Thông báo số 159/2006/TB-VPCP ngày 26/09/2006 Về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tại buổi làm việc với Tổng cục Thống kê (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 159/2006/TB-VPCP
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Cơ quan ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Ngày ban hành: 26-09-2006
- Ngày có hiệu lực: 26-09-2006
- Tình trạng hiệu lực: Không xác định
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 159/2006/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 26 tháng 09 năm 2006 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ NGUYỄN SINH HÙNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Ngày 26 tháng 9 năm 2006 tại cơ quan Tổng cục Thống kê, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã làm việc với lãnh đạo Tổng cục Thống kê về công tác thống kê và định hướng phát triển.
Sau khi nghe đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê báo cáo tình hình công tác thống kê và kiến nghị với Chính phủ tăng cường chỉ đạo đối với công tác thống kê, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng kết luận như sau:
1. Về công tác thống kê:
Thống kê là công cụ quan trọng của quản lý và lãnh đạo, kết quả hoạt động của ngành Thống kê có ý nghĩa đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các Bộ, ngành và các địa phương. Công tác thống kê không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi quốc gia, thông qua trao đổi thông tin thống kê còn có ý nghĩa so sánh quốc tế với các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế.
Pháp luật về thống kê đã được xây dựng, ban hành khá đầy đủ (Luật Thống kê và các Nghị định của Chính phủ) tạo môi trường pháp lý tốt để ngành Thống kê tổ chức hoạt động. Hệ thống sản phẩm của ngành Thống kê đa dạng, phong phú so với trước, từng bước đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế theo cơ chế thị trường ở nước ta.
Tuy nhiên, ngành Thống kê cũng còn những mặt hạn chế sau đây:
- Đổi mới hoạt động của ngành Thống kê so với các lĩnh vực kinh tế khác còn chậm. Ngành Thống kê chưa phát huy tốt vai trò là cơ quan của Chính phủ công bố, cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội của quốc gia, kết quả hoạt động và chất lượng sản phẩm thống kê chưa đủ sức tạo ra điều kiện để nâng cao vị thế của ngành Thống kê trong nền kinh tế thị trường.
- Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực Thống kê còn chậm, hệ thống chỉ tiêu và phương pháp thống kê chưa tương đồng với hệ thống Thống kê khu vực và quốc tế nên chưa trở thành công cụ có giá trị sử dụng cao đối với các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
- Ngành Thống kê chưa phát huy tốt lợi thế là cơ quan thu thập, thống kê, phân tích, dự báo về kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư và thực hiện quyền công bố thông tin kinh tế - xã hội quốc gia để nâng cao vị thế của ngành trong đời sống kinh tế, xã hội.
- Số liệu, sản phẩm thống kê nhiều hơn, đa dạng hơn nhưng nội dung thông tin của sản phẩm chưa thể hiện được thực trạng và xu hướng diễn biến của các vấn đề thống kê nên độ tin cậy thấp, Tổng cục Thống kê cần nghiên cứu để khắc phục vấn đề này.
2. Một số nhiệm vụ trong thờ gian tới:
- Ngành Thống kê cần chủ động trong việc cải tiến phương pháp, nội dung làm việc, tiếp thu kinh nghiệm về khoa học thống kê của các nước tiên tiến để phát triển, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ được giao, sớm đưa thống kê nước ta tiếp cận và phù hợp với hệ thống thống kê các nước trong khu vực và quốc tế.
- Tổng cục Thống kê cần nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế cộng tác viên và điều tra viên thống kê theo hướng phát huy tốt nhất trình độ chuyên môn sâu của các chuyên gia, đồng thời xây dựng được đội ngũ cộng tác viên có khả năng thực hiện nhanh, tốt, chất lượng các nội dung thống kê theo các chuyên đề.
- Công tác thống kê, nhất là các kết quả thống kê phải tuân thủ nguyên tắc độc lập, khách quan để đảm bảo được tính khái quát, đại diện, độ tin cậy cao. Tổng cục Thống kê cần nghiên cứu áp dụng các biện pháp cần thiết sớm nâng cao nghiệp vụ và chất lượng sản phẩm thống kê để các kết quả nghiên cứu, số liệu công bố của ngành Thống kê luôn luôn được công nhận là số liệu có độ tin cậy nhất, đáp ứng kịp thời, có hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
- Tổng cục Thống kê phải nghiên cứu để bảo đảm tất cả các số liệu thống kê đều được tập hợp, phân tích, đánh giá theo phương pháp khoa học, nhất là thống kê kinh tế - xã hội trong nền kinh tế thị trường. Trước hết cần làm rõ cơ sở khoa học, tiêu chí và nội dung của chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP); ý nghĩa, vai trò của chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Cơ quan nào, cấp nào xác định và công bố chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) là phù hợp, khắc phục tình trạng hiện nay tất cả các cấp, các ngành đều xác định, công bố GDP của ngành, địa phương.
- Các bộ, ngành thực hiện nghiêm Luật Thống kê và các quy định về tổ chức thống kê Bộ, ngành tại Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2004; phối hợp với Tổng cục Thống kê triển khai thực hiện Quyết định số 305/2005/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các chỉ tiêu thống kê trong phạm vi Bộ, ngành thuộc phạm vi quản lý.
3. Về một số kiến nghị của Tổng cục Thống kê.
- Bộ Tài chính phối hợp với Tổng cục Thống kê bổ sung quy định các doanh nghiệp, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp gửi Tổng cục Thống kê báo cáo tài chính; xây dựng ban hành định mức kinh phí phù hợp với đặc thù hoạt động của ngành Thống kê; sửa đổi Thông tư số 65/2003/TT-BTC ngày 02 tháng 7 năm 2003 về hướng dẫn quản lý kinh phí cho các cuộc điều tra thống kê thuộc nguồn vốn ngân sách cho phù hợp tình hình thực tế.
- Bộ Nội vụ phối hợp với Tổng cục Thống kê xây dựng trình Chính phủ Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của thống kê Bộ, ngành; nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chế độ phụ cấp nghề nghiệp đối với những người làm công tác thống kê, có phương án, giải pháp bố trí biên chế thống kê xã, phường; bảo đảm biên chế cho ngành Thống kê thực hiện chức năng, nhiệm vụ Chính phủ giao.
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các quận, huyện bố trí trụ sở làm việc cho các Phòng Thống kê quận, huyện trong trụ sở của Uỷ ban nhân dân quận, huyện, không xây dựng trụ sở riêng của Phòng Thống kê quận, huyện. Tổng cục Thống kê có trách nhiệm đầu tư trang thiết bị và phương tiện làm việc cho các Phòng Thống kê quận, huyện phù hợp với khả năng tài chính của Ngành.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Tổng cục Thống kê, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |