Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND ngày 13/05/2016 Quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2020
- Số hiệu văn bản: 12/2016/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Hà Giang
- Ngày ban hành: 13-05-2016
- Ngày có hiệu lực: 23-05-2016
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-03-2022
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2132 ngày (5 năm 10 tháng 7 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 25-03-2022
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2016/QĐ-UBND | Hà Giang, ngày 13 tháng 05 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG KHUYẾN NÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2016-2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ về khuyến nông;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 183/TTLT-BTC-BNN ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và PTNT v/v hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông;
Căn cứ thông báo số 81/TB-UBND ngày 29/4/2016 kết luận phiên họp UBND tỉnh tháng 4/2016 và thông báo số 85/TB-UBND ngày 05/5/2016 kết luận phiên họp Thường trực UBND tỉnh tháng 4/2016;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 200/2013/QĐ-UBND ngày 22/01/2013 của UBND tỉnh ban hành về chính sách khuyến nông trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2015.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch UBND huyện, thành phố; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG KHUYẾN NÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 12/2016/QĐ-UBND ngày 13/5/2016 của UBND tỉnh Hà Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Hà Giang thuộc các lĩnh vực sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, dịch vụ trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, cơ điện nông nghiệp, ngành nghề nông thôn.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người sản xuất: Nông dân sản xuất nhỏ, nông dân thuộc hộ nghèo, nông dân sản xuất hàng hóa; xã viên tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp, chủ trang trại, công nhân nông - lâm trường, doanh nghiệp vừa và nhỏ trực tiếp hoạt động trong các lĩnh vực khuyến nông.
2. Tổ chức khuyến nông thực hiện các hoạt động hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực nêu tại Điều 1.
3. Người hoạt động khuyến nông khi tham gia chỉ đạo kỹ thuật, bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo nghiệp vụ khuyến nông.
4. Cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về khuyến nông.
Điều 3. Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động khuyến nông
1. Kinh phí ngân sách nhà nước cấp hàng năm và kinh phí thu hồi từ các mô hình, chương trình, dự án khuyến nông (nếu có).
2. Thu từ thực hiện các hợp đồng tư vấn và dịch vụ khuyến nông.
3. Tài trợ và đóng góp hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
4. Nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Nguyên tắc sử dụng kinh phí khuyến nông
1. Kinh phí khuyến nông được sử dụng cho những hoạt động khuyến nông thuộc địa phương quản lý, thực hiện trên địa bàn các huyện, thành phố và phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch, đề án phát triển nông nghiệp của tỉnh theo chương trình, dự án khuyến nông được Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện phê duyệt.
2. Đơn vị sử dụng kinh phí khuyến nông phải đúng mục đích, đúng chế độ; công khai chế độ, định mức, tiêu chuẩn, kinh phí cho các đối tượng thụ hưởng và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền, thực hiện quyết toán kinh phí đã sử dụng theo quy định hiện hành.
Dự án khuyến nông địa phương thực hiện theo phương thức xét chọn hoặc đặt hàng do Ủy ban nhân dân các cấp quyết định phù hợp với thực tế từng dự án.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Nội dung, mức chi cho hoạt động khuyến nông
1. Chi tổ chức lớp bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo.
a) Đối tượng:
(1) Hỗ trợ người hoạt động khuyến nông khi tham gia bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo nghiệp vụ khuyến nông, gồm:
- Người hoạt động khuyến nông, nhân viên khuyến nông xã, thôn (bản) không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
- Người hoạt động khuyến nông được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
(2) Hỗ trợ người sản xuất:
- Nông dân sản xuất nhỏ, nông dân thuộc diện hộ nghèo.
- Nông dân sản xuất hàng hóa, xã viên Tổ hợp tác, xã viên Hợp tác xã, chủ trang trại, công nhân nông - lâm trường.
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ trực tiếp hoạt động trong các lĩnh vực khuyến nông.
b) Nội dung chi: Chi in ấn tài liệu; văn phòng phẩm; nước uống; thuê phương tiện; hội trường; trang thiết bị phục vụ lớp học; vật tư thực hành; bồi dưỡng cho giảng viên, trợ giảng, hướng dẫn viên thực hành; tiền đi lại, tiền ở cho giảng viên, học viên; tiền ăn cho học viên, tiền khai giảng, bế giảng, in chứng chỉ, y tế, khen thưởng cho lớp học.
c) Mức chi:
(1) Chi cho người sản xuất, người hoạt động khuyến nông không hưởng lương từ ngân sách nhà nước:
- Hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học.
- Hỗ trợ tiền ăn: Tổ chức tại cơ sở (xã, thôn) 50.000 đồng/ngày thực học/người; tổ chức tại huyện 80.000 đồng/ngày thực học/người và tổ chức tại tỉnh 100.000 đồng/ngày thực học/người.
- Tiền đi lại theo giá cước phương tiện giao thông công cộng của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đối với người học xa nơi cư trú từ 10 km trở lên; trường hợp những nơi không có phương tiện giao thông công cộng thì thanh toán theo số km thực tế từ nơi cư trú đến nơi tham gia học tập và ngược lại với mức 2.000 đồng/km (mỗi người được thanh toán lượt đi và về cho một khóa học) và mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học.
- Chỗ ở: Tập huấn tại xã hỗ trợ 50.000đ/người/ngày; tại huyện 150.000đ/người/ngày; tại tỉnh 200.000đ/người/ngày.
(2) Hỗ trợ người hoạt động khuyến nông hưởng lương từ ngân sách nhà nước:
- Hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học.
- Hỗ trợ công tác phí cho học viên theo Nghị quyết số 40/2010/NQ-HĐND ngày 11/12/2010 của HĐND tỉnh Quy định mức chi công tác phí, chi hội nghị đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
(3) Doanh nghiệp vừa và nhỏ trực tiếp hoạt động trong các lĩnh vực khuyến nông: Hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học.
(4) Chi cho giảng viên, trợ giảng:
- Chi phí tiền đi lại, nơi ở, công tác phí cho giảng viên, trợ giảng theo chế độ công tác phí hiện hành.
- Giảng viên là cấp Cục, Vụ, Viện, Trường trực thuộc Trung ương, nghệ nhân cấp tỉnh mức chi 400.000 đồng/buổi.
- Giảng viên cấp tỉnh: Mức tối đa không quá 300.000 đồng/buổi.
- Giảng viên cấp huyện: Mức tối đa không quá 200.000 đồng/buổi.
- Giảng viên cấp xã: Mức tối đa không quá 120.000 đồng/buổi.
- Chi phí cho trợ giảng và người phiên dịch tiếng địa phương: Mức chi bằng 50% mức chi cho giảng viên chính.
(5) Chi phí phục vụ lớp học: Chi theo thực tế trong phạm vi dự toán được phê duyệt.
- Chi in ấn tài liệu: Theo thực tế, có chứng từ hợp pháp.
- Thuê hội trường: Theo hợp đồng và chứng từ theo quy định.
- Chi phí điện, nước, vệ sinh phục vụ hội trường và nơi sinh hoạt của học viên theo thực tế, có chứng từ theo quy định.
- Tiền nước uống cho giảng viên, học viên: Chi thực tế, nhưng tối đa không quá 7.000 đồng/người/ngày.
- Chi khác: Theo thực tế, có chứng từ theo quy định.
d) Địa điểm và thời gian tổ chức:
(1) Tập huấn công tác khuyến nông:
- Tại tỉnh: Không quá 3 ngày/lớp.
- Tại huyện: Không quá 2 ngày/lớp.
- Tại xã, cụm xã: 2 ngày/lớp.
(2) Tập huấn kỹ thuật theo chu kỳ sinh trưởng phát triển của cây trồng, vật nuôi:
- Địa điểm tập huấn: Tại xã, thôn, bản.
- Thời gian tập huấn: 1 ngày/lần triệu tập. số lần triệu tập tùy thuộc vào mùa vụ và thời gian sinh trưởng phát triển của cây trồng, vật nuôi.
(3) Tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân theo mùa vụ:
- Địa điểm tập huấn: Tại xã, thôn, bản.
- Thời gian tập huấn: Không quá 2 ngày.
2. Chi thông tin tuyên truyền.
Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện thông tin, tuyên truyền về hoạt động khuyến nông cho các tổ chức, cá nhân có phương án, kế hoạch thông tin tuyên truyền được cấp có thẩm quyền phê duyệt để phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến lĩnh vực Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn, các tiến bộ khoa học và công nghệ, kết quả mô hình trình diễn, điển hình tiên tiến.
a) Truyền thông khuyến nông: Hàng năm, căn cứ dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao và yêu cầu về công tác thông tin tuyên truyền từng năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh/Trạm khuyến nông huyện xây dựng kế hoạch, nội dung, dự toán về thời lượng, số lượng và kinh phí gửi cơ quan Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với cơ quan Tài chính cùng cấp thẩm định để thực hiện, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, lồng ghép với kinh phí tuyên truyền của các chương trình, dự án về Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn, trên cơ sở thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng.
b) Hội thảo chuyên đề:
- Số lượng đại biểu tham dự không quá 120 người/hội thảo.
- Thời gian không quá 1 ngày/hội thảo.
- Chi phí theo thực tế và theo mục c, khoản 1, Điều 5 của quy định này.
c) Hội thi: Chi thông tin, tuyên truyền; thuê hội trường; trang thiết bị; văn phòng phẩm; chi ban giám khảo chấm thi; chi hội đồng tư vấn khoa học, soạn câu hỏi và đáp án; chi khai mạc, bế mạc; chi hóa chất, vật tư, dụng cụ phục vụ cuộc thi (nếu có); chi đạo diễn và biên tập, dẫn chương trình chương trình thi; chi hỗ trợ ăn, ở, đi lại cho thí sinh trong thời gian luyện tập và tham gia hội thi và chi phí khác theo chế độ quy định hiện hành.
d) Tham gia Hội chợ triển lãm hàng nông nghiệp Việt Nam.
Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch tổ chức hội chợ do Trung ương tổ chức tại các tỉnh, Trung tâm Khuyến nông, trạm Khuyến nông xây dựng dự toán mua sản phẩm trưng bày, thuê xe vận chuyển sản phẩm, công tác phí cho cán bộ tham gia giới thiệu sản phẩm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Chi xây dựng các mô hình trình diễn về khuyến nông.
a) Nội dung:
- Xây dựng các mô hình trình diễn để phổ biến và nhân rộng những tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp với quy mô của tỉnh, huyện, xã.
- Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ trong nông nghiệp.
- Xây dựng mô hình tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh tổng hợp nông nghiệp hiệu quả và bền vững.
b) Điều kiện thực hiện các mô hình trình diễn; nhân rộng mô hình trình diễn và các điều kiện tham gia triển khai các chương trình dự án khuyến nông.
(1) Điều kiện người sản xuất được tham gia và hỗ trợ:
- Có địa điểm phù hợp với quy mô, nội dung, quy trình kỹ thuật để thực hiện.
- Các hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình phải cam kết đầu tư (phần đối ứng) theo nội dung của dự án đã được phê duyệt. Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ theo tiến độ và tương ứng với đầu tư thực tế của chủ mô hình.
- Các hộ nông dân chưa nhận hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của ngân sách nhà nước cho cùng một nội dung của mô hình triển khai.
(2) Điều kiện đơn vị tổ chức thực hiện được tham gia xây dựng mô hình
- Có chức năng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu chương trình, dự án triển khai.
- Có đội ngũ cán bộ đủ năng lực để thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông.
- Mô hình đưa vào trình diễn không lặp lại về nội dung và không chồng chéo với các đơn vị khác trên cùng địa điểm và các hộ tham gia.
- Các loại giống cây trồng, vật nuôi phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cấp thẩm quyền cho phép đưa vào sản xuất.
- Mỗi loại mô hình thực hiện không quá 3 điểm trình diễn/huyện.
c) Định mức hỗ trợ và thu hồi sau đầu tư:
- Định mức đầu tư:
+ Đối với các xã đặc biệt khó khăn: Hỗ trợ 100% chi phí mua giống và vật tư chính (bao gồm phân hữu cơ hoặc chế phẩm sinh học, thuốc BVTV, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, thuốc thú y).
+ Đối với các xã khó khăn: Hỗ trợ 100% chi phí mua giống và 70% chi phí vật tư chính (bao gồm phân hóa học, hữu cơ hoặc chế phẩm sinh học, thuốc BVTV, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, thuốc thú y).
+ Đối với các xã còn lại: Hỗ trợ 100% chi phí mua giống và 50% chi phí vật tư chính (bao gồm phân hóa học, hữu cơ hoặc chế phẩm sinh học, thuốc BVTV, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, thuốc thú y).
- Định mức thu hồi: Kết thúc mô hình thu hồi 50% tổng kinh phí đầu tư ban đầu sau khi đã trừ thuế giá trị gia tăng (không thu hồi đối với các mô hình do thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng gây ra).
Số tiền thu hồi được từ các mô hình khuyến nông theo nội dung và mức thu hồi nêu trên phải được đơn vị chuyển vào số thu của Quỹ khuyến nông tỉnh, huyện theo quy định tại Hướng dẫn số 864/HD-UBND ngày 19/5/2015 của UBND tỉnh về việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các mô hình khuyến nông do ngân sách nhà nước cấp và Quỹ khuyến nông cấp tỉnh, huyện.
d) Quy mô, số hộ và thời gian thực hiện mô hình trình diễn cây trồng, vật nuôi (chi tiết theo biểu đính kèm).
đ) Mô hình cơ giới hóa nông nghiệp: Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất; công cụ chế biến bảo quản sản phẩm sau thu hoạch theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Đối với địa bàn huyện nghèo 30a và địa bàn các xã vùng đặc biệt khó khăn hỗ trợ 100% nhưng tối đa không quá 150 triệu/mô hình; các địa bàn khác mức hỗ trợ tối đa không quá 125 triệu đồng/mô hình.
e) Triển khai mô hình: Chi tập huấn cho người tham gia mô hình, tổng kết, tham quan và chi khác, mức chi tối đa không quá 7 triệu đồng/mô hình. Trong đó mức chi hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia tập huấn, tổng kết, tham quan 50.000 đồng/người/ngày.
g) Chi thuê cán bộ kỹ thuật chỉ đạo mô hình.
Chỉ áp dụng đối với nhân viên khuyến nông không hưởng lương từ ngân sách nhà nước để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện mô hình trình diễn.
- Mức chi bằng số tháng chỉ đạo nhân với 1 lần hệ số lương cơ bản, theo thời gian thực tế nhưng không quá 10 tháng/người/năm.
- Có hợp đồng thuê và thanh lý hợp đồng.
4. Chi nhân rộng mô hình trình diễn ra diện rộng.
Hỗ trợ kinh phí thông tin, tuyên truyền, hội nghị đầu bờ mức chi tối đa không quá 10 triệu đồng/mô hình.
5. Nội dung chi khác liên quan đến hoạt động khuyến nông.
a) Chi mua công nghệ mới gắn với chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(1) Đối với cấp tỉnh: Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Tài chính thẩm định cụ thể trước khi phê duyệt chương trình, dự án.
(2) Đối với cấp huyện: Ủy ban nhân dân huyện giao cho Hội đồng Khoa học và công nghệ huyện thẩm định cụ thể trước khi phê duyệt chương trình, dự án.
b) Chi thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài phục vụ hoạt động khuyến nông.
Căn cứ mức độ cần thiết và khả năng kinh phí đã được duyệt, Thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì thực hiện chương trình, dự án khuyến nông quyết định:
- Việc thuê chuyên gia trong nước hoặc nước ngoài.
- Hình thức thuê (theo thời gian hoặc theo sản phẩm) cho phù hợp.
- Mức chi theo hợp đồng thực tế thỏa thuận với chuyên gia bảo đảm chất lượng và hiệu quả (đối với mức thuê chuyên gia từ 15.000.000 đồng/người/tháng trở lên) phải được sự nhất trí của Chủ tịch UBND tỉnh.
6. Chi tham quan, học tập trong nước.
- Nguyên tắc: Đã được cấp có thẩm quyền giao dự toán kinh phí; khi thực hiện: Cấp tỉnh tổ chức phải được Sở Nông nghiệp và PTNT thống nhất (về tổ chức, thành phần...); cấp huyện, thành phố tổ chức phải được UBND huyện, thành phố duyệt.
- Mức chi: Theo quy định hiện hành.
7. Mua sắm trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho các hoạt động khuyến nông.
Thực hiện theo quy định hiện hành và trong phạm vi dự toán ngân sách giao.
8. Kinh phí chi quản lý chương trình, dự án khuyến nông.
a) Cơ quan quản lý kinh phí khuyến nông (Sở Nông nghiệp & PTNT, các đơn vị trực thuộc liên quan; Phòng Nông nghiệp và PTNT hoặc Phòng Kinh tế).
Sử dụng nguồn kinh phí ngân sách giao về kinh phí không thực hiện chế độ tự chủ hàng năm để tổ chức, triển khai xây dựng chương trình, dự án; phê duyệt, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đánh giá thực hiện mô hình, chương trình, dự án thuê chuyên gia (nếu có); chi làm thêm giờ theo chế độ quy định; chi công tác phí, xăng dầu, thuê xe đi kiểm tra (nếu có); chi thẩm định xét chọn, nghiệm thu chương trình, dự án khuyến nông, chi khác (nếu có).
b) Đơn vị, tổ chức thực hiện mô hình khuyến nông.
- Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện mô hình khuyến nông: Sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên và không thường xuyên (đặc thù nếu có) ngân sách giao và các nguồn nêu tại Điều 3 của quy định này.
- Đơn vị, tổ chức ngoài công lập, người hoạt động khuyến nông, người sản xuất thực hiện mô hình khuyến nông: Theo thực tế nhưng không quá 4% (riêng 6 huyện nghèo không quá 5%) trên tổng mức kinh phí đấu thầu hoặc đặt hàng thực hiện mô hình, dự án khuyến nông.
c) Nội dung chi quản lý dự án khuyến nông của tổ chức chủ trì, bao gồm: Xây dựng thuyết minh dự án; tổ chức thẩm định nội dung và dự toán kinh phí dự án hàng năm; kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu dự án hàng năm; viết báo cáo tổng kết, nghiệm thu cấp cơ sở khi kết thúc dự án; mua văn phòng phẩm, thông tin, liên lạc; quản lý cơ sở; phụ cấp chủ nhiệm dự án và các khoản chi khác (nếu có).
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Lập, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí khuyến nông
1. Lập, phân bổ và giao dự toán
a) Đối với cấp tỉnh: Vào tháng 10 năm trước năm kế hoạch, căn cứ chương trình, dự án, mô hình khuyến nông nêu tại Điều 6, các nội dung khác theo yêu cầu nhiệm vụ từng năm Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng nội dung, lập dự toán khối lượng, thời lượng và kinh phí hoạt động khuyến nông gửi Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt (bao gồm dự toán kinh phí) để triển khai thực hiện.
b) Đối với huyện, thành phố: Vào tháng 10 năm trước năm kế hoạch, căn cứ chương trình, dự án, mô hình khuyến nông nêu tại Điều 6, các nội dung khác theo yêu cầu, Trạm Khuyến nông lập chủ trì phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT /Phòng Kinh tế, Phòng Tài chính lập,thẩm định trình UBND huyện, thành phố phê duyệt (bao gồm dự toán kinh phí) để triển khai thực hiện.
2. Quyết toán.
- Báo cáo quyết toán phải kèm theo danh mục các nội dung chương trình đã được giao trong năm thực hiện, quyết toán chi tiết theo nội dung chi tại quy định này.
- Quyết toán vào chương tương ứng, loại 010, khoản 014 “Các hoạt động dịch vụ nông nghiệp”.
3. Các nội dung khác liên quan: Thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và văn bản quy định hiện hành.
Điều 7. Công tác kiểm tra, giám sát, báo cáo
1. Cơ quan Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Tài chính cùng cấp kiểm tra định kỳ, đột xuất tình hình thực hiện kế hoạch nội dung hoạt động khuyến nông, đảm bảo việc quản lý, sử dụng kinh phí khuyến nông đúng nội dung, đúng mục đích, có hiệu quả.
Trạm Khuyến nông tổng hợp báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất theo yêu cầu gửi UBND cấp huyện, gửi Trung tâm Khuyến nông tổng hợp gửi Sở Nông nghiệp và PTNT để báo cáo UBND tỉnh.
3. Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đánh giá, định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Điều 8. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố.
- Phê duyệt nội dung chương trình khuyến nông do cơ quan chuyên môn cấp huyện thẩm định.
- Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn trong việc triển khai thực hiện công tác khuyến nông trên địa bàn.
- Giao cho Hội đồng Khoa học và công nghệ huyện thẩm định cụ thể trước khi phê duyệt chương trình, dự án.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Xây dựng cụ thể định mức kinh tế - kỹ thuật của các loại cây trồng, vật nuôi nhưng không vượt quá mức quy định của Trung ương và tại quy định này (phần ngân sách nhà nước đảm bảo) để làm căn cứ xây dựng các chương trình dự án khuyến nông hàng năm.
- Hướng dẫn các huyện, thành phố về khuyến nông.
- Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút vốn phục vụ cho hoạt động khuyến nông.
3. Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng Khoa học huyện/thành phố: Có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nông nghiệp và cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định các chương trình, dự án khuyến nông có áp dụng công nghệ mới, trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Cơ quan Tài chính tỉnh, huyện, thành phố.
- Phối hợp thẩm định nội dung chương trình, dự án, mô hình khuyến nông và dự toán kinh phí thực hiện các hoạt động khuyến nông trình UBND tỉnh, huyện, thành phố phê duyệt.
- Bảo đảm nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông và thực hiện chính sách khuyến nông tại địa bàn theo quy định.
5. Trung tâm Khuyến nông, Trạm Khuyến nông.
Tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động khuyến nông trên địa bàn đã được phê duyệt, tổ chức nghiệm thu các nội dung đã kết thúc.
Báo cáo đánh giá kết quả các nội dung đã triển khai trên địa bàn theo yêu cầu gửi cơ quan Nông nghiệp và PTNT cùng cấp để tổng hợp báo cáo cấp trên.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ảnh về Sở Nông nghiệp và PTNT để trình UBND tỉnh xem xét giải quyết
BIỂU QUY MÔ, SỐ HỘ VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐIỂM MÔ HÌNH TRÌNH DIỄN CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI
(Kèm theo Quyết định số: 12/2016/QĐ-UBND ngày 13/5/2016 của UBND tỉnh Hà Giang)
Số TT | Tên mô hình | Nội dung hỗ trợ | Quy mô/điểm trình diễn | Quy mô/hộ | Thời gian thực hiện |
1 | MH cây trồng hàng năm | Hỗ trợ giống (hạt giống, cây con, hom, củ), phân hóa học, thuốc BVTV, vôi bột | Tối đa 10 ha | Tối đa 1 ha/hộ | 5 tháng |
2 | MH cây trồng lâu năm | Hỗ trợ giống (hạt giống, cây ghép, cành chiết, cành giâm), phân hóa học, thuốc BVTV, vôi bột | Tối đa 10 ha | Tối đa 1 ha/hộ | 3 năm |
3 | MH cây lâm nghiệp, cây thảo quả | Hỗ trợ giống (hạt giống, cây ghép, cành chiết, gốc, thân ngầm), phân hóa học, thuốc BVTV, vôi bột | Tối đa 30 ha | Tối đa 1 ha/hộ | 3 năm |
4 | MH vỗ béo trâu, bò | Hỗ trợ thức ăn hỗn hợp (gồm cám đậm đặc, cám dạng viên), thuốc tiêm phòng và thuốc tẩy ký sinh trùng | Tối đa 60 con | Tối thiểu 3 con/hộ | 4 tháng |
5 | MH cải tạo đàn trâu, bò | MH cải tạo đàn trâu, bò: Hỗ trợ 01 trâu hoặc bò đực giống; Thức ăn hỗn hợp cho trâu bò đực; tiền phối giống (thành công) cho trâu bò, cái; vác xin tiêm phòng cho cả đàn | 21 con (1 đực giống/20 trâu, bò cái) | Tối đa 2 con/hộ | 12 tháng |
6 | MH nuôi dê nhốt chuồng | Hỗ trợ Dê giống trọng lượng không quá 15kg/con, thức ăn tinh (Cám đậm đặc, cám dạng viên do các đơn vị được phép sản xuất), thuốc tiêm phòng và thuốc tẩy ký sinh trùng. | 50 con | Tối thiểu 5 con/hộ | 12 tháng |
7 | Mô hình nuôi lợn sinh sản (giống bản địa) | Hỗ trợ Lợn nái hậu bị (trọng lượng 10 kg/con), thức ăn tinh (Cám gạo, bột sắn, bột ngô) và thuốc thú y | 20 con | Tối đa 2 con/hộ | 12 tháng |
8 | Mô hình nuôi lợn thịt (giống bản địa) | Hỗ trợ lợn giống (trọng lượng 10 kg/con), thức ăn tinh và thuốc thú y. | 50 con | Tối đa 5 con/hộ | 7 tháng |
9 | Mô hình chăn nuôi gia cầm | Hỗ trợ Gà, vịt, ngan giống (1 ngày tuổi), thuốc thú y và thức ăn hỗn hợp |
|
|
|
- | Mô hình chăn nuôi gia cầm sinh sản |
| 500 con | Tối thiểu 100 con/hộ | 12 tháng |
- | Mô hình chăn nuôi gia cầm thương phẩm |
| 2.000 con | Tối thiểu 300 con/hộ | 4 tháng |
10 | Mô hình nuôi ong nội lấy mật | Hỗ trợ thùng nuôi ong và đàn ong có 3 cầu ong | 100 đàn | Tối thiểu 20 đàn/hộ | 12 tháng |
11 | Mô hình thủy sản bán thâm canh | Hỗ trợ cá giống cấp I (3 con/m2 ao), thuốc và thức ăn thủy sản | Tối đa 1 ha | Tối thiểu 0,2 ha/hộ | 8 tháng |
Ghi chú: Định mức kinh tế kỹ thuật theo Sổ tay khuyến nông do Trung tâm Khuyến nông phát hành.