cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông báo số 13715/TM-XNK ngày 15/11/1994 Về việc áp dụng hệ thống phân loại bằng H.S trong Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 13715/TM-XNK
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Cơ quan ban hành: Bộ Thương mại
  • Ngày ban hành: 15-11-1994
  • Ngày có hiệu lực: 15-11-1994
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 06-05-2000
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1999 ngày (5 năm 5 tháng 24 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 06-05-2000
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 06-05-2000, Thông báo số 13715/TM-XNK ngày 15/11/1994 Về việc áp dụng hệ thống phân loại bằng H.S trong Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 669/2000/QĐ-BTM ngày 21/04/2000 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực ban hành bởi Bộ trưởng Bộ Thương mại”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13715/TM-XNK

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 1994

 

THÔNG BÁO

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 13715/TM-XNK NGÀY 15 THÁNG 11 NĂM 1994 VỀ VIỆC ÁP DỤNG HỆ THỐNG PHÂN LOẠI HÀNG THEO H.S TRONG GIẤY PHÉP KINH DOANH XUẤT, NHẬP KHẨU

Để hoà nhập phương pháp thống kê hàng hoá xuất, nhập khẩu của ta với các nước trên thế giới và đáp ứng các yêu cầu trong công tác quản lý năm 1993 Tổng cục Thống kê đã ban hành bảng danh mục hàng hoá, nhập khẩu Việt Nam. Bảng danh mục này được xây dựng trên cơ sở danh mục hàng hoá xuất, nhập khẩu của Hội đồng hợp tác hải quan quốc tế. Hàng hoá được phân loại trên cơ sở hệ thống điều hoà (Harmonized System) các mã số gọi tắt là H.S.
Các ngành Tài chính, Hải quan, Thống kê đã áp dụng việc phân loại hàng hoá và mã số hàng hoá của doanh mục hàng hoá xuất, nhập khẩu Việt Nam (sau đây gọi tắt là danh mục H.S) trong việc thu thuế làm tờ khai hải quan, thống kê phân tích hoạt động xuất, nhập khẩu.
Nhằm thực hiện đồng bộ với các ngành quản lý; ngành thương mại cũng cần thực hiện quản lý và phân loại hàng hoá bằng mã số H.S. Nghị định 33/CP của Chính phủ quy định: Các doanh nghiệp được kinh doanh xuất, nhập khẩu theo phạm vi kinh doanh trong quyết định thành lập doanh nghiệp. Để thể hiện đúng ngành hàng, mặt hàng xuất, nhập khẩu trong Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và quản lý của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Thương mại quy định việc ghi ngành hàng, mặt hàng trong Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu theo mã số của bản danh mục H.S như sau:

I. NGUYÊN TẮC GHI NGÀNH HÀNG, MẶT HÀNG TRONG GIẤY PHÉP KINH DOANH XUẤT, NHẬP KHẨU

1. Đối với các doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu thì căn cứ vào các ngành hàng, mặt hàng đã ghi trong giấy phép và thực tế kinh doanh hàng hoá xuất, nhập khẩu trong hai năm 1993-1994 để đối chiếu với danh mục H.S và ghi bằng mã số trong giấy phép mới.

1.1. Nếu phạm vi xuất khẩu, nhập khẩu trong giấy phép có ghi ngành hàng gồm nhiều mặt hàng có tính thương phẩm, cấu tạo gần với nhau thì giấy phép mới sẽ ghi số thứ tự của từng chương hoặc nhóm hàng trong bản danh mục H.S.

1.2. Nếu phạm vi xuất khẩu, nhập khẩu trong giấy phép cũ ghi mặt hàng cụ thể thì giấy phép mới ghi mã số của mặt hàng đó trong bản danh mục H.S.

2. Đối với các Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu (loại được cấp mới) thì căn cứ vào phạm vi kinh doanh nêu trong quyết định thành lập và đơn vị Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp để xét ghi ngành hàng bằng mã số theo cách trên.

II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

Việc đổi giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu được thực hiện theo thủ tục đơn giản, không gây phiền hà, đi lại chờ đợi, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp. Trong khi chưa đổi xong Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu các doanh nghiệp được kinh doanh theo Giấy phép kinh doanh cũ.

1. Nhận được thông báo này, đề nghị các Bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ, các đoàn thể quản lý các doanh nghiệp kinh doanh xuất, nhập khẩu, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao cho các cơ quan quản lý trực thuộc, các Sở Kinh doanh đối ngoại hoặc Sở Thương mại (gọi tắt là cơ quan quản lý) hướng dẫn các doanh nghiệp kê khai theo biểu mẫu kèm theo.

2. Sau khi kê khai các doanh nghiệp nộp tờ khai và bản sao Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu (loại bìa cứng 7 chữ số) và phụ lục kèm theo (nếu có) cho cơ quan quản lý. Bản sao giấy phép và phụ lục kèm theo phải có xác nhận của cơ quan công chứng Nhà nước.

3. Cơ quan quản lý tập hợp tờ khai xác nhận vào tờ khai kèm bản sao Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu gửi về Bộ Thương mại từ ngày 15-12-1994 đến ngày 31-12-1994.

4. Bộ Thương mại bố trí cán bộ tại 3 địa điểm: Hà Nội (cơ quan Bộ Thương mại), Đà Nẵng (Phòng Giấy phép xuất, nhập khẩu), thành phố Hồ Chí Minh (Phòng giấy phép xuất, nhập khẩu) để tiếp nhận tờ khai và trả giấy phép cho cơ quan quản lý để giao lại cho các doanh nghiệp.

5. Kể từ ngày ban hành thông báo các Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu (loại cấp mới) được ghi phạm vi xuất, nhập khẩu bằng mã số H.S theo quy định trên.

Đề nghị các Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các đoàn thể, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trực thuộc thực hiện tốt các quy định trong thông báo này để việc đổi giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu được nhanh gọn, tránh gây phiền hà và không làm ảnh hưởng kinh doanh của các doanh nghiệp.

 

Nguyễn Xuân Quang

(Đã ký)