Quy định số 4914-TN-XNK ngày 03/08/1991 Về việc kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu do Bộ Thương nghiệp ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 4914-TN-XNK
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Cơ quan ban hành: Bộ Thương nghiệp
- Ngày ban hành: 03-08-1991
- Ngày có hiệu lực: 03-08-1991
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 18-08-1994
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1111 ngày (3 năm 0 tháng 16 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 18-08-1994
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ THƯƠNG NGHIỆP ******** | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4914-TN-XNK | Hà Nội, ngày 03 tháng 8 năm 1991 |
QUY ĐỊNH
TẠM THỜI CỦA BỘ THƯƠNG NGHIỆP SỐ 4914-TN-XNK NGÀY 3 THÁNG 8 NĂM 1991 VỀ KINH DOANH THEO PHƯƠNG THỨC CHUYỂN KHẨU
Căn cứ tập quán thương mại quốc tế và các chính sách về quản lý hoạt động kinh tế đối ngoại của Nhà nước, Bộ Thương nghiệp tạm thời qui định chế độ kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu như sau:
1. Kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu là mua hàng hoá của một nước (nước xuất khẩu) để bán cho một nước khác (nước nhập khẩu) mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam.
Việc chuyển khẩu có thể được thực hiện dưới các hình thức sau:
- Hàng chuyển khẩu được chuyển từ cảng nước xuất khẩu đến cảng nước nhập khẩu, không đến cảng Việt Nam.
- Hàng chuyển khẩu được chở đến cảng Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam đi luôn tới cảng nước nhập khẩu.
- Hàng chuyển khẩu được chở đến cảng Việt Nam, tạm đưa vào kho ngoại quan dưới sự giám sát của Hải quan Việt Nam trong một thời hạn không quá 60 ngày rồi mới chuyển đến cảng nước nhập khẩu, không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam.
2. Cơ sở pháp lý của phương thức chuyển khẩu là hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng mua hàng (do đơn vị Việt Nam ký với nước xuất khẩu) và hợp đồng bán hàng (do đơn vị Việt Nam ký với nước nhập khẩu).
3. Các hình thức thanh toán:
3a. Thanh toán theo hình thức tín dụng giáp lưng (back to back). Hình thức này được khuyến khích.
3b. Dùng tiền mặt để thanh toán hợp đồng bán hàng (hoặc khoản chênh lệch giữa hợp đồng bán hàng và hợp đồng mua hàng) nhưng phải thực hiện đúng các qui định về quản lý ngoại tệ của Nhà nước.
3c. Trường hợp người nhập khẩu thanh toán bằng hàng cho đơn vị kinh tế Việt Nam thì số hàng này được nhập khẩu vào Việt Nam theo luật lệ hiện hành (có hợp đồng, ghi rõ tên hàng, giá trị hàng, có kế hoạch nhập khẩu được duyệt...).
4. Đơn vị được kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu là những đơn vị kinh tế được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hoá (dưới đây gọi tắt là đơn vị xuất nhập khẩu). Ngành hàng qui định trong phạm vi kinh doanh của giấy phép không ràng buộc đối với hàng hoá mua bán theo hợp đồng chuyển khẩu. Hàng hoá mua bán theo hợp đồng chuyển khẩu không phải xin giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu từng chuyến hàng.
5. Các đơn vị xuất nhập khẩu kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu phải báo cáo cho Bộ Thương nghiệp về hoạt động chuyển khẩu. Tuyệt đối không để tư nhân lợi dụng danh nghĩa tổ chức quốc doanh để kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu.
6. Khi thực hiện hợp đồng chuyển khẩu, đơn vị xuất nhập khẩu không được lập bộ chứng từ để chứng nhận hàng đó là hàng xuất xứ từ Việt Nam, tức là không được cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho hàng chuyển khẩu.
7. Mọi trường hợp vi phạm quy định tạm thời này đều bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
Bản qui định tạm thời này có hiêu lực thi hành từ ngày ký.
Mọi qui định trước đây trái với bản qui định tạm thời này đều bãi bỏ.
| Hoàng Minh Thắng (Đã ký) |