Quyết định số 51/2015/QĐ-UBND ngày 31/08/2015 Về Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- Số hiệu văn bản: 51/2015/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Ngày ban hành: 31-08-2015
- Ngày có hiệu lực: 10-09-2015
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3363 ngày (9 năm 2 tháng 18 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/2015/QĐ-UBND | Nghệ An, ngày 31 tháng 08 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 17/11/2010;
- Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường số 55/2014/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 23/6/2014;
- Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản; Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;
- Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 105/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 về việc Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020; số 1065/QĐ-TTg ngày 9/7/2010 về việc Phê duyệt Bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020; số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 về việc Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020; số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 về việc Phê duyệt Bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020; số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
- Căn cứ Nghị quyết số 179/2015/NQ-HĐND ngày 10/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVI, kỳ họp thứ 14 về việc thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An tại Công văn số 1653/TTr-SXDVLXD ngày 14/8/2015,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, với các nội dung chính sau:
I. Quan điểm và mục tiêu
1. Quan điểm
a) Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải phù hợp với: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh; Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể về thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ; bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Quy định bảo vệ các di sản thiên nhiên, di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ, các công trình văn hóa có giá trị, các khu du lịch đồng thời phải đi đôi với bảo vệ môi trường, môi sinh và sự phát triển ổn định, bền vững của cộng đồng và tiết kiệm tài nguyên;
b) Từ nay đến 2020, xác định khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng không phải là lĩnh vực chủ lực để phát triển kinh tế xã hội; không khuyến khích khai thác khoáng sản; chỉ lựa chọn doanh nghiệp có đầu tư chế biến sâu, hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh môi trường;
c) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là quy hoạch định hướng, quy hoạch mở, do vậy trong quá trình thực hiện kịp thời cập nhật, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện trong từng giai đoạn.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát:
- Xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhằm quản lý khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường có tiềm năng lớn trên địa bàn tỉnh, gắn với việc sản xuất, chế biến các sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt, nhằm từng bước đáp ứng thỏa mãn nhu cầu về đá xây dựng, cát sỏi xây dựng, vật liệu xây cho thị trường nội tỉnh và cung cấp cho thị trường lân cận, tạo đà tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần chuyển dịch tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng đạt 43-44% cơ cấu kinh tế của tỉnh.
- Xây dựng ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Nghệ An phát triển ở mức cao, trên cơ sở khai thác có hiệu quả tài nguyên khoáng sản và sử dụng lao động tại chỗ. Ưu tiên khai thác, chế biến các loại khoáng sản có lợi thế của tỉnh và có nhu cầu lớn trên thị trường. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn từ nay đến năm 2020 là 15 - 20%/năm.
- Xác định nhu cầu trữ lượng khoáng sản cần thăm dò, khai thác cho sản xuất vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020 và khả năng đáp ứng từ nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại tỉnh; xác định danh mục, tiến độ thăm dò, khai thác các mỏ trong giai đoạn đến năm 2020 nhằm đáp ứng cho nhu cầu xây dựng của tỉnh và vùng lân cận.
b) Mục tiêu cụ thể:
Các mục tiêu phát triển được xây dựng bằng 120-150% nhu cầu (có tính đến hệ số tổn thất, hệ số thu hồi, hệ số điều chỉnh khác...), cụ thể như sau:
T.T | Loại khoáng sản | Đơn vị tính | Mục tiêu đến 2020 |
1 | Đá xây dựng | triệu m3 | 45 - 50 |
2 | Cát, sỏi xây dựng | triệu m3 | 29 - 33 |
3 | Sét gạch ngói | triệu m3 | 7 - 8 |
4 | Đất san lấp | triệu m3 | 95 - 100 |
II. Nội dung Quy hoạch
1. Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020
Gồm 04 loại sau: Đá xây dựng; cát, sỏi xây dựng; sét gạch, ngói; đất san lấp.
a) Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020 có 547 điểm mỏ (gồm: 471 điểm mỏ thuộc Quy hoạch số 42 và 76 điểm mỏ bổ sung mới) với tài nguyên thăm dò khai thác là 402,885 triệu m3, cụ thể:
- Cát, sỏi xây dựng: 200 điểm mỏ; Tài nguyên quy hoạch: 67,888 triệu m3.
- Đá xây dựng: 202 điểm mỏ; Tài nguyên quy hoạch: 173,7 triệu m3.
- Sét gạch, ngói: 50 điểm mỏ; Tài nguyên quy hoạch: 16,387 triệu m3.
- Đất san lấp: 95 điểm mỏ; Tài nguyên quy hoạch: 144,91 triệu m3.
(Phụ lục 1,2,3,4 kèm theo Quyết định này)
b) Các điểm mỏ thuộc Quy hoạch số 42 đưa ra khỏi quy hoạch kỳ này: 66 điểm mỏ, trong đó:
- Cát, sỏi xây dựng: 11 điểm mỏ.
- Đá xây dựng: 15 điểm mỏ.
- Sét gạch, ngói: 31 điểm mỏ.
- Đất san lấp: 9 điểm mỏ.
(Phụ lục 5 kèm theo Quyết định này)
2. Quy hoạch tài nguyên dự trữ sau năm 2020
Gồm 307 điểm mỏ; Tài nguyên dự trữ: 3.071,019 triệu m3, cụ thể:
- Cát, sỏi xây dựng: 59 điểm mỏ; Tài nguyên dự trữ: 50,579 triệu m3.
- Đá xây dựng: 184 điểm mỏ; Tài nguyên dự trữ: 2.920,79 triệu m3.
- Sét gạch, ngói: 38 điểm mỏ; Tài nguyên dự trữ: 30,75 triệu m3.
- Đất san lấp: 26 điểm mỏ; Tài nguyên dự trữ: 68,9 triệu m3.
III. Giải pháp thực hiện
1. Giải pháp về quản lý Nhà nước và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng
a) Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, Nghị định 15/2012/NĐ-CP ngày 9/3/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;
b) Tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản cho mọi người dân nói chung và các tổ chức tham gia hoạt động khoáng sản nói riêng;
c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản và môi trường trong hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản, nhất là việc thực hiện các nội dung của báo cáo tác động môi trường đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt;
d) Thống nhất quản lý Nhà nước về khoáng sản, tập trung về một đầu mối tránh sự phân tán, trùng lặp không cần thiết. Xây dựng thống nhất sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và bảo vệ môi trường;
đ) Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Sở, Ban, ngành thực hiện tốt quy trình thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa để tham mưu cho các cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo đúng thẩm quyền của pháp luật, kiến nghị biện pháp thích hợp để giảm thiểu các ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích danh thắng và các vấn đề liên quan khác;
e) Làm việc với từng doanh nghiệp đang có hoạt động khai thác khoáng sản để xác định lộ trình khai thác, chế biến, đóng cửa mỏ theo đúng định hướng của Quy hoạch khoáng sản.
2. Giải pháp về đầu tư và hợp tác đầu tư
a) Việc giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư hoạt động khoáng sản cần nhanh gọn, thông thoáng, đúng quy trình và quy định của pháp luật; giải quyết các hồ sơ đăng ký hoạt động khoáng sản thực hiện theo cơ chế một cửa, một đầu mối. Tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký hoạt động khoáng sản đúng quy trình quy phạm;
b) Thông báo rộng rãi, cập nhật danh mục mời gọi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước;
c) Thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản theo hướng ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực trong nước.
3. Giải pháp về công nghệ và thiết bị
a) Đối với các mỏ đã và đang tiến hành khai thác, các cơ sở chế biến: Cần đánh giá lại trình độ công nghệ để có phương án đầu tư, cải tạo nâng cao hiệu quả sản xuất. Về quy mô khai thác đúng theo quy định tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ;
b) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng nhằm sử dụng các công nghệ khai thác khoáng sản hợp lý nhất, các công nghệ sạch trong sàng tuyển và chế biến khoáng sản.
4. Giải pháp về bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản
a) Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong hoạt động khoáng sản như đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng; thu hút đào tạo và sử dụng lao động địa phương; có biện pháp chủ động bảo vệ môi trường sinh thái và tích cực tham gia cải thiện môi trường xã hội. Các doanh nghiệp thực hiện hợp tác, gắn kết chặt chẽ với nhau nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, có khả năng cạnh tranh, tạo thị trường bền vững. Từng bước nâng cao năng lực quản trị tài nguyên và thống kê báo cáo hoạt động khoáng sản;
b) Gắn quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh với quy hoạch các ngành công nghiệp, quy hoạch thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ, giao thông vận tải, điện, nước, quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch sử dụng đất đai của tỉnh. Tận dụng tối đa hạ tầng hiện có phục vụ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến.
5. Giải pháp về bảo vệ tài nguyên và di tích danh thắng
a) Các mỏ đã thăm dò nhưng chưa cấp phép khai thác cần được bảo vệ, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động khoáng sản trái phép. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử phạt các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trái phép;
b) Thực hiện cấp phép theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, tuân thủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường ở các cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản theo đúng Luật Bảo vệ môi trường quy định;
c) Thực hiện thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, đồng thời lập quỹ phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản;
d) Thực hiện thanh, kiểm tra theo định kỳ và đột xuất các cơ sở khai thác theo quy hoạch đã được duyệt và các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng;
đ) Công tác xử lý môi trường trong hoạt động khai thác, hoàn trả mặt bằng khi kết thúc khai thác phải thực hiện đúng mục đích, theo thiết kế, quy hoạch và đúng pháp luật;
e) Trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản phải hạn chế tối đa các ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, di tích danh thắng, nếu phát hiện các dấu tích, di vật, hiện vật phải có giải pháp bảo vệ và báo cáo với cơ quan chức năng liên quan để có hình thức xử lý.
6. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
a) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công nhân trong ngành khai thác khoáng sản như kỹ thuật khai thác, chỉ huy nổ mìn và thợ mìn;
b) Ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, lao động trong các hộ bị ảnh hưởng và các hộ trong diện di dời tái định cư bởi hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản;
c) Hỗ trợ đào tạo nghề cho công nhân ngành khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định hiện hành của tỉnh.
7. Giải pháp về cơ chế, chính sách
a) Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước, vốn của tổ chức, cá nhân cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; cơ chế hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản do nhà nước đầu tư từ nguồn ngân sách;
b) Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay tín dụng; nguồn vốn trong và ngoài nước;
c) Tranh thủ sự hỗ trợ nguồn vốn từ Trung ương đối với đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, hạ tầng khu công nghiệp;
d) Ưu tiên, thu hút những nhà đầu tư có năng lực thật sự, các dự án khai thác công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trong quá trình khai thác, có khả năng thúc đẩy nhiều ngành khác cùng phát triển.
IV. Tổ chức thực hiện Quy hoạch
1. Sở Xây dựng
a) Tổ chức công bố “Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An” sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, để các ngành, chính quyền địa phương có căn cứ thực hiện;
b) Chủ trì triển khai và hướng dẫn thực hiện Quy hoạch, đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể để phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
c) Phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng đúng theo định hướng Quy hoạch; phối hợp với Sở Công Thương trong quản lý hoạt động khai thác đá hoa trắng;
d) Chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh hoặc lập mới Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho phù hợp với tình hình mới;
e) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, chính quyền địa phương tổ chức thanh kiểm tra các doanh nghiệp có tham gia hoạt động khai thác khoáng sản, xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm Luật Khoáng sản, Luật Đất đai và các quy định về bảo vệ môi trường;
g) Thẩm định và cho ý kiến về thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo đúng quy định. Phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan và chính quyền địa phương trong công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành thiết kế khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường;
h) Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, các quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng; hướng dẫn về kinh doanh vật liệu xây dựng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; tổng hợp, cập nhật kịp thời các kết quả điều tra cơ bản về khoáng sản, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thúc đẩy đầu tư các đề án điều tra bằng nguồn vốn của các doanh nghiệp và tổ chức khác;
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan trong việc quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Lập kế hoạch thăm dò, khảo sát đánh giá trữ lượng, chất lượng khoáng sản theo đúng quy định của Luật Khoáng sản. Nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các quy định nhằm đơn giản hóa các thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản về tăng cường quản lý hoạt động khoáng sản;
c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, chính quyền địa phương khoanh định, trình UBND tỉnh phê duyệt các diện tích hoạt động khoáng sản và các khu vực cấm, tạm cấm và hạn chế hoạt động khoáng sản, luôn cập nhật, điều chỉnh kịp thời.
3. Sở Công Thương
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai việc áp dụng công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; định hướng công nghệ khai thác, chế biến và xây dựng lộ trình giảm các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản bằng công nghệ thủ công lạc hậu;
b) Phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, chính quyền địa phương trong việc quản lý hoạt động khai thác và cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Phối hợp với Sở Xây dựng đẩy mạnh các hoạt động khoa học trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản; tiếp thu ứng dụng công nghệ thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tiên tiến, hiện đại trong và ngoài nước.
5. Sở Giao thông vận tải:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các Sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, chính quyền địa phương lập Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông phù hợp từng giai đoạn, nhất là các địa phương có mỏ khoáng sản để tạo điều kiện cho công tác khai thác và chế biến khoáng sản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý các phương tiện vận chuyển khoáng sản quá khổ, quá tải gây hư hỏng, xuống cấp cầu đường, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhất là dân cư gần khu vực mỏ;
c) Phối hợp với các Chủ đầu tư, đơn vị khai thác và các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, chính quyền địa phương để quản lý các dự án nạo vét, tận thu khoáng sản đảm bảo thông luồng tàu chạy trên địa bàn.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh:
a) Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành điều chỉnh, khoanh định các khu vực cấm và tạm cấm hoạt động khoáng sản theo lĩnh vực quản lý của mình;
b) Theo chức năng nhiệm vụ, có ý kiến trả lời tham mưu cho UBND tỉnh đối với việc cấp phép khai thác cho các doanh nghiệp.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tỉnh:
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước tỉnh phối hợp nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, tạo nguồn vốn đầu tư, thực hiện các giải pháp xúc tiến đầu tư cho các đề án thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh;
b) Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các chính sách về thuế, phí trong công tác hoạt động khoáng sản, đảm bảo thuận tiện và chống thất thu thuế.
8. UBND cấp huyện:
a) Căn cứ nội dung Quy hoạch thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về khoáng sản tại địa phương. Tổ chức quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, ngăn ngừa tình trạng khai thác trái phép khoáng sản, đảm bảo môi trường, an toàn lao động và an ninh trật tự tại các khu vực khai thác khoáng sản;
b) Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và tạo điều kiện để các doanh nghiệp thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo đúng Quy hoạch đã được phê duyệt;
c) Giải quyết theo thẩm quyền các thủ tục giao đất, cho thuê đất, sử dụng cơ sở hạ tầng và các vấn đề liên quan khác cho các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản tại địa phương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 42/2010/QĐ-UBND ngày 27/7/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Thủ trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|