cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông cáo số 01/TC-UB ngày 12/07/1983 Về việc cho phép nhận tiền, nhận hàng thường xuyên và không thường xuyên từ nước ngoài gởi về do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 01/TC-UB
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 12-07-1983
  • Ngày có hiệu lực: 12-07-1983
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5519 ngày (15 năm 1 tháng 14 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-08-1998, Thông cáo số 01/TC-UB ngày 12/07/1983 Về việc cho phép nhận tiền, nhận hàng thường xuyên và không thường xuyên từ nước ngoài gởi về do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 4340/QĐ-UB-NC ngày 21/08/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 01/TC-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 7 năm 1983

 

THÔNG CÁO

VỀ VIỆC CHO PHÉP NHẬN TIỀN, NHẬN HÀNG THƯỜNG XUYÊN VÀ KHÔNG THƯỜNG XUYÊN TỪ NƯỚC NGOÀI GỞI VỀ

I. QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC KÊ KHAI NHẬN TIỀN, NHẬN HÀNG KHÔNG THƯỜNG XUYÊN.

1. Các hộ xin nhận tiền, nhận hàng không thường xuyên của thân nhân, bạn bè, quen thuộc cư ngụ tại các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa gởi về là những hộ không có nhu cầu xin nhận thường xuyên như đã quy định trong Quyết định 151-HĐBT.

2. Mỗi hộ thuộc diện không thường xuyên được nhận hàng năm : về tiền một (1) lần, về hàng một (1) lần. Mức tiền và mức hàng như đã quy định trong Quyết định 151-HĐBT.

3. Hộ thuộc diện nhận tiền, nhận hàng không thường xuyên (đã có giấy báo nhận tiền của Ngân hàng hoặc giấy báo nhận hàng của Bưu điện, Hàng không, Trạm phát hàng Cô Giang, Công ty Đại lý tàu biển) cần làm đơn 3 bản. Đơn in sẵn do Phân cục Hải quan chịu trách nhiệm in và phát hành thống nhất trong toàn thành ; mỗi bộ đơn 3 tờ Phân cục Hải quan được phép thu lệ phí 10 đồng. Khi đến mua đơn tại Phân cục Hải quan (số 21 đường Tôn Đức Thắng) phải xuất trình giấy báo nhận tiền, nhận hàng và sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng minh nhân dân.

- Đương sự kê khai đầy đủ các mục trong đơn và lấy xác nhận của Uỷ ban Nhân dân phường xã nơi cứ trú, rồi tự mang nộp tại Uỷ ban Nhân dân quận huyện. Sau khi được sự chấp thuận của quận huyện, đương sự sẽ mang đơn đến Ngân hàng quận huyện (nếu là tiền), đến Phân cục Hải quan (nếu là hàng) để các cơ quan này làm thủ tục nhận hàng, nhận tiền.

- Ngày bắt đầu tiếp nhận giải quyết các đơn thuộc diện không thường xuyên: 14-7-1983.

II. VỀ VIỆC TIẾP TỤC CẤP SỔ NHẬN TIỀN, NHẬN HÀNG THƯỜNG XUYÊN.

1. Hiện nay có một số hộ đã nộp đơn xin cấp sổ nhận tiền nhận hàng thường xuyên, đơn đã được duyệt, sổ đã làm xong, sổ nhận tiền để tại Ngân hàng quận huyện, sổ nhận hàng để tại Phân cục Hải quan. Yêu cầu các hộ này gấp rút đến nhận sổ ; hạn chót lãnh sổ là ngày 30-7-1983.

2. Đối với một số hộ có nhu cầu nhận tiền, hàng thường xuyên, trước đây chưa làm đơn xin cấp sổ vì chưa hiểu rõ thể thức, nay muốn làm đơn xin cấp sổ nhận thường xuyên: các cơ quan chức năng Ngân hàng, Hải quan cùng Uỷ ban Nhân dân các phường xã, quận huyện, sẽ tiếp tục giải quyết các trường hợp này từ ngày 08-8-1983.

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý.

1. Hộ nào kê khai chưa đủ số thân nhân ở nước ngoài, nay muốn khai bổ sung ghi thêm vào sổ cần làm đơn 3 bản theo mẫu in thống nhất do Phân cục Hải quan phát hành (mỗi bộ đơn 3 tờ, Phân cục Hải quan được phép thu 5 đồng).

- Đưong sự kê khai đơn bổ sung, rồi lấy chứng thực của Uỷ ban Nhân dân phường xã và nộp đơn lên Uỷ ban Nhân dân quận huyện để xem xét bổ sung.

- Việc tiếp nhận các đơn khai bổ sung : từ ngày 18-7-1983.

2. Hộ nào có sự thay đổi về số người trong hộ (tăng hay giảm) cũng cần khai bổ sung ; chỉ việc căn cứ vào sổ hộ khẩu đã điểu chỉnh tăng, giảm (không cần làm đơn). Việc điều chỉnh này do Ngân hàng quận, huyện và Phân cục Hải quan trực tiếp làm.

3. Tiền và hàng của bà con họ hàng, thân thuộc, bạn bè… gởi về phải ghi rõ họ tên người gởi, địa chỉ cư trú ở nước ngoài thì người nhận mới được nhận lãnh.

- Trường hợp người gởi không ghi rõ, nhưng người nhận biết rõ là của người nào và ở đâu gởi về, nếu người nhận muốn được nhận thì làm bản kê khai bổ sung, cam kết về họ tên và địa chỉ của người gởi.

- Trường hợp người nhận hoàn toàn không biết gì về họ tên và địa chỉ người gởi : Nhà nước sẽ không cho nhận và tịch thu số tiền hoặc hàng đã gởi về.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn