cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Điều lệ tạm thời số 898-TTg về việc thống nhất quản lý kinh doanh rượu do Phủ Thủ Tướng ban hành

  • Số hiệu văn bản: 898-TTg
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Cơ quan ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Ngày ban hành: 25-05-1956
  • Ngày có hiệu lực: 09-06-1956
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 898-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 1956 

 

ĐIỀU LỆ TẠM THỜI

THỐNG NHẤT QUẢN LÝ KINH DOANH RƯỢU

Điều 1. Điều lệ này quy định một số biện pháp để thực hiện việc thống nhất quản lý kinh doanh rượu nhằm mục đích điều hòa sản xuất và hướng dẫn dùng rượu để tiết kiệm lương thực và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời tăng thu cho công quỹ.

Điều 2. Rượu nói trong điều lệ này gồm tất cả các loại rượu, kể cả rượu, kể cả rượu bia và rượu cồn.

Kinh doanh rượu nói trong điều lệ này gồm tất cả những hình thức kinh doanh sau đây: sản xuất, buôn bán, vận chuyển và xuất, nhập khẩu rượu.

Điều 3. Việc thống nhất quản lý kinh doanh rượu do Cơ quan Thống nhất quản lý kinh doanh ở các cấp (thuộc Bộ Tài chính) phụ trách. Cơ quan Thống nhất quản lý kinh doanh rượu ở các cấp dưới đây gọi tắt là Cơ quan Quản lý rượu.

Điều 4. Bất cứ ai (quốc doanh hay tư nhân) muốn kinh doanh rượu phải được Cơ quan Quản lý rượu cho phép, và phải xin đăng ký kinh doanh ở Cơ quan Quản lý công thương theo đúng điều lệ về đăng ký các loại kinh doanh công thương nghiệp số 489-TTg do Thủ tướng Phủ ban hành ngày 30 tháng 3 năm 1955.

Điều 5. Rượu do quốc doanh hay tư nhân sản xuất, đều phải theo đúng thể lệ và thủ tục do Bộ Tài chính quy định và chịu sự kiểm soát của Cơ quan Quản lý rượu.

Điều 6. Mọi việc vận chuyển, xuất nhập khẩu rượu, đều phải theo đúng thể lệ và thủ tục do Bộ Tài chính quy định và chịu sự kiểm soát của Cơ quan Quản lý rượu.

Điều 7. Căn cứ vào tình hình kinh doanh, tình hình sản xuất và dùng rượu, Bộ Tài chính sẽ quy định những khu vực trong đó việc sản xuất rượu hoàn toàn do Cơ quan Quản lý rượu phụ trách.

Ở những nơi này, tất cả số rượu sản xuất ra đều do Cơ quan Quản lý rượu thống nhất thu mua. Cơ quan Quản lý rượu sẽ bán lại cho tư nhân để bán lẻ cho nhân dân. Giá thu mua và giá bán do Cơ quan Quản lý rượu ấn định.

Điều 8. Cơ quan Quản lý rượu có quyền kiểm soát các xưởng sản xuất, các nhà buôn, vận chuyển và xuất, nhập khẩu rượu.

Các nhà kinh doanh có nhiệm vụ giúp đỡ Cơ quan Quản lý rượu thi hành nhiệm vụ.

Điều 9. Những người kinh doanh rượu làm trái điều lệ này tùy theo nặng nhẹ, sẽ bị xử phạt như sau:

1. Không theo đúng những thủ tục về khai báo, giữ sổ sách, buôn bán, vận chuyển, xất, nhập khẩu rượu và nộp thuế thì có thể bị phạt tiền từ 5.000đ đến 500.000đ.

2. Sản xuất, buôn bán, vận chuyển và xuất, nhập khẩu rượu lậu, cố tình sản xuất rượu không đúng mẫu mực, phá giá làm giảm phẩm chất rượu, thì ngoài việc bị tịch thu một phần hay toàn bộ hàng trái phép, bị tịch thu một phần hay toàn bộ công cụ sản xuất và vận chuyển, còn bị phạt tiền hàng từ một đến năm lần trị giá hàng trái phép.

3. Chống lại việc nộp thuế hàng hóa, chống lại việc kiểm soát của cán bộ Quản lý rượu, làm chứng từ giả, che chở lậu thuế, v.v… thì ngoài việc xử phạt theo khoản 1 và 2 nói trên, còn có thể bị truy tố trước Tòa án.

Điều 10. Tiền phạt và tiền bán hàng tịch thu sử dụng như sau: sau khi trừ tiền thuế hàng hóa, sẽ trích 30% nộp công quỹ, số còn lại dùng để thưởng cho những người có công trong việc khám phá các vụ vi phạm.

Điều 11. Việc xét xử các vụ vi phạm về thống nhất quản lý kinh doanh rượu do Cơ quan Quản lý rượu phụ trách.

Điều 12. Đối với các Khu Tự trị và các vùng đồng bào thiểu số, việc thống nhất quản lý kinh doanh rượu sẽ có quy định riêng.

Điều 13. Chi tiết thi hành điều lệ này do Bộ Tài chính quy định.

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng