cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quy định tạm thời số 2775/UB ngày 19/12/1977 Về một số mặt hàng tự doanh của thương nghiệp hợp tác xã do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 2775/UB
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 19-12-1977
  • Ngày có hiệu lực: 19-12-1977
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 7550 ngày (20 năm 8 tháng 10 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-08-1998, Quy định tạm thời số 2775/UB ngày 19/12/1977 Về một số mặt hàng tự doanh của thương nghiệp hợp tác xã do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 4340/QĐ-UB-NC ngày 21/08/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 2775/UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 12 năm 1977

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ MỘT SỐ MẶT HÀNG TỰ DOANH CỦA THƯƠNG NGHIỆP HỢP TÁC XÃ

Để tạo điều kiện cho hợp tác xã phát huy được tính tích cực trong việc tổ chức thu mua nắm nguồn hàng ngoài diện quản lý của Nhà nước, nhằm cùng với thương nghiệp quốc doanh phục vụ tốt sản xuất và đời sống nhân dân lao động, góp phần vào việc ổn định giá cả thị trường, mặt khác, để tiện việc theo dõi chỉ đạo mặt hàng cũng như chỉ đạo về giá cả hàng tự doanh của thương nghiệp hợp tác xã, trong lúc chờ đợi sự quy định thống nhất của Bộ Nội thương, Ủy ban nhân dân Thành phố tạm thời quy định một số mặt hàng tự doanh và phạm vi hoạt động của Thương nghiệp hợp tác xã như sau :

I.- HÀNG TỰ KINH DOANH :

1) Hàng nông sản thực phẩm :

Hợp tác xã được phép thu mua một số mặt hàng nông sản thực phẩm ở những nơi sản xuất lẻ tẻ mà Nhà nước không thu mua hoặc thu mua không hết để về phục vụ cho nhân dân như các loại đậu, trái cây, rau muống, hàng bông...,

2) Hàng thực phẩm tươi sống :

a- Thịt heo : Đối với những người nuôi heo không phải bằng thức ăn gia súc của Nhà nước cung cấp cũng không phải bằng số lương thực của từng hộ nông dân dành lại để chăn nuôi mà bằng nguồn thức ăn tận dụng hoặc mua ở thị trường thì thương nghiệp hợp tác xã đến mua theo giá thỏa thuận nhưng không dược vượt quá khung giá tối đa của Thành phố quy định và không đi mua heo ở các tỉnh.

b- Gia cầm : Gà, vịt của nhân dân nội ngoại thành – (trừ những nơi chăn nuôi tập trung thì thương nghiệp quốc doanh thu mua) và được đi khai thác ở các tỉnh khác.

c- Cá nước ngọt : Cá đồng, tôm, cua, lươn, ốc, ếch ở những nơi thương nghiệp quốc doanh không thu mua, thì hợp tác xã đến thu mua về phân phối cho nhân dân trong địa phương mình.

d- Hàng thủy sản : Hợp tác xã được kinh doanh tôm, cá khô, mắm ruốc, mực khô (ở những nơi sản xuất lẻ tẻ có số lượng ít mà thương nghiệp quốc doanh không thu mua). Đối với cá biển tươi sống kể cả trong ngoài thành phố, thương nghiệp hợp tác xã không đi thu mua.

e- Hàng thực phẩm khác : Chuối khô, tương, chao, đậu hũ, đường thủ công... (ở những nơi sản xuất mà thương nghiệp quốc doanh không thu mua thì thương nghiệp hợp tác xã được thu mua và phân phối cho nhân dân).

3) Lâm sản :

Thương nghiệp hợp tác xã được thu mua các loại củi cành, củi ngọn, thớt, măng, nấm.

4) Hàng thủ công nghiệp : Thương nghiệp hợp tác xã chỉ đến mua ở những cơ sở mà thương nghiệp quốc doanh chưa có quan hệ hợp đồng gia công hay bán nguyên liệu mua thành phẩm :

a- Các loại đồ dùng bằng thủy tinh : chai, ve, lọ, ly, tách...

b- Các loại đồ dùng bằng đồ gốm : chén, dĩa, bình tích, nồi đất, lò đất...

c- Các loại đồ dùng bằng mây, tre, lác, cói, sản xuất với nguyên liệu trong địa phương như nón, giỏ xách, nia, thúng, rổ, rá...

5) Hàng phục vụ sản xuất :

- Ngoài những nơi sản xuất tập trung, Nhà nước cung cấp vật tư và nắm nguồn hàng cây con, giống, thương nghiệp hợp tác xã vận động bà con điều hòa những con giống cho những gia đình sản xuất nhỏ : giống heo, gà, các loại cây ăn trái...

- Ở những vùng nhân dân có sản xuất các loại đậu leo, dưa leo, thương nghiệp hợp tác xã thu mua các loại cây le để cung cấp cho bà con làm chỏi.

- Thương nghiệp hợp tác xã tổ chức thu mua những loại nia, đệm để phơi lúa, bồ đựng lúa, phục vụ nhu cầu phơi phóng, chứa đựng của nhân dân.

- Đối với công cụ thường như cuốc, thuổng, rựa, liềm, hái..., thương nghiệp hợp tác xã cùng phối hợp với nông hội để nắm yêu cầu về sống lượng và quy cách phẩm chất, trên cơ sở đó liên hệ với Phòng Thủ công quận hoặc các lò rèn trong xã, phường, để ký hợp đồng thu mua về phục vụ cho bà con nông dân.

6) Ngoài những mặt hàng trên : Thương nghiệp hợp tác xã tăng cường thu mua những phế liệu, phế phẩm như : kim loại tiêu dùng, ve chai, lọ thủy tinh, giấy loại, túi nylon, áo quần rách cũ... cho Công ty kinh doanh đồ cũ.

7) Tổ chức gia công chế biến :

Để tạo thêm những nguồn hàng phong phú phục vụ nhân dân lao động, ngoài những mặt hàng tự kinh doanh nói trên, thương nghiệp hợp tác xã tổ chức chế biến thêm các loại dưa chua, dưa muối, chao,... cung cấp cho nhu cầu bữa ăn hàng ngày của nhân dân.

8) Về phục vụ :

Ở những cơ sở có điều kiện thì ngoài những mặt hàng trên, thương nghiệp hợp tác xã tổ chức may vá quần áo cũ, v.v... để phục vụ nhân dân lao động với giá rẻ hơn thị trường tự do.

II.- PHẠM VI HỢP TÁC XÃ ĐƯỢC ĐI THU MUA HÀNG TỰ KINH DOANH :

A) Đối với hợp tác xã cơ sở :

Mục đích kinh doanh của hợp tác xã là trên cơ sở phục vụ, thúc đẩy sản xuất phát triển mà thu mua, nắm nguồn hàng và phân phối phục vụ đời sống nhân dân trong địa phương mình là chính. Vì thế, phạm vi kinh doanh của thương ngjhiệp hợp tác xã cơ sở (phường, xã) chủ yếu là ở trong địa phương phường, xã mình. Để làm tròn nhiệm vụ đó, các cơ sở hợp tác xã phải nắm chắc khả năng và yêu cầu tiêu dùng trong địa phương về mặt hàng và số lượng. Sau khi cân đối kế hoạch, nếu thấy những mặt hàng đó tiêu dùng trong địa phương không hết thì báo cáo cho Ban Quản lý hợp tác xã khác chứ cơ sở không tự tiện liên hệ giao dịch thẳng với các hợp tác xã bạn trong khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Ban Quản lý hợp tác xã quận.

B.- Đối với một số mặt hàng phải đi mua ở các tỉnh bạn :

Để giảm bớt tình trạng nhiều khách hàng cùng đến một nơi sản xuất gây phiền cho các tỉnh bạn, mặt khác để tiện việc chỉ đạo giá cả thống nhất đối với các cơ sở trong cùng một quận, Ban Quản lý hợp tác xã các quận dưới sự chỉ đạo của Ban Vận động hợp tác xã Thành, tổ chức đi thu mua những mặt hàng ngoài diện Nhà nước quản lý ở các tỉnh bạn như tôm khô, cá khô, mắm, trứng... để về phân phối cho các cơ sở. Trường hợp Ban Quản lý hợp tác xã quận nào gặp khó khăn do bộ máy chỉ đạo chưa được củng cố và tăng cường thì nên hướng dẫn cho số cơ sở có nhiều kinh nghiệm khơi luồng hàng, có điều kiện quản lý tốt đi thu mua tỉnh ngoài nhưng cũng lấy danh nghĩa Ban Quản lý hợp tác xã quận, huyện và số hàng mua về phải được phân phối chung cho các cơ sở trong quận.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn