cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 56/2014/QĐ-UBND ngày 21/08/2014 Về việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2014-2015, định hướng đến năm 2020 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 56/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Ngày ban hành: 21-08-2014
  • Ngày có hiệu lực: 31-08-2014
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-09-2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1097 ngày (3 năm 2 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-09-2017
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-09-2017, Quyết định số 56/2014/QĐ-UBND ngày 21/08/2014 Về việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2014-2015, định hướng đến năm 2020 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định 60/2017/QĐ-UBND về Quy định việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 56/2014/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 21 tháng 08 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG VIỆC THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2014 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 06/2013/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 1327/TTr-SVHTTDL ngày 22 tháng 7 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số vấn đề trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2014-2015, định hướng đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
-Cục KTVBQPPL - Bộ Tư pháp;
- TVTU;
- TT.HĐND tỉnh;
- CT và PCT UBND tỉnh;
- Cổng TTĐTCP;
- VP: PCVP và các CV;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, VH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Dung

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG VIỆC THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2014 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 56/2014/QĐ-UBND ngày 21 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định một số vấn đề trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Quy định này được áp dụng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân là công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Mục đích

1. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển bền vững.

2. Tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong toàn tỉnh về ý thức chấp hành và thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn.

3. Giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, những nét đẹp văn hóa của vùng đất Cố đô Huế.

4. Hình thành nếp sống văn minh, tiến bộ, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội; phòng, chống và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm nếp sống văn minh đô thị và nông thôn.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa

1. Đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên các phương tiện thông tin đại chúng và bằng nhiều hình thức: cổ động trực quan; họp thôn, tổ dân phố; sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, quần chúng...

2. Các cơ quan, đơn vị, hộ dân treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc đúng quy định và đầy đủ trong các ngày Lễ, Tết, lễ hội và các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng.

3. Giữ gìn xanh, sạch, đẹp các di tích lịch sử, di tích văn hóa, công viên, các công trình công cộng.

4. Bảo tồn và phát huy các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống và thuần phong mỹ tục của các địa phương.

5. Thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy ước xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa.

6. Vận động cán bộ và người dân thực hiện tang lễ không quá 03 ngày; hạn chế rải vàng mã trên đường đưa tang.

7. Tổ chức lễ cưới, lễ tang, lễ hội và các sinh hoạt văn hóa - xã hội khác văn minh, lành mạnh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm.

8. Giao tiếp, ứng xử có văn hóa, văn minh, lịch sự. Sử dụng trang phục lịch sự khi đến những nơi trang nghiêm, các điểm di tích lịch sử, văn hóa.

9. Quy định thí điểm những tuyến đường không rải vàng mã khi đưa tang:

a) Trên địa bàn thị xã Hương Thủy:

- Đường Nguyễn Tất Thành;

- Đường Sóng Hồng;

- Đường Tân Trào;

- Đường Nguyễn Khoa Văn;

b) Trên địa bàn thị xã Hương Trà:

- Đường Thống Nhất;

- Đường Lý Bôn;

- Đường Lê Hoàn;

- Đường Trần Quốc Tuấn.

c) Trên địa bàn thành phố Huế:

- Đường Lý Thường Kiệt;

- Đường Lê Lợi;

- Đường Hùng Vương (từ cầu Trường Tiền đến Ngã 4 Bà Triệu - Nguyễn Huệ - Hùng Vương);

- Đường Võ Thị Sáu;

- Đường Phạm Ngũ Lão;

- Đường Đống Đa;

- Đường Chu Văn An.

10. Nghiêm cấm các hành vi sau:

a) Rải vàng mã khi đưa tang trên các tuyến đường được quy định tại Khoản 9 Điều này;

b) Rải, thả hàng mã, vàng mã xuống biển, sông, hồ, suối;

c) Lợi dụng lễ hội để tổ chức các hoạt động bói toán, cờ bạc dưới mọi hình thức;

d) Phục hồi các hủ tục lạc hậu trong đám cưới, đám tang và lễ hội;

đ) Kinh doanh, lưu hành, phổ biến xuất bản phẩm đồi trụy, mê tín dị đoan.

Điều 4. Bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị, nông thôn

1. Đảm bảo vệ sinh môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi ở, đường phố, thôn xóm, cơ quan luôn sạch, đẹp; tham gia làm vệ sinh chung theo quy định của thành phố, huyện, thị xã, tổ, thôn, cơ quan, đơn vị.

2. Có thùng rác tại các nơi công cộng. Đổ rác, thu gom rác, chất thải theo quy định.

3. Các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm túc quy định về bảo vệ môi trường.

4. Các hộ gia đình dùng thùng đốt vàng mã để đảm bảo vệ sinh môi trường và quy định về phòng, chống cháy nổ.

5. Xây dựng mô hình “Tổ dân phố không rác”, “Thôn không rác”.

6. Xây dựng đảm bảo hệ thống thoát nước, công trình điện chiếu sáng ở các tuyến đường nội thị và khu dân cư.

7. Nghiêm cấm các hành vi sau:

a) Treo dán, viết, vẽ, đặt biển quảng cáo rao vặt làm mất mỹ quan; cơi nới, làm mái che sai quy định;

b) Tập kết phế liệu trong khu dân cư;

c) Đổ chất phế thải, rác, nước thải trực tiếp ra đường, vỉa hè, xuống sông, ao, hồ, suối, biển…

Điều 5. Bảo đảm trật tự xã hội, an toàn giao thông

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật giao thông (đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt) để nâng cao ý thức tự giác chấp hành, ứng xử có văn hóa của người dân khi tham gia giao thông.

2. Phấn đấu giảm mạnh các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ.

3. Lắp đặt biển báo, phân luồng, sơn kẻ hướng dẫn giao thông; chấn chỉnh hoạt động các bến xe, điểm dừng đỗ xe và trông giữ xe.

4. Ngăn chặn và xử lý nghiêm các tệ nạn xã hội, các vụ bạo lực gia đình, các hoạt động bói toán, mê tín dị đoan trên địa bàn.

5. Nghiêm cấm các hành vi sau:

a) Lấn chiếm lòng, lề đường, hè phố, mặt cầu làm nơi để xe, rửa xe, trông giữ xe, buôn bán, kinh doanh, họp chợ, tập kết vật liệu xây dựng gây cản trở giao thông;

b) Đeo bám du khách để ăn xin, bán hàng tại các điểm tham quan du lịch, bến xe, bến thuyền, chợ, khách sạn, nhà hàng, các điểm sinh hoạt văn hóa, tâm linh, nơi tổ chức lễ hội;

c) Các hình thức hát rong, quảng cáo rao vặt và quảng cáo có sử dụng loa phóng thanh trên địa bàn tỉnh;

d) Vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, không đội mũ bảo hiểm theo quy định của pháp luật, điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng chất kích thích;

đ) Sử dụng các loại phương tiện tự chế để chở hàng hóa lưu thông trên đường.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Trách nhiệm thi hành

1. Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế có trách nhiệm phổ biến, quán triệt tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm túc Quy định này. Xây dựng kế hoạch công tác hàng năm để triển khai thực hiện các nội dung của Quy định.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền những nội dung của Quy định, các tiêu chí xây dựng nếp sống văn minh để nâng cao ý thức, nhận thức trách nhiệm công dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn.

3. Công an tỉnh chỉ đạo Công an thành phố và các huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra và xử phạt nghiêm khắc, kịp thời các hành vi vi phạm nếp sống văn minh đô thị và nông thôn theo quy định của pháp luật. Định kỳ và đột xuất tổ chức các đợt ra quân đồng loạt để lập lại trật tự đô thị và nông thôn.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế:

a) Căn cứ nội dung Quy định này chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn, các làng, thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư để bổ sung vào các quy ước, hương ước xây dựng làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa;

b) Phối hợp với Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể cùng cấp xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Quy định xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn tới toàn thể quần chúng nhân dân.

5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm vận động gia đình, cộng đồng dân cư thực hiện nếp sống văn minh theo quy định tại Quy định này.

Điều 7. Thanh tra, kiểm tra

Hàng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện Quy định này.

Điều 8. Khen thưởng, xử lý vi phạm

1. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, đơn vị, hộ gia đình, người lao động và cá nhân có thành tích trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, hộ gia đình, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cá nhân có hành vi vi phạm hoặc làm trái Quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh, vướng mắc, đề nghị phản ánh về cơ quan thường trực (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung và điều chỉnh Quy định này./.