cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông báo số 44/TB-UB ngày 12/03/1983 Về thời hạn tiến hành làm đơn xin phép nhận tiền, nhận hàng của thân nhân ở nước ngoài gởi về do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 44/TB-UB
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 12-03-1983
  • Ngày có hiệu lực: 12-03-1983
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5641 ngày (15 năm 5 tháng 16 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-08-1998, Thông báo số 44/TB-UB ngày 12/03/1983 Về thời hạn tiến hành làm đơn xin phép nhận tiền, nhận hàng của thân nhân ở nước ngoài gởi về do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 4340/QĐ-UB-NC ngày 21/08/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 44/TB-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 3 năm 1983

 

THÔNG BÁO

VỀ THỜI HẠN TIẾN HÀNH LÀM ĐƠN XIN PHÉP NHẬN TIỀN, NHẬN HÀNG CỦA THÂN NHÂN Ở NƯỚC NGOÀI GỞI VỀ.

Căn cứ vào Quyết định 151/HĐBT ngày 31-8-1982 của Hội đồng Bộ trưởng quy định về việc các gia đình có thân nhân định cư ở nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa nhận tiền, nhận hàng do thân nhân gởi về.
Căn cứ vào các Thông tư của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 09/TTLB/NgT-NH ngày 31-01-1983 của Liên bộ Ngoại thương – Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Quyết định 151/HĐBT.
Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thông báo về thời gian tiến hành làm đơn xin phép nhận tiền, nhận hàng của thân nhân ở nước ngoài gởi về như sau :

1. Những hộ gia đình thường xuyên nhận tiền, nhận hàng từ nước ngoài gởi về phải làm đơn xin phép Ủy ban nhân dân thành phố.

Đơn được in sẵn theo mẫu và do Uỷ ban nhân dân phường xã phân phối. người nhận đơn (3 bản) phải nộp một khoản lệ phí là 10đ ( mười đồng ); đơn làm xong nộp cho Uỷ ban nhân dân phường, xã nơi cư trú. Uỷ ban nhân dân phường, xã cấp lại một giấy biên nhận: “đã nhận đơn xin phép nhận tiền, nhận hàng”.

2. Uỷ ban nhân dân phường, xã đối chiếu đơn với sổ hộ khẩu, ghi thị thực và chuyển về Hội đồng xét duyệt của Uỷ ban nhân dân thành phố để xét cấp giấy phép.

Khi đơn được xét duyệt, Uỷ ban nhân dân thành phố sẽ cấp giấy phép và chuyển đế Phân cục Hải quan, Ngân hàng Ngoại thương để hai cơ quan này cấp sổ nhận tiền và sổ nhận hàng.

3. Phân cục Hải quan và Ngân hàng Nhà nước tổ chức việc phát hai loại sổ cho từng hộ. Khi nhận mỗi loại sổ (tiền hoặc hàng) phải nạp 50đ/1 cuốn (năm chục đồng) tiền lệ phí và tiền công in ấn chỉ cho Phân cục Hải quan.

Sổ nhận tiền và sổ nhận hàng được sử dụng cho nhiều năm, khi hết sẽ được đổi mua sổ mới.

Ngoài hai khoản lệ phí đơn và sổ nêu trên, người được cấp sổ nhận tiền, nhận hàng không phải nạp thêm bất kỳ một khoản tiền nào khác.

4. Thời gian tiến hành ấn định như sau :

- Các hộ có nhận tiền hoặc hàng của người thân gởi về làm đơn xin phép nhận tiền, nhận hàng và nạp cho Ủy ban nhân dân phường, xã nơi cư trú. Uỷ ban nhân dân phường, xã bắt đấu tiếp nhận đơn từ ngày 28-3-1983.

- Khi nhận đơn, Ủy ban nhân dân phường, xã phải cấp một giấy biên nhận cho người nộp, có ghi số lưu chiếu và ngày nhận đơn vào đơn (để dễ đối chiếu).

- Sau khi nhận đơn, Uỷ ban nhân dân phường, xã phải chứng thực danh sách những người trong gia đình do đương sự khai là đúng với sổ hộ khẩu và trực tiếp chuyển ngay lên Hội đồng xét duyệt đặt tại quận, huyện trong vòng 72 giờ.

- Từ ngày 01-4-1983 đến ngày 30-4-1983, Hội đồng xét duyệt của Uỷ ban nhân dân thành phố sẽ tổ chức việc xem xét đơn và cấp giấy phép theo từng quận, huyện đồng thời chuyển đến Phân cục Hải quan, Ngân hàng Ngoại thương để làm thủ tục cấp sổ.

- Bắt đầu phát sổ nhận tiền, nhận hàng cho dân từ ngày 02-5-1983.

(Thời gian biểu trên đây đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng duyệt, cho phép thành phố Hồ Chí Minh chậm hai tháng so với các tỉnh có thời gian tốt về mọi mặt).

Yêu cầu các cơ quan chức năng, Uỷ ban nhân dân các phường, xã, quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện nghiệm chỉnh thông báo này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn