Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 19/10/2015 Quy định chi tiết nội dung về lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Điện Biên
- Số hiệu văn bản: 17/2015/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Điện Biên
- Ngày ban hành: 19-10-2015
- Ngày có hiệu lực: 29-10-2015
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 26-12-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1519 ngày (4 năm 1 tháng 29 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 26-12-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2015/QĐ-UBND | Điện Biên, ngày 19 tháng 10 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ VIỆC LẬP DỰ TOÁN, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ TỔ CHỨC THỰC HIỆN BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15 năm 5 năm 2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chi tiết một số nội dung về việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 02/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2011 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài chính; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các cấp; Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh; Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
CHI TIẾT MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ VIỆC LẬP DỰ TOÁN, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ TỔ CHỨC THỰC HIỆN BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
(Kèm theo Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2015 của UBND tỉnh Điện Biên)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định chi tiết một số nội dung về việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định tại Điều 61 và Điều 62, Luật Đất đai năm 2013, bao gồm cả trường hợp tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng theo quy định tại Điều 29, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người và đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai đe dọa tính mạng con người theo quy định tại điểm đ và điểm e Khoản 1, Điều 65, Luật Đất đai năm 2013.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện; Tổ chức phát triển quỹ đất được giao thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (sau đây gọi chung là Tổ chức được giao thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư); Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tỉnh; Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh.
2. Các tổ chức, đơn vị khác có liên quan tới việc lập, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Mức trích kinh phí đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và tỷ lệ kinh phí dự phòng tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất
1. Mức trích kinh phí đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được trích theo tỷ lệ (%) trên tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án, tiểu dự án, phương án quy định tại khoản 2, và khoản 3 Điều này. Tỷ lệ kinh phí dự phòng tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất của tất cả các dự án, tiểu dự án, phương án trên địa bàn tỉnh được trích không quá 10% tổng kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án, phương án.
2. Các dự án, tiểu dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện trong phạm vi các phường của thị xã, thành phố; thị trấn, thị tứ của các huyện: Tổ chức được giao thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được lập dự toán theo khối lượng công việc thực tế cho phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của từng loại dự án, tiểu dự án, phương án nhưng tối đa không quá 2% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án, tiểu dự án, phương án.
3. Các dự án, tiểu dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện tại khu vực nông thôn (ngoài khu vực quy định tại khoản 2 Điều này); các dự án, tiểu dự án, phương án thực hiện trên các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn (quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ); các dự án, tiểu dự án, phương án xây dựng công trình hạ tầng theo tuyến thì Tổ chức được giao thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được lập dự toán theo khối lượng công việc thực tế cho phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của từng loại dự án, tiểu dự án, phương án không khống chế tỷ lệ 2 % tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ của dự án, tiểu dự án. Mức trích quy định để áp dụng thống nhất trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, cụ thể như sau:
a) Các dự án, tiểu dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư xây dựng các công trình dân dụng công nghiệp (Trụ sở làm việc, trường học, bệnh xá, công xưởng, nhà máy…): Được trích không quá 4% (đối với dự án, tiểu dự án, phương án thực hiện tại trung tâm xã, trung tâm cụm xã), được trích không quá 5% (đối với dự án, tiểu dự án, phương án thực hiện xa trung tâm xã, trung tâm cụm xã) trên tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án, tiểu dự án, phương án đó.
b) Các dự án, tiểu dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông:
- Công trình giao thông Quốc lộ được trích không quá 4% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án, tiểu dự án, phương án;
- Công trình giao thông Tỉnh lộ được trích không quá 5% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án, tiểu dự án, phương án;
- Công trình giao thông liên huyện (trừ Tỉnh lộ), huyện xã, liên xã, liên bản và bản được trích không quá 6% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án, tiểu dự án, phương án;
c) Các dự án, tiểu dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư xây dựng các công trình thủy điện, hồ chứa nước và kênh mương thủy lợi được trích không quá 8% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án, tiểu dự án, phương án;
d) Các dự án, tiểu dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư xây dựng các công trình đường dây và trạm biến áp điện được trích không quá 15% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án, tiểu dự án, phương án.
4. Phân bổ kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và TĐC được thực hiện như sau:
a) Đối với dự án, tiểu dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt:
- 70% kinh phí được duyệt được sử dụng cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện hoặc Tổ chức phát triển quỹ đất được giao nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Giao Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành mức chung về trích tỷ lệ % cho các cơ quan thẩm định của huyện.
- 25% kinh phí được duyệt được chuyển về tài khoản của Sở Tài nguyên và Môi trường mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh để chi phí cho Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tỉnh hoặc Ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng tỉnh, cụ thể:
+ Phê duyệt của UBND tỉnh 2%;
+ Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ tịch Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tỉnh trực tiếp nhận, giao phương án cho các ngành; thẩm định điều kiện bồi thường về đất; tổng hợp phương án; dự thảo Quyết định trình UBND tỉnh phê duyệt và các công việc khác được Chủ tịch Hội đồng phân công là 10%;
+ Sở Tài chính thẩm định cây trồng, vật nuôi; chính sách hỗ trợ và các công việc khác được Chủ tịch Hội đồng phân công là 5%;
+ Sở Xây dựng thẩm định tài sản vật kiến trúc và các công việc khác được Chủ tịch Hội đồng phân công là 5%;
+ Còn 3% chi phí cho các cơ quan liên quan (nếu có); chi phí cho việc kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải quyết vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và họp Hội đồng.
- 5% kinh phí được duyệt được chuyển về tài khoản của Sở Tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh để chi phí cho Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh.
Tùy theo tính chất của từng phương án bồi thường đề nghị thẩm định có liên quan đến nhiệm vụ của các cơ quan liên quan khác nhau thì Chủ tịch Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tỉnh phân công nhiệm vụ và xác định mức trích cụ thể cho từng đơn vị cho phù hợp.
Đối với phương án không có tất cả các ngành tham gia thẩm định thì ngành nào không tham gia sẽ không được trích tỷ lệ % kinh phí thẩm định. Phần kinh phí này bổ sung cho công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và giải quyết vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Các ngành căn cứ mức được trích trên và nội dung chi đã được quy định tại quy định này chịu trách nhiệm về các khoản chi phí do các ngành chi.
b) Đối với dự án, tiểu dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt:
- Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện hoặc Tổ chức phát triển quỹ đất được giao nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được sử dụng 90% kinh phí được duyệt (bao gồm cả chi phí điều tra, khảo sát, lập phương án giá đất trình Hội đồng thẩm định tỉnh phê duyệt). Giao Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành mức chung về trích tỷ lệ % cho các cơ quan thẩm định của huyện.
- 5% kinh phí được chuyển về tài khoản của Sở Tài nguyên và Môi trường mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh để chi phí cho công tác xây dựng cơ chế chính sách và các phần việc của các Sở, Ngành liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Việc phân bổ sử dụng phần kinh phí này hàng năm do Chủ tịch Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tỉnh tỉnh thống nhất với các ngành liên quan và phê duyệt của UBND tỉnh.
- 5% kinh phí được duyệt được chuyển về tài khoản của Sở Tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh để chi phí cho Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh.
5. Tổ chức được giao thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư căn cứ dự toán được phê duyệt và mức trích quy định tại khoản 4 Điều này có trách nhiệm chuyển chi phí thẩm định cho Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tỉnh hoặc Ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng tỉnh và Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh.
6. Trường hợp thuê đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện các dịch vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, kinh phí trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ nằm trong dự toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 4. Mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất
1. Đối với các khoản chi đã có định mức, tiêu chuẩn, đơn giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo quy định hiện hành.
2. Hỗ trợ tiền ăn, nghỉ trưa và bồi dưỡng làm việc đối với công tác ngoại nghiệp ngoài thực địa:
+ Người hưởng lương: 100.000 đồng/người/ngày thực tế làm việc;
+ Người không hưởng lương: 120.000 đồng/người/ngày thực tế làm việc;
+ Tiền xăng xe: 10.000 đồng/người/ngày thực tế làm việc.
3. Chi phụ cấp trách nhiệm làm nội nghiệp (lập, thẩm định phương án..., tại văn phòng và tại các cơ quan chuyên môn của hội đồng thẩm định tỉnh) cho các thành viên: Ban chỉ đạo, Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư cấp huyện, Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tỉnh, Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh:
- Thành viên trực tiếp tham gia: 100.000 đồng/người/ngày thực tế làm việc;
- Các Ủy viên Hội đồng: 110.000 đồng/người/ngày thực tế làm việc.
4. Chi làm thêm giờ: Tính theo số giờ làm thêm thực tế nhưng tối đa không quá 200 giờ/năm cho một người; mức chi theo đúng chế độ làm thêm giờ hiện hành.
5. Hỗ trợ tiền ăn, nghỉ trưa và bồi dưỡng làm việc đối với việc thực hiện tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất:
+ Người hưởng lương: 100.000 đồng/người/ngày thực tế làm việc;
+ Người không hưởng lương: 120.000 đồng/người/ngày thực tế làm việc;
+ Tiền xăng xe: 10.000 đồng/người/ngày thực tế làm việc.
6. Trường hợp công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc trách nhiệm của Chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng khi cơ quan có thẩm quyền quyết định tách nội dung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án thuộc Bộ, ngành thành tiểu dự án riêng thì chi phí tổ chức thực hiện của chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng được áp dụng các quy định của Quyết định này.
Việc hợp đồng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giải phóng mặt bằng giữa chủ đầu tư và Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện hoặc Tổ chức được giao thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, do chủ đầu tư và đơn vị được hợp đồng xác định trách nhiệm thực hiện từng phần hay toàn phần công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giải phóng mặt bằng làm cơ sở xác định hợp đồng tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định hiện hành của pháp luật về hợp đồng kinh tế.
7. Chi trả phí ứng vốn của Quỹ phát triển đất hoặc của Kho bạc Nhà nước để tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (chỉ áp dụng đối với dự án cấp bách phải khẩn trương GPMB theo chỉ đạo của UBND tỉnh): Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện hoặc Tổ chức được giao thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải thực hiện hợp đồng kinh tế với Quỹ phát triển
đất hoặc Kho bạc Nhà nước (trong đó quy định rõ mức phí), để làm cơ sở lập dự toán và thanh toán chi trả.
8. Trường hợp có thuê nhân công thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có): Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện hoặc Tổ chức được giao thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư căn cứ mức chi tại khoản 2 Điều 4 quy định này, tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư căn cứ nhiệm vụ thực tế và trong phạm vi nguồn kinh phí được trích được phép thuê nhân công và chi trả tiền thuê nhân công cho phù hợp.
9. Chi phí trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có) được thực hiện thông qua Hợp đồng được ký giữa Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường và đơn vị cung cấp dịch vụ. Mức chi phí trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư số 74/2015/TT-BTC) được áp dụng không vượt quá các mức trích quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 3 quy định này.
10. Các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tùy theo điều kiện thực tế, qui mô, tính chất công việc Ban chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện quy định mức chi cho hợp lý đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 5. Xử lý trường hợp các dự án, tiểu dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đang thực hiện dở dang tại thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành
Đối với những dự án, tiểu dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã phê duyệt trước ngày Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2015) thì không áp dụng hoặc điều chỉnh theo các quy định tại Quyết định này.
Đối với những dự án, tiểu dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư từ ngày Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2015) đến ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, mà Chủ đầu tư mới thực hiện thanh toán cho tổ chức thực hiện bồi thường khoản kinh phí tổ chức thực hiện theo dự toán đã được phê duyệt, thì không điều chỉnh việc lập dự toán theo mức trích quy định của Quyết định này; nhưng việc sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được vận dụng thực hiện các mức chi theo các quy định của Quyết định này trong phạm vi dự toán được duyệt.
Điều 6. Các nội dung không quy định tại Quyết định này được thực hiện theo Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất./.