cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông báo số 221/TB-UB ngày 01/10/1984 Về việc thành lập Ban nghiên cứu chiến lược kinh tế-xã hội và khoa học-kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và chương trình nghiên cứu do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 221/TB-UB
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 01-10-1984
  • Ngày có hiệu lực: 01-10-1984
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5072 ngày (13 năm 10 tháng 27 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-08-1998, Thông báo số 221/TB-UB ngày 01/10/1984 Về việc thành lập Ban nghiên cứu chiến lược kinh tế-xã hội và khoa học-kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và chương trình nghiên cứu do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 4340/QĐ-UB-NC ngày 21/08/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 221/TB-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 10 năm 1984

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ KHOA HỌC - KỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU

Ngày 7 tháng 6 và ngày 24 tháng 9 năm 1984, đồng chí Phan Văn Khải thay mặt Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố đã chủ trì hội nghị bàn về việc tổ chức nghiên cứu các vấn đề chiến lươc kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật của thành phố Hồ Chí Minh.

Thi hành chỉ thị của Trung ương về việc thành lập các tổ chức nghiên cứu chiến lược kinh tế - xã hội ở các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, hội nghị đã thảo luận các phương hướng, mục tiêu và nội dung nghiên cứu chung của thành phố và các vấn đề nghiên cứu trọng điểm ; bổ sung và điều chỉnh hợp lý các chương trình, đề tài nghiên cứu quan trọng có liên quan đến vấn đề này hoặc đang triển khai ở một số cơ quan thuộc thành phố quản lý, đặc biệt tập trung nghiên cứu một số vấn đề cấp bách để phục vụ cho hội nghị của Trung ương vào cuối năm nay và chuẩn bị cho kế hoạch 1985 và 1986 – 1990.

Đồng chí Phan Văn Khải kết luận và phân công phụ trách việc tổ chức nghiên cứu một số vấn đề cấp bách từ đây đến cuối năm như sau :

1) Những phương hướng, nội dung, mục tiêu và cơ cấu kinh tế - xã hội đến năm 1990 : đồng chí Đặng Hữu Ngọc.

2) Những phương hướng, nội dung, mục tiêu và cơ cấu công nghiệp Thành phố Hồ chí Minh với chức năng là trung tâm của khu vực đến năm 1990 ; bao gồm hiện trạng, tiềm năng, mục tiêu, cơ cấu, tổ chức sản xuất, quản lý, đầu tư… : đồng chí Lê Văn Triết và Võ Thành công phụ trách.

3) Những phương hướng, nội dung, mục tiêu và cơ cấu kinh tế đối ngoại, bao gồm các lĩnh vực xuất nhập khẩu, du lịch, kiều hối, cung ứng tàu biển, thu hút đầu tư của nước ngoài… : đồng chí Nguyễn Văn Phi phụ trách.

4) Vấn đề năng lượng và nhiên liệu, các biện pháp bảo đảm cung cấp năng lượng và nhiên liệu, để phục vụ cho các mục tiêu kinh tế - xã hội đến năm 1990 và có gối đầu cho các bước phát triển trong những năm sau 1990 : đồng chí Hoàng Anh Tuấn phụ trách.

5) Huy động và tạo nguồn vốn và phương hướng đầu tư : đống chí Nguyễn Công Ái phụ trách.

6) Cơ chế quản lý kinh tế : từ góc độ chung cho các lĩnh vực kinh tế của thành phố đến các cơ sở sản xuất kinh doanh : đồng chí Nguyễn Ngọc Ẩn phụ trách.

7) Cải tạo xã hội chủ nghĩa (gắn giữa cải tạo công, thương, nông nghiệp) : đồng chí Nguyễn Võ Danh phụ trách.

Đây là những vấn đề nghiên cứu cấp bách từ đây đến cuối năm, nhưng phải tập trung hoàn thành một bước về những mục tiêu, nội dung, biện pháp cơ bản xong trước ngày 20-10-1984 (ngày 15-10 Ban chiến lược phải nghe và góp ý kiến sơ bộ) để chuẩn bị làm việc bước đầu với Trung ương. Sau đấy tiếp tục hoàn chỉnh để báo cáo với Thường vụ Thành ủy và tiếp tục làm việc với Trung ương vào tháng 11 – 1984.

Hội nghị nhất trí là phải có sự chỉ đạo thống nhất và tập trung toàn bộ các vấn đề nghiên cứu liên quan đến chiến lược kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật của thành phố, và cần thiết phải có một tổ chức để giúp Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố trong việc chỉ đạo, quản lý tập trung việc nghiên cứu các vấn đề chiến lược nói trên. Tổ chức này sẽ lấy tên là : Ban Nghiên cứu chiến lược kinh tế - xã hội – khoa học kỹ thuật thành phố, gọi tắt là “Ban nghiên cứu chiến lược kinh tế xã hội”.

1. Nhiệm vụ của Ban là :

- Giúp Thường vụ Thành ủy và Ủy ban nhân dân chỉ đạo thống nhất và tập trung toàn bộ công tác nghiên cứu chiến lược kinh tế - xã hội của thành phố, nhất là về phương hướng, mục tiêu và nội dung.

- Thông qua các chương trình nghiên cứu dài hạn và hàng năm về chiến lược kinh tế-xã hội-khoa học kỹ thuật, cùng với các kế hoạch về nhân sự, kinh phí và phân công, phân nhiệm cho các cơ quan chức năng trong việc tổ chức thực hiện các chương trình này.

- Điều hòa, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra và tạo các điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai tổ chức nghiên cứu các chương trình đã được xét duyệt.

- Xét duyệt và nghiệm thu các kết quả nghiên cứu.

2) Thành phần của Ban gồm các đồng chí :

1. Phan Văn Khải, Trưởng Ban.

2. Nguyễn Ngọc Ẩn, Phó Trưởng Ban.

3. Lê Văn Triết, Phó Trưởng Ban.

4. Nguyễn Võ Danh, Phó Trưởng Ban.

5. Võ Thành Công, Ủy viên.

6. Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Ủy viên.

7. Nguyễn Văn Phi (Mười Phi), Ủy viên.

8. Đặng Hữu Ngọc, Ủy viên thường trực chuyên trách.

9. Nguyễn Công Ái, Ủy viên thường trực.

10. Hoàng Anh Tuấn, Ủy viên thường trực.

11. Đoàn Thanh Hương, Ủy viên thường trực.

3) Để giúp việc cho Ban và nhóm thường trực, có tổ thư ký. Các cơ quan : Ủy ban kế hoạch, Ủy ban khoa học kỹ thuật, Ban phân vùng kinh tế, Ban khoa giáo, mỗi nơi cử một cán bộ có trình độ cấp phòng tham gia vào tổ thư ký này.

Tổ thư ký có nhiệm vụ giúp Ban và đặc biệt giúp cho nhóm Thường trực Ban soạn thảo các chương trình nghiên cứu, giúp Ban trong việc tổ chức thực hiện và theo dõi đôn đốc việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác của Ban.

4) Ban phân vùng kinh tế được giao nhiệm vụ làm cơ quan thường trực cho Ban Nghiên cứu chiến lược kinh tế, giải quyết các vấn đề hành chánh, văn thư của Ban.

5) Các chi phí hành chánh của Ban Nghiên cứu chiến lược kinh tế, bao gồm các khoản chi tiêu cho các cuộc họp của Ban, thù lao bồi dưỡng cán bộ, đánh máy, văn thư…được dự trù hàng năm trong ngân sách của Ban phân vùng kinh tế.

6) Ban Nghiên cứu chiến lược kinh tế được phép sử dụng con dấu của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố trong việc giao dịch công văn giấy tờ.

7) Ban Nghiên cứu chiến lược kinh tế, đặc biệt là nhóm Thường trực được phép giao dịch với các cơ quan chức năng có liên quan để được cung cấp, thu thập, tham khảo các kết quả nghiên cứu, các thông tin kinh tế, khoa học kỹ thuật… và các tài liệu liên quan đến việc nghiên cứu chiến lược kinh tế, xã hội và khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các cơ quan : Cục Thống kê, Ủy ban Kế hoạch, Ủy ban khoa học - kỹ thuật thành phố có nhiệm vụ cung cấp các số liệu cụ thể và tổng hợp cùng với các thông tin cần thiết phục vụ cho việc nghiên cứu này.

Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố xin thông báo đến các sở, ban, ngành, các cơ quan có liên quan để cùng phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Ban Nghiên cứu chiến lược kinh tế, xã hội và khoa học kỹ thuật của thành phố.

 

 

TL. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHÁNH VĂN PHÒNG




Trần Quốc Gia