tài chính, Ngân hàng kiến thiết và Ngân hàng Nhà nước để tham gia ý kiến vào việc xây dựng kế hoạch tài chính gắn liền với kế hoạch kinh tế-kỹ thuật, thúc đẩy việc khai thác tiềm lực sẵn có để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành và phí lưu thông, tăng tích lũy cho ngân sách Nhà nước.

- Kiểm tra tài chính, kiểm tra kế toán thường xuyên và theo định kỳ để bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, đưa việc quản lý vào nguyên tắc, chế độ chặt chẽ, giữ vững kỷ luật về quản lý tài chính, tiền tệ, giá cả…, chống lãng phí, tham ô.

3. Đối với khu vực kinh tế tập thể (hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, hợp tác xã ngư nghiệp, hợp tác xã thủ công nghiệp…), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có nhiệm vụ:

- Thông qua cấp huyện để chỉ đạo việc tổ chức công tác tài vụ và kế toán hợp tác xã, giúp các hợp tác xã thực hiện từng bước chế độ hạch toán kinh tế;

- Kiểm tra việc chấp hành chế độ kế toán-thống kê, chế độ tài vụ do Nhà nước ban hành, kiểm tra tình hình kinh tế-tài chính của hợp tác xã nhằm đề cao quyền làm chủ tập thể của xã viên, đẩy mạnh sản xuất-kinh doanh theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng tích lũy cho tập thể, nâng cao đời sống và thu nhập của xã viên, đảm bảo thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ bán sản phẩm và nộp thuế cho Nhà nước

4. Đối với ngân sách Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện và kiểm tra công tác thu Nhà nước và thu thuế tại địa phương, bảo đảm việc thu nộp vào ngân sách Nhà nước của các xí nghiệp quốc doanh (trung ương và địa phương), của các hợp tác xã, các đơn vị và cơ quan, cũng như của các cá nhân công dân, theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước, đúng kế hoạch, đủ và kịp thời: thông qua công tác thu mà tác động đến hoạt động kinh tế, thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước đối với kinh tế cá nhân, khuyến khích sản xuất kinh doanh theo đúng phương hướng, chính sách của Nhà nước, tăng cường quản lý thị trường, khuyến khích và thúc đẩy công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa, góp phần củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Đối với các khoản chi của các ngành trung ương thực hiện trên địa bàn tỉnh, thành phố, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thông qua Ty, Sở tài chính, Ngân hàng kiến thiết, Ngân hàng Nhà nước, theo dõi tình hình chi tiêu, tổ chức việc cân đối các mặt lao động, vật tư, hàng hóa, tiền mặt trong tỉnh, thành phố; kiểm tra việc chấp hành các chính sách, chế độ và kỷ luật về quản lý tài chính, giá cả, tiền mặt. Nếu xét thấy số tiền cấp phát sử dụng không đúng mục đích, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật tài chính, thì Ủy ban nhân dân tỉnh có quyền ra lệnh tạm hoãn việc cấp phát kinh phí, đồng thời báo cáo ngay lên Bộ chủ quản và Bộ Tài chính.

Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc các ngành trung ương có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tài chính; cung cấp đầy đủ và kịp thời cho cán bộ tài chính được ủy quyền: tình hình và những tài kiệu cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu kiểm tra của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.

5. Đối với ngân sách tỉnh, thành phố, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có nhiệm vụ chỉ đạo việc lập, chấp hành và quyết toán ngân sách tỉnh, thành phố theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước và sự hướng dẫn của Bộ Tài chính; bảo đảm phát huy tác dụng của ngân sách tỉnh, thành phố là công cụ tài chính để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quản lý Nhà nước của chính quyền cấp tỉnh, thành phố.

Đối với ngân sách huyện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân huyện trong việc lập, chấp hành và quyết toán ngân sách huyện theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước.

Đối với ngân sách xã, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thông qua cấp huyện, hướng dẫn và kiểm tra Hội đồng nhân dân xã và Ủy ban nhân dân xã trong việc lập, chấp hành và quyết toán ngân sách xã theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước.

6. Đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các quỹ bảo hiểm xã hội trong tỉnh, thành phố và các quỹ dự trữ của hợp tác xã theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước.

7. Đối với hoạt động tín dụng, thanh toán và quản lý tiền mặt của ngân hàng, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng kiến thiết trong địa bàn tỉnh, thành phố, kết hợp tốt tín dụng với các biện pháp tài chính khác, phát huy tác dụng của hệ thống ngân hàng phục vụ sản xuất, xây dựng và lưu thông hàng hóa, thúc đẩy hạch toán kinh tế.

B. Ngân sách tỉnh, thành phố

1. Ngân sách tỉnh, thành phố là kế hoạch tài chính cơ bản của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh, thành phố, là công cụ để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch về kinh tế-văn hóa-xã hội của tỉnh, thành phố, bảo đảm sự hoạt động bình thường của các cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh, thành phố. Thông qua ngân sách tỉnh, thành phố, chính quyền Nhà nước cấp tỉnh, thành phố khai thác và động viên mọi khả năng tiềm tàng về lao động, đất đai, tài nguyên và mọi tài sản thuộc kinh tế địa phương; thực hiện việc phân phối theo đúng phương hướng và nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước, đúng nguyên tắc, chính sách, chế độ các nguồn vốn mà Nhà nước giao cho địa phương quản lý đạt hiệu quả kinh tế cao; thực hiện việc giám đốc, kiểm tra tài chính đối với mọi hoạt động của các ngành, các cấp, các xí nghiệp và đơn vị cơ sở nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, mở rộng lưu thông hàng hóa, động viên phong trào đồng khởi thi đua xã hội chủ nghĩa, lao động sản xuất và tiết kiệm, hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch Nhà nước.

2. Căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước trong từng thời kì đối với cả nước cũng như đối với từng địa phương, các nguồn thu được xác định cho ngân sách tỉnh, thành phố bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch hàng năm của tỉnh, thành phố.

Được ghi vào ngân sách tỉnh, thành phố tất cả các khoản chi thuộc chức trách, nhiệm vụ và quyền quản lý của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh, thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện kế hoạch về kinh tế-văn hóa-xã hội của địa phương, bảo vệ trật tự an ninh và bảo đảm hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước thuộc địa phương.

a) Chi về xây dựng và phát triển kinh tế địa phương, bao gồm vốn xây dựng cơ bản và vốn lưu động thuộc ngân sách cấp phát (không kể phẩn do ngân hàng đầu tư bằng vốn tín dụng); các khoản kinh phí khác cấp cho các xí nghiệp quốc doanh và các đơn vị sự nghiệp kinh tế do cấp tỉnh, thành phố quản lý; chi về xây dựng và quản lý kết cấu kinh tế hạ tầng phục vụ chung tất cả các cơ sở kinh tế, văn hóa và đời sống của dân cư trên lãnh thổ tỉnh, thành phố.

b) Chi về phát triển văn hóa-xã hội ở địa phương, bao gồm vốn xây dựng cơ bản và các khoản kinh phí để thực hiện các sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, nghiên cứu khoa học-kỹ thuật; các khoản chi về phục vụ lợi ích công cộng và phúc lợi tập thể, về xây dựng nhà ở, về quỹ bảo hiểm xã hội và sự nghiệp xã hội ở tỉnh, thành phố.

c) Chi về quản lý hành chính để đảm bảo hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc địa phương.

d) Các khoản chi khác do Nhà nước quy định ghi vào ngân sách tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, ngân sách tỉnh, thành phố hàng năm còn ghi một khoản dự bị phí bằng từ 3% đến 5% tổng số chi của ngân sách để ứng phó với những nhu cầu chi đột xuất.

3. Nguồn thu chủ yếu của ngân sách tỉnh, thành phố là dựa vào phát triển sản xuất, kinh doanh của tỉnh, thành phố, trước hết là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp và thủ công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, nhằm vào những mặt hàng mà địa phương có truyền thống sản xuất và có điều kiện về nguyên liệu để cung ứng cho đời sống của nhân dân và tham gia vào kế hoạch xuất khẩu của Nhà nước; làm tốt công tác lưu thông, phân phối phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Tất cả các nguồn thu ngân sách trên lãnh thổ tỉnh, thành phố là nguồn thu chung của ngân sách Nhà nước. Căn cứ vào yêu cầu chung của tỉnh, thành phố và tùy theo tính chất của từng loại thu mà Nhà nước quy định để lại cho ngân sách tỉnh, thành phố một mức cần thiết để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội hàng năm của tỉnh, thành phố:

a) Các khoản thu quốc doanh của các xí nghiệp quốc doanh thuộc trung ương và địa phương

b) Các khoản thu trích nộp lợi nhuận xí nghiệp của các xí nghiệp quốc doanh thuộc trung ương và địa phương, trừ lợi nhuận của các ngành: vận tải đường sắt, đường biển, đường hàng không, bưu điện, thu của các cơ sở kinh doanh vật tư do Bộ vật tư quản lý, thu của các cơ sở điện lực do Bộ Điện và than quản lý, thu bù của toàn ngành lương thực (không tính các xí nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm), thu bù chênh lệch ngoại thương và lợi nhuận của các cơ sở kinh doanh do Bộ Ngoại thương quản lý, thu của Công ty bảo hiểm Nhà nước, thu của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng kiến thiết.

c) Khoản thưởng khuyến khích hàng xuất khẩu (kể cả thưởng bằng ngoại tệ cho địa phương, không kể các khoản thưởng xuất khẩu dành cho các cơ sở sản xuất).

d) Các loại thuế thu vào khu vực kinh tế tập thể, cá thể như thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp…

đ) Các khoản thu khác, bao gồm:

- Thu khấu hao cơ bản (trừ các xí nghiệp vay vốn đầu tư của ngân hàng, từ phần khấu hao cơ bản để lại cho các liên hiệp xí nghiệp trực thuộc trung ương theo quy định của Nhà nước), thu tiền bán tài sản thải loại thuộc cấp tỉnh, thành phố quản lý; thu hoàn vốn lưu động thừa của các xí nghiệp quốc doanh do cấp tỉnh, thành phố quản lý

- Thu về các sự nghiệp kinh tế, văn hóa do cấp tỉnh, thành phố quản lý.

- Một số khoản thu khác mà cấp tỉnh, thành phố được phép thu theo quy định thống nhất của Nhà nước.

Các khoản thu ở điểm a, b, c, d nói trên được để lại cho ngân sách tỉnh, thành phố một phần theo tỷ lệ điều tiết. Tỷ lệ điều tiết từng loại thu do Hội đồng Chính phủ xác định cho từng tỉnh, thành phố và được ổn định cho đến năm 1980 (riêng các tỉnh, thành phố miền Nam chưa ổn định tỷ lệ điều tiết này, vì nền kinh tế đang trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa)

Các khoản thu khác nói ở điểm đ dành hoàn toàn cho ngân sách tỉnh, thành phố.

e) Nếu các loại thu nói trên vẫn chưa đủ để đảm bảo các yêu cầu chi để thực hiện nhiệm vụ của tỉnh, thành phố thì ngân sách trung ương trợ cấp cho ngân sách tỉnh, thành phố.

Trợ cấp của ngân sách trung ương cho ngân sách tỉnh, thành phố gồm hai loại:

- Trợ cấp đầu tư xây dựng cơ bản một số công trình kinh tế, văn hóa trọng điểm ghi trong kế hoạch Nhà nước hoặc một số khoản chi xây dựng cơ bản vượt quá khả năng của ngân sách địa phương.

- Trợ cấp để cân đối ngân sách cho những tỉnh, thành phố ,mà kinh tế chưa phát triển và còn nhiều khó khăn.

Ngoài vốn ngân sách các địa phương còn được vay vốn của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của địa phương, hoặc để giải quyết nhu cầu vốn lưu động của địa phương theo chế độ của Nhà nước.

4. Hàng năm, căn cứ vào sổ kiểm tra kế hoạch Nhà nước và ngân sách Nhà nước đã được giao và căn cứ vào nhiệm vụ phát triển của mỗi ngành, của từng vùng lãnh thổ và của từng tỉnh, thành phố mà các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ (dưới đây gọi tắt là các Bộ) hướng dẫn các ngành ở cấp tỉnh, thành phố xây dựng dự án kế hoạch kinh tế và kế hoạch tài chính; đồng thời Bộ Tài chính tham khảo y kiến của các Bộ và hướng dẫn các Ty, Sở tài chính giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xây dựng dự án ngân sách tỉnh, thành phố

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố giao sổ kiểm tra ngân sách cho các Ty, Sở, đồng thời giao sổ kiểm tra ngân sách cho Ủy ban nhân dân huyện. Căn cứ vào sổ kiểm tra này, các Ty, Sở xây dựng dự án ngân sách ngành; Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các đơn vị kinh tế, sự nghiệp, hành chính xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách huyện.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tổng hợp dự án ngân sách của các huyện và dự án ngân sách của các Ty, Sở thành lập dự án ngân sách tỉnh, thành phố, gửi dự án ngân sách tỉnh, thành phố đến Bộ Tài chính, để Bộ Tài chính lập dự án ngân sách Nhà nước trình Hội đồng Chính phủ xét duyệt và trình Quốc hội quyết định. Căn cứ vào kế hoạch Nhà nước và ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội quyết định, Hội đồng Chính phủ giao kế hoạch và ngân sách cho các tỉnh, thành phố; trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố lập dự án kế hoạch và ngân sách chính thức của tỉnh, thành phố để trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố thảo luận và quyết định.

Việc lập ngân sách tỉnh, thành phố phải kết hợp chặt chẽ với việc xây dựng kế hoạch kinh tế-văn hóa-xã hội của địa phương, gắn liền kế hoạch hiện vật với kế hoạch giá trị và kế hoạch tài chính.

5. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định:

a) Ngân sách tỉnh, thành phố với tổng số thu có chia ra các nguồn thu chính và với tổng số chi có chia ra các khoản chi cấp phát cho kinh tế, văn hóa, xã hội, cấp phát cho bộ máy quản lý Nhà nước cấp tỉnh, thành phố và các khoản chi khác do ngân sách tỉnh, thành phố đài thọ;

b) Phần ngân sách do cấp tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý;

c) Ngân sách từng huyện nằm trong ngân sách tỉnh;

6. Trong khi quyết định ngân sách tỉnh, thành phố, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố có thể tăng tổng số thu ngân sách đã được Quốc hội quyết định với điều kiện thu đúng chính sách, chế độ của Nhà nước và trên cơ sở cải tiến quản lý, khai thác tiềm lực của kinh tế địa phương và không được thay đổi tỷ lệ điều tiết các khoản thu đã được Hội đồng Chính phủ xác định; trên cơ sở tăng mức thu ngân sách, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố có thể tăng tổng số chi ngân sách với điều kiện chi đúng chính sách, chế độ của Nhà nước, đúng phương hướng kế hoạch Nhà nước và bảo đảm các mặt cân đối, không được tăng chi về quản lý hành chính.

Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố không được tự ý đặt ra mọi khoản thu nào nếu không được Hội đồng Chính phủ cho phép.

7. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có nhiệm vụ tổ chức việc chấp hành ngân sách do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố đã quyết định theo đúng điều lệ về lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước:

- Hàng quý duyệt kế hoạch thu chi quý (có chia ra từng tháng) do Ty, Sở tài chính lập; Ty, Sở tài chính phải gửi báo cáo này lên Bộ Tài chính.

- Chỉ đạo Ty, Sở tài chính thu đúng chính sách, chế độ của Nhà nước, thu đủ và kịp thời, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức sổ thu của ngân sách Nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh).

- Cấp phát vốn kịp thời, sát tiến độ thực hiện công tác, sử dụng vốn hợp lý và tiết kiệm, đúng mục đích, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, chế độ tài chính, kế toán và chế độ quyết toán của Nhà nước

8. Trong quá trình chấp hành ngân sách:

- Nếu tăng thu đúng chính sách, chế độ và tiết kiệm chi so với tiêu chuẩn, định mức thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố được quyền tăng thêm vốn xây dựng cơ bản hoặc chi thêm những khoản mới chưa dự trù trong kế hoạch đầu năm, nhưng không được tăng kinh phí quản lý hành chính.

- Nếu thu bị giảm, thì phải điều chỉnh kế hoạch chi để cân đối lại thu chi ngân sách.

- Nếu không sắp xếp được, thì sử dụng phí dự bị; việc sử dụng phí dự bị phải do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định và ký văn bản.

- Nếu sử dụng ngân sách sai chính sách, chế độ Nhà nước đã quy định, thì những người có trách nhiệm trong Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố sẽ bị coi là vi phạm kỷ luật tài chính và bị xử lý theo pháp luật Nhà nước.

9. Sau khi ngân sách Nhà nước đã được phê chuẩn, trong quá trình chấp hành, nếu có trường hợp Nhà nước thay đổi chủ trương và chính sách làm cho ngân sách tỉnh, thành phố phải tăng chi hoặc giảm thu, thì ngân sách trung ương bù đắp các khoản thiếu hụt đó; nếu ngược lại làm giảm chi hoặc tăng thu, thì ngân sách tỉnh, thành phố phải nộp khoản vốn dôi ra vào ngân sách trung ương.

10. Cuối năm, nếu do tăng cường và cải tiến quản lý mà hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu và hoàn thành nhiệm vụ chi nhưng tiết kiệm được kinh phí so với tiêu chuẩn, định mức, và thành tích đó được Bộ Tài chính xác nhận, thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố được giữ lại số kết dư hình thành để làm dự trữ tài chính cho địa phương hoặc để xây dựng những công trình kinh tế, văn hóa, phúc lợi ở địa phương. Kế hoạch sử dụng kết dư do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định và báo cáo với Bộ Tài chính.

Tùy theo tình hình cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có thể sử dụng số kết dư để cân đối ngân sách tỉnh của năm sau. Trong trường hợp đặt biệt, theo đề nghị của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ có thể điều động số kết dư của ngân sách tỉnh, thành phố để bảo vệ những nhu cầu chung của cả nước.

Nếu không hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch xây dựng cơ bản do vốn ngân sách trung ương trợ cấp mà còn thừa vốn, thì số thừa phải ghi vào ngân sách của năm sau hoặc nộp trả lại ngân sách trung ương.

11. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có nhiệm vụ chấp hành đúng chế độ kế toán ngân sách và báo cáo với Bộ Tài chính tình hình chấp hành kế hoạch thu chi ngân sách hàng tháng và quyết toán ngân sách hàng quý. Báo cáo phải chính xác, trung thực, đúng thời hạn và theo biểu mẫu thống nhất do Bộ Tài chính quy định

12. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có nhiệm vụ lập tổng quyết toán ngân sách tỉnh, thành phố gồm quyết toán của các ngành trong tỉnh, thành phố và quyết toán ngân sách các huyện, trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố phê chuẩn rồi gửi đến Bộ Tài chính để tổng hợp và lập tổng quyết toán ngân sách Nhà nước.

13. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có nhiệm vụ tổ chức việc thanh tra tài chính đối với tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị, nhằm thúc đẩy việc chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ của Nhà nước, giữ vững kỷ luật về quản lý tài chính, tiền tệ, giá cả…bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, chống lãng phí, tham ô.

II. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC CẤP HUYỆN VẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH HUYỆN

A. Về quản lý tài chính Nhà nước và ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện, tiếp theo nghị quyết của Hội đồng Chính phủ số 33-CP ngày 04-02-1978 (điều 7), nay quy định cụ thể thêm như sau:

1. Đối với các xí nghiệp quốc doanh do cấp huyện quản lý, Ủy ban nhân dân huyện có nhiệm vụ:

- Chỉ đạo công tác kế hoạch hóa và quản lý tài chính gắn liền với công tác kế hoạch hóa và quản lý kinh tế-kỹ thuật của ngành, bảo đảm thống nhất kế hoạch hiện vật với kế hoạch giá trị, thực hiện ngày càng hoàn chỉnh chế độ hạch toán kinh tế, thúc đẩy việc khai thác tiềm lực sẵn có để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành và phí lưu thông, tăng tích lũy cho ngân sách Nhà nước.

- Chỉ đạo công tác kế toán thống kê ở xí nghiệp theo chế độ thống nhất của Nhà nước.

- Kiểm tra tài chính, kiểm tra kế toán thường xuyên và theo định kỳ để bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, đưa việc quản lý vào nguyên tắc, chế độ chặt chẽ, giữ vững kỷ luật về quản lý tài chính, tiền tệ, giá cả…, chống lãng phí, tham ô.

2. Đối với các xí nghiệp quốc doanh do cấp tỉnh và trung ương quản lý họat động trên địa bàn huyện, Ủy ban nhân dân huyện có nhiệm vụ:

- Sử dụng cơ quan tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng kiến thiết để tham gia ý kiến vào việc lập kế hoạch tài chính gắn liền với kế hoạch kinh tế - kỹ thuật của những đơn vị có liên quan đến cơ cấu kinh tế nông-công nghiệp huyện do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc các ngành trung ương ủy nhiệm cụ thể cho huyện, thúc đẩy các đơn vị này khai thác tiềm lực sẵn có để đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nâng cao chất lượng lao động. hạ giá thành và phí lưu thông. Tăng tích lũy cho ngân sách Nhà nước.

- Kiểm tra tài chính, kiểm tra kế toán thường xuyên và theo định kỳ để bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, giữ vững kỷ luật về quản lý tài chính – kế toán, tín dụng, tiền tệ, giá cả…, chống lãng phí, tham ô.

3. Đối với khu vực kinh tế tập thể, (hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, hợp tác xã ngư nghiệp, hợp tác xã thủ công nghiệp…), Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức công tác tài vụ và kế toán hợp tác xã, giúp các hợp tác xã thực hiện từng bước chế độ hạch toán kinh tế.

- Kiểm tra việc chấp hành chế độ kế toán, thống kê, tài vụ do Nhà nước ban hành; kiểm tra tình hình kinh tế, tài chính, nhằm phát huy quyền làm chủ tập thể của xã viên, đẩy mạnh sản xuất-kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng tích lũy cho tập thể, nâng cao thu nhập và đời sống của xã viên.

- Đôn đốc, kiểm tra các hợp tác xã làm nghĩa vụ nộp thuế và bán sản phẩm cho Nhà nước.

4. Đối với ngân sách Nhà nước, Ủy ban nhân dân huyện có nhiệm vụ:

- Chỉ đạo thực hiện và kiểm tra công tác thu Nhà nước đối với một số xí nghiệp và đơn vị do Ủy ban nhân dân, thành phố ủy nhiệm cụ thể, tổ chức việc thu thuế tại địa phương, bảo đảm việc thu nộp vào ngân sách Nhà nước của các xí nghiệp quốc doanh (trung ương, tỉnh và huyện), của các hợp tác xã, các đơn vị và cơ quan, cũng như của các cá nhân công dân, theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước, đúng kế hoạch, đủ và kịp thời; thông qua công tác thu mà tác động đến hoạt động kinh tế, thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân, khuyến khích sản xuất-kinh doanh theo đúng chính sách, phương hướng kế hoạch của Nhà nước, tăng cường quản lý thị trường, khuyến khích và thúc đẩy công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa, góp phần củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

- Đối với các khoản chi của các ngành trung ương và tỉnh, thành phố thực hiện trên địa bàn huyện, Ủy ban nhân dân huyện có trách nhiệm và quyền hạn theo dõi tình hình chi tiêu trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của huyện mà tổ chức việc cân đối các mặt lao động, vật tư, tiền mặt trong huyện, kiểm tra việc chấp hành các chính sách, chế độ và kỷ luật tài chính, kỷ luật giá cả, kỷ luật tiền mặt. Nếu xét thấy số tiền cấp phát không sử dụng đúng mục đích, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật tài chính, thì Ủy ban nhân dân huyện phải báo cáo ngay lên Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Ty, Sở tài chính xét và giải quyết.

- Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc các ngành trung ương và tỉnh, thành phố có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Ủy ban nhân dân huyện thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tài chính, cung cấp đầy đủ và kịp thời cho cán bộ tài chính được ủy quyền: tình hình và những tài liệu cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân huyện.

5. Đối với ngân sách huyện, Ủy ban nhân dân huyện có nhiệm vụ chỉ đạo việc lập, chấp hành và quyết toán ngân sách huyện theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước và sự hướng dẫn của Ty, Sở tài chính, bảo đảm phát huy tác dụng của ngân sách huyện là công cụ tài chính, để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quản lý Nhà nước của chính quyền cấp huyện.

Đối với ngân sách xã, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân xã và Ủy ban nhân dân xã trong việc lập, chấp hành và quyết toán ngân sách xã theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước.

6. Đối với quỹ bảo hiểm xã hội, Ủy ban nhân dân huyện hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các quỹ bảo hiểm xã hội trong huyện và các quỹ dự trữ của các hợp tác xã theo đúng chính sách, chế độ Nhà nước.

7. Đối với hoạt động tín dụng, thanh toán và quản lý tiền mặt của ngân hàng, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các hoạt đồng của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng kiến thiết trên địa bàn huyện, kết hợp tốt tín dụng và các biện pháp tài chính khác, phát huy tác dụng của hệ thống ngân hàng phục vụ sản xuất và lưu thông, thúc đẩy hạch toán kinh tế.

B. Ngân sách huyện.

1. Ngân sách huyện là kế hoạch tài chính cơ bản của chính quyền Nhà nước cấp huyện, là công cụ để xây dựng huyện vững mạnh, thật sự trở thành đơn vị kinh tế nông-công nghiệp, tạo điều kiện cho chính quyền Nhà nước cấp huyện thành một cấp quản lý kế hoạch toàn diện: quản lý sản xuất, quản lý lưu thông phân phối và quản lý đời sống. Thông qua ngân sách huyện, chính quyền Nhà nước cấp huyện khai thác và động viên mọi khả năng tiềm tàng về lao động, đất đai, tài nguyên và mọi tài sản của huyện; thực hiện việc phân phối theo đúng phương hướng và nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước, đúng nguyên tắc và chính sách, chế độ những nguồn vốn mà Nhà nước giao cho huyện quản lý, đạt hiệu quả kinh tế cao; thực hiện việc giám đốc, kiểm tra tài chính đối với mọi hoạt động sản xuất-kinh doanh của các ngành, các xí nghiệp và đơn vị cơ sở do cấp huyện quản lý, nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, mở rộng lưu thông hàng hóa, thực hành tiết kiệm, hoàn thành toàn diện và vượt mực kế hoạch Nhà nước.

2. Được ghi vào ngân sách huyện các khoản chi bảo đảm nhiệm vụ của chính quyền Nhà nước cấp huyện:

a) Chi về xây dựng và phát triển kinh tế của huyện, bao gồm vốn xây dựng cơ bản, vốn lưu động thuộc ngân sách cấp phát (không kể phần do ngân hàng đầu tư bằng vốn tín dụng); các khoản kinh phí khác cấp cho các xí nghiệp quốc doanh và các đơn vị sự nghiệp kinh tế do cấp huyện quản lý.

b) Chi về phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, đào tạo cán bộ, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, công tác xã hội trên địa bàn huyện, bao gồm vốn xây dựng cơ bản, kinh phí sự nghiệp cho các tổ chức văn hóa, các đơn vị sự nghiệp nhà trẻ, mẫu giáo, vỡ lòng, giáo dục phổ thông, các bệnh viện, bệnh xá, tổ chức y tế và bảo vệ sức khỏe của nhân dân, các đội y tế lưu động… các đơn vị sự nghiệp thông tin, tuyên truyền, thể dục thể thao, các đơn vị sự nghiệp xã hội và công tác xã hội do cấp huyện quản lý.

c) Chi về quản lý hành chính ở cấp huyện.

d) Chi trợ cấp cho các xã trong huyện.

đ) Các khoản chi khác.

Ngoài ra, ngân sách huyện còn ghi một khoản dự bị bằng từ 3% đến 5% tổng số chi của ngân sách để ứng phó với những nhu cầu chi đột xuất.

3. Nguồn thu chủ yếu của ngân sách huyện là dựa vào phát triển sản xuất-kinh doanh của huyện, trước hết là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu nhằm vào những mặt hàng mà địa phương có truyền thống sản xuất và có điều kiện về nguyên liệu để cung ứng cho đời sống của nhân dân và tham gia vào kế hoạch xuất khẩu của Nhà nước; làm tốt công tác thu mua nắm nguồn hàng và công tác lưu thông phân phối phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.

Tất cả các nguồn thu Nhà nước trên địa bàn  huyện là nguồn thu chung của ngân sách Nhà nước. Căn cứ vào yêu cầu chung của huyện và tùy theo tính chất của từng nguồn thu mà quy định để lại cho ngân sách huyện một mức cần thiết để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch kinh tế-văn hóa-xã hội hàng năm của huyện, gồm:

a) Các loại thuế như thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp giao cho cấp huyện tổ chức thu và được hưởng một phần số thu đó theo quy đinh của Nhà nước.

b) Các khoản thu quốc doanh, thu trích nộp lợi nhuận của các xí nghiệp quốc doanh do cấp huyện quản lý, hoặc do cấp tỉnh quản lý nhưng giao cho cấp huyện thu và được hưởng một phần số thu đó theo quy định của Nhà nước.

c) Khoản thưởng khuyến khích hàng xuất khẩu (kể cả thưởng bằng ngoại tệ) cho huyện không kể các khoản thưởng xuất khẩu dành cho các cơ sở sản xuất.

d) Thu khấu hao cơ bản (trừ các xí nghiệp vay vốn đầu tư của ngân hàng, trừ phần khấu hao cơ bản để lại cho các liên hiệp xí nghiệp trực thuộc trung ương hoặc cấp tỉnh theo quy định của Nhà nước), thu tiền bán tài sản thải loại do huyện quản lý, thu hoàn vốn lưu động thừa của các xí nghiệp quốc doanh do huyện quản lý; các khoản thu về sự nghiệp kinh tế, văn hóa do cấp huyện quản lý, một số khoản thu khác do Nhà nước quy định thống nhất và cho phép cấp huyện thu.

Phần để lại cho ngân sách huyện là một phần trong số thu điều tiết của ngân sách Nhà nước đã dành cho ngân sách tỉnh, thành phố. Mức được hưởng của ngân sách huyện ở điểm a, b nói trên do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xác định hàng năm theo sự hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Các khoản thu nói ở điểm d trên đây dành hoàn toàn cho ngân sách huyện.

đ) Nếu các loại thu nói trên vẫn chưa đủ để bảo đảm các yêu cầu chi để thực hiện nhiệm vụ của huyện, thì ngân sách tỉnh trợ cấp cho ngân sách huyện.

Ngoài vốn ngân sách, huyện còn được vay vốn của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của huyện và để giải quyết nhu cầu vốn lưu động theo chế độ của Nhà nước.

4. Hàng năm, căn cứ vào sổ kiểm tra kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa và ngân sách của tỉnh đã được giao, và căn cứ vào nhiệm vụ phát triển của mỗi ngành, các Sở, Ty chuyên môn hướng dẫn các ngành ở cấp huyện xây dựng đề án kế hoạch kinh tế và kế hoạch tài chính, đồng thời cùng Ty tài chính tham gia ý kiến với cấp huyện trong việc bố trí ngân sách của huyện.

Ủy ban nhân dân huyện theo phương hướng nhiệm vụ chung của kế hoạch Nhà nước hàng năm và trên cơ sở dự án kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa của tỉnh, thành phố và kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa của huyện, lập dự án ngân sách huyện và trình dự án này lên Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xét và tổng hợp vào ngân sách tỉnh, thành phố.

5. Ngân sách huyện được lập theo trình tự sau đây:

a) Các ban, phòng chuyên môn trên cơ sở nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa của huyện và theo sự hướng dẫn của các Sở, Ty lập dự án kế hoạch tài chính và dự toán chi hành chính sự nghiệp của các ngành trực thuộc huyện, trình Ủy ban nhân dân huyện sau khi đã có ý kiến của các Sở, Ty chuyên môn ở cấp tỉnh, để Ủy ban nhân dân huyện tổng hợp lập dự án ngân sách huyện.

b) Ban tài chính huyện sơ bộ xem xét các dự án kế hoạch tài chính và các dự toán chi hành chính sự nghiệp của các ban, phòng chuyên môn ở huyện, tổng hợp thành dự án ngân sách huyện, thống nhất dự án đó với dự án phát triển kinh tế, văn hóa của huyện và trình Ủy ban nhân dân huyện thông qua, Ủy ban nhân dân huyện trình dự án ngân sách huyện lên Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xét duyệt.

Việc lập ngân sách huyện phải kết hợp chặt chẽ với việc xây dựng kế hoạch kinh tế-văn hóa-xã hội của huyện, gắn liền kế hoạch hiện vật với kế hoạch giá trị và kế hoạch tài chính.

Sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xét duyệt, Ủy ban nhân dân huyện trình ngân sách huyện ra Hội đồng nhân dân huyện thảo luận và thông qua.

6. Hội đồng nhân dân huyện quyết định ngân sách huyện với tổng số thu có chia ra các khoản thu chính, và với tổng số chi có chia ra các khoản chi cấp phát cho kinh tế, văn hóa, xã hội, chi cho bộ máy quản lý Nhà nước cấp huyện, chi trợ cấp cho ngân sách các xã trong huyện.

7. Trong khi quyết định ngân sách huyện, Hội đồng nhân dân huyện có thể tăng tổng số thu ngân sách đã được tỉnh duyệt với điều kiện thu đúng chính sách, chế độ của Nhà nước và trên cơ sở cải tiến quản lý, khai thác tiềm lực của kinh tế địa phương, không được thay đổi tỷ lệ điều tiết các khoản thu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xác định; trên cơ sở tăng mức thu ngân sách, Hội đồng nhân dân huyện có thể tăng tổng số chi ngân sách với điều kiện chi đúng ngân sách, chế độ của Nhà nước, đúng phương hướng kế hoạch Nhà nước và bảo đảm các mặt cân đối, không được tăng chi về quản lý hành chính.

Hội đồng nhân dân huyện không được tự ý đặt ra một khoản thu nào nếu không được Hội đồng Chính phủ cho phép.

8. Ủy ban nhân dân huyện có nhiệm vụ tổ chức việc chấp hành ngân sách huyện.

Ban tài chính huyện phải lập kế hoạch thu chi hàng quý (có chia ra từng tháng), phải chấp hành đúng chế độ kế toán ngân sách và chế độ báo cáo theo đúng quy định của Nhà nước.

Ngân hàng huyện phải tổ chức bộ phận quản lý quỹ ngân sách Nhà nước và tổ chức kế toán kho bạc theo đúng chế độ của Nhà nước.

9. Trong quá trình chấp hành ngân sách:

- Nếu tăng thu đúng chính sách, chế độ và tiết kiệm chi so với tiêu chuẩn, định mức, thì cấp huyện được quyền tăng thêm vốn xây dựng cơ bản hoặc ghi thêm những khoản mới chưa dự trù trong kế hoạch đầu năm, nhưng không được tăng kinh phí quản lý hành chính.

- Nếu thu bị giảm, thì phải điều chỉnh kế hoạch chi để cân đối lại thu chi ngân sách.

- Nếu không sắp xếp được, thì sử dụng phí dự bị. Việc sử dụng phí dự bị phải do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện quyết định và ký văn bản.

- Nếu sử dụng kinh phí ngân sách sai chính sách, chế độ, thì coi là vi phạm kỷ luật về quản lý tài chính và bị xử lý theo luật pháp của Nhà nước.

10. Sau khi ngân sách huyện đã được phê chuẩn, trong quá trình chấp hành, nếu có trường hợp Nhà nước thay đổi chủ trương và chính sách làm cho ngân sách huyện phải tăng chi hoặc giảm thu, thì ngân sách trung ương hoặc ngân sách tỉnh, thành phố bù đắp các khoản thiếu hụt đó; nếu ngược lại, làm giảm chi hoặc tăng thu, thì số vốn dôi ra đó phải nộp lên ngân sách tỉnh, thành phố hoặc ngân sách trung ương.

11. Cuối năm, nếu do tăng cường và cải tiến quản lý mà hoàn thành vượt mức kế hoạch thu và hoàn thành nhiệm vụ chi nhưng tiết kiệm được kinh phí so với tiêu chuẩn, định mức và thành tích đó được cấp tỉnh xác nhận thì cấp huyện được giữ lại số thu trội thêm hoặc số chi tiết kiệm được để làm dự trữ tài chính cho huyện hoặc để xây dựng những công trình kinh tế, văn hóa, phúc lợi ở địa phương.

Kế hoạch sử dụng khoản dự trữ tài chính này phải được Hội đồng nhân dân huyện phê chuẩn và báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.

Nếu do không hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch xây dựng cơ bản mà còn thừa kinh phí thì số thừa phải ghi vào ngân sách của năm sau, hoặc nộp trả lại ngân sách tỉnh nếu là trợ cấp xây dựng cơ bản của ngân sách tỉnh, thành phố.

12. Hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện có nhiệm vụ lập tổng quyết toán ngân sách huyện và trình Hội đồng nhân dân huyện phê chuẩn rồi gửi lên Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để lập quyết toán ngân sách tỉnh, thành phố.

Báo cáo tổng quyết toán ngân sách huyện phải chính xác, trung thực, đúng thời hạn và theo biểu mẫu thống nhất do Bộ Tài chính quy định.

13. Ủy ban nhân dân huyện có nhiệm vụ tổ chức việc thanh tra tài chính đối với tất cả các ngành, các đơn vị do cấp huyện quản lý và đối với cấp xã nhằm thúc đẩy việc chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ của Nhà nước, giữ vững kỷ luật về quản lý tài chính, tiền tệ, giá cả…bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, chống lãng phí, tham ô.

14. Đối với ngân sách quận, khu phố trực thuộc ngân sách thành phố, ngân sách thị xã trực thuộc ngân sách tỉnh, sẽ có quy định riêng.

15. Ngân sách xã là một cấp ngân sách của hệ thống ngân sách Nhà nước, nhưng tạm thời chưa tổng hợp thu, chi ngân sách xã vào ngân sách huyện. Các khoản trợ cấp cho ngân sách xã do ngân sách huyện giải quyết.

Nội dung thu chi của ngân sách xã và những quy định về lập và chấp hành ngân sách xã ghi trong nghị định số 64-CP ngày 08-04-1972 của Hội đồng Chính phủ được tiếp tục thi hành đối với các xã thuộc các tỉnh miền Bắc.

Đối với các xã thuộc các tỉnh miền Nam, Bộ tài chính dựa vào nghị định số 64-CP và thông tư số 196-TTg ngày 08-9-1977 về chính sách, chế độ đãi ngộ cán bộ xã ở các tỉnh, thành phố miền Nam mà hướng dẫn các tỉnh, thành phố giải quyết các khoản thu chi cho cấp xã thuộc địa phương.

Chính quyền xã không được tự đặt ra một khoản thu nào nếu không được Hội đồng Chính phủ cho phép và phải thực hiện chi theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Nghị quyết này thi hành kể từ năm ngân sách 1978 đối với tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Riêng về cấp huyện, thì được thi hành đối với các huyện đồng bằng, trung du ở các tỉnh miền Bắc. Đối với các huyện miền núi ở các tỉnh miền Bắc và các huyện ở các tỉnh miền Nam, cần nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể và làm thử ở một số nơi có điều kiện; sau khi rút được kinh nghiệm, thì mới mở rộng ra các huyện khác.

Hội đồng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính cùng Ủy ban kế hoạch Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc thi hành nghị quyết này.

Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải chỉ đạo các ngành ở địa phương sắp xếp lại bộ máy, lề lối làm việc và tăng cường cán bộ cho các ngành ở huyện để thực hiện tốt nghị quyết này.

Bộ Tài chính phải tăng cường bộ máy thanh tra tài chính từ trung ương đến tỉnh, huyện…, bảo đảm kiểm tra các ngành, các cấp, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ tài chính theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước.

 

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị