Quyết định số 03/2015/QĐ-UBND ngày 26/01/2015 Quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin điện tử trên mạng Internet thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- Số hiệu văn bản: 03/2015/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
- Ngày ban hành: 26-01-2015
- Ngày có hiệu lực: 05-02-2015
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-04-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2261 ngày (6 năm 2 tháng 11 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-04-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2015/QĐ-UBND | Quảng Ngãi, ngày 26 tháng 01 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, CUNG CẤP VÀ SỬ DỤNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRÊN MẠNG INTERNET THUỘC ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và Thông tin trên mạng;
Căn cứ Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT ngày 19 tháng 08 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 949/TTr-STTTT ngày 16 tháng 12 năm 2014 về việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin điện tử trên mạng Internet thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và Báo cáo số 200/STP ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin điện tử trên mạng Internet thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 2. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện Quy định tại Điều 1 Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và các đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc các doanh nghiệp có Trang thông tin điện tử và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ, CUNG CẤP VÀ SỬ DỤNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRÊN MẠNG INTERNET THUỘC ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2015/QĐ-UBND ngày 26 tháng 01 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về việc quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin điện tử trên mạng Internet thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
2. Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia việc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử và dịch vụ mạng xã hội thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Thông tin trên mạng là thông tin được lưu trữ, truyền đưa, thu thập và xử lý thông qua mạng.
Thông tin công cộng là thông tin trên mạng của một tổ chức, cá nhân được công khai cho tất cả các đối tượng mà không cần xác định danh tính, địa chỉ cụ thể của các đối tượng đó.
Thông tin riêng là thông tin trên mạng của một tổ chức, cá nhân mà tổ chức, cá nhân đó không công khai hoặc chỉ công khai cho một hoặc một nhóm đối tượng đã được xác định danh tính, địa chỉ cụ thể.
Thông tin cá nhân là thông tin gắn liền với việc xác định danh tính, nhân thân của cá nhân bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử và thông tin khác theo quy định của pháp luật.
Nguồn tin chính thức là những thông tin được đăng, phát trên báo chí Việt Nam hoặc trên các trang thông tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước theo quy định pháp luật về báo chí, sở hữu trí tuệ.
Thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, nhiều loại hình thông tin về một hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Trang thông tin điện tử (website) là hệ thống thông tin dùng để thiết lập một hoặc nhiều trang thông tin được trình bày dưới dạng ký hiệu, số, chữ viết, hình ảnh, âm thanh và các dạng thông tin khác phục vụ cho việc cung cấp và sử dụng thông tin trên Internet.
Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó.
Trang thông tin điện tử nội bộ là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, dịch vụ, sản phẩm, ngành nghề và thông tin khác phục vụ cho hoạt động của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó và không cung cấp thông tin tổng hợp.
Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.
Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, y tế, giáo dục và các lĩnh vực chuyên ngành khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.
Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.
An toàn thông tin là sự bảo vệ thông tin và các hệ thống thông tin tránh bị truy nhập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại trái phép nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin.
An ninh thông tin là việc đảm bảo thông tin trên mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Điều 3. Các hành vi bị cấm
1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:
a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;
b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định;
d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;
e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Cản trở trái pháp luật việc cung cấp và truy cập thông tin hợp pháp, việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ hợp pháp trên Internet của tổ chức, cá nhân.
3. Cản trở trái pháp luật hoạt động của hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, hoạt động hợp pháp của hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
4. Sử dụng trái phép mật khẩu, khóa mật khẩu của tổ chức, cá nhân; thông tin riêng, thông tin cá nhân và tài nguyên Internet.
5. Tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tạo, cài đặt, phát tán phần mềm độc hại, vi-rút máy tính; xâm nhập trái phép, chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin, tạo lập công cụ tấn công trên Internet.
Chương II
QUẢN LÝ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CÁC TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VÀ DỊCH VỤ MẠNG XÃ HỘI
Điều 4. Quản lý việc thiết lập trang thông tin điện tử, mạng xã hội
1. Báo điện tử dưới hình thức trang thông tin điện tử được thiết lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về báo chí.
2. Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành được thiết lập và hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành và các quy định có liên quan tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 72/2013/NĐ-CP).
3. Trang thông tin điện tử cá nhân, trang thông tin điện tử nội bộ phải tuân theo các quy định về đăng ký và sử dụng tài nguyên Internet và các quy định có liên quan tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
4. Tổ chức, doanh nghiệp chỉ được thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội khi có Giấy phép của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
5. Trên trang chủ của trang thông tin điện tử của các đơn vị phải cung cấp đầy đủ các thông tin: tên của tổ chức quản lý trang thông tin điện tử; địa chỉ địa lý, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại liên hệ, tên người chịu trách nhiệm quản lý nội dung. Riêng đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, trang thông tin điện tử của các cơ quan báo chí, trang mạng xã hội phải ghi rõ số giấy phép đang còn hiệu lực, ngày, tháng, năm cấp của cơ quan có thẩm quyền.
6. Các trang thông tin điện tử tổng hợp khi trích dẫn lại thông tin phải tuân theo quy định về nguồn tin được quy định tại Khoản 18 Điều 3 và Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP không đăng tải ý kiến nhận xét, bình luận của độc giả về nội dung tin, bài được trích dẫn.
7. Các tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội không được chuyển nhượng giấy phép, chuyển quyền quản lý, sở hữu cho tổ chức, cá nhân khác.
8. Các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử để cung cấp dịch vụ ứng dụng chuyên ngành trên Internet nếu có cung cấp thông tin tổng hợp về một trong những lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thì phải xin cấp phép như đối với trang thông tin điện tử tổng hợp quy định tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
9. Các trang thông tin điện tử không phải cấp phép được quy định tại Điều 2 Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT ngày 19 tháng 08 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội (sau đây gọi tắt là Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT).
Điều 5. Nguyên tắc trong việc cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng
1. Thông tin cung cấp trên các trang tin điện tử của cơ quan nhà nước phải đúng với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phục vụ kịp thời trong công tác quản lý của cơ quan và nhu cầu khai thác thông tin của các tổ chức, cá nhân.
2. Cung cấp, sử dụng thông tin dưới hình thức báo điện tử, xuất bản điện tử và quảng cáo trên mạng phải tuân theo các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản, quảng cáo và sở hữu trí tuệ.
3. Cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng dưới hình thức mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp phải tuân theo quy định tại Mục 2 Chương III và các quy định khác tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
4. Cung cấp, sử dụng nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành phải tuân theo quy định của pháp luật chuyên ngành và các quy định có liên quan tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
5. Tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về các thông tin mà mình lưu trữ, truyền đưa, cung cấp hoặc phát tán trên mạng.
6. Thông tin riêng của tổ chức, cá nhân được bảo đảm bí mật theo quy định của pháp luật. Việc kiểm soát thông tin riêng trên mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện theo quy định của pháp luật.
7. Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng không được tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ trừ các trường hợp quy định tại Khoản 7 Điều 21 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
8. Cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. Thông tin cung cấp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, báo chí, sở hữu trí tuệ và quản lý thông tin trên Internet.
9. Việc đăng tải, trích dẫn, sử dụng lại thông tin trên trang thông tin điện tử của sở, ban ngành, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn phải ghi rõ thông tin về tác giả, nguồn của thông tin.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP CUNG CẤP, SỬ DỤNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRÊN INTERNET
Điều 6. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet liên quan đến trang thông tin điện tử
1. Từ chối cung cấp dịch vụ Internet đối với các tổ chức, cá nhân thiết lập trang thông tin điện tử vi phạm quy định tại Điều 3 Quy định này. Khi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet phát hiện nội dung thông tin đăng tải vi phạm quy định tại Điều 3 Quy định này thì có quyền tạm ngừng cung cấp dịch vụ và báo cáo ngay cho Sở Thông tin và Truyền thông để xử lý.
2. Ngăn chặn những trang thông tin điện tử vi phạm quy định tại Điều 3 Quy định này khi có yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông.
3. Cung cấp thông tin có liên quan tới trang thông tin điện tử vi phạm quy định tại Điều 3 Quy định này và các thông tin liên quan khác khi có yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông.
Điều 7. Trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập các trang thông tin điện tử
1. Xây dựng quy trình quản lý thông tin phù hợp với quy mô hoạt động, của trang thông tin điện tử tổng hợp do tổ chức, doanh nghiệp quản lý, đảm bảo tuân thủ theo đúng các quy định tại Điều 5 Quy định này.
2. Ngăn chặn và loại bỏ những nội dung thông tin vi phạm các quy định tại Điều 3 Quy định này ngay khi tự phát hiện hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
3. Thực hiện theo đúng quy định về nguồn tin tại Mục 2 Chương III Nghị định số 72/2013/NĐ-CP khi cung cấp thông tin tổng hợp và phù hợp với các quy định của pháp luật về bản quyền.
4. Lưu trữ thông tin tối thiểu trong 90 ngày kể từ thời điểm thông tin được đăng, phát trên trang thông tin điện tử mình quản lý.
5. Chịu sự thanh tra, kiểm tra của Sở Thông tin và Truyền thông theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến
1. Xây dựng và công khai quy chế cung cấp, trao đổi thông tin trên trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến của doanh nghiệp, bảo đảm không vi phạm các quy định của pháp luật và quy định tại Điều 3 Quy định này.
2. Xây dựng quy trình quản lý thông tin và cơ sở dữ liệu về các thành viên tham gia phù hợp với quy mô cung cấp dịch vụ do doanh nghiệp quản lý.
3. Có biện pháp kỹ thuật và quy trình quản lý để chủ động thực hiện việc ngăn chặn và loại bỏ những nội dung thông tin vi phạm các quy định tại Điều 3 Quy định này ngay khi tự phát hiện hoặc nhận được phản ánh của người sử dụng hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
4. Có biện pháp bảo vệ thông tin và cung cấp kịp thời thông tin có liên quan đến nội dung thông tin vi phạm quy định tại Điều 3 Quy định này theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
5. Chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Điều 9. Chế độ báo cáo
1. Các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin tổng hợp: Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ mỗi năm một lần (trước ngày 25 tháng 12 hàng năm) và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông.
2. Các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến: Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ mỗi năm một lần (trước ngày 25 tháng 12 hàng năm) và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông.
3. Đối với các cơ quan, tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử nội bộ: Thực hiện báo cáo khi có yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông.
Chương IV
ĐẢM BẢO AN TOÀN, AN NINH THÔNG TIN VÀ ĐẢM BẢO VẬN HÀNH, DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
Điều 10. Nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin trên mạng
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin trong phạm vi hệ thống thông tin của mình; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, các doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc đảm bảo an toàn thông tin và an ninh thông tin một cách thường xuyên, liên tục và hiệu quả.
Điều 11. Bảo đảm vận hành và duy trì
1. Trang thông tin điện tử phải thường xuyên nâng cấp, kiểm tra, kể cả thiết bị máy móc, đường truyền, thiết bị thu thập dữ liệu.
2. Đảm bảo các điều kiện cần thiết trong việc vận hành, xử lý và cập nhật thông tin trên Trang thông tin điện tử.
3. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ban hành quy chế hoạt động nội bộ, quy trình vận hành, khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin của đơn vị mình.
Điều 12. Bảo đảm kinh phí
1. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm sắp xếp bố trí kinh phí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm được cấp có thẩm quyền giao để đảm bảo việc quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin điện tử trên mạng Internet.
2. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp (không phải cơ quan nhà nước) tự chủ động bố trí kinh phí để đảm bảo cho việc vận hành quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin điện tử trên mạng Internet.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Sở Thông tin và Truyền thông
1. Trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động của các trang thông tin điện tử, dịch vụ mạng xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
2. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện việc đảm bảo quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng.
3. Phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) trong việc theo dõi, quản lý cấp phép tên miền cho các đơn vị.
4. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan có các trang thông tin điện tử, dịch vụ mạng xã hội điều hành hoạt động vận hành, duy trì và thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn mạng và thông tin trên mạng.
5. Tổ chức tập huấn cho các tổ chức, doanh nghiệp trong việc cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng theo đúng quy định của pháp luật.
6. Xây dựng các giải pháp về sử dụng và bảo đảm an toàn thông tin trên mạng.
7. Theo dõi, kiểm tra thông tin được đăng lên các trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân.
8. Tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ hoạt động điều phối ứng cứu sự cố như triển khai công tác giám sát an toàn mạng để phát hiện và cảnh báo sớm các vụ tấn công gây mất an toàn thông tin.
9. Tạo sự phối hợp và liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, mạng lưới ứng cứu sự cố và các nhà cung cấp dịch vụ Internet để sẵn sàng hỗ trợ xử lý khi có sự cố xảy ra.
10. Tiếp nhận và xử lý thông tin về các trường hợp vi phạm trong việc cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng.
11. Cấp phép cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp theo thẩm quyền được giao.
12. Thanh tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin điện tử trên mạng thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 14. Công an tỉnh
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý thông tin nghiệp vụ về cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng thuộc địa bàn tỉnh; đề xuất phối hợp thực hiện các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để bảo đảm an toàn mạng và an ninh thông tin trên Internet.
2. Thanh tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin điện tử trên mạng thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 15. Sở Tài chính
Cùng với thời điểm lập dự toán chi ngân sách hàng năm (tháng 7), các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước lập dự toán kinh phí để thực hiện quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin điện tử trên mạng Internet gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Chương VI
THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 16. Thanh tra, kiểm tra
1. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT và Quy định này.
2. Các tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Xử lý vi phạm
Thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông và các cá nhân, đơn vị liên quan xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong trong việc cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng theo chức năng quản lý nhà nước và thẩm quyền xử phạt quy định tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh và các đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc các doanh nghiệp có trang thông tin điện tử và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy định này.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, trường hợp có vướng mắc phát sinh, các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Sở thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.