Quyết định số 23/2015/QĐ-UBND ngày 29/09/2015 Quy định một số nội dung về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu
- Số hiệu văn bản: 23/2015/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lai Châu
- Ngày ban hành: 29-09-2015
- Ngày có hiệu lực: 09-10-2015
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3334 ngày (9 năm 1 tháng 19 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2015/QĐ-UBND | Lai Châu, ngày 29 tháng 09 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;
Căn cứ Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước;
Căn cứ Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi;
Căn cứ Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước;
Căn cứ Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT ngày 11 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 784/TTr-STNMT ngày 08/9/ 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số nội dung về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 23/2010/QĐ-UBND ngày 18/10/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định “ Một số điểm cụ thể về quản lý, thăm dò, khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lai Châu”.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 23 /2015/QĐ-UBND Ngày 29 tháng 9 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định một số nội dung về quản lý, điều tra, quy hoạch, bảo vệ, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; hành nghề khoan nước dưới đất; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra (gọi chung là hoạt động tài nguyên nước) trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
2. Những nội dung không quy định trong Quy định này được thực hiện theo Luật Tài nguyên nước năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có liên quan đến hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. ĐIỀU TRA CƠ BẢN, QUY HOẠCH TÀI NGUYÊN NƯỚC
Điều 3. Trách nhiệm thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện việc điều tra cơ bản tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, bao gồm các nhiệm vụ sau:
a) Tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước theo quy định tại Khoản 2, Điều 12, Luật Tài nguyên nước đối với các nguồn nước trên địa bàn tỉnh; tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp;
b) Kiểm kê tài nguyên nước đối với các nguồn nước trên địa bàn tỉnh, định kỳ 05 năm một lần, phù hợp với kỳ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, trình UBND tỉnh phê duyệt, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường;
c) Tổ chức điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh phê duyệt và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường;
d) Tổ chức xây dựng, quản lý và thực hiện việc quan trắc tài nguyên nước đối với mạng quan trắc tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Các Sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ điều tra cơ bản Tài nguyên nước theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 4. Lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện, tham mưu UBND tỉnh lập, điều chỉnh quy hoạch tài nguyên nước trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường; công bố và tổ chức thực hiện sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt;
2. Kinh phí lập, phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Mục 2. BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC
Điều 5. Ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm cạn kiệt; quan trắc, giám sát tài nguyên nước
1. Trách nhiệm ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước.
a) UBND cấp xã có trách nhiệm theo dõi phát hiện sự cố ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn; trường hợp xảy ra sự cố chủ động tiến hành các biện pháp ngăn chặn, hạn chế lan rộng vùng ô nhiễm; xử lý giảm thiểu ô nhiễm thuộc phạm vi quản lý; kịp thời báo cáo UBND cấp huyện để tổ chức chỉ đạo, xử lý.
b) UBND cấp huyện nơi xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước có trách nhiệm chủ động tiến hành các biện pháp ngăn chặn, hạn chế lan rộng vùng ô nhiễm; xử lý giảm thiểu ô nhiễm thuộc phạm vi quản lý; kịp thời báo cáo UBND tỉnh để tổ chức chỉ đạo, xử lý. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xác định rõ nguyên nhân, tổ chức cá nhân gây ra sự cố, yêu cầu đối tượng gây ra sự cố bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả ô nhiễm, suy thoái nguồn nước trước mắt, cải thiện, phục hồi chất lượng nước về lâu dài.
c) Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND các cấp xác định rõ nguyên nhân, tổ chức cá nhân gây ra sự cố ô nhiễm nguồn nước; giám sát, đánh giá mức độ suy giảm chất lượng nước, thiệt hại; phối hợp giảm thiếu tác hại do sự cố gây ra; tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về sự cố ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn tỉnh theo quy định, yêu cầu đối tượng gây ra sự cố bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả ô nhiễm, suy thoái nguồn nước trước mắt, cải thiện, phục hồi chất lượng nước về lâu dài.
2. Trách nhiệm phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm cạn kiệt; quan trắc, giám sát tài nguyên nước.
a) Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng danh mục nguồn nước nội tỉnh, kế hoạch phục hồi các nguồn nước nội tỉnh bị ô nhiễm, cạn kiệt trình UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
b) Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quan trắc, giám sát về số lượng, chất lượng nguồn nước; hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với sông nội tỉnh. Việc quan trắc, giám sát thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Kinh phí để khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước trong trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân gây sự cố và kinh phí phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt theo quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều này do ngân sách nhà nước đảm bảo và các nguồn tài chính hợp pháp khác.
Điều 6. Trách nhiệm lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; xác định, công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước; bảo đảm nước sinh hoạt, nước sản xuất nông nghiệp trong trường hợp hạn hán, thiếu nước.
1. Hành lang bảo vệ nguồn nước; xác định, công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, UBND cấp xã lập: Danh mục các nguồn nước phải bảo vệ; phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh quy định tại Điểm c, d, Khoản 1 và Khoản 4, Điều 9, Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ; vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với các nguồn nước trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; trình UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức thực hiện và công bố sau khi được phê duyệt.
2. Bảo đảm nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp trong trường hợp hạn hán, thiếu nước.
a) Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lai Châu thường xuyên cập nhật số liệu về khí tượng, thủy văn các vùng trên địa bàn tỉnh; cung cấp thông tin kịp thời cho Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện thực hiện biện pháp khẩn cấp để bảo đảm nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp trong trường hợp hạn hán, thiếu nước;
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, UBND cấp huyện đề xuất các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp trong trường hợp hạn hán, thiếu nước hoặc sự cố ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng gây ra thiếu nước đối với khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh;
c) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND cấp huyện đề xuất các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm cấp nước sinh hoạt trong trường hợp hạn hán thiếu nước hoặc sự cố ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng gây ra thiếu nước đối với khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh.
Điều 7. Khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi, các khoáng sản khác trên sông, suối; công bố danh mục hồ, ao, suối không được san lấp
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND cấp huyện nơi có dòng sông hoặc đoạn sông, suối bị sạt, lở hoặc có nguy cơ bị sạt, lở bờ, bãi sông, suối để xác định nguyên nhân gây sạt lở và đề xuất các giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục; tham mưu UBND tỉnh xem xét, khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND cấp huyện tham mưu UBND tỉnh lập, công bố danh mục hồ, ao, khe suối không được san lấp trên địa bàn tỉnh để phòng, chống lũ quét, ngập, úng và bảo vệ nguồn nước.
Mục 3. ĐĂNG KÝ KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT
Điều 8. Thẩm quyền đăng ký khai thác nước dưới đất
1. Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký khai thác, sử dụng nước dưới đất đối với tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình có quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm ở khu vực quy định tại Điều 4, Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện đăng ký khai thác, sử dụng nước dưới đất đối với tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất phục vụ: Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các hoạt động văn hóa, tôn giáo nghiên cứu khoa học có quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm ở khu vực quy định tại Điều 4, Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 9. Cơ quan tiếp nhận và quản lý hồ sơ đăng ký khai thác nước dưới đất
1. Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện chịu trách nhiệm tiếp nhận và quản lý hồ sơ quy định tại Khoản 2 Điều 8 của Quy định này.
2. UBND cấp xã chịu trách nhiệm tiếp nhận và quản lý hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Quy định này.
Mục 4. GIẤY PHÉP TÀI NGUYÊN NƯỚC
Điều 10. Nguyên tắc, căn cứ, điều kiện và thời hạn cấp phép
Nguyên tắc, căn cứ, điều kiện, thời hạn cấp phép tài nguyên nước, áp dụng theo quy định tại Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và Điều 6, Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT ngày 11/7/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất.
Điều 11. Hồ sơ cấp giấy phép, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất
Tổ chức, cá nhân nộp hai (02) bộ hồ sơ xin cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Tài nguyên và Môi trường. Hồ sơ được quy định như sau:
1. Hồ sơ xin cấp phép, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước được quy định tại các Điều 30, 31, 32, 33 và Điều 34, Nghị định số 201/2013/NĐ-CP.
Mẫu văn bản trong hồ sơ cấp phép, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước được quy định tại phần I, III, IV và V của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014.
2. Hồ sơ xin chuyển nhượng quyền khai thác nước được quy định tại Khoản 4, Điều 39, Nghị định số 201/2013/NĐ-CP;
3. Hồ sơ xin cấp phép, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất được quy định tại Khoản 1, Điều 13, Khoản 1, Điều 14 và Khoản 2, Điều 15, Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT ngày 11/7/2014.
Mẫu văn bản trong hồ sơ cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất được quy định tại Mẫu số 01, 02, 04, 05, 07 ban hành kèm theo Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT ngày 11/7/2014.
Điều 12. Trình tự cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước; hành nghề khoan nước dưới đất và đăng ký khai thác nước dưới đất
1. Trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước thực hiện theo quy định tại Điều 35, Điều 36, Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ;
2. Trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước thực hiện theo quy định tại Khoản 5, Điều 39, Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ;
3. Trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3, 4 và 5, Điều 13; khoản 3, Điều 14 và khoản 4, Điều 15, Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT ngày 11/7/2014;
4. Trình tự, thủ tục đăng ký khai thác, sử dụng nước dưới đất thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 6, Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014.
Điều 13. Thẩm quyền cấp phép, cơ quan tiếp nhận và quản lý hồ sơ cấp phép tài nguyên nước
1. Ủy ban nhân dân tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi, cấp lại giấy phép tài nguyên nước trong những trường hợp sau:
a) Thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng từ 10m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm;
b) Khai thác, sử dụng nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ 0,1m3/giây đến dưới 2 m3/giây;
c) Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 50kW đến dưới 2.000 kW;
d) Khai thác, sử dụng nước mặt cho mục đích khác với lưu lượng từ 100m3/ngày đêm đến dưới 50.000 m3/ngày đêm;
đ) Xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô từ 5m3/ngày đêm không chứa hóa chất độc hại đến: Dưới 30.000 m3/ngày đêm đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản; dưới 3.000 m3/ngày đêm đối với các hoạt động khác;
e) Hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa và nhỏ (theo Điều 11 Thông tư 40/2014/TT-BTNMT ngày 11/4/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
2. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ, giấy phép quy định tại Khoản 1 điều này.
Điều 14. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan cấp phép
Cơ quan cấp phép tài nguyên nước có trách nhiệm quyền hạn sau:
1. Cấp gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi và cấp lại quyết định cấp phép tài nguyên nước theo đúng thẩm quyền quy định tại Điều 13 của Quy định này;
2. Thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép biết lý do trong trường hợp từ chối cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài nguyên nước của các sở, ban, ngành liên quan
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Tham mưu ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước;
b) Chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan và UBND cấp huyện tham mưu UBND tỉnh khoanh định, công bố vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng cần bổ sung nhân tạo nước dưới đất và công bố dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất theo thẩm quyền; điều hòa, phân phối tài nguyên nước; thực hiện các nội dung quy định tại các Điều 3, 4, 5, 6, 7 và Điều 13 Quy định này.
c) Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ xin cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép về tài nguyên nước, chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất trình UBND tỉnh quyết định hoặc quyết định theo ủy quyền; thu phí, lệ phí cấp phép tài nguyên nước, thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định;
d) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước; thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo thẩm quyền;
đ) Tổng hợp tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, các nguồn thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh; lập danh mục nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt trình UBND tỉnh phê duyệt;
e) Thực hiện điều tra, thống kê, tổng hợp, phân loại giếng phải trám lấp; kiểm tra việc thực hiện trình tự, thủ tục, yêu cầu kỹ thuật trong việc trám lấp giếng theo quy định hiện hành;
f) Tổ chức thu thập; tiếp nhận thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh cung cấp; xây dựng, quản lý và cung cấp cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước theo quy định; tích hợp vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản một cách hợp lý, hiệu quả phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn và các loại rừng khác để khôi phục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt;
b) Thực hiện những nội dung quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 6 Quy định này.
3. Sở Xây dựng
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cấp thoát nước khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Thực hiện nội dung quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 6 Quy định này.
4. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành liên quan định kỳ kiểm tra các đơn vị kinh doanh nước sạch; tham mưu cho UBND tỉnh công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; cảnh báo các vùng có nguy cơ bị ô nhiễm nguồn nước.
5. Sở Khoa học Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thẩm định đề tài, dự án khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên nước; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Tài chính: Hàng năm căn cứ dự toán các đơn vị lập, các văn bản, định mức, quy định hiện hành; khả năng cân đối ngân sách; tham mưu, trình UBND tỉnh bố trí kinh phí cho các hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước.
7. Sở Công Thương:
- Chủ trì thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện trong phạm vi thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành thủy điện, thương mại, công nghiệp có khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
8. Sở Giao thông Vận tải: Tham gia đề xuất các giải pháp quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong mạng lưới giao thông đường thủy, các công trình giao thông đường thủy của tỉnh; phối hợp các cơ quan chức năng hướng dẫn các quy định về bảo vệ môi trường đối với cảng, bến và phương tiện tham gia giao thông đường thủy, đảm bảo không gây ô nhiễm nguồn nước.
9. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định về bảo vệ lưu vực sông, bảo vệ lòng hồ trong quá trình tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đảm bảo không gây ảnh hưởng đến môi trường nước.
10. Cục Thuế tỉnh:
- Hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân kê khai, thực hiện việc nộp thuế tài nguyên nước, nộp tiền cấp quyền khai thác theo quy định, nộp tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành;
- Đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi và miễn giảm thuế đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
11. Đài khí tượng thủy văn tỉnh cung cấp thông tin kịp thời về số liệu khí tượng thủy văn các vùng trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 Quy định này; định kỳ hàng tháng, quý, năm có trách nhiệm cung cấp kết quả quan trắc khí tượng thủy văn và dự báo tình hình khí tượng thủy văn 10 ngày, tháng, quý năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh.
12. Các sở, ban, ngành khác có liên quan: Trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước có hiệu quả theo quy định của Luật Tài nguyên nước và các quy định khác của pháp luật.
Điều 16. Trách nhiệm quản lý tài nguyên nước của UBND cấp huyện
1. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc quản lý tài nguyên nước tại địa phương theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và UBND cấp xã thực hiện công tác quản lý tài nguyên nước.
2. Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước; thanh kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước; hòa giải, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước trên địa bàn theo thẩm quyền; thực hiện các nội dung quy định tại Điều 5 và Điều 8 Quy định này;
3. Thu thập, lưu trữ, quản lý dữ liệu về tài nguyên nước đối với các tổ chức cá nhân phải đăng ký trên địa bàn;
4. Hàng năm bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách cấp huyện cho hoạt động bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn huyện.
Điều 17. Trách nhiệm quản lý tài nguyên nước của UBND cấp xã
1. Thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng chống, khắc phục hậu quả do nước gây ra; thống kê, theo dõi, giám sát việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước tại địa phương;
2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về tài nguyên nước; tổ chức hòa giải, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực tài nguyên nước theo quy định của pháp luật;
3. Thường xuyên kiểm tra các công trình thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; xử lý vi phạm hoặc kiến nghị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước theo thẩm quyền;
4. Quản lý việc khai thác, sử dụng nước dưới đất của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; kiểm tra, yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân có công trình khai thác nước dưới đất phải đăng ký theo Khoản 1, Điều 8 Quy định này; lập danh sách các tổ chức, cá nhân, thông báo và phát tờ khai hướng dẫn kê khai theo đúng quy định;
5. Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức quản lý, bảo vệ trạm quan trắc đo đạc, giám sát tài nguyên nước trên địa bàn;
6. Thu thập, lưu trữ, quản lý dữ liệu về tài nguyên nước trên địa bàn, định kỳ trước ngày 30 tháng 11 hàng năm, báo cáo UBND huyện (qua Phòng Tài nguyên và Môi trường) về tình hình quản lý, bảo vệ hoạt động tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
Điều 18. Chế độ báo cáo
1. Hàng năm các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm lập báo cáo công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước của đơn vị và gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 05 tháng 12 để tổng hợp, trình UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND tỉnh tổng hợp báo cáo công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Điều khoản chuyển tiếp
1. Tổ chức, cá nhân được cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất trước ngày Quy định này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện cho đến hết thời hạn quy định trong giấy phép; thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác nước theo quy định.
2. Đối với hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất được Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận trước ngày Quy định này có hiệu lực thì tiếp tục giải quyết trên nguyên tắc tổ chức, cá nhân phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13.
Điều 20. Trách nhiệm thi hành
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi kiểm tra và đôn đốc, hướng dẫn tổ chức thực hiện Quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, tổ chức, cá nhân phản ánh gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.