cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Điều lệ tóm tắt của Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp

  • Số hiệu văn bản: Khongso
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Cơ quan ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
  • Ngày ban hành: 28-04-1969
  • Ngày có hiệu lực: 28-04-1969
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

ĐIỀU LỆ TÓM TẮT

CỦA HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Ở miền Bắc nước ta, sau cải cách ruộng đất, nông dân đã nghe theo lời Đảng, hăng hái đi vào con đường hợp tác hóa nông nghiệp, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đến nay, phần lớn các hộ nông dân lao động đã vào hợp tác xã sản xuất nông nghiệp; phần lớn các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã lên bậc cao. Các tư liệu sản xuất đã tập thể hóa. Công cuộc cải tạo quan hệ sản xuất đã giành được thắng lợi và đang phát huy tác dụng to lớn. Giai cấp nông dân tập thể đã hình thành. Khối công nông liên minh được củng cố thêm.

Để bảo đảm cho nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc, làm cơ sở phát triển công nghiệp, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân, phải tiếp tục hoàn thành cách mạng về quan hệ sản xuất, không ngừng củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp.

Vì vậy, cần quy định Điều lệ của Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Điều lệ hợp tác xã bậc thấp đã được ban hành năm 1959. Nay Nhà nước ban hành Điều lệ Hợp tác xã bậc cao. Dưới đây là nội dung tóm tắt của bản Điều lệ đó.

Chương Một

TÍNH CHẤT VÀ NHIỆM VỤ CỦA HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp là một tổ chức kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa của nông dân lao động, xây dựng theo nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ, được Đảng lãnh đạo và Nhà nước giúp đỡ.

Những tư liệu sản xuất của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đều thuộc quyền sở hữu tập thể. Hợp tác xã phải sử dụng tốt những thứ đó, tổ chức lao động tập thể, phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động trên cơ sở tăng cường giáo dục tư tưởng và cải tiến kỹ thuật, đồng thời thực hiện phân phối theo lao động.

Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, nhằm không ngừng nâng cao mức sống của các xã viên, tăng tích lũy vốn cho hợp tác xã và xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, làm tròn mọi nghĩa vụ đối với sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và kháng chiến, cứu nước nhằm bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới thực hiện thống nhất nước nhà.

Chương Hai

XÃ VIÊN

Xã viên phải góp ruộng đất, đóng cổ phần, để lại trâu, bò và các nông cụ chủ yếu (như cày, bừa, guồng nước v.v…) cho hợp tác xã.

Xã viên có nghĩa vụ: ra sức lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, luôn luôn cảnh giác, bảo vệ hợp tác xã, bảo vệ xóm làng, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau như con một nhà, chấp hành tốt điều lệ và nội quy của hợp tác xã, làm đúng các chính sách của Đảng, Chính phủ và pháp luật của Nhà nước.

Xã viên có quyền lợi: bàn bạc, kiểm tra mọi công việc của hợp tác xã, bầu cử và ứng cử vào cơ quan quản lý hợp tác xã, hưởng mọi quyền lợi trong hợp tác xã, làm nghề phụ gia đình theo đúng hướng và được hợp tác xã săn sóc, giúp đỡ khi gặp khó khăn, tai nạn hoặc ốm đau.

Chương Ba

ĐẠI HỘI XÃ VIÊN VÀ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU XÃ VIÊN

Đại hội xã viên hoặc Đại hội đại biểu xã viên (nếu hợp tác xã có đông xã viên) là cơ quan cao nhất của hợp tác xã, có quyền sửa đổi nội quy, bầu cử hoặc bãi chức các cán bộ hợp tác xã, bàn định phương hướng sản xuất, các kế hoạch sản xuất, lao động, tài vụ và phân phối, đồng thời quyết định các vấn đề quan trọng khác của hợp tác xã.

Nội dung kỳ họp của Đại hội xã viên hoặc Đại hội đại biểu xã viên phải được thông báo trước để các xã viên chuẩn bị phát biểu ý kiến. Họp Đại hội xã viên phải có quá nửa số xã viên đến dự và họp Đại hội đại biểu xã viên phải có hai phần ba số đại biểu đến dự thì mới có giá trị. Khi quyết nghị vấn đề gì phải được quá nửa số xã viên hoặc đại biểu xã viên có mặt tại Đại hội tán thành thì mới có giá trị. Việc bầu Ban quản trị và Chủ nhiệm hợp tác xã, Ban kiểm soát và Trưởng ban, và Kế toán trưởng phải do toàn thể xã viên trực tiếp bầu ra bằng cách bỏ phiếu kín.

Đại hội xã viên hoặc Đại hội đại biểu xã viên muốn đạt kết quả tốt phải được Ban quản trị hợp tác xã chuẩn bị kỹ.

Chương Bốn

CƠ QUAN QUẢN LÝ HỢP TÁC XÃ

Ban quản trị hợp tác xã có nhiệm vụ chấp hành nghiêm chỉnh những nghị quyết của Đại hội xã viên hoặc của Đại hội đại biểu xã viên, tổ chức tốt việc thực hiện Điều lệ và nội quy của hợp tác xã; giữ gìn và quản lý tốt ruộng đất và các của cải khác của hợp tác xã; nắm vững tình hình ruộng đất, đẩy mạnh việc phát triển sản xuất; chăm lo đời sống của xã viên; thực hiện tốt các chính sách và làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Ban kiểm soát có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các cán bộ của hợp tác xã và các xã viên làm đúng điều lệ, nội quy và nghị quyết của Đại hội xã viên hoặc của Đại hội đại biểu xã viên; giải quyết các việc khiếu nại, ngăn ngừa mọi hành động vi phạm chế độ quản lý của hợp tác xã và vi phạm quyền dân chủ của xã viên.

Đội trưởng, đội phó sản xuất có nhiệm vụ đôn đốc, hướng dẫn xã viên và cùng xã viên hoàn thành tốt những chỉ tiêu của kế hoạch do hợp tác xã giao cho, bảo đảm tôn trọng mọi quyền lợi của xã viên và động viên, giáo dục xã viên làm đúng nghĩa vụ của họ.

Cán bộ trong Ban quản trị, Ban kiểm soát và Đội trưởng, đội phó sản xuất phải là những người được xã viên tin cậy và bầu ra phải tôn trọng quyền làm chủ tập thể của các xã viên và phải trực tiếp tham gia lao động theo đúng nội quy của hợp tác xã.

Chương Năm

CÁC CỦA CẢI CỦA HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Ruộng đất, trâu bò, nông cụ và các của cải khác của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đều là của chung của các xã viên, phải được bảo vệ, quản lý chặt chẽ và sử dụng tốt, chống mọi hành động tham ô, lãng phí hoặc phá hoại, làm tổn hại đến lợi ích chung của hợp tác xã và của xã viên. Xã viên không được chiếm làm của riêng ruộng đất và các của cải khác của hợp tác xã và có nhiệm vụ bảo vệ những thứ đó. Ban quản trị hợp tác xã không được tự ý nhường hoặc bán ruộng đất và các của cải khác của hợp tác xã, và phải báo cáo rõ với xã viên việc Nhà nước mua hoặc sử dụng một phần ruộng đất của hợp tác xã vào việc xây dựng thuộc lợi ích công cộng.

Phần đất 5% để lại cho xã viên khi vào hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nếu xã viên chủ ruộng đất ấy không cần dùng nữa thì phải giao lại cho hợp tác xã; khi nào cần dùng thì hợp tác xã sẽ trả lại.

Chương Sáu

SẢN XUẤT VÀ QUẢN LÝ LAO ĐỘNG

Hợp tác xã phải quản lý sản xuất theo đúng nguyên tắc xã hội chủ nghĩa. Để đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp, hợp tác xã phải có phương hướng sản xuất đúng, đồng thời có kế hoạch và biện pháp cụ thể để thực hiện phương hướng ấy. Phải củng cố các đội sản xuất để bảo đảm thực hiện ba khoán cho các đội đó; các đội sản xuất khoán việc cho các nhóm và các nhóm phân công cho lao động, nhằm sử dụng tốt lao động của các xã viên vào công việc tập thể. Không được đem ruộng đất và các nông cụ chủ yếu của hợp tác xã giao khoán cho từng hộ xã viên.

Kế hoạch lao động phải nhằm phát huy được mọi khả năng lao động của xã viên, tăng năng suất lao động, thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất của hợp tác xã.

Để khuyến khích mọi xã viên hăng hái sản xuất, hợp tác xã phải xếp bậc công việc, định mức lao động và tiêu chuẩn kỹ thuật, tính công, ghi công một cách công bằng, đúng đắn, chú trọng cải thiện điều kiện lao động và bảo đảm an toàn lao động cho xã viên.

Những cán bộ chủ chốt bận làm công việc chung, ngoài công điểm do lao động sản xuất mà có, còn được phụ cấp một số công điểm, bảo đảm thu nhập của họ ngang với mức thu nhập của lao động loại giỏi trong hợp tác xã.

Chương Bảy

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ PHÂN PHỐI THU NHẬP

Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải định kế hoạch tài vụ hàng năm. Mọi khoản thu, chi của hợp tác xã phải ghi vào sổ sách rõ ràng và niêm yết cho xã viên xem. Hàng tháng, Ban quản trị hợp tác xã phải thông báo các khoản thu, chi trong tháng để các xã viên đều biết; hàng vụ, hàng năm, phải báo cáo tài chính công khai trước Đại hội xã viên hoặc Đại hội đại biểu xã viên. Tất cả cán bộ hợp tác xã, nhất là các cán bộ tài vụ và kế toán, phải có công tâm, có ý thức tiết kiệm và phát triển sản xuất.

Về sử dụng các khoản thu hàng năm của hợp tác xã, sau khi làm nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và trừ các khoản chi phí kể cả khấu hao tài sản, cần để vào quỹ tích lũy khoảng 5% đến 10% và quỹ công ích khoảng 2% đến 5% thu nhập của hợp tác xã; số còn lại phải chia hết cho xã viên theo công điểm, bảo đảm công bằng, sòng phẳng và niêm yết công khai.

Cần quản lý chặt chẽ thu, chi, sử dụng tốt các khoản thu nhập của hợp tác xã, chống tham ô, lãng phí, chống lợi dụng hưởng riêng hoặc chi phí vào việc liên hoan bừa bãi và biếu xén, đút lót.

Chương Tám

CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ, TƯ TƯỞNG VÀ VĂN HÓA, XÃ HỘI

Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải tổ chức việc học tập chính trị, nhằm giáo dục đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cho cán bộ và xã viên; giúp họ nâng cao tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, ý thức làm chủ tập thể, ý thức cần kiệm xây dựng hợp tác xã, nâng cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ hợp tác xã, bảo vệ xóm làng, bảo vệ sự nghiệp xã hội chủ nghĩa.

Hợp tác xã phải đôn đốc cán bộ và xã viên học tập văn hóa, khoa học, kỹ thuật, giúp họ nâng cao trình độ văn hóa, kỹ thuật và trình độ quản lý kinh tế tập thể.

Hợp tác xã cần chăm lo mở rộng phúc lợi tập thể, thực hiện nếp sống mới, vui tươi, lành mạnh ở nông thôn; động viên mọi người trong hợp tác xã ra sức thi đua, hăng hái vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Chương Chín

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Ai có công với hợp tác xã đều được khen thưởng. Ai làm trái điều lệ, trái nội quy hoặc trái nghị quyết của hợp tác xã, xâm phạm ruộng đất và các của cải khác của hợp tác xã, vi phạm quyền làm chủ tập thể của xã viên hoặc vi phạm chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước thì phải chịu kỷ luật theo quy định của hợp tác xã và pháp luật của Nhà nước.

Chương Mười

ĐIỀU KHOẢN PHỤ

Điều lệ chung của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bao gồm những quy định cơ bản nhằm xây dựng, củng cố và phát triển các hợp tác xã, bảo đảm quyền làm chủ tập thể của xã viên, đưa các hợp tác xã không ngừng tiến lên. Các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đều phải nghiêm chỉnh chấp hành điều lệ và phải căn cứ vào đó mà xây dựng nội quy của mình.

Các cán bộ hợp tác xã và các xã viên phải làm đúng điều lệ của hợp tác xã.

Các ngành và các Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành, huyện và xã cần giúp đỡ các hợp tác xã thực hiện đúng điều lệ và nội quy đã định.

Các trường học ở nông thôn phải giảng dạy điều lệ của hợp tác xã cho các học sinh.

- HỢP TÁC XÃ LÀ NHÀ, XÃ VIÊN LÀ CHỦ.

- CẦN KIỆM XÂY DỰNG HỢP TÁC XÃ.

- TÔN TRỌNG VÀ BẢO VỆ CỦA CÔNG, CHỐNG THAM Ô, LÃNG PHÍ.

- ĐOÀN KẾT, GIÚP ĐỠ LẪN NHAU ĐỂ CÙNG TIẾN BỘ.

- THI ĐUA ĐƯA HỢP TÁC XÃ KHÔNG NGỪNG TIẾN LÊN.

Điều lệ này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 4 năm 1969.

 

 

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Hoàng Văn Hoan