Quyết định số 27/2015/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 27/2015/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Yên Bái
- Ngày ban hành: 31-12-2015
- Ngày có hiệu lực: 10-01-2016
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-01-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1837 ngày (5 năm 0 tháng 12 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 20-01-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/2015/QĐ-UBND | Yên Bái, ngày 31 tháng 12 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002; Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2015/NQ-HĐND ngày 15/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 451 /TTr-SNN ngày 28 tháng 12 năm 2015, về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
2. Quyết định này thay thế Quyết định số 22/2014/QĐ-UBND ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất hàng hóa tỉnh Yên Bái năm 2015 đến năm 2016; đồng thời bãi bỏ toàn bộ các văn bản trước đây trái với quy định tại Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 27/2015/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục tiêu
1. Phát triển nền nông nghiệp bền vững, trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh, gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hoá; duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
2. Nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững thông qua việc tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn, các thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần vào ổn định chính trị, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Đối với hỗ trợ theo các đề án
- Phạm vi áp dụng: Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh theo quy định từng đề án.
- Đối tượng áp dụng: Hộ gia đình, nhóm hộ, đơn vị, tổ chức tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
2. Đối với hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn
- Phạm vi áp dụng: Các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/NQ-CP ngày 28/12/2008 của Chính phủ; các xã đặc biệt khó khăn và các thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành.
- Đối tượng áp dụng: Hộ gia đình, nhóm hộ, đơn vị, tổ chức tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái theo quy định từng nguồn kinh phí hỗ trợ các chính sách.
Chương II
NỘI DUNG CHÍNH SÁCH
Điều 3. Chính sách hỗ trợ thực hiện các đề án
1. Chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi
- Hỗ trợ chi phí thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò cái sinh sản. Mức hỗ trợ 0,4 triệu đồng/liều phối đạt.
- Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò với quy mô từ 10 con trâu, bò trở lên. Mức hỗ trợ 15 triệu đồng/cơ sở.
- Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình, nhóm hộ chăn nuôi trâu, bò với quy mô từ 30 con trâu, bò trở lên. Mức hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở.
- Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình chăn nuôi lợn thịt có quy mô từ 100 con/lứa trở lên. Mức hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở.
- Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình chăn nuôi gia cầm có quy mô từ 1.000 con trở lên. Mức hỗ trợ 15 triệu đồng/cơ sở.
- Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình chăn nuôi lợn nái sinh sản có quy mô từ 15 con trở lên. Mức hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở.
- Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình chăn nuôi lợn kết hợp có quy mô 5 con lợn nái và 50 con lợn thịt trở lên. Mức hỗ trợ 20 triệu đồng/cơ sở.
- Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình chăn nuôi dê với quy mô 100 con trở lên. Mức hỗ trợ 10 triệu đồng/cơ sở. Phạm vi thực hiện tại 02 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
2. Chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản
- Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình đóng mới lồng nuôi cá làm bằng khung sắt Ø48, đảm bảo kích thước tối thiểu: Chiều dài đạt 6m, chiều rộng đạt 5,5m, chiều sâu từ 3,5m trở lên; có 2 lớp lưới Nhật nilon, 1 lưới xung quanh, 1 lưới thức ăn sâu 1,5m, phao nhựa bằng thùng phi có dung tích từ 200 lít trở lên (tối thiểu 08 phi). Mức hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng.
- Hỗ trợ đặc biệt sau đầu tư (một lần) cho nhóm hộ, hợp tác xã đóng mới lồng nuôi cá có quy mô từ 30 lồng trở lên, lồng nuôi cá làm bằng khung sắt Ø48, đảm bảo kích thước tối thiểu: Chiều dài đạt 6m, chiều rộng đạt 5,5m, chiều sâu từ 3,5m trở lên; có 2 lớp lưới Nhật nilon, 1 lưới xung quanh, 1 lưới thức ăn sâu 1,5m, phao nhựa bằng thùng phi có dung tích từ 200 lít trở lên (tối thiểu 08 phi). Mức hỗ trợ 5 triệu đồng/lồng.
- Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình nuôi cá bằng quây lưới ở các eo ngách có diện tích mặt nước từ 1,0 ha trở lên. Mức hỗ trợ 20.000 đồng/m2 lưới theo diện tích lưới cụ thể, kinh phí hỗ trợ không quá 60 triệu đồng/cơ sở.
- Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình cải tạo ruộng kém hiệu quả chuyển thành ao nuôi cá. Mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ha (các trường hợp có diện tích không đến 1 ha thì hỗ trợ theo tỷ lệ tương ứng), đồng thời hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/ha để mua cá giống.
- Hỗ trợ thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà và các hồ chứa lớn khác, địa điểm thả cách bờ tối thiểu 0,5 km. Mức hỗ trợ 500 triệu đồng/năm.
- Hỗ trợ kinh phí mua thuốc phòng trị bệnh thủy sản cho các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Mức hỗ trợ 300 triệu đồng/năm.
3. Chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả
- Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình tham gia trồng mới cây ăn quả có múi với diện tích từ 0,5 ha trở lên. Mức hỗ trợ 20 triệu đồng/ha.
- Hỗ trợ một lần cho nhóm hộ (có diện tích liền khoảnh) tham gia trồng mới cây ăn quả có múi với diện tích từ 3,0 ha trở lên. Mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ha, tối đa không quá 100 triệu đồng/nhóm hộ.
4. Chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án phát triển chè vùng cao
- Hỗ trợ 100% giá giống trồng mới chè Shan gieo hạt trong bầu PE có quy mô diện tích từ 0,5 ha trở lên đối với hộ gia đình và 2,0 ha trở lên đối với nhóm hộ (có diện tích liền khoảnh). Mức hỗ trợ 5,0 triệu đồng/ha.
- Hỗ trợ một phần giá giống trồng mới chè Shan giâm cành mật độ cao có quy mô diện tích từ 0,5 ha trở lên đối với hộ gia đình và 2,0 ha trở lên đối với nhóm hộ (có diện tích liền khoảnh). Mức hỗ trợ 10,0 triệu đồng/ha.
5. Chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án phát triển ngô Đông trên đất lúa 2 vụ
Hỗ trợ 20% giá giống ngô lai cho hộ gia đình tham gia sản xuất ngô Đông trên đất hai vụ lúa. Mức hỗ trợ không quá 320.000 đồng/ha.
6. Chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án trồng Sơn tra
Hỗ trợ cho hộ gia đình, nhóm hộ tham gia trồng mới cây Sơn tra tại 02 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Mức hỗ trợ 6,0 triệu đồng/ha.
7. Chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án phát triển cây quế
Hỗ trợ một lần kinh phí để mua cây giống cho hộ gia đình có diện tích trồng mới quế từ 0,5 ha trở lên. Mức hỗ trợ: 1,0 triệu đồng/ha đối với huyện Văn Yên; 3,0 triệu đồng/ha đối với các huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên.
8. Chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án phát triển măng tre Bát độ
Hỗ trợ 1 lần kinh phí để mua cây giống cho hộ gia đình có diện tích trồng mới tre măng Bát độ tập trung từ 0,5 ha trở lên. Mức hỗ trợ: 1,0 triệu đồng/ha đối với huyện Trấn Yên; 3,0 triệu đồng/ha đối với các huyện: Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình, Văn Chấn.
Điều 4. Chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; một số chính sách khác
1. Chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn
- Hỗ trợ giống lúa lai, giống lúa thuần chất lượng cao, giống ngô lai cho hộ gia đình thực hiện sản xuất lúa, ngô theo kế hoạch hàng năm. Mức hỗ trợ: Đối với giống lúa không quá 2,1 triệu đồng/ha; đối với giống ngô không quá 1,6 triệu đồng/ha.
- Hỗ trợ nilon che mạ phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân cho các hộ tại 02 huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải (02 năm hỗ trợ một lần). Mức hỗ trợ 18 triệu đồng/ha mạ.
- Hỗ trợ một lần tiền cho các hộ gia đình có chăn nuôi gia súc làm cây rơm dự trữ thức ăn cho gia súc. Phạm vi hỗ trợ: Huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải và một số địa phương gặp khó khăn về diện tích chăn thả (gồm các xã: Nghĩa Phúc, Nghĩa An, Nghĩa Lợi thuộc thị xã Nghĩa Lộ; các xã Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Thanh Lương, Thạch Lương, Phù Nham, Sơn A, Sơn Lương, thị trấn Nông trường Liên Sơn thuộc huyện Văn Chấn). Mức hỗ trợ: 0,3 triệu đồng/cây rơm/hộ.
- Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình khai hoang đất để tạo ruộng bậc thang trồng lúa nước 2 vụ/năm tại 02 huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải. Mức hỗ trợ 15 triệu đồng/ha.
- Hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm 100% lượng vắcxin, công tiêm phòng, chi phí bảo quản vắc xin và hỗ trợ một phần chi phí khác để tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đối với các dịch bệnh nguy hiểm (Lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu, bò, lợn; dịch tả, dịch tai xanh ở lợn; bệnh dại).
- Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình mua giống trâu, bò cái sinh sản. Mức hỗ trợ 10 triệu đồng/con/hộ.
- Hỗ trợ một lần tiền cho hộ nghèo làm chuồng nuôi trâu, bò. Mức hỗ trợ 2,0 triệu đồng/hộ.
- Hỗ trợ một lần tiền cho hộ nghèo mua giống cỏ trồng phát triển chăn nuôi trâu, bò với diện tích từ 200 m2 trở lên. Mức hỗ trợ 4,0 triệu đồng/ha.
- Hỗ trợ một lần cho hộ nghèo chăn nuôi gia cầm với quy mô từ 50 con/lứa trở lên. Mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ.
- Hỗ trợ một lần cho hộ nghèo chăn nuôi lợn thịt với quy mô từ 03 con/lứa trở lên. Mức hỗ trợ 2,0 triệu đồng/hộ.
- Hỗ trợ cho các hộ gia đình, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng tại 02 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Mức hỗ trợ tối thiểu 0,3 triệu đồng/ha/năm.
- Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình, nhóm hộ mua mới máy móc, công cụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch (máy bơm nước, máy cày, máy bừa, máy gặt, máy tuốt lúa...). Mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/hộ, không quá 90 triệu đồng/nhóm hộ.
- Hỗ trợ phân bón NPK cho hộ gia đình có diện tích gieo trồng lúa lai, lúa thuần chất lượng cao và ngô lai theo kế hoạch hàng năm. Mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.
- Hỗ trợ một lần giống cây lâm nghiệp, phân bón cho hộ gia đình có diện tích trồng rừng sản xuất từ 0,5 ha trở lên. Mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha.
- Hỗ trợ một lần giống cây ăn quả, phân bón cho hộ gia đình có diện tích trồng cây ăn quả từ 0,2 ha trở lên. Mức hỗ trợ 20 triệu đồng/ha.
- Hỗ trợ một lần cho các hộ nghèo chăn nuôi lợn nái sinh sản. Mức hỗ trợ không quá 2,0 triệu đồng/con/hộ.
- Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình canh tác ngô bền vững trên đất dốc, thực hiện bằng biện pháp trồng băng cỏ chống xói mòn. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/ha.
2. Một số chính sách khác
- Hàng năm dự kiến bố trí 3.000 triệu đồng từ đầu năm để hỗ trợ cho các mô hình mới của các hộ, nhóm hộ, hợp tác xã sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản có hiệu quả kinh tế cao, bền vững.
- Hỗ trợ kinh phí cho công tác quản lý, chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện. Kinh phí dự kiến hỗ trợ 450 triệu đồng/năm.
Chương III
NGUỒN KINH PHÍ, PHƯƠNG THỨC HỖ TRỢ, THANH QUYẾT TOÁN, CƠ CHẾ, NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 5. Nguồn kinh phí hỗ trợ
Nguồn kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ được lồng ghép từ: Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững (để phát triển trồng cây Sơn tra) và Nguồn ngân sách địa phương.
Riêng Nguồn ngân sách địa phương bình quân mỗi năm dự kiến bố trí kinh phí khoảng 43,0 tỷ đồng/năm.
Điều 6. Phương thức hỗ trợ, thanh quyết toán và cơ chế thực hiện
1. Phương thức hỗ trợ
Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ thông qua Ủy ban nhân dân cấp huyện, các đơn vị. Khi kế hoạch được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp huyện, đơn vị căn cứ nguồn kinh phí được giao, quyết định phê duyệt đối tượng, mức kinh phí và phương thức hỗ trợ cho các đối tượng hưởng lợi đảm bảo các quy định của pháp luật.
2. Thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ
Đối tượng, đơn vị, cấp nào tiếp nhận kinh phí thì đối tượng, đơn vị, cấp đó có trách nhiệm thanh quyết toán nguồn vốn theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Nguồn vốn tiếp nhận từ nguồn vốn nào thì thanh quyết toán theo nguồn vốn đó.
3. Cơ chế thực hiện
- Các vùng, các đối tượng nếu đang được hưởng những chính sách khác không trùng với những chính sách tại quy định này thì tiếp tục hưởng những chính sách đó; nếu trùng với những chính sách tại quy định này nhưng có mức hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hưởng một chính sách có mức hỗ trợ cao nhất.
- Các nội dung không được đề cập trong chính sách này mà có trong các chính sách của các chương trình, dự án khác thì được thực hiện theo quy định hiện hành của các chương trình, dự án đó.
Điều 7. Nguyên tắc thực hiện chính sách
- Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020, được thực hiện lồng ghép từ các nguồn: Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững (để phát triển trồng cây Sơn tra), ngân sách địa phương và các nguồn vốn hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn tài chính hợp pháp khác.
- Việc lồng ghép các nguồn vốn đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mục tiêu, tổng mức kinh phí được giao, phù hợp với các quy định của từng chương trình, chính sách của Trung ương. Nguyên tắc thực hiện chính sách được xác định theo thứ tự ưu tiên, sau khi sử dụng hết nguồn vốn Trung ương bổ sung cho địa phương để thực hiện chính sách thì mới bố trí sử dụng từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Việc áp dụng chính sách hỗ trợ từ nguồn kinh phí nào thì áp dụng đối tượng của nguồn kinh phí đó.
- Hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị liên quan trên cơ sở tổng mức vốn các Chương trình, Chính sách của Trung ương giao cho tỉnh, khả năng bố trí kinh phí của ngân sách địa phương và nhu cầu hỗ trợ của các huyện, thị xã, đơn vị liên quan. Ủy ban nhân dân cấp huyện, các đơn vị liên quan có trách nhiệm phân bổ chi tiết nội dung hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng. Ngoài kinh phí được tỉnh hỗ trợ, khuyến khích các huyện bố trí thêm kinh phí từ ngân sách huyện, huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện chính sách.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Cấp Tỉnh
Kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; ban hành quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các thành viên Ban chỉ đạo; thành lập tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện ở các huyện, thị xã, thành phố.
Xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ hàng năm đối với việc thực hiện các đề án, chính sách gắn với xây dựng nông thôn mới.
Phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành triển khai thực hiện nội dung chính sách như sau:
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tổng hợp đề xuất của các địa phương, thông báo cụ thể danh mục các loại giống vật nuôi, giống cây trồng, vật tư hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và trong phạm vi nguồn kinh phí được Ủy ban nhân dân tỉnh giao để triển khai thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách; kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí hỗ trợ của các đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách; tổng hợp báo cáo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh.
b) Sở Tài chính:
- Thực hiện cấp phát, thông báo kinh phí hỗ trợ cho các đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố theo quy định; hướng dẫn thủ tục thanh quyết toán.
- Phối hợp với các sở, ngành trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách này.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Căn cứ vào đề nghị của các địa phương và đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cân đối, bố trí lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ theo kế hoạch và các chương trình, dự án.
- Phối hợp với các sở, ngành trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách này.
d) Các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan:
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của sở, ban, ngành, đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai, chỉ đạo thực hiện các chính sách đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh.
2. Đề nghị Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu rõ, nắm được chủ trương, tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với việc thực hiện các đề án chính sách; phối hợp, tham gia triển khai phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới” gắn với thực hiện các đề án, chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
- Chỉ đạo, thực hiện các đề án, chính sách hỗ trợ gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
- Chủ trì lập kế hoạch cụ thể cho từng nội dung của chính sách gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; phê duyệt danh sách đối tượng và mức hỗ trợ cho từng đối tượng thụ hưởng chính sách; thực hiện quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo quy định.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật và Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện chính sách hỗ trợ trên địa bàn.
- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của cơ quan chức năng về tình hình, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh.
4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
- Tổ chức, chỉ đạo, thực hiện gắn nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp với thực hiện các tiêu chí trong Chương trình xây dựng nông thôn mới; thông qua chỉ tiêu nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn xã.
- Xây dựng kế hoạch hỗ trợ sản xuất gửi cấp huyện tổng hợp; kế hoạch hỗ trợ sản xuất được xây dựng trên cơ sở lựa chọn đối với những cây trồng, vật nuôi, thủy sản, ngành nghề truyền thống có lợi thế, giá trị kinh tế, có sức cạnh tranh cao và đáp ứng yêu cầu thị trường.
- Tổ chức thực hiện tiếp nhận, phân bổ nguồn kinh phí, vật tư sản xuất được hỗ trợ cho các hộ sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn theo đúng đối tượng, đúng định mức được hỗ trợ.
Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện nếu có các nội dung cần bổ sung, điều chỉnh các đơn vị, địa phương đề xuất bằng văn bản gửi các sở, ban, ngành có liên quan, tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để xin ý kiến Trường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung; sau đó báo cáo lại với Hội đồng nhân dân tỉnh trong kỳ họp gần nhất./.