Quyết định số 71/2016/QĐ-UBND ngày 14/10/2016 Quy định phân công trách nhiệm quản lý phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang
- Số hiệu văn bản: 71/2016/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
- Ngày ban hành: 14-10-2016
- Ngày có hiệu lực: 24-10-2016
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 08-11-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1110 ngày (3 năm 0 tháng 15 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 08-11-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 71/2016/QĐ-UBND | An Giang, ngày 14 tháng 10 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18 tháng 12 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 113/2006/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về ngân sách Nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/ 2006 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 159/TTr-SNN&PTNT ngày 04/10/2016 và công văn thẩm định của Sở Tư pháp số 882/STP-XDKT ngày 13 tháng 9 năm 2016.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân công trách nhiệm quản lý phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành có liên quan; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 71/2016/QĐ-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2016 của UBND tỉnh)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quản lý phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý hoạt động ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Hoạt động ngành nghề nông thôn
Các hoạt động ngành nghề nông thôn được quy định tại Điều 3, Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ.
Điều 4. Nội dung quản lý nhà nước về ngành nghề nông thôn
1. Xây dựng, tổ chức thực hiện: Các quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm; đề án, chương trình và dự án về ngành nghề nông thôn.
2. Ban hành các chủ trương, chính sách phát triển ngành nghề nông thôn; tổ chức triển khai, tuyên truyền, vận động, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành nghề nông thôn.
3. Thực hiện vai trò hướng dẫn, hỗ trợ, định hướng phát triển và quản lý tình hình hoạt động ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.
4. Thu thập thông tin, thống kê, báo cáo số liệu, tình hình các cơ sở ngành nghề nông thôn theo định kỳ và đột xuất; tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở ngành nghề nông thôn theo chức năng được quy định.
5. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ và hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về ngành nghề nông thôn cho các cơ sở ngành nghề nông thôn trên địa bàn của tỉnh.
6. Hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn trong quá trình hoạt động về: Sản xuất, chế biến, thị trường tiêu thụ, vốn, thuế, đất đai, khoa học công nghệ, lao động, môi trường.
7. Tổ chức công nhận, đăng ký và giám sát chất lượng sản phẩm ngành nghề truyền thống, làng nghề trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
8. Thực hiện các nội dung khác theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 5. Trách nhiệm quản lý nhà nước
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Là đầu mối thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, địa phương điều tra, thống kê, báo cáo số liệu, tình hình các cơ sở ngành nghề nông thôn định kỳ 6 tháng, hàng năm, đột xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch hàng năm và 05 năm, chương trình, dự án về phát triển ngành nghề nông thôn và tổ chức triển khai thực hiện.
c) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.
d) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực ngành nghề nông thôn.
đ) Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông, lâm sản và thủy sản.
e) Trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.
2. Sở Công Thương
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai có hiệu quả Chương trình Khuyến công, hoạt động xúc tiến thương mại; nghiên cứu đẩy mạnh các giải pháp tích cực áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm;
b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch hàng năm, 5 năm, dài hạn, tổ chức thực hiện chương trình, đề án, cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển công nghiệp nông thôn; hỗ trợ cơ sở ngành nghề nông thôn trong các vấn đề liên quan đến thương mại, thị trường, tư vấn xuất khẩu.
c) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế chính sách phát triển ngành nghề nông thôn.
d) Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện tổ chức tập huấn, phổ biến, hướng dẫn các văn bản quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý.
đ) Tổ chức thực hiện công tác xúc tiến thương mại công nghiệp; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại trong lĩnh vực thương mại - công nghiệp.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo ngắn hạn, dài hạn các nghề phù hợp với nhu cầu của địa phương; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề và cấp chứng chỉ đào tạo nghề cho lao động hoàn thành khóa học đào tạo của các cơ sở dạy nghề.
b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, các chế độ khác có liên quan đến người lao động.
c) Phối hợp với các cơ quan có liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở ngành nghề nông thôn trong việc thực hiện các chế độ đối với người lao động và vấn đề khác có liên quan.
d) Tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với người lao động trong vay vốn sản xuất, kinh doanh; đào tạo nâng cao tay nghề; giải quyết việc làm và các chính sách hỗ trợ khác liên quan đến lao động.
đ) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương tổ chức giải quyết, hướng dẫn, kế hoạch hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn.
e) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện an toàn lao động trong các cơ sở ngành nghề nông thôn; tổ chức đào tạo, tập huấn và cấp giấy chứng nhận công nhận về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho các cơ sở, doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ hàng năm của Sở, xây dựng các chương trình, kế hoạch nghiên cứu, hỗ trợ về công nghệ; hướng dẫn đăng ký và công bố chất lượng sản phẩm liên quan đến lĩnh vực do ngành quản lý; hướng dẫn xây dựng nhãn hiệu cho các doanh nghiệp và cơ sở ngành nghề nông thôn.
b) Hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở ngành nghề nông thôn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa của các cơ sở ngành nghề nông thôn.
c) Tham mưu UBND tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách ưu đãi hỗ trợ về khoa học công nghệ cho lĩnh vực ngành nghề nông thôn.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm ô nhiễm môi trường; hướng dẫn xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định.
b) Tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách có liên quan đến đất đai và môi trường, hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh và Trung ương.
c) Hướng dẫn, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các cơ sở ngành nghề nông thôn.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, địa phương mời gọi các dự án đầu tư phát triển và bảo tồn làng nghề, dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch làng nghề; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên nền tảng cơ sở vật chất hạ tầng và sản phầm từ các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống, đồng thời gắn kết với các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang.
7. Sở Tài chính
a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành, địa phương có liên quan hướng dẫn thực hiện việc hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ, ngành Trung ương.
b) Hàng năm căn cứ kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn được cấp có thẩm quyền phê duyệt và khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính thẩm định và bố trí kinh phí trong dự toán của cơ quan, đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ theo đúng quy định hiện hành.
8. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn thủ tục, thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án phát triển ngành nghề nông thôn theo luật đầu tư.
b) Phối hợp với Sở Tài chính và UBND cấp huyện nghiên cứu bố trí tăng cường kế hoạch nguồn vốn hàng năm cho các huyện trong quản lý nhà nước và hỗ trợ nguồn vốn cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, ngành nghề nông thôn.
c) Phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư các dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và xử lý vi phạm theo quy định Luật Đầu tư.
9. Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND cấp xã phối hợp với các sở, ngành quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở ngành nghề nông thôn trên địa bàn.
b) Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện phân cấp quản lý hoạt động ngành nghề nông thôn theo ngành, thống nhất từ cấp huyện đến cấp xã trên cơ sở phân cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành nghề nông thôn theo từng lĩnh vực, ngành của tỉnh.
c) Chỉ đạo các bộ phận chuyên môn thống kê, tổng hợp báo cáo số liệu, tình hình các cơ sở ngành nghề nông thôn định kỳ và báo cáo đột xuất cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
d) Hàng năm, lập kế hoạch, chương trình hỗ trợ cho chương trình phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trình cho UBND tỉnh xem xét.
đ) Chỉ đạo các phòng ban, bộ phận chuyên môn của huyện tham mưu xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về các lĩnh vực phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, cơ điện nông nghiệp trên địa bàn huyện.
e) Phối hợp với các sở, ban, ngành hướng dẫn, tổ chức thực hiện, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực ngành nghề nông thôn cho các xã, phường, thị trấn, các cơ sở trên địa bàn.
g) Thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn và phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết những nội dung liên quan đến phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn.
10. Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Chịu trách nhiệm thống kê, tổng hợp báo cáo số liệu, tình hình các cơ sở ngành nghề nông thôn định kỳ trên địa bàn cấp xã cho UBND cấp huyện và có những đề xuất, kiến nghị kịp thời với UBND cấp huyện để giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở ngành nghề nông thôn.
b) Phối hợp với các bộ phận chuyên môn của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong công tác quản lý, triển khai các chương trình, dự án, thực hiện công tác giám sát quá trình thực hiện.
c) Phối hợp với các bộ phận chuyên môn của các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện tổ chức tuyên truyền, vận động, phổ biến các chủ trương chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho việc hình thành và phát triển các ngành nghề mới và các cơ sở mới thành lập ở địa phương mình.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn triển khai, theo dõi thực hiện và báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ 6 tháng và hàng năm.
2. Các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện và UBND cấp xã có trách nhiệm triển khai thực hiện tốt những nội dung, nhiệm vụ được giao.
3. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị, địa phương kịp thời kiến nghị bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.