cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 99/2014/QĐ-UBND ngày 19/12/2014 Quy định về khuyến nông viên cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu văn bản: 99/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Ngày ban hành: 19-12-2014
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-2015
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-05-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2336 ngày (6 năm 4 tháng 26 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 25-05-2021
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 25-05-2021, Quyết định số 99/2014/QĐ-UBND ngày 19/12/2014 Quy định về khuyến nông viên cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND ngày 11/05/2021 Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 99/2014/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 19 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH VỀ KHUYẾN NÔNG VIÊN CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về Khuyến nông;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010 của liên Bộ: Nông nghiệp và PTNT và Tài chính về việc hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đối với hoạt động khuyến nông;

Căn cứ Thông tư số 04/2009/TT-BNN ngày 21/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật ngành nông nghiệp và PTNT trên địa bàn cấp xã;

Xét đề nghị của liên Sở: Tài chính - Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 3375/LS.TC-NN ngày 13/11/2014; ý kiến của Sở Nội vụ tại Công văn số 2578/SNV-XDCQ ngày 16/12/2014; ý kiến của Sở Tư pháp tại Công văn số 1569/STP-VB ngày 08/10/2014 và Báo cáo thẩm định số 2222/BCTĐ-STP ngày 19/12/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về số lượng, tiêu chuẩn, cách thức tuyển chọn, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ, chính sách đối với khuyến nông viên xã, phường, thị trấn (Sau đây gọi tắt là xã) trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

2. Đối tượng áp dụng

a) Khuyến nông viên cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An;

b) Các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan.

Điều 2. Số lượng, tiêu chuẩn, cách thức tuyển chọn khuyến nông viên

1. Số lượng khuyến nông viên

Mỗi xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An có sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp được hợp đồng 01 Khuyến nông viên.

2. Tiêu chuẩn tuyển chọn khuyến nông viên xã

a) Là công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Nghệ An.

b) Hiểu biết và có kinh nghiệm về nông, lâm, ngư nghiệp và có khả năng tiếp thu, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; có khả năng truyền đạt các chủ trương, chính sách của nhà nước (đặc biệt là lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp) cho nông dân.

c) Có uy tín với nhân dân tại địa phương; có tinh thần gương mẫu trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; thực hiện tốt các chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

d) Có sức khỏe tốt, tự nguyện tham gia và phục vụ lâu dài tại địa phương.

3. Tuyển chọn, bố trí

a) Việc tuyển chọn, bố trí Khuyến nông viên xã do Trạm Khuyến nông huyện chủ trì, phối hợp với UBND xã thực hiện.

b) Trạm Khuyến nông huyện, thành, thị căn cứ tiêu chuẩn theo quy định phối hợp cùng UBND các xã tuyển chọn, bố trí Khuyến nông viên trên cơ sở một trong hai chức danh: Bảo vệ thực vật hoặc thú y xã (Theo Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 27/01/2014 của UBND tỉnh Nghệ An).

4. Thời hạn hợp đồng

Thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng lao động.

Điều 3. Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Khuyến nông viên xã

1. Nhiệm vụ:

a) Giúp UBND xã tổ chức và hướng dẫn việc thực hiện quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án khuyến khích phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản và phát triển nông thôn.

b) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác khuyến nông.

c) Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt; tham mưu xây dựng các mô hình sản xuất thuộc chương trình MTQG về Nông thôn mới, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

d) Hướng dẫn việc triển khai và phát triển các ngành, nghề, làng nghề truyền thống nông thôn; Ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để phát triển sản xuất và phát triển các ngành, nghề mới nhằm giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động, cải thiện đời sống của nhân dân địa phương.

e) Giúp Uỷ ban nhân dân xã tổ chức thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ công về nông nghiệp và phát triển nông thôn.

f) Báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác khuyến nông trên địa bàn xã theo quy định.

2. Quyền hạn

a) Được tham dự các Hội nghị của xã bàn về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn.

b) Được truyền đạt ý kiến chỉ đạo của UBND huyện, Trạm Khuyến nông huyện với chính quyền xã, thôn/bản trong công tác khuyến nông và cùng chính quyền bàn biện pháp tổ chức thực hiện các ý kiến chỉ đạo đó.

c) Được tham mưu cho xã việc tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và cùng chính quyền địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch có hiệu quả.

d) Được báo cáo và đề xuất với UBND huyện, Trạm Khuyến nông những biện pháp nhằm giúp xã thực hiện kế hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, khắc phục thiên tai và các nội dung khác có liên quan

Điều 4. Quản lý và sử dụng khuyến nông viên xã

1. Trạm khuyến nông huyện chịu trách nhiệm trực tiếp hướng dẫn, quản lý về chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện chế độ chính sách theo quy định đối với khuyến nông viên xã.

2. UBND xã căn cứ nhiệm vụ của khuyến nông viên có trách nhiệm quản lý, đánh giá chất lượng, hiệu quả và thời gian làm việc của khuyến nông viên theo từng thời kỳ.

Điều 5. Điều kiện làm việc và thù lao đối với Khuyến nông viên

1. Cán bộ khuyến nông xã được chính quyền địa phương nơi công tác tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ khuyến nông trên địa bàn.

2. Được hưởng thù lao hàng tháng từ nguồn ngân sách tỉnh theo dự toán hàng năm được UBND tỉnh giao cho Trung tâm Khuyến nông.

a) Thù lao cho Khuyến nông viên xã được hưởng hệ số 0,8 của mức lương cơ sở/người/tháng (Tương đương mức phụ cấp nhóm 3 – nhóm chức danh không chuyên trách theo quy định tại Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND ngày 27/01/2014 của UBND tỉnh).

b) Cán bộ không chuyên trách cấp xã (Bảo vệ thực vật hoặc thú y) kiêm nhiệm chức danh khuyến nông viên thì được hưởng 100% mức phụ cấp hoặc thù lao của chức danh kiêm nhiệm;

3. Được cung cấp tài liệu kỹ thuật khuyến nông phục vụ cho công tác tuyên truyền phổ biến khoa học kỹ thuật.

4. Được tham gia các khoá đào tạo, tham quan, hội thảo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ do Trung tâm Khuyến nông Nghệ An, Trạm Khuyến nông huyện, thành, thị tổ chức.

5. Được ưu tiên tham gia các chương trình, mô hình khuyến nông triển khai trên địa bàn xã.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Sở Tài chính:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc lập kế hoạch kinh phí chi trả thù lao cho khuyến nông viên xã theo kế hoạch hàng năm trình UBND tỉnh; thực hiện việc cấp phát kinh phí theo quy định hiện hành.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT:

Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện:

a) Hướng dẫn, chỉ đạo các Trạm Khuyến nông cấp huyện ký hợp đồng công việc với Khuyến nông viên cấp xã theo quy định của pháp luật trên cơ sở đề xuất của UBND xã, phường, thị trấn, có xác nhận của UBND huyện, thành, thị.

b) Hàng năm xây dựng kế hoạch kinh phí chi trả thù lao cho khuyến nông viên xã gửi Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính theo quy định hiện hành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Phân bổ dự toán kinh phí chi trả thù lao cho khuyến nông viên xã cho các trạm Khuyến nông huyện (Qua Trung tâm khuyến nông tỉnh); hướng dẫn các trạm khuyến nông huyện trong việc quản lý, chi trả và thanh quyết toán nguồn kinh phí theo quy định của pháp luật.

3. UBND các huyện, thành, thị:

Phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh chỉ đạo các trạm khuyến nông cấp huyện chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã trong việc ký kết hợp đồng lao động với khuyến nông viên cấp xã.

4. Uỷ ban nhân dân các xã:

a) Đề xuất khuyến nông viên có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 2 Quyết định này, làm cơ sở để trạm khuyến nông ký hợp đồng công việc với khuyến nông viên xã.

b) Căn cứ vào nhiệm vụ của khuyến nông viên, chịu trách nhiệm quản lý, đánh giá chất lượng, hiệu quả và thời gian làm việc của khuyến nông viên, báo cáo trạm khuyến nông theo quy định.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2015; thay thế các nội dung liên quan đến khuyến nông viên cấp xã được quy định tại Quyết định số 49/2001/QĐ-UB ngày 25/9/2001 của UBND tỉnh về việc ban hành bản quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của hệ thống khuyến nông tỉnh Nghệ An và Quyết định số 50/2001/QĐ-UB ngày 25/9/2001 của UBND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ, phát triển công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư”;

Điều 8. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nội vụ, Tài chính; Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh; Thủ trưởng các Ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; Trạm trưởng Trạm khuyến nông các huyện, thành, thị; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đường