cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 750/2014/ĐC-ĐCKS ngày 10/09/2014 Về Quy chế giám sát quá trình thực hiện đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản do Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam ban hành

  • Số hiệu văn bản: 750/2014/ĐC-ĐCKS
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam
  • Ngày ban hành: 10-09-2014
  • Ngày có hiệu lực: 10-09-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3726 ngày (10 năm 2 tháng 16 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
TỔNG CỤC ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 750/2014/ĐC-ĐCKS

Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ GIÁM SÁT QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐIỀU TRA CƠ BẢN ĐỊA CHẤT VỀ KHOÁNG SẢN, THĂM DÒ KHOÁNG SẢN

TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN VIỆT NAM

Căn cứ Luật khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản;

Căn cứ Quyết định số 16/2014/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Địa chất và Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế giám sát quá trình thực hiện đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Các đơn vị trực thuộc Tổng cục, Website Tổng cục;
- Bộ TN&MT (báo cáo);
- Lưu: VT, PC, ĐC (50).

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Văn Thuấn

 

QUY CHẾ

GIÁM SÁT QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐIỀU TRA CƠ BẢN ĐỊA CHẤT VỀ KHOÁNG SẢN, THĂM DÒ KHOÁNG SẢN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 750/2014/ĐCKS-ĐC ngày 10/9/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định việc giám sát quá trình thực hiện Đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản do các đơn vị trực thuộc Tổng cục tham gia thi công để đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công các hạng mục công trình theo đúng nội dung đề án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản (sau đây gọi tắt là Đề án).

Quy chế này được áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng, phạm vi giám sát

1. Đối tượng giám sát: Đơn vị địa chất thi công các hạng mục công việc của đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

2. Phạm vi giám sát: giám sát thi công các hạng mục công việc theo nội dung đề án được phê duyệt, trừ công tác lập đề án và lập báo cáo tổng kết.

Điều 3. Nguyên tắc giám sát; căn cứ giám sát; nội dung giám sát; hình thức giám sát và quy định các hạng mục công việc giám sát trực tiếp, giám sát sau

Thực hiện theo quy định tại các Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của “Quy chế giám sát quá trình thực hiện đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản do tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư” do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kèm theo Thông tư số 38/2014/TT-BTNMT ngày 03 tháng 7 năm 2014 (sau đây gọi tắt là Quy chế giám sát-TT38-BTNMT).

Điều 4. Tổ chức giám sát

1. Tổng cục trưởng, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam giao các đơn vị trực thuộc giám sát một hoặc một số đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản.

2. Đơn vị được giao giám sát thành lập tổ giám sát hoặc nhóm giám sát, trong đó có giám sát trực tiếp và giám sát sau.

3. Giám sát trưởng phải có chứng chỉ chủ nhiệm đề án địa chất và có kinh nghiệm trực tiếp tham gia công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản hoặc thăm dò khoáng sản ít nhất là 5 năm.

4. Giám sát viên:

a) Có trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp với công việc được giao giám sát;

b) Có thời gian trực tiếp tham gia thi công công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản hoặc thăm dò khoáng sản tối thiểu là 3 năm.

Điều 5. Trách nhiệm và quyền hạn của tổ (hoặc nhóm) giám sát

1. Trách nhiệm và quyền hạn của giám sát trưởng:

a) Phân công nhiệm vụ cho các thành viên nhóm giám sát và tổ chức thực hiện việc giám sát;

b) Phản ánh kết quả giám sát cho chủ nhiệm đề án để xem xét điều chỉnh. Chủ nhiệm đề án có thể tuân theo điều chỉnh hoặc bảo lưu.

c) Đề nghị không nghiệm thu, thanh toán các hạng mục, khối lượng thi công không đạt yêu cầu;

d) Chịu trách nhiệm trước thủ trưởng đơn vị và trước pháp luật về kết quả giám sát thi công đề án.

2. Trách nhiệm và quyền hạn của giám sát viên:

a) Thực hiện giám sát thi công các hạng mục công việc theo phân công của Giám sát trưởng;

b) Phản ánh trung thực diễn biến thi công các hạng mục công việc được giao giám sát;

c) Kịp thời báo cáo giám sát trưởng các sai sót, mất an toàn,…trong quá trình thi công;

d) Chịu trách nhiệm trước giám sát trưởng và trước pháp luật về chất lượng giám sát được phân công.

Chương II

TRÌNH TỰ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT

Điều 6. Lập kế hoạch giám sát

1. Đơn vị được giao giám sát ban hành quyết định thành lập tổ giám sát phù hợp với từng đề án cụ thể.

2. Đơn vị được giao giám sát xây dựng kế hoạch giám sát, trình Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phê duyệt. Nội dung kế hoạch giám sát phải nêu đầy đủ các hạng mục công việc giám sát, nhân lực giám sát, thời gian giám sát, chi phí liên quan đến công tác giám sát theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Quy chế giám sát-TT38-BTNMT.

Điều 7. Tổ chức triển khai hoạt động giám sát

1. Căn cứ kế hoạch phê duyệt, đơn vị được giao giám sát ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân được cấp phép thăm dò và đơn vị thi công về việc triển khai kế hoạch giám sát đề án; tổ chức triển khai công tác giám sát theo đúng nội dung kế hoạch đã được phê duyệt.

2. Trong quá trình giám sát, thành viên giám sát phải ghi nhật ký giám sát thể hiện đầy đủ các công việc giám sát. Nhật ký được ghi bằng bút bi hoặc bút nước tại trang phải và bổ sung (nếu có) ở trang trái. Quy cách nhật ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 Quy chế giám sát-TT38-BTNMT.

3. Kết thúc thi công công trình, thành viên giám sát phải lập biên bản đối với từng công trình được giao giám sát. Biên bản giám sát được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 Quy chế giám sát-TT38-BTNMT.

4. Trường hợp phát hiện có sai sót, vi phạm, mất an toàn trong quá trình thi công nhưng đơn vị thi công không khắc phục, thành viên giám sát phải lập biên bản và báo cáo kịp thời với thủ trưởng đơn vị giám sát để xử lý.

5. Ngay khi nhận được báo cáo, đơn vị được giao giám sát phải kịp thời báo cáo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam để xử lý.

Điều 8. Báo cáo kết quả giám sát

1. Đơn vị giám sát phải lập báo cáo gửi Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam và thông báo cho tổ chức, cá nhân liên quan về kết quả giám sát ngay sau khi kết thúc kỳ hoạt động giám sát (tương ứng với một đợt, một mùa hoặc một bước thi công đề án). Báo cáo giám sát được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 Quy chế giám sát-TT38-BTNMT.

2. Hồ sơ, biên bản, báo cáo giám sát là một trong các tài liệu để xem xét đánh giá trong quá trình nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu các cấp.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN GIÁM SÁT

Điều 9. Vụ Địa chất

1. Giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện Quy chế này.

2. Tổng hợp đề xuất hướng xử lý tiếp theo các báo cáo kết quả giám sát.

Điều 10. Tổ chức, cá nhân liên quan

1. Đối với các đề án thăm dò do tổ chức, cá nhân đầu tư có liên quan đến trách nhiệm quản lý chất lượng của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thì chủ đầu tư có trách nhiệm:

a) Cử đại diện tham gia giám sát cùng với tổ (hoặc nhóm) giám sát của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

b) Thực hiện các cam kết, đóng góp đầy đủ, đúng tiến độ nghĩa vụ tài chính để đảm bảo công tác thi công đề án đúng kế hoạch đã được phê duyệt.

2. Đối với các đề án sử dụng nguồn vốn do nhà nước đầu tư, đơn vị được giao chủ trì đề án thực hiện như điểm a khoản 1 của Điều này.

Điều 11. Đơn vị thi công

1. Cung cấp cho tổ giám sát đầy đủ các thông tin về kế hoạch, thời gian, hạng mục công việc thi công.

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát.

3. Khắc phục, sửa chữa sai sót theo thông báo của cấp có thẩm quyền để đảm bảo việc thi công đạt chất lượng, đúng tiến độ.

Điều 12. Khen thưởng, xử lý vi phạm

1. Cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc giám sát Đề án được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân có hành vi vi phạm quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.