cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Hướng dẫn số 689/TY-DT ngày 21/10/2002 Quy định vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật do Cục Thú y ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 689/TY-DT
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Cơ quan ban hành: Cục Thú y
  • Ngày ban hành: 21-10-2002
  • Ngày có hiệu lực: 21-10-2002
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC THÚ Y
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 689/TY-DT

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2002

 

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN

QUY ĐỊNH VÙNG, CƠ SỞ AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT

Căn cứ Quyết định số: 875 NN - TCCB/QĐ ngày 24/6/1996 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và tổ chức bộ máy của Cục Thú y;

Căn cứ Quyết định số 62/2002/QĐ-BNN ngày11/7/2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, về việc ban hành Quy định xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật (sau đây gọi tắt là bản Quy định).

Để phục vụ cho xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật và tiêu dùng trong nước, phải xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB), trước mắt là khống chế tiến tới thanh toán được 2 bệnh chủ yếu là Lở mồm long móng (LMLM) và Dịch tả lợn (DTL), hạn chế thiệt hại do các bệnh truyền nhiễm khác gây ra.

Cục Thú y hướng dẫn cụ thể việc xây dựng vùng, cơ sở ATDB như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Vùng ATDB là lãnh thổ của 1 huyện hay nhiều huyện; một tỉnh hay nhiều tỉnh.

2. Cơ sở ATDB là một cơ sở chăn nuôi (trại, nông trrường, xí nghiệp); một xã hoặc một phường.

3. Vùng, cơ sở ATDB một loài động vật với một bệnh:

Thí dụ: vùng, cơ cơ sở ATDB đối với bệnh DTL, bệnh Niu cát xơn...

4. Vùng, cơ sở ATDB một loài động vật với một số bệnh chính:

Thí dụ: tỉnh A, ATDB LMLM, DTL đối với lợn, xí nghiệp gà B ATDB Niu cát xơn, Gumboro đối với gà.

5. Vùng, cơ sở ATDB nhiều loài động vật với một bệnh:

Thí dụ: huyện B, ATDB LMLM đối với trâu bò, lợn, dê; tỉnh A, ATDB Nhiệt thán đối với trâu bò, ngựa, dê, lợn.

6. Vùng, cơ sở ATDB nhiều loài động vật với nhiều bệnh:

Thí dụ: nông trường B có trâu bò, dê, lợn ATDB đối với bệnh LMLM, Nhiệt thán, Tụ huyết trùng.

7. Xác định vùng đệm đối với vùng ATDB: vùng đệm là vùng tiếp giáp với vùng ATDB. Phạm vi của vùng đệm có bán kính tính từ chu vi của vùng ATDB là 10 km đối với bệnh LMLM, 5 km đối với bệnh DTL.

Phạm vi vùng đệm của cơ sở ATDB cũng giống như vùng đệm đối với vùng ATDB, nhưng bán kính là 5 km đối với bệnh LMLM, 2 km đối với bệnh DTL.

8. Giám sát dịch bệnh gồm các nội dung sau:

- Theo dõi và báo cáo theo quy định về diễn biến tình hình dịch bệnh đối với loài động vật được đăng ký ATDB.

- Kiểm tra dịch bệnh: kiểm tra lâm sàng, chẩn đoán xét nghiệm theo Điều 10 của bản Quy định số: 62/2002/QĐ/BNN, ngày 11/7/2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và phụ lục 6 của bản hướng dẫn này.

- Đánh giá về tình hình dịch bệnh trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ dộng vật, chế biến kinh doanh sản phẩm động vật.

9. Điều kiện thú y bao gồm: vệ sinh thú y, khai báo dịch, tiêm phòng, kiểm dịch động vật, chẩn đoán xét nghiệm . . .

II. ĐIỀU KIỆN THÚ Y ĐỐI VỚI VÙNG, CƠ SỞ AN TOÀN DỊCH BỆNH:

1. Đối với động vật trong vùng, cơ sở ATDB để xuất khẩu phải đáp ứng yêu cầu về dịch bệnh như sau:

1.1. Không có bệnh LMLM sau 12 tháng kể từ khi những ca bệnh cuối cùng bị tiêu huỷ hoặc sau 2 năm con vật ốm cuối cùng đã hồi phục.

1.2. Không có bệnh DTL sau ít nhất 40 ngày kể từ khi xác định con vật mắc bệnh cuối cùng bị tiêu huỷ và đã thực hiện tốt vệ sinh tiêu độc hoặc sau 6 tháng kể từ khi con vật mắc bệnh cuối cùng được hồi phục hoặc bị chết.

1.3. Đối với các bệnh khác thuộc Danh mục phải công bố dịch theo Quy định số 1242 NN - TY/QĐ, ngày 24/7/1996 của Bộ Nông nghiệp và PTNT nếu có xảy ra thì không được phát thành dịch và động vật mắc bệnh phải được tiêu huỷ, xử lý kịp thời theo quy định.

2. Đối với động vật trong vùng, cơ sở ATDB để tiêu dùng trong nước phải đáp ứng yêu cầu về dịch bệnh như sau:

2.1. Không có bệnh LMLM sau 12 tháng kể từ khi những ca bệnh cuối cùng bị tiêu huỷ hoặc sau 1 năm con vật ốm cuối cùng đã hồi phục.

2.2. Không có bệnh DTL sau ít nhất 40 ngày kể từ khi xác định con vật mắc bệnh cuối cùng bị tiêu huỷ và đã thực hiện vệ sinh tiêu độc theo quy định hoặc sau 2 tháng kể từ khi con vật mắc bệnh cuối cùng được hồi phục hoặc bị chết.

2.3. Đối với các bệnh khác thuộc danh mục phải công bố dịch theo Quy định số 1242 NN - TY/QĐ, ngày 24/7/1996 của Bộ Nông nghiệp và PTNT nếu có xảy ra thì không được phát thành dịch và phải được can thiệp kịp thời.

3. Khai báo dịch bệnh trong vùng, cơ sở ATDB:

3.1. Đối với vùng ATDB là tỉnh, thành phố, huyện, thị xã và cơ sở ATDB là xã, phường:

3.1.1. Các thôn, ấp, trong xã, phường có chăn nuôi động vật, cơ sở giết mổ động vật phải có sổ theo dõi tình hình chăn nuôi, dịch bệnh, giết mổ. Nếu có động vật mắc bệnh hoặc chết nghi mắc bệnh truyền nhiễm phải báo cáo ngay cho thú y và chính quyền sở tại, không được bán hoặc giết mổ, lưu thông trên thị trường.

3.1.2. Thôn, ấp có chăn nuôi động vật, cơ sở giết mổ động vật thuộc phạm vi quản lý của huyện, khi có dịch xảy ra phải báo cáo Ban chăn nuôi thú y xã hoặc Trạm thú y huyện, theo chế độ 7 ngày 1 lần đối với bệnh LMLM, DTL.

3.1.3. Ngoài báo cáo khi có dịch đột xuất, hàng tháng phải có báo cáo định kỳ từ Ban Thú y xã lên Trạm thú y huyện, Trạm thú y huyện báo cáo Chi Cục thú y tỉnh, Chi cục thú y tỉnh báo cáo Trung tâm thú y vùng và Cục Thú y (theo phụ lục 7).

3.1.4. Trong trường hợp Ban chăn nuôi thú y xã, Trạm thú y huyện nhận được khai báo của cơ sở có dịch, phải tiến hành ngay việc kiểm tra xác minh dịch, nếu nghi mắc bệnh LMLM, DTL hoặc bệnh được đăng ký ATDB phải báo cáo ngay Chi cục thú y tỉnh, thành phố bằng điện thoại và văn bản, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương tổ chức thực hiện các biện pháp ngăn chăn dịch, lấy mẫu gửi chẩn đoán, xét nghiệm. Trạm thú y huyện phải thực hiện chế độ báo cáo Chi cục thú y tỉnh theo quy định đối với ổ dịch (mẫu báo cáo ổ dịch và báo cáo định kỳ theo phụ lục 8).

3.2. Đối với cơ sở ATDB là cơ sở chăn nuôi:

3.2.1. Trại chăn nuôi nhỏ thuộc xã quản lý, phải báo cáo dịch bệnh trực tiếp cho Ban chăn nuôi thú y xã.

3.2.2. Trại chăn nuôi tư nhân hoặc doanh nghiệp chăn nuôi có quy mô trung bình trở lên báo cáo dịch bệnh trực tiếp cho Trạm thú y huyện.

3.2.3. Trại chăn nuôi thuộc tỉnh quản lý báo cáo trực tiếp cho Chi cục thú y tỉnh.

3.2.4. Nông trường, trại chăn nuôi giống thuộc trung ương quản lý, báo cáo dịch bệnh trực tiếp cho Trung tâm thú y vùng và Cục Thú y.

4. Tiêm phòng đối với vùng, cơ sở ATDB.

Chế độ tiêm phòng đối với từng bệnh, từng loài gia súc và loại vắc xin sử dụng trong vùng, cơ sở ATDB để xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật được thực hiện theo Quy định số 1243 NN-TY/QĐ, ngày 24/7/1996 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cụ thể như sau:

4.1. Đối với bệnh LMLM:

4.1.1. Tiêm phòng bắt buộc vắc xin LMLM cho động vật trong vùng, cơ sở ATDB theo Hướng dẫn thực hiện Quy định về phòng chống bệnh LMLM gia súc số 444/TY-DT ngày 14 tháng 5 năm 2001 của Cục Thú y.

4.1.2. Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin phải đạt ³ 90% so với diện tiêm.

4.1.3. Trong thời hạn 5 năm, vùng ATDB hoặc cơ sở ATDB không có dịch LMLM và đã thực hiện đầy đủ các biện pháp giám sát dịch bệnh (có hệ thống thú y thường xuyên phát hiện, báo cáo dịch bệnh, vệ sinh tiêu độc môi trường, kiểm tra huyết thanh xác định là không còn mầm bệnh LMLM) thì không cần tiêm phòng nữa.

4.2. Đối với bệnh DTL phải thực hiện việc tiêm phòng bắt buộc bằng vắc xin như sau:

4.2.1. Tiêm phòng đại trà một năm 2 lần vào tháng 3 - 4 và tháng 9 - 10. Tỷ lệ tiêm phòng phải đạt ³ 90% so với diện tiêm.

4.2.2. Tiêm phòng cho lợn con 21 ngày tuổi (khi lợn mẹ chưa được tiêm phòng vắc xin) và tiêm phòng nhắc lại sau 30 ngày.

4.2.3. Lợn con của lợn mẹ đã được tiêm phòng thì tiêm phòng khi lợn được 30 - 45 ngày tuổi.

4.2.4. Lợn nái tiêm phòng trước khi phối giống 3 tuần hoặc trước khi đẻ 4 tuần, tiêm phòng nhắc lại sau 6 tháng kể từ ngày tiêm lần trước.

4.2.5. Lợn đực giống phải được tiêm phòng theo lịch tiêm phòng hàng năm, tiêm phòng nhắc lại sau 6 tháng kể từ ngày tiêm lần trước.

4.3. Đối với các bệnh khác như: Tụ huyết trùng trâu bò, Tụ huyết trùng lợn, Đóng dấu lợn, Nhiệt thán, Ung khí thán, Phó thương hàn, Lép tô (nơi có ổ dịch cũ) phải tiêm phòng theo quy định 6 tháng một lần, đạt tỷ lệ ³ 80% so với diện tiêm. (Kết quả tiêm phòng phải được ghi chép và báo cáo định kỳ theo phụ lục 7).

5. Kiểm dịch động vật:

5.1. Việc thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời được thực hiện trong trường hợp có dịch LMLM hoặc dịch bệnh nguy hiểm khác đang có chiều hướng lây lan. Các chốt được đặt trên đường vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào vùng, cơ sở ATDB và phải đảm bảo hoạt động 24/24 giờ.

5.2. Vùng, cơ sở ATDB phải thực hiện triệt để việc kiểm dịch động vật theo quy định. Chỉ được nhập động vật, sản phẩm động vật từ vùng, cơ sở được công nhận ATDB và phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục thú y nơi xuất phát.

5.3. Phải có khu vực cách ly kiểm dịch theo quy định đối với động vật nhập vào vùng, cơ sở ATDB để đảm bảo không cho dịch bệnh xâm nhập vào trong vùng, cơ sở.

5.4. Thời gian theo dõi cách ly kiểm dịch từ 21 đến 45 ngày theo quy định từng bệnh

Trong thời gian cách ly kiểm dịch phải thực hiện các yêu cầu về kỹ thuật của kiểm dịch động vật.

6. Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở chăn nuôi và giết mổ động vật trong vùng, cơ sở ATDB:

6.1. Đối với các cơ sở chăn nuôi:

6.1.1. Chuồng trại : độ ẩm, độ chiếu sáng, độ ồn, độ bụi, lượng H2S, NH3.

6.1.2. Bãi chăn, thả gia súc: hàng rào, phân lô, chế độ vệ sinh tiêu độc định kỳ . . .

6.1.3. Xử lý chất thải trong chăn nuôi.

6.1.4. Nước uống: các chỉ tiêu hoá học, vi sinh vật.

6.1.5. Kiểm tra vệ sinh thú y đối với thức ăn chăn nuôi về các chất tồn dư, vi sinh vật, nấm mốc, hóc môn .

6.1.6. Phân công trách nhiệm kiểm tra vệ sinh thú y các cơ sở chăn nuôi:

a) Đối với các vùng, cơ sở chăn nuôi thuộc trung ương quản lý do Trung tâm vệ sinh thú y trung ương kiểm tra.

b) Đối với các vùng, cơ sở chăn nuôi thuộc địa phương quản lý do Chi cục thú y kiểm tra.

6.2. Giết mổ động vật trong vùng, cơ sở ATDB:

6.2.1. Đối với vùng ATDB: tất cả gia súc giết mổ để kinh doanh (gồm trâu, bò, ngựa, lợn, dê, cừu), gia cầm giết mổ để kinh doanh (gồm gà, vịt, ngan, ngỗng từ 50 con trở lên) đều phải đưa vào các lò mổ tập trung đủ điều kiện vệ sinh thú y và được cơ quan thú y kiểm soát giết mổ trước, trong, sau khi giết mổ.

6.1.2. Đối với cơ sở ATDB, nơi giết mổ gia súc phải cách biệt với khu chăn nuôi, được cơ quan thú y kiểm tra đủ điều kiện vệ sinh thú y theo quy định và kiểm soát trước, trong, sau khi giết mổ.

6.1.3. Tại vùng ATDB phải quy hoạch lò mổ gia súc tập trung, đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y và phải được Chi cục thú y thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y và giết mổ động vật theo quy định.

7. Chẩn đoán và xét nghiệm đối với vùng, cơ sở ATDB:

7.1. Tại các vùng, cơ sở ATDB khi có gia súc ốm, chết mà nghi ngờ là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì chủ cơ sở chăn nuôi, Ban chăn nuôi thú y xã phải báo cáo cho Trạm thú y huyện. Sau khi Trạm thú y huyện kiểm tra, xác định là bệnh được đăng ký ATDB phải lấy mẫu gửi chẩn đoán (đối với bệnh LMLM, Dịch tả lợn) sau đó tiêu huỷ gia súc mắc bệnh. Trong trường hợp nghi ngờ bệnh LMLM, sau khi lấy bệnh phẩm gửi xét nghiệm phải cách ly con vật cho đến khi có kết quả trả lời của phòng thí nghiệm, nếu dương tính thì tiến hành tiêu huỷ nếu âm tính thì cho chăn nuôi bình thường.

Việc tiêu huỷ gia súc mắc bệnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y, môi trường.

- Đối với các bệnh truyền nhiễm khác xảy ra nhưng không thuộc các bệnh đăng ký xây dựng ATDB, thú y xã báo cáo Trạm thú y huyện để kiểm tra xác định bệnh, tổ chức chống dịch và báo cáo Chi cục thú y tỉnh, thành phố.

- Đối với bệnh chưa rõ nguyên nhân thì Trạm thú y huyện tiến hành mổ khám, kiểm tra bệnh tích và lấy mẫu bệnh phẩm khi cần thiết. Các mẫu bệnh phẩm và biên bản mổ khám bệnh tích gửi về Chi cục thú y hoặc Trung tâm thú y vùng, Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương để xác định bệnh.

7.2. Việc kiểm tra đánh giá về khả năng đáp ứng miễn dịch đối với các bệnh đã tiêm phòng, kiểm tra huyết thanh học đối với một số bệnh mang trùng như: bệnh LMLM, DTL, Lép tô, Xảy thai truyền nhiễm, Lao, Bạch lỵ, CRD...(được thực hiện theo quy định tại phụ lục 6) trước khi công nhận vùng, cơ sở ATDB và kiểm tra định kỳ được thực hiện theo phân công, phân cấp về chẩn đoán của Cục Thú y.

7.3. Nội dung chương trình khảo sát huyết thanh học gồm:

7.3.1. Thời hạn khảo sát (thời gian bắt đầu, thời gian khảo sát, kết thúc).

7.3.2. Bố trí nhân lực, trang thiết bị, kinh phí.

7.3.3. Xây dựng quy trình xét nghiệm huyết thanh học (thu thập mẫu máu, chắt huyết thanh bảo quản và gửi mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, thời hạn trả lời kết quả …).

7. 4. Việc lấy mẫu huyết thanh phải đảm bảo yêu cầu là số lượng mẫu phải có ý nghĩa thống kê theo phần mềm Win Episcope 2.0 (được quy định tại phụ lục 6).

8. Xử lý động vật mắc bệnh truyền nhiễm đối với vùng, cơ sở ATDB:

8.1. Gia súc mắc bệnh LMLM phải chôn hoặc đốt ở nơi không gây ô nhiễm môi trường xung quanh, theo quy định tại Điều 11 Quy đinh về phòng chống bệnh Lở mồm long móng gia súc số 54/2001/QĐ/BNN-TY, ngày 11/5/2001 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

8.2. Lợn mắc bệnh dịch tả được xử lý như sau:

8.2.1. Lợn có trọng lượng < 20 kg phải giết huỷ: chôn hoặc đốt.

8.2.2. Lợn có trọng lượng ³ 20 kg có thể giết mổ bắt buộc để sử dụng làm thực phẩm: Thịt cắt từng miếng có trọng lượng < 2 kg, đem luộc chín, sau khi sôi 30 phút mới được sử dụng, còn phủ tạng và các sản phẩm khác phải chôn.

8.2.3. Sau khi giết mổ lợn mắc bệnh xong, phải tiến hành vệ sinh tiêu độc ngay bằng phương pháp và hoá chất theo quy định.

8.3. Gia súc chết do các bệnh truyền nhiễm khác đều phải giết huỷ.

III. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ VÙNG, CƠ SỞ AN TOÀN DỊCH BỆNH:

1. Người đại diện cho địa phương, cơ sở chăn nuôi thực hiện việc đăng ký xây dựng vùng, cơ sở ATDB là:

1.1. Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện việc đăng ký vùng ATDB tỉnh, thành phố.

1.2. Đại diện Phòng Nông nghiệp thực hiện việc đăng ký xây dựng vùng ATDB huyện, thị xã.

1.3. Chủ tịch xã, phường thực hiện việc đăng ký xây dựng cơ sở ATDB xã, phường.

1.4. Chủ cơ sở chăn nuôi, giám đốc các xí nghiệp, công ty, nông trường chăn nuôi thực hiện việc đăng ký xây dựng cơ sở ATDB thuộc phạm vi quản lý của mình.

2. Người đại diện cho địa phương, cơ sở chăn nuôi nêu tại điểm a,b,c,d trên (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) đăng ký xây dựng VATDB, cơ sở ATDB phải lập hồ sơ gồm:

2.1. Đơn đăng ký VATDB, cơ sở ATDB (theo mẫu quy định tại phụ lục 1)

2.2. Tờ trình về điều kiện VATDB (hoặc cơ sở ATDB) dự kiến được xây dựng.

2.2.1. Mô tả vùng, cơ sở ATDB về địa điểm, địa lý tự nhiên, đặc điểm sản xuất chăn nuôi.

2.2.1.1. Địa điểm VATDB (hoặc cơ sở ATDB):

a) Xác định ranh giới vùng, cơ sở ATDB bằng bản đồ. Mô tả địa hình gồm cả những vùng có khả năng ngăn chặn bệnh tự nhiên như bờ biển, núi cao, rừng rậm, sông lớn.

b) Mô tả vùng đệm trên bản đồ và nêu cơ sở khoa học của việc xác lập vùng đệm.

2.2.1.2. Địa lý tự nhiên - kinh tế - xã hội VATDB (hoặc cơ sở ATDB):

a) Các đường giao thông: đường bộ, đường sắt, sân bay, bến cảng.         b) Đất đai: đặc điểm đất đai, việc sử dụng đất, bản đồ về đất sử dụng.

c) Khí hậu: lượng mưa, gió, nhiệt độ và mùa vụ (nếu có)

d) Động vật hoang dã: sự tồn tại và vai trò của động vật hoang dã.

đ) Dân số: tổng dân số, thành phần dân tộc, tình hình kinh tế, nguồn thu nhập của dân, danh sách các thành phố, thị xã, thị trấn trong VATDB.

e) Quy mô: danh sách đơn vị hành chính quận, huyện, xã, phường, dân số và thành phần dân số trong vùng, cơ sở đăng ATDB.

f) Diện tích: diện tích tự nhiên, diện tích đất trồng trọt, đồng cỏ …

g) Ranh giới tự nhiên (nếu có) ngăn cách mỗi vùng.

h) Sông ngòi chính, hướng dòng chảy, nguồn nước sử dụng cho chăn nuôi, sinh hoạt.

i) Số lượng chợ bán gia súc và sản phẩm gia súc.

k) Tổng đàn gia súc các loại: số trại chăn nuôi, quy mô chăn nuôi, số gia súc trong khu vực nông hộ.

l) Tình hình chăn nuôi, sinh hoạt xã hội.

2.2.1.3. Đặc điểm sản xuất chăn nuôi:

a) Các loài gia súc trong vùng, cơ sở ATDB, vùng đệm;

a) Phân bố và quy mô đàn gia súc, gia cầm, các hộ chăn nuôi nhỏ trong vùng;

c) Đánh giá tiềm năng phát triển chăn nuôi đối với loài động vật có ưu thế xuất khẩu trong vùng, cơ sở ATDB.

d) Nguồn thức ăn chăn nuôi tự nhiên hoặc trồng trọt để sản xuất nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi.

đ) Hệ thống quản lý chăn nuôi trong vùng: cung ứng giống, thức ăn, chăm sóc quản lý, vệ sinh chuồng trại, chế độ phòng bệnh, …

2.2.2. Hoạt động thú y trong VATDB, cơ sở ATDB:

2.2.2.1.Thực trạng về tổ chức, quản lý, hoạt động thú y trong VATDB (hoặc cơ sở ATDB):

a) Hệ thống thú y: tổng số cán bộ thú y từng cấp tỉnh, thành, quận, huyện, phường, xã, thôn; trình độ; chế độ trợ cấp …

b) Cơ sở hạ tầng: nhà cửa, trạm kiểm dịch, trang thiết bị chẩn đoán, thiết bị bảo quản, vận chuyển vac xin, phương tiện khử trùng, thiết bị thông tin, xe bắt chó thả rông …

c) Tình hình giết mổ, chế biến, sử dụng động vật và sản phẩm động vật: số lò mổ tập trung, quy mô lò mổ, tỷ lệ kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y . . .

d) Tình hình dịch bệnh động vật trong 5 năm gần đây, tỷ lệ tiêm phòng đối với các bệnh thuộc danh mục các bệnh tiêm phòng bắt buộc.

đ) Quy trình vệ sinh thú y: kiểm tra bệnh định kỳ, tiêu độc …

e) Nguồn nhập gia súc, gia cầm giống vào vùng, cơ sở ATDB.

f) Điều tra sự tồn tại của các động vật hoang dã có khả năng truyền bệnh.

g) Nơi nhập gia súc, gia cầm của vùng, cơ sở ATDB: trong hoặc ngoài tỉnh, xuất khẩu.

2.2.2.2. Kế hoạch về thú y để thực hiện việc xây dựng VATDB (hoặc cơ sở ATDB):

a) Đối với vùng ATDB:

- Xác định những dịch bệnh, loài động vật cần xây dựng ATDB;

- Mục tiêu chung, từng giai đoạn, từng năm;

- Củng cố mạng lưới thú y trong vùng: thành lập Ban chăn nuôi thú y xã, phường; bổ sung thú y viên.

- Củng cố hệ thống báo cáo dịch bệnh;

- Dự trù kinh phí cho các hoạt động:

· Trả phụ cấp cho thú y xã, thôn và các cán bộ thuộc các ngành khác tham gia xây dựng vùng ATDB;

· Đào tạo, tập huấn kỹ thuật, triển khai;

· Mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, hoá chất phục vụ chẩn đoán, điều tra huyết thanh (hoặc kinh phí thanh toán cho chẩn đoán, điều tra xét nghiệm huyết thanh);

· Chi phí xét nghiệm mẫu thức ăn, nước uống;

· Chi phí kiểm tra môi trường chăn nuôi;

· Tiền mua vắc xin; thiết bị bảo quản vắc xin; công tiêm phòng;

· Tiền hỗ trợ cho chủ gia súc khi phải tiêu huỷ gia súc, tiền mua hoá chất khử trùng, tiền công tiêu huỷ gia súc, công vệ sinh tiêu độc;

· Tuyên truyền nâng cao nhận thức;

· Mua sắm văn phòng phẩm;

· Công tác phí, xăng xe phục vụ kiểm tra, đánh giá tiến độ công việc;

· Hội họp . . .

b) Đối với cơ sở ATDB:

- Xác định dịch bệnh, loài động vật cần xây dựng ATDB;

- Mục tiêu chung, từng giai đoạn, từng năm;

- Củng cố lực lượng thú y viên trong cơ sở;

- Dự trù kinh phí để xây dựng cơ sở ATDB:

· Trả phụ cấp cho thú y cơ sở, công tiêm phòng (đối với cơ sở là xã, phường);

· Mua vắc xin tiêm phòng, thiết bị bảo quản vắc xin;

· Kinh phí trả công chẩn đoán, điều tra xét nghiệm huyết thanh, xét nghiệm thức ăn, nước uống, chi phí kiểm tra môi trường;

· Tiền hỗ trợ cho chủ gia súc khi phải tiêu huỷ gia súc, tiền mua hoá chất khử trùng, tiền công tiêu huỷ gia súc, công vệ sinh tiêu độc;

· Đào tạo, tập huấn kỹ thuật, triển khai;

· Thông tin tuyên truyền;

· Hội họp . . .

Việc thực hiện kế hoạch nên chia ra từng giai đoạn, có mục tiêu, biện pháp cụ thể và phải được cấp chính quyền các cấp phê duyệt. Nếu vùng cơ sở ATDB gồm nhiều tỉnh thì phải có sự thoả thuận, phối hợp giữa các tỉnh do Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp - PTNT chủ trì.

3. Nơi đăng ký VATDB và thời hạn tiến hành:

3.1. Cục Thú y tiếp nhận hồ sơ đăng ký xây dựng vùng ATDB, cơ sở ATDB đối với:

3.1.1. Tỉnh, thành phố ATDB;

3.1.2. Trại, xí nghiệp, nông trường chăn nuôi ATDB thuộc các cơ quan trung ương quản lý.

3.2. Chi cục thú y tiếp nhận hồ sơ đăng ký xây dựng vùng ATDB, cơ sở ATDB đối với:

3.2.1. Huyện, thị xã ATDB;

3.2.2. Trại, xí nghiệp, nông trường chăn nuôi ATDB thuộc tỉnh quản lý.

3.3. Trạm thú y huyện, thị xã tiếp nhận hồ sơ đăng ký xây dựng cơ sở ATDB đối với:

3.3.1. Xã, phường ATDB;

3.3.2. Cơ sở chăn nuôi, trại chăn nuôi thuộc huyện quản lý.

3.4. Trong phạm vi 30 ngày kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan thú y nơi tiếp nhận hồ sơ giúp các địa phương, cơ sở lập dự án xây dựng vùng, cơ sở ATDB.

IV. THỦ TỤC CÔNG NHẬN VÙNG, CƠ SỞ ATDB:

1. Thủ tục đề nghị công nhận vùng, cơ sở ATDB:

1.1. Tổ chức, cá nhân đề nghị công nhận vùng, cơ sở ATDB phải nộp hồ sơ gồm:

1.1.1. Đơn đề nghị thẩm định (theo mẫu quy định tại phụ lục 2).

1.1.2. Tờ trình về điều kiện vùng (hoặc cơ sở ATDB) đã được xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

a) Đối với vùng ATDB là tỉnh, thành phố, huyện, thị xã, cơ sở chăn nuôi thuộc trung ương quản lý phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y do Trung tâm kiểm tra vệ sinh thú y trung ương cấp; giấy chứng nhận kết quả kiểm tra huyết thanh học đạt yêu cầu do Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương hoặc Trung tâm thú y vùng (được Cục phân công) cấp.

b) Đối với cơ sở ATDB là xã, phường, cơ sở chăn nuôi thuộc phạm vi quản lý của địa phương phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y do Trung tâm kiểm tra vệ sinh thú y trung ương cấp; giấy chứng nhận kết quả kiểm tra huyết thanh học do Trung tâm thú y vùng hoặc phòng chẩn đoán thuộc Chi cục thú y (được Cục Thú y uỷ quyền) cấp.

1.2. Nơi nộp hồ sơ đề nghị công nhận vùng, cơ sở ATDB:

1.2.1 Hồ sơ của vùng ATDB là tỉnh, thành phố, huyện, thị xã hoặc cơ sở ATDB thuộc trung ương quản lý gửi về Cục Thú y.

1.2.2. Hồ sơ của cơ sở ATDB là trại chăn nuôi, xí nghiệp, nông trường chăn nuôi thuộc địa phương quản lý và xã, phường gửi về Chi cục thú y.

2. Thủ tục thẩm định VATDB, cơ sở ATDB:

2.1. Thời hạn thẩm định thực hiện theo khoản 2 Điều 14 của bản Quy định vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

2.2. Thành lập đoàn thẩm định VATDB, cơ sở ATDB:

2.2.1. Đoàn thẩm định đối với VATDB, cơ sở ATDB thuộc trung ương quản lý do Cục trưởng Cục Thú y quyết định. Thành phần đoàn thẩm định gồm các cán bộ phòng Dịch tễ, phòng Thanh tra pháp chế. Căn cứ theo yêu cầu chuyên môn đoàn thẩm định đề xuất các cán bộ thuộc các đơn vị tác nghiệp (chẩn đoán, kiểm tra vệ sinh thú y . . .) tham gia.

2.2.2. Đoàn thẩm định đối với cơ sở ATDB là cơ sở chăn nuôi thuộc địa phương quản lý và xã, phường do Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh, thành phố quyết định. Thành phần đoàn thẩm định được thực hiện như hướng dẫn tại 2.2.1 trên.

3. Thủ tục cấp giấy công nhận vùng ATDB, cơ sở ATDB:

3.1. Sau khi đã thẩm định, đoàn thẩm định lập báo cáo kiến nghị theo nội dung ở khoản 4 Điều 16 của Quy định vùng, cơ sở ATDB động vật.

3.2. Đoàn thẩm định thuộc Cục, sau khi thẩm định thấy đủ điều kiện thì trình Cục trưởng Cục Thú y cấp giấy công nhận.

3.3. Đoàn thẩm định của Chi cục thú y, sau khi thẩm định xét thấy

đủ điều kiện thì trình Chi cục trưởng để đề nghị Cục trưởng Cục Thú y ra quyết định công nhận. Đơn đề nghị công nhận cơ sở ATDB của Chi cục thú y phải gửi kèm theo hồ sơ thẩm định.

4. Lệ phí và phí tổn cho việc thẩm định và công nhận vùng ATDB, cơ sở ATDB do tổ chức, cá nhân đề nghị đăng ký xây dựng vùng ATDB, cơ sở ATDB chi trả theo quy định hiện hành.

V. HOẠT ĐỘNG CỦA VÙNG, CƠ SỞ ATDB.

1. Hoạt động về thú y:

1.1. Công tác giám sát dịch tễ:

Trong vùng, cơ sở ATDB: phải có hệ thống giám sát dịch bệnh hoạt động thường xuyên, để nắm được tình hình dịch bệnh xảy ra trong vùng, cơ sở.

1.2. Bảo vệ vùng, cơ sở ATDB:

a) Khi đã được công nhận là vùng, cơ sở ATDB phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn để mầm bệnh không xâm nhập vào do các yếu tố lây lan như gió, nguồn nước, vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc, đi lại của con người, phương tiện giao thông qua lại . . .

b) Kiểm tra huyết thanh học định kỳ (được thực hiện theo quy định tại phụ lục 6).

1.3. Khống chế dịch bệnh:

Khi có dịch bệnh trong danh sách các bệnh đăng ký xây dựng ATDB xảy ra phải tiến hành như sau:

- Chẩn đoán phát hiện bệnh;

- Không đưa gia súc, sản phẩm gia súc có nhiễm mầm bệnh ra ngoài ổ dịch;

- Theo dõi tất cả các gia súc, gia cầm xuất ra khỏi vùng, khỏi cơ sở trước khi dịch xảy ra trong thời gian tối thiểu bằng thời gian nung bệnh của mỗi bệnh.

- Điều tra nguồn gốc, nguyên nhân, mầm bệnh gây ra ổ dịch;

- Áp dụng các biện pháp dập dịch: tiêu huỷ con vật mắc bệnh, vệ sinh tiêu độc, tiêm phòng vắc xin khẩn cấp, cách tiến hành tiêm tuỳ theo từng bệnh. . .

1.4. Vùng, cơ sở ATDB phải đảm bảo hoạt động về thú y ở cả vùng, cơ sở ATDB và vùng đệm.

1.5. Nếu xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm trong vùng, cơ sở ATDB thì phải báo cáo ngay với Cục Thú y để thông báo cho tỉnh, thành trong cả nước. Tiến hành khống chế dịch bệnh theo 1.3 bên trên.

2. Quản lý VATDB, cơ sở ATDB thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Quy định vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

3. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân đối với vùng ATDB, cơ sở ATDB thực hiện theo quy định tại Điều 19, 20 của Quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

Trong quá trình xây dựng vùng ATDB, cơ sở ATDB theo bản Hướng dẫn này, các tổ chức, cá nhân có vướng mắc phản ánh về Cục Thú y để kịp thời giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ NN và PTNT;
- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, tp;
- Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố;
- Các đơn vị thuộc Cục;
- Lưu HCTH, DT.

CỤC TRƯỞNG CỤC THÚ Y




TS. Bùi Quang Anh