cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 05/2016/QĐ-UBND ngày 28/01/2016 Về Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu văn bản: 05/2016/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Yên Bái
  • Ngày ban hành: 28-01-2016
  • Ngày có hiệu lực: 07-02-2016
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-01-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1809 ngày (4 năm 11 tháng 19 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 20-01-2021
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 20-01-2021, Quyết định số 05/2016/QĐ-UBND ngày 28/01/2016 Về Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020 bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 83/QĐ-UBND ngày 20/01/2021 Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ và hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần năm 2020”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2016/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 28 tháng 01 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HỆ THỐNG TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC BÁN TRÚ, TRƯỜNG MẦM NON THUỘC VÙNG CÓ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Giáo dục năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục năm 2009;

Căn cứ Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02/8/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú; Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT ngày 11/12/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02/8/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/03/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ Quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập;

Căn cứ Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú;

Căn cứ Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg ngày 24/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

Căn cứ Nghị quyết số 23/2015/NQ-HĐND ngày 15/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 01/TTr-SGDĐT ngày 04 tháng 01 năm 2016 về việc đề nghị ban hành Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chính phủ;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Sở Tư pháp (tự kiểm tra văn bản);
- Báo Yên Bái, Đài PTTH tỉnh;
- VP UBND tỉnh (đăng Công báo);
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Chánh, Phó VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH, TC, NC, VX.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Thị Thanh Trà

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HỆ THỐNG TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC BÁN TRÚ, TRƯỜNG MẦM NON THUỘC VÙNG CÓ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2016/QĐ-UBND ngày 28/01/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái)

PHẦN I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết xây dựng đề án

Trong những năm qua tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó có Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND ngày 16/12/2009 của HĐND tỉnh về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010-2015, Nghị quyết số 19/2013/NQ-HĐND ngày 19/7/2013 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND Nghị quyết số 42/2011/NQ-HĐND ngày 21/12/2011 của HĐND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015.

Qua 5 năm triển khai các đề án, chính sách của Trung ương và địa phương; chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên, tỷ lệ học sinh thi đỗ các trường đại học, cao đẳng cũng tăng theo các năm; chất lượng mũi nhọn, công tác giáo dục dân tộc được quan tâm, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường học được quan tâm đầu tư, tỷ lệ phòng học kiên cố tăng, tỷ lệ giáo viên biên chế, giáo viên trên chuẩn các cấp học tăng; công tác quản lý giáo dục không ngừng được đổi mới. 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành PC GDMN cho trẻ em 5 tuổi.

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục mầm non giữa các vùng, miền trong tỉnh còn có sự chênh lệch; công tác quản lý giáo dục mầm non còn bất cập trong quy hoạch mạng lưới và chính sách phát triển. Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của giáo dục mầm non. Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn chưa đảm bảo được các yêu cầu về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Chỗ ăn, chỗ ở của học sinh các trường PTDTBT còn bất cập.

Xuất phát từ thực tiễn, đồng thời nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện với mục tiêu giải quyết những khó khăn bất cập trên đây, việc xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường mầm non vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 là rất quan trọng và cần thiết.

2. Căn cứ pháp lý

Căn cứ Thông báo kết luận số 397/TB-VPCP ngày 06/10/2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

Căn cứ Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú.

Căn cứ Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Uỷ ban dân tộc công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015; Quyết định số 582/QĐ-UBDT ngày 18/12/2013 của Uỷ ban dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi vào diện đầu tư của chương trình 135; Quyết định số 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư chương trình 135 năm 2014, 2015.

Căn cứ Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02/8/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú; Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT ngày 11/12/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02/8/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Căn cứ văn bản hợp nhất số 05/VBHN-BGDĐT ngày 13/2/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ trường mầm non và Thông tư số 09/2015/TT-BGDĐT ngày 14/5/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của điều lệ trường mầm non.

Căn cứ Thông tư liên tịch số 06/2015/TT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Căn cứ Quyết định số 1625/QĐ-TTg ngày 11/09/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015 và lộ trình đến năm 2020.

Căn cứ Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Căn cứ Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 29/12/2014 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 70-CTr/TU ngày 20/01/2014 của Tỉnh ủy Yên Bái về triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

3. Phạm vi áp dụng của Đề án

- Trường mầm non, trường phổ thông có nhóm, lớp mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn;

- Trường phổ thông dân tộc bán trú;

- Trường tiểu học, trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học, có học sinh bán trú;

- Trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (có cấp trung học phổ thông) có học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Trường tiểu học, trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập thuộc các xã khu vực II có học sinh ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn nhưng không được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg; có nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày (ở nội trú tại trường).

PHẦN II

THỰC TRẠNG TRƯỜNG PTDTBT, TRƯỜNG MẦM NON THUỘC VÙNG CÓ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐBKK TỈNH YÊN BÁI

I. Quy mô trường, lớp, học sinh

Tỉnh Yên Bái có 72/180 xã thuộc vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (chiếm tỷ lệ 40%) so với toàn tỉnh; học sinh dân tộc chiếm hơn 50% trên tổng số học sinh toàn tỉnh.

Vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn( ĐBKK) hiện có: 84 cơ sở giáo dục mầm non (80 trường mầm non, 04 trường phổ thông có nhóm, lớp mầm non), 280 điểm trường lẻ; với 758 nhóm, lớp (121 nhóm trẻ, 637 lớp mẫu giáo; trong đó có 336 lớp mẫu giáo ghép); 21.824 trẻ ra lớp. So với dân số độ tuổi tỷ lệ huy động trẻ 0-5 tuổi đạt 48,6%, trong đó: tỷ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi đạt 12,5%, trẻ 3-5 tuổi đạt 81,8%, riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 97,3%. So với bình quân chung toàn tỉnh: số trường chiếm 42,3%, số nhóm, lớp chiếm 44%, số học sinh chiếm 42,5%. So với tỷ lệ chung của cấp học mầm non: Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ thấp hơn 3,3%; huy động trẻ mẫu giáo thấp hơn 3,1%, riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi thấp hơn 2,2%.

Quy mô giáo dục mầm non phát triển không đồng đều, mất cân đối giữa các độ tuổi và các vùng miền trong tỉnh. Hiện nay, vùng ĐBKK còn 03 xã chỉ có nhóm, lớp mầm non ( Xã Phúc Ninh - huyện Yên Bình; Xã Nà Hẩu - huyện Văn Yên; Xã Chế Tạo - huyện Mù Cang Chải), chưa có trường mầm non. Các trường thuộc vùng ĐBKK có tỷ lệ huy động trẻ thấp hơn so với các vùng còn lại; còn 02 xã ( xã Tà Xi Láng, xã Chế Tạo - huyện Mù Cang Chải ) chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Toàn tỉnh, hiện có 47 trường phổ thông dân tộc bán trú (15 trường PTDTBT tiểu học, 17 trường PTDTBT THCS, 15 trường PTDTBT TH&THCS) và 53 trường có học sinh bán trú với tổng số 14.740 học sinh bán trú (6.828 học sinh tiểu học, 7.912 học sinh trung học cơ sở) được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg; trong đó có 12.309 học sinh bán trú ở trong trường (chiếm tỷ lệ 84%). Tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học, trung học cơ sở được học tại các trường PTDTBT đạt 28,33%. So với năm học 2010 - 2011, số học sinh bán trú tăng 8.281 em.

II. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục học sinh

1. Giáo dục mầm non

1.1. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng

Trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục theo đúng độ tuổi, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đã được cải thiện; 62% nhóm, lớp được tổ chức ăn bán trú.

Riêng các trường mầm non vùng ĐBKK, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 7,76% (nhà trẻ: 7,2%; mẫu giáo: ,8%), tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi 10,2% (nhà trẻ: 11,1%, mẫu giáo: 10,1%). Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi: thể nhẹ cân 7,3%; thể thấp còi 8,4%.

So với tỷ lệ chung toàn tỉnh, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân vùng ĐBKK cao hơn 1,9%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao hơn 3,3%; riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi: tỷ lệ trẻ thể nhẹ cân cao hơn 1,8%; tỷ lệ trẻ thấp còi cao hơn 2,7%.

1.2. Chất lượng giáo dục

Hiện nay, 100% các cơ sở giáo dục mầm non thuộc vùng ĐBKK thực hiện chương trình giáo dục mầm non với 758 nhóm, lớp (tỷ lệ 100%); 21.824 trẻ (tỷ lệ 100%); 758 lớp (100%) được đánh giá chất lượng phát triển của trẻ theo Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi.

Triển khai thực hiện chương trình còn gặp nhiều khó khăn như: các lớp ghép nhiều độ tuổi (từ 2-3 độ tuổi); số lớp ghép tại các trường vùng ĐBKK chiếm 55,1%; việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi trước khi vào học tiểu học vùng dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức; nhiều giáo viên còn hạn chế trong giao tiếp bằng tiếng dân tộc; cơ sở vật chất chưa đảm bảo yêu cầu, còn nhiều phòng học tạm; đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học tối thiểu tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu.

2. Hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú

2.1. Chất lượng giáo dục

Đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, tỷ lệ học sinh giỏi, khá của các trường PTDTBT có sự chuyển biến tích cực: Cấp THCS tăng từ 16,6% lên 24%; tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm từ 6,4% xuống còn 3,1%. Đối với cấp tiểu học: Đánh giá về năng lực đạt 99%, chưa đạt 1,0%; đánh giá về phẩm chất: đạt 99,3%, chưa đạt 0,7%. Xếp loại học lực môn Toán: loại hoàn thành 98,4%; chưa hoàn thành 0,6%. Xếp loại học lực môn Tiếng Việt: loại hoàn thành 98,2% , loại chưa hoàn thành còn 1,8%.

Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể: Cấp tiểu học giảm từ 0,2% xuống 0,04%, cấp THCS giảm từ 1,43% xuống 1,0%; tỷ lệ học sinh nữ người dân tộc ra lớp đạt 28,2% ở các cấp học.

2.2. Công tác quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng học sinh bán trú

Hiện nay, 100% các trường tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú. Đa số các trường đã xây dựng nội quy, quy định và giáo dục học sinh thực hiện tốt nội quy khu nội trú, nội quy phòng ở, quy tắc ứng xử trong nhà trường; phân công cán bộ, giáo viên hàng ngày trực và hướng dẫn học sinh ăn ở, đảm bảo vệ sinh; quan tâm đến công tác rèn kỹ năng sống cho học sinh: tổ chức hướng dẫn các em cách tự học, tự rèn luyện; tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, các trò chơi dân gian, các hoạt động tập thể...; tổ chức các hoạt động lao động sản xuất đối với học sinh nhằm góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày và rèn kỹ năng lao động cho học sinh. Đến thời điểm hiện tại, có trên 18.000 m2 đất, trồng được trên 22 tấn rau, củ quả; chăn nuôi được trên 27 tấn gia súc gia cầm. Tuy nhiên, còn 15% số trường PTDTBT còn thiếu quỹ đất để học sinh trồng trọt, chăn nuôi và phục vụ các hoạt động khác.

III. Tình hình quản lý, sử dụng, tuyển dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên

1.1. Các trường Mầm non

Tổng số biên chế, hợp đồng lao động: 1.787 người (Biên chế: 1692, hợp đồng theo Nghị định 68: 57, hợp đồng lao động: 38) chiếm tỷ lệ 45% so với số lao động của cấp học mầm non. Về cơ cấu đội ngũ chia ra: cán bộ quản lý: 216, giáo viên: 1.378, nhân viên: 193.

Tỷ lệ biên chế đã giao so với quy mô năm học 2015-2016 đạt 88,3% (theo định mức Thông tư 06), tỷ lệ lao động hiện có đạt 88,7%.

Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên các trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên 99,87% (trong đó tỷ lệ trên chuẩn đạt 61,7%); tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có chứng chỉ tiếng dân tộc 67,1%; tỷ lệ cán bộ quản lý có chứng chỉ quản lý giáo dục trở lên: 67%; tỷ lệ cán bộ quản lý có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên 22,5%.

2.1. Các trường PTDTBT

Tổng số biên chế, hợp đồng lao động: 1.752 người (Biên chế: 1.652, hợp đồng theo Nghị định 68: 43, hợp đồng lao động: 57). Về cơ cấu đội ngũ chia ra: cán bộ quản lý: 145, giáo viên: 1.448, nhân viên 159.

Tỷ lệ biên chế đã giao so với quy mô năm học 2015-2016 đạt 91,07% (theo định mức Thông tư 59), tỷ lệ lao động hiện có đạt 91,5%.

Trong đó:

- Cấp Tiểu học có: 1.016 lao động (Biên chế: 975, hợp đồng theo Nghị định 68: 10, hợp đồng lao động: 31). Tỷ lệ biên chế được giao so với quy mô năm học 2015-2016 đạt 95,83%, tỷ lệ lao động hiện có đạt 94,3%.

- Cấp THCS có: 736 lao động (Biên chế: 677, hợp đồng theo Nghị định 68: 33, hợp đồng lao động: 26). Tỷ lệ biên chế được giao so với quy mô năm học 2015-2016 đạt 84,95%, tỷ lệ lao động hiện có đạt 87,9%.

Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên 100% (trong đó tỷ lệ trên chuẩn đạt 55,7%); tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên có chứng chỉ tiếng dân tộc 67,1%; tỷ lệ cán bộ quản lý có chứng chỉ quản lý giáo dục trở lên 70%, tỷ lệ cán bộ quản lý có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên 45,7%.

Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên cấp THCS có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên 100% (trong đó tỷ lệ trên chuẩn đạt 51,6%); tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên có chứng chỉ tiếng dân tộc 72,3%; Tỷ lệ cán bộ quản lý có chứng chỉ quản lý giáo dục trở lên 97%; tỷ lệ cán bộ quản lý có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên 26,7%.

IV. Điều kiện cơ sở vật chất

- Đối với các trường mầm non vùng ĐBKK có 705 phòng học (202 phòng kiên cố, 305 phòng bán kiên cố, 198 phòng tạm), 54 phòng học nhờ, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt: 29% thấp hơn 18% so với mặt bằng chung của giáo dục mầm non toàn tỉnh; 144 bếp ăn (trong đó có 30 bếp ăn 1 chiều, đạt yêu cầu theo quy định), 216 công trình vệ sinh, 195 công trình hệ thống nước sạch. Hầu hết các điểm chính của các trường mầm non có tối thiểu một danh mục thiết bị ngoài trời cho giáo dục mầm non, các điểm lẻ hầu hết chưa được đầu tư thiết bị ngoài trời; thiết bị cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi đủ so với số lớp, tuy nhiên về danh mục thiết bị đạt 40% so với yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Đến thời điểm hiện tại, tổng số phòng học trường PTDTBT, trường có học sinh bán trú là 1.366 phòng (822 phòng kiên cố, 241 phòng bán kiên cố, 303 phòng tạm), phòng học nhờ: 28; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 60% thấp hơn 13% so với mặt bằng chung của toàn tỉnh. Có 613 phòng ở cho học sinh ( 323 phòng kiên cố, 158 phòng bán kiên cố, 132 phòng tạm), tỷ lệ kiên cố đạt 53%; trung bình 20 em học sinh bán trú ở trong trường/phòng ở ( trong khi thiết kế xây dựng chỉ 8-10 học sinh/phòng). Các trường đã được đầu tư bàn ghế, giường tầng, bàn ghế phục vụ hoạt động học tập, ăn ở của học sinh; trong giai đoạn 2010-2015 đã đầu tư 4.366 bộ bàn ghế, 2.658 giường tầng, 755 bộ bàn ghế ăn; cơ bản số giường tầng đáp ứng đủ chỗ ở hiện tại của học sinh bán trú ở trong trường, nhu cầu các trường vẫn còn thiếu giường, tuy nhiên do không có phòng ở cho học sinh, nên việc bố trí giường nằm trong các phòng ở chật chội.

V. Chế độ chính sách

- Đối với các trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn:

+ Học sinh được hưởng các chế độ chính sách: Hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ; hỗ trợ ăn trưa cho trẻ 3,4,5 tuổi theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

+ Giáo viên được hưởng chế độ theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010, Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/2/2013 của Chính phủ.

- Đối với các trường PTDTBT:

+ Học sinh được hỗ trợ các chính sách của Trung ương theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ.

+ Giáo viên được hưởng chế độ theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010, Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/2/2013 của Chính phủ.

+ Ngoài ra chính sách riêng của tỉnh theo Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND ngày 16/12/2009, nghị quyết số 19/2013/NQ-HĐND ngày 19/7/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái: Các trường được hợp đồng nhân viên cấp dưỡng nấu ăn cho học sinh, học sinh thuộc đối tượng theo nghị quyết.

- Kinh phí chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ 3, 4, 5 tuổi (Quyết định số 239/QĐ-TTg Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg) từ năm 2011-2015: 104 tỷ đồng.

- Từ năm 2011-2015: Kinh phí hỗ trợ cho học sinh bán trú theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg: 212 tỷ đồng; hỗ trợ nhân viên nấu ăn theo Nghị quyết 19 của Hội đồng nhân dân tỉnh: 15 tỷ đồng.

VI. Khó khăn, tồn tại

Các trường mầm non tỷ lệ huy động trẻ ra lớp còn thấp, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao, ở một số điểm trường còn chưa được tổ chức ăn bán trú; chất lượng giáo dục còn ở mức thấp so với bình quân chung toàn tỉnh; thiếu phòng học, nhà công vụ cho giáo viên, bếp ăn theo quy định, công trình nước sạch; thiếu thiết bị mầm non ngoài trời ở các điểm lẻ, thiết bị dạy học, đồ dùng trong lớp chỉ được đầu tư với lớp mẫu giáo 5 tuổi (đạt 40% so với yêu cầu).

Hệ thống trường PTDTBT khó khăn về điều kiện cơ sở vất chất, nơi ở của học sinh chật chội, thiếu phòng học, phòng ở, các phòng ở của học sinh đa số chật hẹp, phòng tạm; thiếu giường tầng, bàn ghế học sinh, nhà bếp, nhà ăn, công trình vệ sinh nước sạch,...); do đó chưa đủ để đáp ứng nhu cầu học, ăn ở, sinh hoạt của học sinh, giáo viên.

PHẦN THỨ III

NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

A. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển giáo dục mầm non vùng đặc biệt khó khăn với quy mô trường, lớp, đội ngũ giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi nhất để đảm bảo thu hút trẻ trong độ tuổi đến lớp; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện; nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú nhằm huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở ở vùng đặc biệt khó khăn. Tích cực huy động các nguồn lực, phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo đủ phòng ở cho học sinh bán trú theo quy định, đủ bếp ăn, công trình vệ sinh, nước sạch ,... cho học sinh bán trú. Tổ chức tốt các hoạt động giáo dục trong trường; xây dựng và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với người dạy, người học, tăng cường dạy học 2 buổi/ngày.

2. Mục tiêu cụ thể

Phấn đấu đến năm 2020:

2.1. Đối với giáo dục mầm non: Tại các xã vùng đặc biệt khó khăn có 80 trường mầm non, với quy mô 23.500 cháu; tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp 15%, trẻ mẫu giáo ra lớp 87 %; trẻ 5 tuổi ra lớp 99% trở lên; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng: thể nhẹ cân dưới 7%, thể thấp còi dưới 10%; tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và biết một thứ tiếng dân tộc 100%, trong đó trên chuẩn 85%; bố trí đủ giáo viên theo quy định của Trung ương; tỷ lệ phòng học kiên cố 40%; các trường mầm non có đủ đồ dùng, thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị ngoài trời, bếp ăn, công trình nước hợp vệ sinh và hệ thống cấp thoát nước. Duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi. Giảm các lớp mẫu giáo ghép, đặc biệt lớp mẫu giáo có học sinh 5 tuổi.

2.2. Đối với trường phổ thông dân tộc bán trú: Có 59 trường phổ thông dân tộc bán trú, với quy mô 19.000 học sinh bán trú; tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và biết một thứ tiếng dân tộc 100%, trong đó trên chuẩn 78%; bố trí đủ giáo viên theo quy định của Trung ương; tỷ lệ phòng học kiên cố 70%; tỷ lệ học sinh bán trú được ở trong trường 100%; các trường phổ thông bán trú có đủ bếp ăn, công trình nước hợp vệ sinh và hệ thống cấp thoát nước, giường tầng, bàn ghế học sinh, bàn ghế ăn phục vụ cho việc học tập và sinh hoạt của học sinh. Duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở tại 100% xã đặc biệt khó khăn theo hướng bền vững. Giảm các lớp ghép ở cấp tiểu học, các điểm trường lẻ của cấp tiểu học phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

B. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

I. NHIỆM VỤ

1. Phát triển quy mô mạng lưới trường, lớp, học sinh

Duy trì, củng cố và phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm 100% các xã thuộc vùng ĐBKK và các xã khu vực II có điểm trường chính thuộc thôn ĐBKK đều có trường mầm non.

Đến năm 2020: Các xã vùng ĐBKK có 80 trường mầm non, dự kiến huy động 23.500 cháu, học sinh.

Tiếp tục rà soát lại quy mô, mạng lưới trường, điểm trường, lớp học đảm bảo nhu cầu học tập của con em các dân tộc, củng cố, giữ vững phổ cập giáo dục. UBND các huyện xây dựng kế hoạch, phối hợp với các Sở, ngành thực hiện rà soát, giảm các điểm trường lẻ ở cấp tiểu học, vận động đưa học sinh về học tại điểm trường chính, giảm lớp ghép để nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện việc tuyển sinh vào trường PTDTBT và chuyển đổi các trường phổ thông có đủ điều kiện sang trường PTDTBT theo quy định; triển khai công tác xét duyệt học sinh hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đảm bảo đúng đối tượng. Duy trì, phát triển hệ thống trường PTDTBT; đến năm 2020, có 59 trường PTDTBT, với tổng số dự kiến huy động 19.000 học sinh bán trú được hưởng chế độ theo quy định của Chính phủ.

Nội dung

Năm 2015

Năm 2020

Số trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn

80

80

Số trường PTDTBT

47

59

Số học sinh mầm non vùng đặc biệt khó khăn

21.824

23.500

Số học sinh bán trú được hưởng chế độ theo quy định nhà nước

14.740

19.000

2. Nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục học sinh

2.1. Giáo dục mầm non

Đến năm 2020, tỷ lệ chuyên cần đạt 95% trở lên; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 10 %, thể nhẹ cân dưới 7%, 100% trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo được học Chương trình giáo dục mầm non, 100% trẻ nhà trẻ và mẫu giáo được học 2 buổi/ngày; 100% trẻ đến trường, lớp mầm non được đảm bảo an toàn tuyệt đối cả về thể chất và tinh thần.

2.2. Đối với hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú

Đến năm 2020, chất lượng giáo dục: Đối với cấp THCS, tỷ lệ xếp loại hạnh kiểm tốt, khá đạt 99%; tỷ lệ xếp loại học lực khá, giỏi đạt 30%-35%; tỷ lệ học sinh yếu, kém 2,0%. Đối với cấp tiểu học, về kiến thức: môn Toán, tiếng Việt đều hoàn thành 99,5%; về năng lực đạt 99,5%; về phẩm chất đạt 99,8%. Phấn đấu không có học sinh tiểu học bỏ học, tỷ lệ học sinh bỏ học THCS dưới 0,3%.

Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chuyên đề bồi dưỡng giáo viên phù hợp tình hình thực tế để nâng cao chất lượng giảng; tăng cường các hoạt động giáo dục đặc thù trong trường PTDTBT.

3. Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên

- Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Hàng năm, UBND tỉnh xem xét bổ sung biên chế theo định mức. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ biên chế giáo viên mầm non đạt trên 90% theo quy định của Thông tư số 06/2015/TT-BGDĐT-BNV.

- Bồi dưỡng phương pháp dạy học các lớp ghép ở bậc mầm non; bồi dưỡng kiến thức quản lý giáo dục, tiếng dân tộc cho cán bộ quản lý, giáo viên; bồi dưỡng kiến thức nấu ăn, kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhân viên làm nhiệm vụ nấu ăn :

+ Bồi dưỡng cấp chỉ quản lý giáo dục cho 166 cán bộ quản lý (trong đó Mầm non: 130, Tiểu học: 24 ,THCS: 12);

+ Bồi dưỡng tiếng dân tộc cho 1.742 cán bộ quản lý, giáo viên (trong đó Mầm non: 947, Tiểu học: 455, THCS: 340 );

+ Bồi dưỡng phương pháp dạy lớp ghép cho 740 giáo viên mầm non .

+ Bồi dưỡng cấp chứng chỉ nấu ăn, kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho 100% nhân viên nấu ăn cốt cán (hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP ).

4. Tăng cường các điều kiện, đầu tư cơ sở vật chất

- Quy hoạch và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở giáo dục. Đảm bảo 100% các điểm trường có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xong trước năm 2017.

- Đầu tư xây dựng kiên cố phòng học, nhà bếp, phòng ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ cho giáo viên, công trình vệ sinh, nước sạch và hệ thống cấp thoát nước và mua sắm trang thiết bị cho trường, cụ thể như sau:

+ Xây dựng 160 phòng học (trong đó mầm non: 58 phòng; trường PTDTBT, trường có học sinh bán trú: 102 phòng).

+ Xây dựng 444 phòng ở cho các trường PTDTBT, trường có học sinh bán trú.

+ Xây dựng 54 nhà bếp theo quy định (trong đó mầm non: 27 ; trường PTDTBT, trường có học sinh bán trú: 27 ).

+ Xây dựng 08 nhà vệ sinh cho học sinh, 38 công trình nước sạch và hệ thống cấp thoát nước.

+ Xây dựng 94 phòng công vụ cho giáo viên ( mầm non: 44 phòng ; trường PTDTBT, trường có học sinh bán trú: 50 phòng ).

+ Đầu tư 45 bộ thiết bị mầm non ngoài trời, 188 bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học trong lớp cho các trường mầm non; 2.467 giường tầng, 4.330 bộ bàn ghế phòng học, 1.100 bộ bàn ghế ăn cho các trường PTDTBT, trường có học sinh bán trú.

5. Các chính sách cho nhân viên, học sinh

5.1. Đối với trường phổ thông dân tộc bán trú

Hỗ trợ kinh phí thuê, khoán nấu ăn: Cứ có 50 học sinh bán trú ở trong khu bán trú của nhà trường (ở trong trường) được bố trí 01 người nấu ăn. Nếu có quá 30 học sinh trở lên được bố trí thêm 01 người nấu ăn. Mức kinh phí hỗ trợ nấu ăn /người/tháng tương ứng bằng 2,0 mức lương cơ sở chung hiện hành, cấp 9 tháng/năm học.

5.2. Chính sách hỗ trợ đối với các nhà trường

Đối với các trường có học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 85/2010/QĐ-Tg Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg (nhưng chưa được công nhận là trường bán trú) và các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc các xã khu vực II có học sinh ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn, địa hình cách trở không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày (ở nội trú tại trường) nhưng không được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg: được hỗ trợ kinh phí thuê, khoán nấu ăn. Định mức học sinh và mức kinh phí hỗ trợ nấu ăn như các trường phổ thông dân tộc bán trú. Trường hợp chỉ có từ 30 đến 50 học sinh bán trú ở trong trường thì bố trí 01 người.

5.3. Chính sách đối với học sinh

Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo: ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đang học và ở nội trú tại trường nhưng không được hưởng chế độ hỗ trợ theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg mỗi tháng được hỗ trợ bằng 20% mức lương cơ sở chung hiện hành/học sinh/tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

II. GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng: về chủ trương phát triển giáo dục mầm non, hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, tạo sự quan tâm, phối hợp trong tổ chức triển khai thực hiện đề án.

Mục tiêu, nhiệm vụ của đề án phải được quán triệt sâu sắc đến các cấp uỷ, chính quyền, các đơn vị, nhà trường và toàn thể nhân dân; thể hiện trên các Nghị quyết của Đảng bộ, chi bộ, nghị quyết Hội đồng nhân dân, kế hoạch Uỷ ban Nhân dân các cấp. Tập trung lãnh đạo chỉ đạo bằng chỉ thị, nghị quyết và kế hoạch của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Tăng cường phối hợp tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng để phổ biến các nội dung của Đề án, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội, các bậc cha mẹ và toàn xã hội cùng chăm lo cho sự phát triển giáo dục mầm non vùng đặc biệt khó khăn, hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú.

2. Xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên

Xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển giai đoạn 2016-2020; quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giai đoạn 2016-2020; thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước và UBND tỉnh về quản lý, sử dụng, tuyển dụng viên chức; việc tuyển dụng, tiếp nhận cần thực hiện đồng bộ sau khi đã điều động, biệt phái, luân chuyển giáo viên, nhân viên từ nơi thừa đến nơi thiếu. Kịp thời bổ sung, kiện toàn cán bộ quản lý trường học còn thiếu để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý trường học.

Tuyển dụng biên chế giáo viên, nhân viên phải đảm bảo yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đủ về số lượng, đúng quy định về khung vị trí việc làm. Ưu tiên người dân tộc, địa phương trong quá trình tuyển dụng, luân chuyển; thực hiện hình thức xét tuyển đối với vùng có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn.

Tập trung chỉ đạo, triển khai kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên giai đoạn 2016-2020 để xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới và phù hợp với tình hình thực tiễn giáo dục vùng khó khăn. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức về quản lý giáo dục, quản lý Nhà nước, lý luận chính; tập trung bồi dưỡng phương pháp dạy các nhóm, lớp ghép các độ tuổi cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, mở các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc ( H’ Mông, Dao, Thái) theo nhu cầu của từng địa phương trong tỉnh đảm bảo đến năm 2020 có 100% cán bộ quản lý, giáo viên biết một thứ tiếng dân tộc.

Chỉ đạo trường CĐSP Yên Bái, Trung tâm GDTX tỉnh chủ động phối hợp với các trường, học viện có uy tín xây dựng kế hoạch triển khai liên kết đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, giáo viên Tiểu học, THCS các đơn vị thuộc đề án.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các phòng chuyên môn trực thuộc tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện đánh giá phân xếp loại CBQL,GV, NV gắn với rà soát, bố trí cử CBQL, GV đi học nâng chuẩn, bồi dưỡng cập nhật, nâng cao trình độ.

3. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị

Hàng năm căn cứ vào nhu cầu đầu tư thực tế của các trường; Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ cân đối bố trí nguồn vốn đầu tư. Tập trung đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư; ưu tiên đầu tư xây dựng phòng học, phòng ở cho học sinh bán trú, nhà bếp, nhà công vụ cho giáo viên, hệ thống nước hợp vệ sinh; thiết bị phục vụ hoạt động dạy học, thiết bị phục vụ hoạt động sinh hoạt của học sinh bán trú.

Các cấp, các ngành có kế hoạch bố trí đủ diện tích đất phục vụ đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn ở những vị trí thuận lợi phù hợp với yêu cầu phát triển và quy định tại Điều lệ trường mầm non, quy chế tổ chức hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú.

Tiếp tục đầu tư kinh phí, tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học, sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách của chương trình mục tiêu về giáo dục, đề án kiên cố hóa trường lớp học, ngân sách tỉnh, chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo và các nguồn vốn đầu tư khác nhằm hoàn thành mục tiêu về cơ sở vật chất.

Đối với những điểm trường lẻ thiếu phòng học đang sử dụng phòng học nhờ từng bước sẽ được đầu tư xây dựng phòng học bán kiên cố đáp ứng nhu cầu dạy và học. Đầu tư thiết bị ngoài trời cho các trường mầm non khi đảm bảo điều kiện có đủ sân bê tông, tường rào; những điểm lẻ đầu tư danh mục thiết bị tối đa đạt 70% so với điểm trường chính.

Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục như: chương trình mục tiêu, các dự án, ngân sách tỉnh chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, NQ 30a, chi sự nghiệp giáo dục cho mua sắm thiết bị, ngân sách huyện và huy động các nguồn vốn khác bằng hình thức xã hội hoá.

4. Đổi mới công tác quản lý

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý, chỉ đạo công tác giáo dục dân tộc ở các huyện có đông học sinh dân tộc thiểu số; bảo đảm mỗi phòng Giáo dục và Đào tạo có bộ phận đầu mối quản lý, chỉ đạo về giáo dục dân tộc của địa phương;

Ban hành quy định một số nội dung công tác giáo dục đặc thù trong trường PTDTBT. Thực hiện tốt công tác quản lý học sinh ở nội trú và học sinh bán trú trọ ngoài nhà trường; tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh với các nội dung thiết thực, phù hợp tâm, sinh lí lứa tuổi và đặc điểm văn hóa dân tộc thiểu số; thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho học sinh; tổ chức nấu ăn 3 bữa/ngày cho học sinh ở nội trú; chủ động, tích cực phòng chống không để xảy ra dịch bệnh; tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục đặc thù: Giáo dục văn hóa dân tộc và kiến thức địa phương, hoạt động văn nghệ, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần và góp phần giáo dục toàn diện học sinh; tổ chức các hoạt động lao động, sản xuất để cải thiện đời sống.

Đối với trường phổ thông bán trú, tiếp tục đổi mới quản lý việc thực hiện chương trình và kế hoạch giáo dục; củng cố kỷ cương, nền nếp trong dạy học, kiểm tra đánh giá, thi bảo đảm khách quan, chính xác, công bằng. Chỉ đạo dạy, học nâng cao chất lượng đồng đều ở tất cả các bộ môn để hạn chế học sinh bỏ học vì học yếu kém. Các trường tổ chức khảo sát phân loại năng lực học tập của học sinh ngay từ đầu năm học để xây dựng kế hoạch dạy học, quan tâm phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi; cần lựa chọn phương pháp dạy học bộ môn phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số; bảo đảm cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh theo chuẩn kiến thức và kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông.

Đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh nề nếp kỷ cương trong các cơ sở giáo dục mầm non. Thực hiện phân cấp quản lý cho các trường mầm non theo hướng mở rộng quyền chủ động, sáng tạo và phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cơ sở.

Tăng cường đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm định chất lượng giáo dục; đổi mới chế độ báo cáo, theo dõi tổng hợp, giao ban phù hợp; định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển giáo dục, động viên khen thưởng kịp thời. Các nhà trường định kỳ tiến hành công tác tự kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác giáo dục, việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục đặc thù trong đơn vị mình.

5. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục

Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các địa phương xây dựng quỹ khuyến học, kho thóc khuyến học để hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh có hộ khẩu ở vùng đặc biệt khó khăn, học ở các trường phổ thông dân tộc bán trú nhưng chưa đủ điều kiện được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Huy động các tổ chức cá nhân hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho các trường, hạng mục xây dựng cơ bản như sân bê tông, công trình vệ sinh, nhà bếp, hệ thống nước hợp vệ sinh...

Phân công các sở, ban, ngành, đoàn thể; mời các doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tham gia đỡ đầu từng đơn vị trường học. Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục.

C. DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Nhu cầu về tổng vốn : 228.000 triệu đồng

1.1. Chính sách hỗ trợ cho nhân viên, học sinh : 32.550 triệu đồng

1.2. Mua sắm thiết bị : 40.795 triệu đồng

1.3. Đầu tư xây dựng cơ bản : 154.655 triệu đồng

2. Cơ cấu nguồn vốn:

2.1. Ngân sách trung ương: 117.000 triệu đồng, (Gồm vốn chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; Trái phiếu chính phủ )

2.2. Ngân sách tỉnh: 60.000 triệu đồng

2.3. Kinh phí xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác: 51.000 triệu đồng.

3. Kế hoạch đầu tư

Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020: 228.000 triệu đồng, trong đó:

- Năm 2016: Kinh phí 43.678 triệu đồng, chia ra:

+ Chính sách hỗ trợ cho nhân viên, học sinh: 6.510 triệu đồng

+ Mua sắm thiết bị: 7.973 triệu đồng.

+ Đầu tư xây dựng cơ bản: 29.195 triệu đồng

- Năm 2017: Kinh phí 44.478 triệu đồng, chia ra:

+ Chính sách hỗ trợ cho nhân viên, học sinh: 6.510 triệu đồng

+ Mua sắm thiết bị: 7.973 triệu đồng.

+ Đầu tư xây dựng cơ bản: 29.995 triệu đồng

- Năm 2018: Kinh phí 45.468 triệu đồng, chia ra:

+ Chính sách hỗ trợ cho nhân viên, học sinh: 6.510 triệu đồng

+ Mua sắm thiết bị: 8.153 triệu đồng.

+ Đầu tư xây dựng cơ bản: 30.805 triệu đồng

- Năm 2019: Kinh phí 46.443 triệu đồng, chia ra:

+ Chính sách hỗ trợ cho nhân viên, học sinh: 6.510 triệu đồng

+ Mua sắm thiết bị: 8.363 triệu đồng.

+ Đầu tư xây dựng cơ bản: 31.570 triệu đồng

- Năm 2020: Kinh phí 47.933 triệu đồng, chia ra:

+ Chính sách hỗ trợ cho nhân viên, học sinh: 6.510 triệu đồng

+ Mua sắm thiết bị: 8.333 triệu đồng.

+ Đầu tư xây dựng cơ bản: 33.090 triệu đồng

PHẦN THỨ IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

Là cơ quan thường trực giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Đề án. Chủ trì, phối hợp với các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tập trung giải quyết các vấn đề có liên quan đến quá trình thực hiện Đề án.

Tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai đề án, phối hợp với UBND các huyện, thị xã thành phố chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo phổ biến tới các trường PTDTBT, trường có học sinh bán trú, trường mầm non...; khảo sát cụ thể đối với từng trường để có cơ sở đầu tư, xây dựng các công trình hợp lý, hiệu quả; đầu tư mua sắm thiết bị cho các trường.

Trên cơ sở nguồn ngân sách của Nhà nước, Dự án của các tổ chức quốc tế đầu tư cho giáo dục và đào tạo, chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch lồng ghép các nguồn vốn và tổ chức xây dựng cơ sở vật chất cho các trường (phòng ở, nhà công vụ, phòng học, nhà bếp và công trình vệ sinh - nước hợp vệ sinh,...).

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc hợp đồng nhân viên nấu ăn và hỗ trợ kinh phí cho học sinh theo quy định. Tổng hợp nhu cầu kinh phí hợp đồng nhân viên nấu ăn và kinh phí hỗ trợ học sinh thuộc đối tượng quy định, chuyển Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường.

Tổ chức tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh. Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch biên chế giáo viên hàng năm, kế hoạch tuyển dụng giáo viên, nhân viên các trường mầm non, trường phổ thông dân tộc bán trú.

2. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch điều tra, đánh giá, khảo sát đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để có kế hoạch bồi dưỡng về trình độ quản lý nhà nước và lý luận chính trị. Tổ chức kiểm tra việc điều động, luân chuyển, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các địa phương trong tỉnh.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn định mức biên chế về bảo vệ, nấu ăn, y tế, các nhân viên khác cho các nhà trường và chỉ đạo các địa phương đảm bảo bố trí đủ đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên theo Thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV thông tư 59/2008/TT-BGDĐT và các văn bản khác của Nhà nước.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh về bố trí nguồn vốn để xây dựng trường mầm non vùng ĐBKK, trường PTDTBT theo nội dung của Đề án. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế; xây dựng cơ chế chính sách thu hút nguồn lực đầu tư cho các trường mầm non, trường PTDTBT.

Cân đối nguồn ngân sách của Nhà nước, các Dự án của các tổ chức quốc tế đầu tư cho giáo dục và đào tạo, đặc biệt cho các trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn, trường PTDTBT.

4. Sở Tài chính

Tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh về bố trí ngân sách chi sự nghiệp giáo dục cho các trường mầm non, trường PTDTBT để đảm bảo các mục tiêu, tiến độ thực hiện Đề án. Hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, các cơ sở giáo dục mầm non, các trường PTDTBT lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn vốn huy động đóng góp hợp pháp khác. Hàng năm tham mưu với UBND tỉnh bố trí kinh phí chi sự nghiệp giáo dục để đầu tư mua sắm thiết bị cho các trường mầm non, trường PTDTBT.

Đảm bảo kịp thời kinh phí cho các hoạt động của nhà trường theo quy định của Nhà nước; chế độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên theo chế độ hiện hành; kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ cho các nhà trường để hợp đồng nhân viên nấu ăn; cấp kinh phí kịp thời về các chế độ cho học sinh theo chính sách của tỉnh và của Trung ương. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện chính sách hỗ trợ thuê, khoán nhân viên nấu ăn.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng nguồn kinh phí theo quy định.

5. Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên - Môi trường

Chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo yêu cầu phát triển các trường mầm non, các trường PTDTBT.

Xây dựng và thiết kế mẫu các hạng mục xây dựng cơ bản đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương hoàn thiện hồ sơ giao quyền sử dụng đất cho các nhà trường; đảm bảo quỹ đất cho các hoạt động dạy và học, xây nhà công vụ, phòng ở bán trú, nhà bếp, nhà vệ sinh, quỹ đất cho học sinh làm vườn trường, chăn nuôi…kiểm tra, giám sát việc thực hiện cấp đất và hoàn thiện hồ sơ đất cho các nhà trường trong tỉnh.

6. Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp với các ngành thành viên xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình y tế trường học: tiêm chủng, phòng bệnh cho trẻ em, công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, công tác vệ sinh trường học, phổ biến kiến thức kỹ năng chăm sóc giáo dục học sinh trong các cơ sở giáo dục. Chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức bồi dưỡng kiến thức về chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các trường mầm non, trường PTDTBT.

7. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ BHXH, BHYT và các chính sách xã hội khác cho giáo viên; Hướng dẫn các cơ sở GDMN, trường PTDTBT thực hiện bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên hợp đồng trong các cơ sở giáo dục.

8. Ban Dân tộc tỉnh

Triển khai, hướng dẫn các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc; đề xuất triển khai lồng ghép các đề án hỗ trợ nguồn lực cho các trường PTDTBT; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước.

9. Báo Yên Bái; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về quyền lợi, trách nhiệm và ý nghĩa của việc xây dựng đề án.

Tuyên truyền, vận động cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội... hỗ trợ ủng hộ đồng bào vùng đặc biệt khó khăn trong phát triển văn hóa - giáo dục và đóng góp xây dựng các cơ sở bán trú; tuyên truyền tới các phụ huynh học sinh trong việc huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; cung cấp lương thực, thực phẩm cho con em mình; phối hợp với nhà trường tổ chức tốt các hoạt động cho học sinh.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã

Triển khai thực hiện Đề án, thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, điểm trường, quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, kế hoạch tuyển dụng đội ngũ giáo viên trên địa bàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tiên tuyển dụng giáo viên là người dân tộc địa phương, để xây dựng đội ngũ giáo viên nòng cốt trong các trường mầm non, trường PTDTBT. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện Đề án.

Xây dựng kế hoạch, phối hợp với các Sở, ngành thực hiện giảm các điểm trường lẻ, giảm lớp ghép ở các trường tiểu học phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Nội vụ; Uỷ ban nhân dân các xã, các trường mầm non, trường PTDTBT căn cứ vào mục tiêu của Đề án để xây dựng các mục tiêu cụ thể của đơn vị, triển khai các biện pháp thực hiện; thường xuyên kiểm tra đánh giá, định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện công tác xã hội hóa, xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ khuyến học, kho thóc khuyến học; quản lý chặt chẽ các nguồn đóng góp của nhân dân.

11. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái và các tổ chức thành viên: Tham gia tuyên truyền, vận động các đoàn, hội viên và nhân dân tham gia thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần phát triển giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc trong tỉnh.

Hàng năm giao cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì tổ chức vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các lực lượng xã hội, đoàn viên, hội viên tham gia đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và hỗ trợ cho học sinh trường PTDTBT, trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn. Vận động mỗi cán bộ, công chức hưởng lương ủng hộ 01 ngày lương/người/năm vào dịp tháng 8 hàng năm.

12. Các phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường

Các Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, chỉ đạo các trường mầm non, trường PTDTBT thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện. Trường mầm non, trường PTDTBT căn cứ hướng dẫn của Sở, Phòng; tùy vào điều kiện tình hình thực tế của nhà trường, địa phương để xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện cho từng năm học, đảm bảo hiệu quả, thiết thực; thường xuyên tự kiểm tra việc triển khai thực hiện để điều chỉnh, rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế; thực hiện đầy đủ các hoạt động của trường đã được quy định trong Điều lệ nhà trường, thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ đối với giáo viên và học sinh theo quy định./.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN