cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Hướng dẫn số 1386/C11(C27) ngày 19/07/1999 Thực hiện Thông tư liên tịch 07/1999/TTLT-BTP-BCA về cấp phiếu lý lịch tư pháp do Tổng cục Cảnh sát ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 1386/C11(C27)
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Cơ quan ban hành: Tổng Cục Cảnh sát nhân dân
  • Ngày ban hành: 19-07-1999
  • Ngày có hiệu lực: 19-07-1999
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ CÔNG AN
TỔNG CỤC CẢNH SÁT
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 1386/C11(C27)

Hà Nội, ngày 19 tháng 07 năm 1999

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN THÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỐ 07/1999/TTLT-BTP-BCA VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CẤP PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP

Ngày 08 tháng 2 năm 1999 Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA quy định việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của công dân về cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

Để thực hiện thống nhất trong ngành Công an, Lãnh đạo Bộ giao cho Tổng cục Cảnh sát hướng dẫn thực hiện như sau:

1. Phiếu lý lịch tư pháp là loại phiếu do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) cấp cho người có yêu cầu nhằm xác nhận người đó có hoặc không có tiền án.

2. Đối tượng được xét cấp phiếu Phiếu lý lịch tư pháp:

Công dân Việt Nam và người nước ngoài có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp để sử dụng trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật gồm:

- Công dân Việt Nam cư trú ở trong nước hoặc đang cư trú ở nước ngoài;

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài (có quốc tịch nước ngoài) đã có thời gian cư trú ở Việt Nam.

- Người nước ngoài đã hoặc đang có thời gian cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

3. Một số giải thích về trách nhiệm của ngành Tư pháp:

Để đáp ứng yêu cầu của nhiều địa phương hỏi về cơ quan chỉ đạo thực hiện Thông tư liên tịch và một số nội dung về thủ tục nộp hồ sơ, lệ phí, biểu mẫu phục vụ công tác này, Tổng cục Cảnh sát giải thích rõ như sau:

3.1. Bộ Tư pháp giao cho Vụ quản lý hộ tịch, công chứng, quốc tịch và lý lịch tư pháp thuộc Bộ Tư pháp phối hợp với Tổng cục Cảnh sát thuộc Bộ Công an là cơ quan thường trực triển khai hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện Thông tư liên tịch số 07.

Cơ quan có chức năng của Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Sở Tư pháp) là đầu mối thống nhất trực tiếp nhận yêu cầu xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp, có trách nhiệm phối hợp với phòng Hồ sơ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Phòng PV27, PC27) và trong trường hợp cần thiết với Tòa án, để xác minh lý lịch tư pháp của đương sự.

3.2. Thủ tục xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp:

+ Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước thì nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi thường trú; nếu đang cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi thường trú cuối cùng trước khi xuất cảnh;

+ Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thì nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi cư trú; nếu đã rời Việt Nam, thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú cuối cùng trước khi xuất cảnh;

+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài (có quốc tịch nước ngoài) đã có thời gian cư trú ở Việt Nam, thủ tục nộp hồ sơ như người nước ngoài.

- Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải làm đơn theo mẫu số 02/TP-LLTP ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 07; đơn yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải được khai đầy đủ, rõ ràng và chính xác; kèm theo đơn yêu cầu phải có bản chụp Chứng minh nhân dân và bản chụp Sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ hợp lệ chứng minh nơi thường trú của đương sự; đối với người nước ngoài thì nộp bản chụp Hộ chiếu và bản chụp Giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam.  

Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp có thể ủy quyền cho người khác thay mặt mình làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Trong trường hợp ủy quyền làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì còn phải có văn bản ủy quyền được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người ủy quyền hoặc người được ủy quyền chứng nhận; người ủy quyền là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài, văn bản ủy quyền phải có chứng nhận của cơ quan đại diện Ngoại giao, cơ quan Lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; nếu người ủy quyền là người nước ngoài đã rời Việt Nam thì văn bản ủy quyền phải có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân hoặc thường trú và phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Nếu xét thấy hồ sơ đã hợp lệ, Sở Tư pháp tiếp nhận, thu lệ phí và cấp cho người nộp đơn phiếu hẹn ngày trả kết quả; đồng thời lập phiếu xác minh lý lịch tư pháp (mẫu số 03/TP-LLTP) kèm 1 bộ hồ sơ chuyển cho phòng PV27, PC27 để tra cứu.

3.3. Lệ phí: Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải trả một khoản lệ phí theo quy định của pháp luật; trong khi chưa có hướng dẫn riêng chính thức, căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, Sở Tư pháp có trách nhiệm báo cáo UBND cấp tỉnh mức thu lệ phí, trực tiếp thu lệ phí và thống nhất với Sở Công an trích một phần lệ phí chi trả thù lao tra cứu xác minh, mua vật tư phương tiện, văn phòng phẩm… phục vụ công tác này.

3.4. Biểu mẫu ban hành theo Thông tư liên tịch số 07 do ngành Tư pháp đảm nhiệm.

4. Trách nhiệm của ngành Công an

4.1. Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát (Cục C27) có trách nhiệm giúp Tổng cục Cảnh sát phối hợp với Giám đốc Công an địa phương chỉ đạo phòng PV27, PC27 thực hiện Thông tư liên tịch số 07 và hướng dẫn này.

4.2. Trình tự, thủ tục, quyền hạn giải quyết các yêu cầu xác minh về lý lịch tư pháp:

- Phòng PV27, PC27 là đầu mối tiếp nhận các yêu cầu kèm hồ sơ của đương sự do Sở Tư pháp chuyển giao, ghi vào sổ theo dõi yêu cầu xác minh lý lịch tư pháp (tương tự sổ tiếp nhận các yêu cầu tra cứu) và có trách nhiệm tra cứu trong tàng thư căn cước can phạm và một số người vi phạm pháp luật khác cùng các hệ thống thông tin khác được giao quản lý để xác nhận tình trạng tiền án của đương sự. Trong trường hợp cần thiết phòng PV27, PC27 có trách nhiệm phối hợp với các cấp, các đơn vị trong lực lượng CAND để xác minh các yêu cầu phục vụ việc xác định công dân đó có hay không có tiền án.

Phòng PV27, PC27 khi tiếp nhận yêu cầu phải kiểm tra, nếu phát hiện hồ sơ không đúng thủ tục hoặc khi tra cứu phát hiện người đứng tên xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp đang là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự thì phải thông báo cho Sở Tư pháp để xử lý.

+ Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được Phiếu xác minh lý lịch tư pháp theo mẫu số 03/TP-LLTP và 1 bộ hồ sơ do Sở Tư pháp chuyển giao, Phòng PV27, PC27 có trách nhiệm thực hiện việc tra cứu, xác minh lý lịch tư pháp của đương sự. Trừ các trường hợp phức tạp, Trưởng phòng, phó Trưởng phòng PV27, PC27 được duyệt ký gửi Thông báo kết quả xác minh lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp (mặt sau của Phiếu xác minh lý lịch tư pháp).

+ Hồ sơ lý lịch tư pháp sau khi tra cứu trả lại Sở Tư pháp cùng với Phiếu xác minh lý lịch tư pháp, Thông báo kết quả xác minh lý lịch tư pháp. Cơ quan Công an không lưu trữ hồ sơ lý lịch tư pháp.

- Nguyên tắc xác nhận có hay không có tiền án: Một người chỉ bị coi là có tiền án khi có bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên án người đó phạm tội và chưa được xóa án tích theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, việc thông báo kết quả cho Sở Tư pháp phải căn cứ vào yêu cầu chính trị, nghiệp vụ.

Những trường hợp sau đây, trước khi thông báo kết quả cho Sở Tư pháp phải trình cấp có thẩm quyền (Giám đốc, phó Giám đốc Công an cấp tỉnh) duyệt ký Thông báo cho Sở Tư pháp hoặc xin ý kiến được cấp có thẩm quyền ủy quyền duyệt đồng ý cho Trưởng phòng, phó Trưởng phòng PV27, PC27 mới được duyệt ký gửi Thông báo kết quả xác minh lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp.  

+ Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, người nước ngoài đã rời Việt Nam.

+ Người Việt Nam đã định cư ở nước ngoài (có quốc tịch nước ngoài), tính từ khi 14 tuổi trở lên có thời gian cư trú ở Việt Nam;

+ Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài;

+ Đối tượng quản lý nghiệp vụ liên quan đến an ninh quốc gia;

+ Nhân viên mạng lưới bí mật;

+ Cán bộ đã hoặc đang giữ cương vị do trung ương quản lý, nhân sỹ trí thức có uy tín lớn.

Đối với các trường hợp cần phải tra cứu hồ sơ của Cục C27 do Phòng PV27, PC27 chịu trách nhiệm gồm:

+ Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài;

+ Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam;

+ Người nước ngoài đã rời Việt Nam;

+ Người Việt Nam tính từ khi 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước khi về địa phương.

Đối với trường hợp cần phải tra cứu hồ sơ của Cục C27 thì Phòng PV27, PC27 vẫn phải tra cứu tại địa phương để cung cấp thêm thông tin (nếu có) gửi kèm hồ sơ của đương sự cho Cục C27 để tra cứu, thời hạn này được kéo dài thêm không quá 10 ngày. Sau khi tra cứu, Cục C27 sẽ gửi lại phòng PV27, PC27 kết quả tra cứu kèm hồ sơ. Phòng PV27, PC27 có trách nhiệm tổng hợp kết quả tra cứu xác minh thông báo cho Sở Tư pháp.

Cục C27 chỉ tiếp nhận yêu cầu tra cứu phục vụ xác nhận lý lịch tư pháp do Phòng PV27, PC27 chuyển giao, sau khi tra cứu xác minh trả lại Phòng PV27, PC27 để xử lý.

Đối với các trường hợp không đáp ứng yêu cầu về thời gian, phòng PV27, PC27 sẽ trao đổi ý kiến với Sở Tư pháp để cùng giải quyết.

- Biểu mẫu, phương tiện làm việc, văn phòng phẩm … sử dụng phục vụ xác minh lý lịch tư pháp do ngành Công an đảm nhiệm, được trích từ lệ phí do Sở Tư pháp chuyển giao.

4.3. Công an cấp tỉnh điều chỉnh trong biên chế hiện có, nơi nào có điều kiện thì bố trí cán bộ có chuyên môn phù hợp tăng cường cho phòng PV27, PC27 làm công tác tra cứu, xác minh lý lịch tư pháp; Đối với các tỉnh, thành phố có nhiều yêu cầu về cấp lý lịch tư pháp, cần bố trí cán bộ chuyên trách công tác này.

4.4. Chế độ báo cáo: Định kỳ 6 tháng, 1 năm, Công an các địa phương có trách nhiệm báo cáo về Bộ (qua C27 – Tổng cục Cảnh sát) tình hình thực hiện Thông tư liên tịch số 07 và hướng dẫn này để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ.

Hướng dẫn này thay thế hướng dẫn số 792/C11(C27) ngày 23/5/1998, có hiệu lực kể từ ngày ký. Các văn bản khác trái với hướng dẫn này đều bị bãi bỏ./.

 

 

Nơi nhận:
- IB 12 (để báo cáo Lãnh đạo Bộ);
- Đ/c Tổng cục trưởng TC Cảnh sát (để báo cáo).
- Các đ/c Lãnh đạo TC Cảnh sát (để phối hợp chỉ đạo);
- V19, các Tổng cục I, III, IV (để phối hợp chỉ đạo).
- Giám đốc Công an các địa phương
(để chỉ đạo, thực hiện).
- Lưu: C12, C27.     

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG CỤC CẢNH SÁT
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
THIẾU TƯỚNG




Đỗ Văn Hùng