Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND ngày 10/02/2015 Về Quy định mức chi cho tổ chức, cá nhân được huy động hoặc tự nguyện tham gia ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và chữa cháy rừng; mức hỗ trợ để Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức bảo vệ rừng tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- Số hiệu văn bản: 08/2015/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
- Ngày ban hành: 10-02-2015
- Ngày có hiệu lực: 20-02-2015
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-02-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2187 ngày (5 năm 12 tháng 2 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-02-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2015/QĐ-UBND | Quảng Ngãi, ngày 10 tháng 02 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC CHI CHO CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐƯỢC HUY ĐỘNG HOẶC TỰ NGUYỆN THAM GIA NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG CHẶT PHÁ RỪNG TRÁI PHÁP LUẬT VÀ CHỮA CHÁY RỪNG; MỨC HỖ TRỢ ĐỂ ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TỔ CHỨC BẢO VỆ RỪNG TẠI CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng;
Căn cứ Quyết định số 118/2008/QĐ-TTg ngày 27/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm họa;
Căn cứ Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 61/2007/TTLT-BNN-BTC ngày 22/6/2007 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động cơ quan Kiểm lâm các cấp; thanh toán chi phí cho các tổ chức, cá nhân được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa cháy rừng;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 20/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC ngày 27/3/2013 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư Liên tịch số 61/2007/TTLT-BNN-BTC ngày 22/6/2007 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động cơ quan kiểm lâm các cấp; thanh toán chi phí cho các tổ chức, cá nhân được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và phòng cháy, chữa cháy rừng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 180/TTr-SNNPTNT ngày 28/01/2015 về việc ban hành Quyết định Quy định mức chi cho các tổ chức, cá nhân được huy động hoặc tự nguyện tham gia ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và chữa cháy rừng; mức hỗ trợ để Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức bảo vệ rừng tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 1724/STC-TCHCSN ngày 30/5/2014, Công văn số 3032/STC-TCHCSN ngày 19/12/2014; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 3509/SLĐTBXH-NCC ngày 25/12/2014 và ý kiến thẩm định của Giám đốc Sở Tư pháp tại Báo cáo số 118/BC-STP ngày 31/7/2014 và Công văn số 754/STP-VBPQ ngày 12/12/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định mức chi cho các tổ chức, cá nhân được huy động hoặc tự nguyện tham gia ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và chữa cháy rừng; mức hỗ trợ để Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức bảo vệ rừng tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND xã,
phường, thị trấn có rừng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ MỨC CHI CHO CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐƯỢC HUY ĐỘNG HOẶC TỰ NGUYỆN THAM GIA NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG CHẶT PHÁ RỪNG TRÁI PHÁP LUẬT VÀ CHỮA CHÁY RỪNG; MỨC HỖ TRỢ ĐỂ ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TỔ CHỨC BẢO VỆ RỪNG TẠI CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND ngày 10/02/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định mức chi cho các tổ chức, cá nhân có người và phương tiện được huy động hoặc tự nguyện tham gia ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và chữa cháy rừng; mức hỗ trợ để Ủy ban nhân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã) tổ chức bảo vệ rừng tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng cho tất cả các tổ chức và cá nhân (bao gồm cả lực lượng Công an, Quân đội, Kiểm lâm) được cấp có thẩm quyền huy động hoặc tự nguyện tham gia ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và chữa cháy rừng; Ủy ban nhân dân cấp xã có rừng trực tiếp quản lý trong phạm vi tỉnh Quảng Ngãi.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Mức chi cho các tổ chức, cá nhân được huy động hoặc tự nguyện tham gia ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và chữa cháy rừng
1. Chi tiền bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp (trừ chủ rừng) được huy động hoặc tự nguyện thực hiện nhiệm vụ đột xuất ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và chữa cháy rừng: 170.000 đồng/người/ngày.
2. Chi tiền ăn thêm cho lực lượng trực tiếp được huy động hoặc tự nguyện thực hiện nhiệm vụ đột xuất ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và chữa cháy rừng: 50.000 đồng/người/ngày.
3. Chi tặng quà thăm hỏi, động viên cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đột xuất ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và chữa cháy rừng có thành tích xuất sắc hoặc bị thương trong khi làm nhiệm vụ do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn hoặc ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp huyện, xã làm trưởng đoàn: Mức chi đối với tập thể là 3.000.000 đồng/đơn vị, đối với cá nhân là 300.000 đồng/người.
4. Chi phí cấp cứu người bị nạn, đảm bảo y tế cho các lực lượng tham gia nhiệm vụ đột xuất ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và chữa cháy rừng:
a) Trường hợp người tham gia nhiệm vụ đột xuất bị tai nạn, bị thương trong quá trình trực tiếp thực hiện nhiệm vụ:
- Người hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, trong thời gian điều trị tại bệnh viện được thanh toán phần chi phí sau khi trừ đi các khoản chi phí do bảo hiểm chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả.
- Người không thuộc đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian điều trị tại bệnh viện được thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định. Ngoài ra, còn được hỗ trợ số tiền với mức 100.000 đồng/ngày/người.
b) Trường hợp người tham gia nhiệm vụ đột xuất không may bị chết trong quá trình trực tiếp thực hiện nhiệm vụ:
- Người tham gia thuộc các đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện được Bảo hiểm xã hội chi trả các chế độ tử tuất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn Luật.
- Người tham gia không thuộc các đối tượng đóng bảo hiểm xã hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền mai táng phí mức bằng 10 (mười) tháng lương cơ sở; hỗ trợ cho gia đình có người chết mức bằng 36 (ba mươi sáu) tháng lương cơ sở.
c) Trường hợp người tham gia nhiệm vụ đột xuất bị tai nạn trong quá trình trực tiếp thực hiện nhiệm vụ làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động. Trường hợp bị thương hoặc chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì được xem xét trình cấp có thẩm quyền công nhận, hưởng chính sách thương binh, như thương binh hoặc xét công nhận là liệt sĩ.
5. Chi tiền họp ngoài giờ làm việc cho các đại biểu tham dự các cuộc họp bàn biện pháp triển khai nhiệm vụ đột xuất ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và chữa cháy rừng do Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng các cấp tổ chức:
- Cuộc họp do Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh tổ chức: Mức chi đối với người chủ trì cuộc họp là 100.000 đồng/người/buổi, các đại biểu khác là 70.000 đồng/người/buổi.
- Cuộc họp do Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện tổ chức: Mức chi đối với người chủ trì cuộc họp là 80.000 đồng/người/buổi, các đại biểu khác là 60.000 đồng/người/buổi.
- Cuộc họp do Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng cấp xã tổ chức: Mức chi đối với người chủ trì cuộc họp là 60.000 đồng/người/buổi, các đại biểu khác là 50.000 đồng/người/buổi.
Các cơ quan cử người tham dự các cuộc họp nêu trên không thực hiện thanh toán tiền làm thêm giờ cho người được cử tham dự các cuộc họp này.
6. Chi thanh toán cho chủ sở hữu (trừ chủ rừng) về tiêu hao thực tế nhiên liệu (xăng, dầu) của phương tiện được huy động ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và chữa cháy rừng tại thời điểm phương tiện đó được huy động và chi phí sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại trong trường hợp phương tiện được huy động bị hư hỏng, mất mát: Thực hiện theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 61/2007/TTLT-BNN-BTC ngày 22/6/2007 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động cơ quan kiểm lâm các cấp; thanh toán chi phí cho các tổ chức, cá nhân được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Điều 4. Mức hỗ trợ cho UBND cấp xã tổ chức bảo vệ rừng tại cơ sở
1. Hỗ trợ kinh phí 100.000 đồng/ha/năm để UBND cấp xã tổ chức quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng do UBND cấp xã trực tiếp quản lý.
a) Diện tích rừng do UBND cấp xã trực tiếp quản lý là những diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất ở những nơi không thể giao, cho thuê theo Đề án giao rừng, cho thuê rừng của tỉnh Quảng Ngãi.
b) UBND cấp xã sử dụng nguồn kinh phí này chi cho các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, gồm:
- Duy trì hoạt động thường xuyên của các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng;
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng;
- Hợp đồng lao động bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và các hoạt động khác trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
2. Hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng; gồm:
a) Chi xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; quy vùng sản xuất nương rẫy: Đối với những xã có diện tích rừng từ 1.000 ha trở lên, mức chi là 9.000.000 đồng/phương án; những xã có diện tích rừng dưới 1.000 ha, mức chi là 5.000.000 đồng/phương án.
Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; quy vùng sản xuất nương rẫy được lập theo giai đoạn, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của địa phương.
b) Chi diễn tập chữa cháy rừng cấp xã tối đa là 40.000.000 đồng/đợt/năm. Căn cứ diễn biến thời tiết hàng năm, mỗi huyện chọn một xã thuộc vùng trọng điểm để diễn tập chữa cháy rừng (danh mục các xã, thị trấn thuộc vùng trọng điểm dễ cháy rừng được quy định tại Quy chế hợp đồng bảo vệ rừng các tháng cao điểm mùa khô trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt kèm theo Quyết định số 31/2013/QĐ-UBND ngày 23/7/2013 của UBND tỉnh Quảng Ngãi).
c) Chi cho hoạt động của Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã: Mức tối đa là 1.000.000 đồng/tháng/Ban.
Điều 5. Trình tự thủ tục thanh, quyết toán
1. Trình tự thủ tục thanh, quyết toán thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính và các văn bản pháp luật có liên quan.
2. Thời gian hoàn thành thủ tục thanh toán chậm nhất sau 07 (bảy) ngày làm việc kể từ khi kết thúc việc ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật hoặc chữa cháy rừng.
Điều 6. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Kinh phí phục vụ ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và chữa cháy rừng thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo thực hiện chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành và được bố trí trong dự toán của các đơn vị, địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
2. Kinh phí hỗ trợ cho UBND cấp xã tổ chức bảo vệ rừng tại Điều 4 Quy định này do ngân sách cấp tỉnh đảm bảo và được cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện để tổ chức thực hiện.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị có liên quan
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra UBND huyện, thành phố có rừng trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
b) Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thanh toán chi phí bồi dưỡng, chi phí bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và chữa cháy rừng theo “Lệnh huy động lực lượng, phương tiện” của Chủ tịch UBND tỉnh và của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; hướng dẫn cho Hạt Kiểm lâm tham mưu bố trí diễn tập chữa cháy rừng cấp xã trên địa bàn huyện.
c) Cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu kinh phí đối với nhiệm vụ cho do ngân sách tỉnh đảm bảo (bao gồm chi hỗ trợ UBND cấp xã tại Điều 4 Quy định này), gửi Sở Tài chính tổng hợp dự toán chi ngân sách địa phương.
2. Sở Tài chính:
Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu kinh phí của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với nhiệm vụ chi do ngân sách tỉnh đảm bảo, Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp chung dự toán ngân sách địa phương hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Theo thẩm quyền, chức năng được quy định, phối hợp với các ngành, địa phương trong việc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét công nhận liệt sĩ hoặc như thương binh đối với trường hợp có hành động dũng cảm mà bị chết hoặc bị thương trong khi đang làm nhiệm vụ theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
4. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có rừng:
Bố trí dự toán ngân sách hàng năm của địa phương để thực hiện, đồng thời có trách nhiệm thanh, quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Căn cứ vào mức hỗ trợ tại Điều 4 Quy định này, UBND cấp xã lập dự toán chi gửi UBND huyện để kiểm tra, tổng hợp gửi Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 31/7 hàng năm.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố thực hiện Quy định này, định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, trường hợp có vướng mắc phát sinh, các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.