Quyết định số 2679/QĐ-UBND ngày 01/12/2016 Phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển rừng cảnh quan nội ô thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
- Số hiệu văn bản: 2679/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Ngày ban hành: 01-12-2016
- Ngày có hiệu lực: 01-12-2016
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-07-2017
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 218 ngày (0 năm 7 tháng 8 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 07-07-2017
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2679/QĐ-UBND | Lâm Đồng, ngày 01 tháng 12 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG CẢNH QUAN NỘI Ô THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 38/2005/QĐ-BNN ngày 06/7/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và bảo vệ rừng;
Căn cứ Quyết định số 69/2006/QĐ-UBND ngày 17/11/2006 của UBND tỉnh về việc ban hành bộ đơn giá dự toán công trình lâm sinh tỉnh Lâm Đồng;
Căn cứ Quyết định số 994/QĐ-UBND ngày 16/5/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt đơn giá trồng rừng thay thế; trồng rừng sau giải tỏa; trồng rừng theo Chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;
Căn cứ Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 28/01/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt kết quả kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2014;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 282/TTr-SNN ngày 07/11/2016 về việc đề nghị phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển rừng cảnh quan nội ô thành phố Đà Lạt và hồ sơ Đề án kèm theo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển rừng cảnh quan nội ô thành phố Đà Lạt với những nội dung chủ yếu sau:
I. Tên Đề án: Bảo tồn và phát triển rừng cảnh quan nội ô thành phố Đà Lạt.
II. Phạm vi Đề án: Thực hiện trên toàn bộ diện tích đất, rừng nội ô thành phố Đà Lạt (bao gồm cả khuôn viên các biệt thự, cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện, chùa, nhà thờ,...).
III. Mục tiêu Đề án:
- Bảo vệ, bảo tồn, duy trì và phát triển diện tích rừng thông tập trung hiện có, rừng lá rộng, cây đặc hữu khác và cây phân tán trong khuôn viên các biệt thự, cơ quan... trong khu vực nội ô để tạo không gian xanh cho đô thị, bảo tồn cảnh quan môi trường, khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên, thẩm mỹ, văn hóa, khoa học, lịch sử và môi trường sống.
- Trồng bổ sung cây thông 3 lá và một số loài cây đặc hữu của địa phương (Bách xanh, Pơmu, Thông 2 lá dẹt, Du sam, Thông đỏ,...) trên diện tích đất trống, diện tích rừng thông thưa, khuôn viên các biệt thự, cơ quan, trường học, bệnh viện,... nhằm nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, chất lượng rừng nội ô; che chắn khu vực nhà kính, nhà lưới sản xuất nông nghiệp; cải thiện môi trường sinh thái, cảnh quan và giữ gìn nét đặc trưng “rừng trong thành phố, thành phố trong rừng” của thành phố Đà Lạt; khắc phục tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng trái phép.
- Tạo nguồn cây xanh kế cận, thay thế cho lớp cây thông già cỗi phải chặt hạ do chết và ngã đổ trong mùa mưa bão hàng năm.
IV. Nội dung Đề án:
1. Hiện trạng đất đai và rừng nội ô thành phố Đà Lạt:
Diện tích đất và rừng nội ô thành phố Đà Lạt là 431 ha (đất có rừng 324,41 ha; đất không có rừng 10,45 ha và đất khác 96,14 ha (đất chuyên dùng)), trong đó Ban quản lý rừng Lâm Viên quản lý 258,45 ha; các tổ chức, cá nhân (02 cá nhân và 24 tổ chức) được giao đất, cho thuê đất, rừng đang quản lý 172,55 ha (trong đó 135,43 ha đất có rừng thông hiện hữu và đất trống; 6,73 ha diện tích trồng rừng gỗ và rừng lá rộng thường xanh; 30,39 ha đất khác); diện tích đất, rừng phân bố từng đám diện tích nhỏ, rải rác trên địa bàn 12 phường của thành phố Đà Lạt với 282,68 ha rừng thông tự nhiên, 40,38 ha rừng thông trồng, 1,35 ha rừng lá rộng thường xanh. Diện tích rừng thông tự nhiên trong nội ô chủ yếu là rừng một tầng tán, cây phân bố không đều và đã quá tuổi thành thục (giai đoạn già cỗi). Trong những năm qua thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND thành phố Đà Lạt về trồng cây phân tán, các cơ quan, đơn vị, trường học đã tổ chức trồng được một số diện tích cây thông nhỏ dưới tán rừng và hiện nay cây đang sinh trưởng tốt, tạo thành một tầng rừng mới thay thế dần lớp cây già cỗi, góp phần cải thiện cảnh quan, môi trường, tăng độ che phủ, bảo vệ đất, chống xói mòn.
2. Định hướng:
- Các cơ quan, đơn vị, trường học, các hộ dân và đơn vị chủ rừng quản lý chặt chẽ, bảo vệ tốt diện tích rừng cảnh quan nội ô được giao quản lý; bảo vệ số lượng cây xanh hiện có trong khuôn viên cơ quan, đơn vị mình theo quy định.
- Trồng bổ sung cây thông 3 lá và một số loài cây đặc hữu của địa phương dưới tán rừng thông thưa, rừng có lớp cây già cỗi với mật độ 200 cây/ha.
- Trồng rừng thông 3 lá tập trung đối với diện tích đất trống chưa có rừng với mật độ 2.200 cây/ha.
- Trồng cây xanh phân tán trong khuôn viên các biệt thự, công sở, trường học, bệnh viện,... theo diện tích đất trống hiện có của từng khuôn viên; vận động nhân dân trồng cây xanh, trồng hoa trong khuôn viên nhà ở, trên bờ ranh lô thửa của diện tích đất sản xuất trong nội ô thành phố Đà Lạt.
3. Diện tích thực hiện:
- Bảo tồn diện tích 324,41 ha rừng hiện có.
- Trồng xen thêm cây lâm nghiệp (chủ yếu là thông 3 lá) trên diện tích đang có rừng thông tự nhiên 282,68 ha và trồng rừng tập trung trên diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng: 10,45 ha (trong đó: diện tích do Ban quản lý rừng Lâm Viên quản lý: 157,7 ha; diện tích cho các dự án đầu tư thuê đang quản lý: 135,43 ha).
4. Tiêu chuẩn cây giống: Cây giống được ươm trong bầu đạt từ 06 - 08 tháng tuổi, cao từ 30 - 40 cm, đường kính cổ rễ từ 1,0 cm trở lên (đối với trồng rừng tập trung trên đất không có rừng) và từ 15 - 18 tháng tuổi, cao từ 1,0 m trở lên, đường kính cổ rễ từ 2,5 - 4,0 cm (đối với trồng xen thêm dưới tán rừng); cây sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, không cụt ngọn.
5. Kỹ thuật trồng: Cây được trồng vào mùa mưa; kích thước hố trồng 50 x 50 x 50 cm và bón lót phân hữu cơ trước khi trồng; sau khi trồng xong phải có cây chằng chống để bảo vệ (đối với trồng xen thêm dưới tán rừng) và trồng rừng tập trung trên đất chưa có rừng (theo tiêu chuẩn, kỹ thuật trồng rừng thay thế).
6. Các cơ quan, đơn vị, chủ rừng có điện tích đất, rừng nội ô: Sau khi thực hiện việc trồng rừng, trồng bổ sung cây dưới tán rừng phải xây dựng kế hoạch chăm sóc, quản lý, bảo vệ, phòng cháy diện tích rừng hiện có và diện tích rừng mới trồng để đảm bảo cây trồng có điều kiện sinh trưởng tốt.
7. Nguồn lực thực hiện: Huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
8. Tiến độ thực hiện: Từ năm 2017 đến hết năm 2022.
9. Tổng vốn đầu tư: 9.906,69 triệu đồng; gồm: Trồng rừng tập trung trên đất trống 10,45 ha, tương ứng kinh phí 563,224 triệu đồng; trồng bổ sung cây dưới tán rừng thông tự nhiên 282,68 ha, tương ứng kinh phí: 9.343,668 triệu đồng.
- Nguồn vốn thực hiện: Từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng (nguồn thu từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và nguồn thu từ kinh phí do các dự án đầu tư nộp để trồng rừng thay thế diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác): 7.121,848 triệu đồng và nguồn vốn vận động các tổ chức, cá nhân được giao, thuê đất, rừng nội ô đóng góp: 2.784,842 triệu đồng.
- Phân kỳ vốn đầu tư cho các năm, như sau:
Đơn vị tính: triệu đồng
Năm thực hiện | Tổng cộng | Phân theo nguồn vốn | ||
Nguồn vốn ngân sách | Nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân được giao, thuê đất | |||
Trồng rừng thay thế | Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng | |||
2017 | 1.478,853 | 291,524 | 945,731 | 241,598 |
2018 | 2.128,143 | 104,500 | 1.538,207 | 485,436 |
2019 | 3.161,500 | 88,825 | 2.208,377 | 864,298 |
2020 | 1.679,624 | 78,375 | 993,217 | 608,032 |
2021 | 973,778 |
| 589,721 | 384,057 |
2022 | 484,792 |
| 283,371 | 201,421 |
Tổng cộng | 9.906,69 | 563,224 | 6.558,624 | 2.784,842 |
V. Chủ đầu tư: UBND thành phố Đà Lạt;
1. Đơn vị thực hiện Đề án: Ban quản lý rừng Lâm Viên.
2. Phối hợp thực hiện Đề án: Hạt Kiểm lâm thành phố Đà Lạt; Thành đoàn Đà Lạt; các chủ đầu tư dự án được giao, thuê đất, rừng nội ô thành phố Đà Lạt; UBND các phường thuộc thành phố Đà Lạt; các cơ quan, đơn vị, trường học, các hộ dân.
Điều 2. Giao trách nhiệm các sở, ngành, địa phương:
1. UBND thành phố Đà Lạt:
- Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, tổng hợp vị trí, địa điểm, diện tích để trồng xen, trồng bổ sung cây dưới tán rừng, trồng rừng tập trung trên những diện tích đất trống, trồng cây phân tán trong khuôn viên các cơ quan, trường học, bệnh viện, chùa, nhà thờ,... chỉ đạo gieo ươm cây giống để chủ động nguồn cây giống đảm bảo chất lượng, quy cách theo yêu cầu; huy động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tham gia trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ cây trồng phân tán, rừng trồng trong nội ô thành phố.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng và UBND các phường làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc trồng cây, trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng tôn tạo cảnh quan của thành phố; vận động các tổ chức, cá nhân được giao, thuê đất, rừng nội ô tham gia đóng góp kinh phí để trồng cây, trồng rừng theo kế hoạch từng năm.
- Giao Ban quản lý rừng Lâm Viên chủ trì, phối hợp Hạt Kiểm lâm và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức rà soát cụ thể diện tích rừng nội ô hiện có để tập trung quản lý, bảo vệ; xây dựng kế hoạch chi tiết trồng cây, trồng rừng theo Đề án trình thẩm định, phê duyệt từng năm để tổ chức thực hiện.
- Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, UBND các phường, các tổ chức, cá nhân liên quan phối hợp, hỗ trợ Ban quản lý rừng Lâm Viên thực hiện công tác quản lý bảo vệ diện tích rừng hiện có và kế hoạch trồng, chăm sóc rừng theo kế hoạch được phê duyệt hàng năm.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp, hướng dẫn UBND thành phố Đà Lạt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cây xanh trong nội ô thành phố Đà Lạt.
- Hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng.
- Thẩm định, phê duyệt hồ sơ kỹ thuật, dự toán theo quy định để chủ đầu tư thực hiện.
- Kiểm tra, giám sát, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện Đề án theo kế hoạch hàng năm.
- Chỉ đạo Phòng Kế hoạch - Tài chính, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn thu dịch vụ môi trường, thu tiền trồng rừng thay thế để thực hiện Đề án.
- Tổng hợp, đánh giá, báo cáo UBND tình tình hình và kết quả thực hiện.
3. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp UBND thành phố Đà Lạt triển khai thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh; Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt; Trưởng ban quản lý rừng Lâm Viên và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| KT. CHỦ TỊCH |