Quyết định số 77/2014/QĐ-UBND ngày 12/11/2014 Quy định tạm thời xử lý kỷ luật cán bộ, công, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang sinh con vi phạm chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình do tỉnh Hà Tĩnh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 77/2014/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
- Ngày ban hành: 12-11-2014
- Ngày có hiệu lực: 22-11-2014
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-02-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1559 ngày (4 năm 3 tháng 9 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 28-02-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 77/2014/QĐ-UBND | Hà Tĩnh, ngày 12 tháng 11 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, CHIẾN SĨ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG SINH CON VI PHẠM CHÍNH SÁCH DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Cán bộ, Công chức; Luật Viên chức;
Căn cứ Pháp lệnh Dân số ngày 22/01/2003 và Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số ngày 27/12/2008;
Căn cứ Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 18/2011/NĐ-CP ngày 17/3/2011 sửa đổi khoản 6 Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010;
Căn cứ Nghị định số 34/2011NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức;
Căn cứ Nghị định 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức;
Căn cứ Nghị định số 66/2011/NĐ-CP ngày 01/8/2011 của Chính phủ Quy định việc áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số 78/2013/NQ-HĐND ngày 18/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2014 - 2020;
Xét đề nghị của Sở Y tế tại Văn bản số 1765/SYT-CCDS ngày 01/10/2014 sau khi thống nhất với các Sở, ngành liên quan và Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số 1074/BC-STP ngày 30/9/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang sinh con vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Y tế; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, CHIẾN SĨ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG SINH CON VI PHẠM CHÍNH SÁCH DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 77/2014/QĐ-UBND, ngày 12/11/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định này quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang sinh con vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (dân số - KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Các đối tượng sinh con vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ (sinh con thứ 3 trở lên), trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 2 của Quy định này, cụ thể như sau:
- Cán bộ, công chức theo quy định của Luật Cán bộ, Công chức; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; cán bộ lãnh đạo, quản lý theo Nghị định số 66/2011/NĐ-CP ngày 01/8/2011 của Chính phủ (gọi chung là công chức);
- Viên chức theo quy định của Luật Viên chức; Lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ; cán bộ y tế cấp xã hợp đồng theo Quyết định số 58/TTg ngày 03/02/1994 của Thủ tướng Chính phủ; giáo viên ngành học mầm non đang hợp đồng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước tại các trường mầm non công lập (gọi chung là viên chức);
b) Các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Điều 2. Những trường hợp sinh con thứ 3 không vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ
1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.
3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.
4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.
5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền (theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 03/2014/TT-BYT ngày 20/01/2014), đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc Hội đồng Giám định y khoa Trung ương xác định.
6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):
a) Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ);
b) Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.
7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.
Điều 3. Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật
1. Đang trong thời gian nghỉ hàng năm theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép.
2. Đang bị bệnh hiểm nghèo, mất khả năng nhận thức hoặc đang trong thời gian điều trị có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền từ tuyến huyện trở lên.
3. Cán bộ, công chức, viên chức nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
4. Đang bị tạm giam, tạm giữ chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 4. Các trường hợp được miễn kỷ luật
1. Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi vi phạm nhưng chưa xử lý kỷ luật.
2. Người vi phạm đã từ trần.
Điều 5. Nguyên tắc xem xét, xử lý kỷ luật
1. Đảm bảo khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật.
2. Căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ vi phạm; thái độ tiếp thu, sửa chữa, khắc phục khuyết điểm của cá nhân vi phạm.
3. Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ ngoài việc xem xét xử lý kỷ luật theo Quy định này đồng thời phải xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng theo quy định.
4. Trường hợp cả hai vợ chồng thuộc đối tượng áp dụng theo Quy định này thì xử lý kỷ luật cả hai vợ chồng.
5. Cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trong quá trình xử lý kỷ luật.
6. Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính thay cho hình thức kỷ luật.
7. Cán bộ, công chức, viên chức sinh con vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ đã được cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật thì không xem xét, xử lý lại.
8. Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật trong các trường hợp quy định tại Điều 3 Quy định này không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 6. Hình thức kỷ luật
1. Đối với công chức:
a) Công chức không giữ chức vụ:
- Hình thức kỷ luật “Cảnh cáo”: áp dụng đối với công chức sinh con thứ 3.
- Hình thức kỷ luật “Hạ bậc lương”: áp dụng đối với công chức sinh con thứ 4.
- Hình thức kỷ luật “Buộc thôi việc”: áp dụng đối với công chức, sinh con thứ 5 trở lên.
b) Công chức giữ chức vụ:
- Hình thức kỷ luật “Giáng chức”: áp dụng đối với công chức sinh con thứ 3.
- Hình thức kỷ luật “Cách chức”: áp dụng đối với công chức sinh con thứ 4.
- Hình thức kỷ luật “Buộc thôi việc”: áp dụng đối với công chức, sinh con thứ 5 trở lên.
2. Đối với viên chức:
a) Viên chức không giữ chức vụ:
- Hình thức kỷ luật “Khiển trách”: áp dụng đối với viên chức sinh con thứ 3.
- Hình thức kỷ luật “Cảnh cáo”: áp dụng đối với viên chức sinh con thứ 4.
- Hình thức kỷ luật “Buộc thôi việc”: áp dụng đối với viên chức sinh con thứ 5 trở lên.
b) Viên chức giữ chức vụ:
- Hình thức kỷ luật “Cảnh cáo”: áp dụng đối với viên chức sinh con thứ 3.
- Hình thức kỷ luật “Cách chức”: áp dụng đối với viên chức sinh con thứ 4.
- Hình thức kỷ luật “Buộc thôi việc”: áp dụng đối với viên chức sinh con thứ 5 trở lên.
3. Công chức sinh con vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ, bên cạnh việc xem xét, xử lý kỷ luật tương ứng với các hình thức kỷ luật nêu trên thì được áp dụng các quy định khác liên quan tại Điều 82, Luật Cán bộ, Công chức và tùy mức độ vi phạm có thể điều chuyển công tác đến vùng kinh tế - xã hội khó khăn hơn.
Viên chức sinh con vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ, bên cạnh việc xem xét, xử lý kỷ luật tương ứng với các hình thức kỷ luật nêu trên thì được áp dụng các quy định khác liên quan tại Điều 56, Luật Viên chức và tùy mức độ vi phạm có thể điều chuyển công tác đến vùng kinh tế - xã hội khó khăn hơn.
4. Tập thể, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có công chức, viên chức thuộc cấp quản lý trực tiếp sinh con vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ thì bị hạ loại thi đua, không xem xét các hình thức khen thưởng và công nhận các danh hiệu thi đua trong năm có vi phạm.
Trường hợp công chức, viên chức mới chuyển đến sinh con vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ thì tập thể, thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi công chức, viên chức công tác trước khi chuyển đến bị hạ loại thi đua, không xem xét các hình thức khen thưởng và công nhận các danh hiệu thi đua trong năm có vi phạm.
Điều 7. Thời hạn, thời hiệu, quy trình, thủ tục xem xét, xử lý kỷ luật
Thời hạn, thời hiệu, quy trình, thủ tục xem xét, xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức sinh con vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ, tùy theo đối tượng được thực hiện theo quy định có liên quan tại Bộ Luật Lao Động, Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ Quy định về xử lý kỷ luật công chức, Nghị định số 66/2011/NĐ-CP ngày 01/8/2011 của Chính phủ Quy định việc áp dụng Luật Cán bộ, Công chức đối với chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn và các quy định hiện hành của Nhà nước.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị và công chức, viên chức trong thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ
1. Trách nhiệm chung:
a) Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, vận động và quán triệt đến từng công chức, viên chức chính sách dân số - KHHGĐ.
b) Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch công tác dân số - KHHGĐ hàng năm; kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện kế hoạch của đơn vị.
2. Trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị:
a) Đưa nội dung thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ vào quy chế của cơ quan, đơn vị và nội quy lao động của doanh nghiệp; hàng năm, tổ chức quán triệt, ký cam kết không sinh con vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ; kết quả thực hiện quy định này là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua, khen thưởng đối với tập thể, công chức, viên chức và thủ trưởng đơn vị.
b) Các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác dân số - KHHGĐ do 01 Lãnh đạo đơn vị làm Trưởng ban; các thành viên khác là đại diện các phòng, ban, bộ phận, đoàn thể có liên quan do đơn vị thống nhất lựa chọn.
c) Các tổ chức đoàn thể trong đơn vị có trách nhiệm:
- Tuyên truyền, vận động công chức, viên chức thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước về dân số - KHHGĐ và tham mưu, phối hợp tổ chức ký cam kết thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ.
- Hàng quý, năm rà soát đối tượng sinh con vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ, báo cáo, tham mưu để cơ quan quản lý tổ chức xử lý kỷ luật theo quy định.
d) Ban chỉ đạo thực hiện công tác dân số - KHHGĐ các cấp có nhiệm vụ:
- Xây dựng chương trình hành động thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ.
- Chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc triển khai chương trình hành động thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ trên địa bàn.
- Tổ chức sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện hàng năm về Ban chỉ đạo thực hiện công tác dân số - KHHGĐ tỉnh (Chi cục Dân Số-KHHGĐ) trước ngày 15/01 năm sau.
3. Trách nhiệm của công chức, viên chức:
Công chức, viên chức có trách nhiệm thực hiện nghiêm chính sách dân số - KHHGĐ theo quy định của Đảng, Nhà nước, của cơ quan, đơn vị và địa phương nơi cư trú; thực hiện mục tiêu mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh hai con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Điều 9. Điều khoản thi hành
1. Đối với công chức, viên chức sinh con vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình trước khi có Quy định này nhưng chưa xử lý kỷ luật, nếu đang trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày sinh con thì xử lý kỷ luật theo Quy định này.
2. Sở Nội vụ và Sở Y tế (Chi cục Dân số - KHHGĐ) chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và các tổ chức liên quan tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện; theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Quy định này, định kỳ có báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thực hiện Quy định này./.